Tuesday, March 24, 2015

Địa Chính Trị Trong Quan Hệ Hoa Kỳ-Cuba

George Friedman
23/12/2014

Lê Minh Nguyên dịch


Trong tuần qua, Tổng thống HK Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng ý trao đổi tù nhân đang bị giam giữ về tội gián điệp. Ngoài ra, Washington và Havana đồng ý tổ chức các cuộc thảo luận với mục đích thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Không có thoả thuận nào về việc chấm dứt lệnh cấm vận của HK đối với Cuba, cái bước đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc Hội.

Đây là một thỏa thuận khiêm tốn, bởi vì trong thực tế không có bất cứ một thỏa thuận nào được ký kết. Quan hệ HK-Cuba đã giá băng trong nhiều thập kỷ, với không bên nào sẵn sàng nhượng bộ đáng kể hoặc thậm chí có những buớc đi đầu. Nguyên nhân một phần là do chính trị nội bộ của mỗi nước mà nó làm cho việc lạnh nhạt được khuyến khích. Về phía HK, liên minh của người Mỹ gốc Cuba, các nhóm bảo thủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của Cuba và ngăn chặn nỗ lực. Về phía Cuba, sự thù nghịch với Hoa Kỳ đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì chính đáng tính cho chế độ cộng sản. Không chỉ chính quyền được sinh ra để chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, mà Havana cũng còn sử dụng lệnh cấm vận của HK để giải thích cho những thất bại kinh tế của Cuba. Không có áp lực bên ngoài để thúc đẩy hai bên tuơng nhuợng nhau, và có nhiều lý do nội bộ đáng kể để duy trì tình trạng ngưng đọng như vậy.

Người Cuba bây giờ đang bị một số áp lực để chuyển dịch chính sách của họ. Họ đã tìm cách để tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô với những khó khăn. Bây giờ họ phải đối diện với một vấn đề cấp bách ngay trước mắt: sự bất ổn của Venezuela. Caracas cung cấp dầu cho Cuba với sự giảm giá rất lớn. Thật khó có thể nói nền kinh tế của Cuba gần bờ vực như thế nào, nhưng rõ ràng là dầu của Venezuela đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể. Chính quyền của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn đang tăng tốc cho những thất bại về kinh tế. Nếu chính phủ Venezuela sụp đổ, Cuba sẽ mất đi một trong những trụ cột nền móng để chống đỡ chế độ. Số phận của Venezuela vẫn còn chưa biết được như thế nào, nhưng Cuba phải đối mặt với khả năng của một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra này, và phải tạo điều kiện cho việc mở cửa. Mở cửa sang Hoa Kỳ thì hợp lý trong việc duy trì chế độ.

Lý do cho sự thay đổi của HK thì ít rõ ràng hơn. Nó có ý nghĩa chính trị từ thế đứng của Obama. Thứ nhất, về ý thức hệ, bỏ cấm vận hấp dẫn ông ta. Thứ hai, ông có ít thành công trong chính sách đối ngoại được ghi nhận. Bình thường hóa quan hệ với Cuba là cái gì đó ông có thể đạt được, bởi vì những nhóm như Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ việc bình thường và sẽ cung cấp vỏ bọc chính trị bảo vệ ông bên phía Đảng Cộng hòa. Nhưng cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là các nền tảng địa chính trị đã ám ảnh HK về Cuba hầu hết đã không còn nữa, nếu không phải vĩnh viễn thì ít ra là trong tương lai gần. Bình thường hóa quan hệ với Cuba không còn là mối đe dọa chiến lược. Để hiểu được phản ứng của HK với Cuba trong nửa thế kỷ qua, quan trọng là sự hiểu biết về thách thức địa chính trị của Cuba cho Hoa Kỳ.

