Sunday, January 24, 2016

Dùng Thủ Tục Để Loại Nhau Trong Đảng CSVN

Các thủ tục để tiến tới Đại Hội 12 Đảng CSVN và ngay trong đại hội khá phức tạp làm cho nhiều người ngoài đảng tương đối khó hiểu.

Bài này nhằm trình bày các bước đi về thủ tục của họ để tìm cách loại nhau.

Đại hội (hay Khoá - Khoá 11 để chỉ Đại Hội 11, Khoá 12 để chỉ Đại Hội 12 - ta sẽ gọi là K11, K12) là cơ quan quyền lực cao nhất, họp mỗi 5 năm một lần để làm hai việc quan trọng (1) lập khung suờn hay đường lối chính trị, kinh tế... cho 5 năm tới qua các văn kiện và nghị quyết đại hội, (2) chọn nhân sự lãnh đạo cho 5 năm tới. Số đại biểu dựa vào số đảng viên của các tỉnh thành và các cơ quan chính quyền trung ương (bao gồm công an và quân đội). Số đại biểu của K12 là 1,510 người.

Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTU) là cơ quan quyền lực cao thứ hai sau đại hội và cao nhất giữa hai kỳ đại hội, tức cao nhất trong 5 năm. Trong 5 năm này có trung bình khoảng 12 kỳ họp trung ương, có khi nhiều hơn như K11 vừa qua với 14 kỳ họp trung ương (ta sẽ gọi là TU14 cho kỳ họp trung ương cuối cùng của K11 hôm 11-13/1). Trung ương K11 có 175 ủy viên chính thức (chết 2 nên còn 173 và không đôn lên) và 25 dự khuyết. Trung ương K12 dự trù sẽ là 180 chính thức và 20 dự khuyết. Trung bình trung ương họp mỗi 5 tháng một lần.

Bộ Chính Trị (BCT) là cơ quan quyền lực cao thứ ba sau đại hội và BCHTU, và cao nhất giữa các kỳ họp trung ương. BCT K11 có 16 uỷ viên và dự trù cho K12 sẽ là 18 uỷ viên. BCT họp theo nhu cầu trong khoảng 5 tháng giữa hai kỳ họp của BCHTU, công việc lãnh đạo hàng ngày do Ban Bí thư (BBT) mà trong đó Tổng bí thư đứng đầu đảm nhiệm.

Sau khi ông Trọng thua đậm trong hai kỳ hội nghị TU6 (tháng 10/2012 không kỹ luật được ông Dũng) và TU7 (tháng 5/2013 không đưa được Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào BCT), ông và ông Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ Chức) đã tìm cách để TU9 (tháng 5/2014) thông qua Quyết định số 244-QĐ/TƯ về quy chế bầu cử mà chính yếu là những đảng viên cấp uỷ tức các đảng viên đang lãnh đạo từ trung ương (BCT hay BBT) đến địa phương của K11 không được ứng cử hay nhận đề cử những người ngoài danh sách do cấp uỷ đưa ra (ở trung ương là BCT đưa ra).

Với nguyên tắc tập trung dân chủ, TU