Giá trị chiến lược của Cuba

Ngược dòng thời gian, sự thách thức bắt đầu từ khi hoàn tất việc mua Louisiana của Tổng thống Thomas Jefferson năm 1803. Lãnh thổ Louisiana thuộc sở hữu của Tây Ban Nha trong hầu hết lịch sử của nó cho đến khi nó được nhượng lại cho Pháp một vài năm trước khi Napoleon bán lại cho Hoa Kỳ để lấy tiền tài trợ cho chiến tranh với người Anh. Jefferson thấy Louisiana là thiết yếu cho an ninh quốc gia của HK trong hai phuơng diện: Thứ nhất, dân Mỹ vào thời điểm đó chủ yếu sống ở phía đông của rặng núi Appalachians trong một dải dài chạy từ New England tới biên giới Georgia-Florida. Nó rất dễ bị xâm lược và không có chổ để rút lui, như hiển nhiên đã thấy trong cuộc chiến tranh năm 1812. Thứ hai, Jefferson có viễn kiến về sự thịnh vượng của HK nên được xây dựng xung quanh những nông dân sở hữu đất đai của mình, sống như các doanh nhân chứ không phải là nông nô. Vùng đất trù phú của Louisiana, nếu ở trong tay của những người di dân đến Hoa Kỳ, sẽ tạo ra sự giàu có để xây dựng đất nước và cung cấp chiều sâu chiến lược để đảm bảo an ninh của HK.

Điều làm cho Louisiana có giá trị là cấu trúc sông của nó sẽ cho phép người nông dân miền Trung Tây vận chuyển hàng hóa trong các sà lan đến sông Mississippi và theo dòng đi xuống New Orleans. Tại đây, nông phẩm sẽ được chuyển qua cho các tàu đi biển và vận chuyển đến châu Âu. Các nông phẩm này sẽ làm cho cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh dễ thực hiện, vì việc nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm giúp giải phóng nông dân Anh hầu cung cấp nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp ở đô thị.

Để cho việc thực hiện điều này được thuận tiện, HK cần kiểm soát hệ thông sông ngòi chằn chịt Ohio-Missouri-Mississippi (trong đó có rất nhiều con sông khác), cửa sông Mississippi, Vịnh Mexico, và các lối ra Đại Tây Dương chạy giữa Cuba và Florida, cũng như giữa Cuba và Mexico. Nếu chuỗi dây chuyền cung cấp này bị phá vỡ ở bất cứ nơi nào, nó sẽ gây hậu quả đáng kể cho toàn cầu - và đặc biệt là cho HK. New Orleans vẫn là cảng lớn nhất cho các khối luợng hàng to lớn ở HK, vẫn vận chuyển lương thực tới châu Âu và nhập khẩu thép cho nền sản xuất của HK.

Đối với người Tây Ban Nha, Lãnh Thổ Louisiana là lá chắn chống HK xâm nhập vào Mexico và các mỏ bạch kim giàu có của họ, nó cung cấp một phần đáng kể cho sự giàu thịnh của Tây Ban Nha. Với Louisiana trong tay HK, những thành trì quan trọng này bị đe dọa. Nhìn từ quan điểm của người Mỹ, mối quan tâm của Tây Ban Nha có thể đưa đến khả năng Tây Ban Nha can thiệp vào thương mại của HK. Với Florida, Cuba và Yucatan (Mễ) nằm trong tay Tây Ban Nha, người Tây Ban Nha có tiềm năng để ngăn chặn dòng sản xuất chảy xuống Mississippi.

Cựu Tổng thống Andrew Jackson đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Jefferson. Là một tướng lãnh, ông tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại người da đỏ Seminole ở Florida và chiếm lấy lãnh thổ này từ sự cai trị của Tây Ban Nha - và từ Seminoles. Ông bảo vệ New Orleans từ cuộc tấn công của Anh năm 1814. Khi ông trở thành tổng thống, ông thấy rằng Mexico, bây giờ đã độc lập từ Tây Ban Nha, trở thành mối đe dọa chính cho toàn bộ sự nghiệp của vùng trung Mỹ. Biên giới của Mexico ở Texas nằm trên sông Sabine, chỉ 193 km (120 dặm) từ Mississippi. Jackson, thông qua cấp duới của ông là Sam Houston, khuyến khích sự nổi dậy của Texas chống lại người Mexico để thiết lập sân khấu cho sự sáp nhập.

Nhưng Cuba của Tây Ban Nha vẫn là cái gai đâm vô hông HK. Các eo biển Florida và Yucatan đều hẹp. Mặc dù Tây Ban Nha, ngay cả khi ở trong trạng thái suy yếu, vẫn có thể ngăn chặn tuyến đường thương mại của Mỹ, nhưng người Anh mới chính là điều làm cho người Mỹ lo lắng nhất. Có căn cứ ở Bahamas, gần Cuba, người Anh, trong tâm trí của họ có nhiều mâu thuẫn với Hoa Kỳ, có thể chiếm Cuba và áp đặt lệnh phong tỏa gần như bất khả phá vỡ, làm tê liệt nền kinh tế HK. Anh phụ thuộc vào nông phẩm ở Mỹ, cho nên không thể loại trừ khả năng họ sẽ tìm cách giành quyền kiểm soát xuất khẩu từ Trung Tây để đảm bảo an ninh kinh tế của họ. Nỗi lo sợ quyền lực của Anh đã góp phần định hình cuộc nội chiến và những thập kỷ sau đó.

Cuba là chìa khóa. Nếu nó trong tay của một thế lực thù địch nước ngoài, nó có giá trị như nút đậy sông Mississippi, không khác gì chiếm được New Orleans. Sự suy yếu của người Tây Ban Nha làm cho người Mỹ lo sợ. Bất kỳ quyền lực mạnh mẽ nào của châu Âu - nguời Anh, hay sau năm 1871, người Đức - có thể dễ dàng đá văng người Tây Ban Nha ra khỏi Cuba. Và Hoa Kỳ, thiếu một lực lượng hải quân hùng mạnh, sẽ không thể đối phó. Chiếm Cuba đã trở thành vấn đề cấp bách trong chiến lược của HK. Theodore Roosevelt, tổng thống trông coi sự trừng lên của HK như là một cuờng quốc hải quân lớn - và là người đã giúp đảm bảo việc xây dựng kênh đào Panama, vì nó tối quan trọng cho một lực lượng hải quân hai đại dương - đã trở thành biểu tượng của việc HK chiếm Cuba trong cuộc chiến Tây ban nha-HK những năm 1898-1900.

Với việc chiếm Cuba, đường vận chuyển New Orleans-Atlantic được bảo đảm. Hoa Kỳ duy trì quyền kiểm soát Cuba cho đến khi sự nổi lên của Fidel Castro. Nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn lo lắng về an ninh Cuba. Bởi vì nếu chính tự nó, hòn đảo này không thể đe dọa các đường cung cấp hàng hải. Tuy nhiên, nếu trong tay của một thế lực thù địch đáng kể, Cuba có thể trở thành căn cứ cho việc bóp nghẹt Hoa Kỳ. Trước thế chiến thứ II, khi có dư luận ồn ào về ảnh hưởng của Đức ở Cuba, Hoa Kỳ đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự vuơn lên của cựu lãnh đạo Cuba, Fulgencio Batista, được coi như là một đồng minh hay con rối của HK, tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi nguời. Nhưng điều then chốt là: Bất cứ khi nào có một thế lực lớn của nước ngoài quan tâm đến Cuba, thì Hoa Kỳ luôn phản ứng, điều này đã có hiệu quả cho đến khi Castro nắm quyền vào năm 1959.

Ảnh hưởng của Liên Xô

Nếu Liên Xô muốn tìm kiếm một điểm duy nhất mà từ đó họ có thể đe dọa lợi ích của HK, họ sẽ thấy không có nơi nào hấp dẫn hơn Cuba. Vì vậy, cho nên dù Fidel Castro có là cộng sản hay không trước khi nắm chính quyền, thì cuối cùng ông ta cũng sẽ trở thành một đồng minh cộng sản của Liên Xô. Tôi nghi rằng ông ta đã trở thành cộng sản những năm trước khi ông lên nắm quyền nhưng đã khôn ngoan che giấu, vì biết rằng nếu công khai nói mình là nhà cai trị theo cộng sản ở Cuba, thì sẽ làm sống lại những nỗi sợ hãi cũ của HK. Cũng có thể, ông không phải là nguời cộng sản, nhưng quay sang Liên Xô vì sợ hãi sự can thiệp của HK. Hoa Kỳ, do không thể đọc được là cuộc cách mạng đang xảy ra, đã máy móc đi theo hướng gia tăng sự kiểm soát. Castro, dù như một người cộng sản, hay một nhà cải cách ruộng đất, hay bất cứ ông ta là gì, đều cần một đồng minh để chống lại sự can thiệp của HK. Cho dù sự sắp xếp đã được lên kế hoạch từ nhiều năm, như tôi nghi ngờ, hay do một cú đẩy đột ngột, Liên Xô đã nhìn thấy nó như là một cuộc hôn nhân được thực hiện ở thiên đàng.

Cho dù Liên Xô không bao giờ đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba, Hoa Kỳ vẫn sẽ phản đối một đồng minh của Liên Xô nắm quyền kiểm soát ở Cuba trong Chiến Tranh Lạnh. Điều này đã được in khằng trong địa chính trị của HK. Nhưng Liên Xô đã đặt tên lửa ở đó, đây cũng là điều cần nên đề cập đến.

Lực lượng không quân Liên Xô thiếu các máy bay chiến luợc ném bom tầm xa. Trong Thế chiến thứ II, họ đã tập trung vào máy bay tầm ngắn, lực luợng không quân của họ để yểm trợ các hoạt động trên mặt đất. Hoa Kỳ, vì đương đầu với cả Đức và Nhật Bản từ trên không ở tầm xa, cho nên có rất nhiều kinh nghiệm với máy bay ném bom tầm xa. Do đó, trong những năm 1950s, máy bay HK có căn cứ ở Châu Âu, và kế đến, với B-52 ở lục địa Hoa Kỳ, đều có thể tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân. Liên Xô, thiếu một đội ngũ máy bay ném bom tầm xa, không thể trả đũa Hoa Kỳ. Cán cân quyền lực hoàn toàn nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Liên Xô lập kế hoạch nhảy vọt vuợt qua sự khó khăn trong việc xây dựng đội máy bay ném bom có ​​người lái, bằng cách di chuyển các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đầu những năm 1960s, các thiết kế tên lửa đã tiến nhanh, nhưng triển khai sử dụng thì chưa. Liên Xô không thể ngăn chặn hiệu quả một cuộc tấn công hạt nhân của HK, ngoại trừ hạm đội tàu ngầm vẫn còn kém phát triển của họ. Bầu không khí giữa Hoa Kỳ và Liên Xô chứa nhiều nọc độc, và Moscow không thể giả định rằng Washington sẽ không sử dụng cửa sổ cơ hội đang bị thu hẹp để tấn công một cách an toàn chống Liên Xô.

Liên Xô có tên lửa đạn đạo tầm trung hiệu quả. Mặc dù nó không thể bắn tới Hoa Kỳ từ Liên Xô, nhưng nó có thể bắn tới hầu như tất cả các nơi nào của Hoa Kỳ từ Cuba. Người Nga chỉ cần mua thêm chút thời gian cần thiết để triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa khổng lồ và lực luợng tàu ngầm. Cuba là một nơi hoàn hảo để triển khai từ đó. Nếu thành công, Liên Xô có thể đóng lại cửa sổ cơ hội của HK bằng cách đặt một lực lượng răn đe ở Cuba. Họ đã bị khám phá trước khi họ có thể sẵn sàng. Hoa Kỳ đe dọa chiếm đóng, và Liên Xô nghĩ rằng người Mỹ cũng đang đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân áp đảo vào Liên Xô. Họ đã phải lùi bước. Như đã được biết, Hoa Kỳ không dự định cho một cuộc tấn công như vậy, nhưng Liên Xô không thể biết được điều đó.

Cuba đã khằng lên tâm lý chiến lược của Mỹ qua hai lớp. Tự nó, nó không bao giờ là một mối đe dọa. Dưới sự điều khiển của một lực lượng hải quân nước ngoài, nó có thể bóp nghẹt Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô cố gắng triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung, nó tạo ra thêm một lớp mới, đó là Cuba trở thành mối đe dọa tiềm năng cho lục địa HK, tương tự như các tuyến đường thương mại. Các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Xô bao gồm việc đảm bảo là HK không xâm chiếm Cuba, và Liên Xô không lập căn cứ vũ khí hạt nhân ở đó. Nhưng Cuba vẫn là một vấn nạn đối với Hoa Kỳ. Nếu có một cuộc chiến tranh ở châu Âu, Cuba sẽ là một căn cứ để đe doạ sự kiểm soát của HK ở Caribbean, và cùng với nó, là khả năng của HK để vận chuyển tàu từ hạm đội Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Áp lực của Hoa Kỳ không bao giờ thuyên giảm cho Cuba, Liên Xô sử dụng nó như là một căn cứ cho nhiều thứ, trừ vũ khí hạt nhân (ta cho là như vậy), và chế độ Castro bám vào Liên Xô để có được an ninh, trong khi hỗ trợ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, như thuờng được gọi, ở châu Mỹ Latin và châu Phi, nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của Liên Xô.

Cuba hậu Liên Xô

Với sự sụp đổ của Liên Xô, Castro bị mất nơi nương tựa và bảo đảm chiến lược. Mặt khác, Cuba không còn là mối đe dọa cho Hoa Kỳ. Có một sự thỏa hiệp ngầm. Vì Cuba đã không còn là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng trên lý thuyết vẫn là có thể, cho nên Washington sẽ không chấm dứt sự thù địch đối với Havana nhưng sẽ không tích cực cố gắng lật đổ. Về phần mình, chính quyền Cuba hứa sẽ không làm những gì, mà thực ra nó cũng không thể có khả năng làm: trở thành một mối đe dọa chiến lược cho Hoa Kỳ. Cuba vẫn là mối phiền toái giống như Venezuela, nhưng mối phiền toái không phải là đe dọa chiến lược. Do vậy, mối quan hệ vẫn lạnh.

Kể từ khi mua Louisiana, Cuba là mối đe dọa tiềm năng cho Hoa Kỳ khi nó bị kiểm soát hay nó liên kết với một cường quốc châu Âu. Vì vậy, Hoa Kỳ không ngừng cố gắng định hình các chính sách của Cuba, và do đó, lên chính trị nội bộ của Cuba. Mục tiêu của Fidel Castro là chấm dứt sự ảnh hưởng của HK, nhưng ông chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách nối kết với một cường quốc: Liên Xô. Cuba độc lập từ Hoa Kỳ đòi hỏi nó phải lệ thuộc vào Liên Xô. Và rằng, giống như tất cả các mối quan hệ, nó phải trả bằng một cái giá.

Việc trao đổi tù nhân là thú vị. Việc mở đại sứ quán là quan trọng. Nhưng câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời. Ở thời điểm này, không có quyền lực lớn khai thác vị trí địa lý của Cuba (bao gồm cả Trung Quốc, cho hiện tại). Vì vậy, không có các vấn đề quan trọng. Nhưng không ai biết được tương lai. Cuba muốn duy trì chế độ và tìm cách giải tỏa áp lực từ Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, Cuba thực sự không quan trọng. Nhưng khi thời gian đi qua, không ai có thể đảm bảo rằng nó sẽ không trở nên quan trọng. Cho nên, chính sách của HK nhấn mạnh vào sự thay đổi chế độ trước khi giải tỏa áp lực. Với việc Cuba quyết định duy trì chế độ, thì Cuba có gì để cho? Họ có thể hứa trung lập vĩnh viễn, nhưng cam kết như vậy không có giá trị nhiều.

Cuba cần quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt là nếu chính quyền Venezuela sụp đổ. Với nền kinh tế nghèo nàn của Venezuela thì có thể, về mặt lý thuyết, Cuba buộc phải thay đổi chế độ do từ áp lực nội bộ. Hơn nữa, Raul Cátro đã già và Fidel Cátro đã rất già. Nếu chính quyền Cuba cần phải duy trì, nó phải được bảo đảm ngay từ bây giờ, bởi vì hiện giờ không được rõ là những gì sẽ nối tiếp khi hậu Castros. Nhưng Hoa Kỳ có yếu tố thời gian, và mối quan tâm về Cuba là một phần trong DNA của HK. Không có sự lo lắng trong hiện tại, thì duy trì áp lực là điều không có ý nghĩa. Nhưng Washington cũng không có sự khẩn cấp để chấm dứt nó cho Havana. Obama có thể muốn có một di sản, nhưng logic của tình hình là Cuba cần điều này hơn HK, và cái giá của HK cho việc bình thường sẽ cao hơn khi nó xuất hiện ở thời điểm này, cho dù được thiết lập bởi Obama hay người kế nhiệm ông.

Chúng ta đang vẫn còn xa để giải quyết một tranh chấp chiến lược bắt nguồn từ vị trí của Cuba, và sự kiện là vị trí của nó có thể đe dọa lợi ích của HK. Cho nên, động thái cởi mở chỉ là động thái cởi mở. Con đường vẫn còn rất dài trong vấn đề này.

www.goo.gl/bzKwtC






No comments:

Post a Comment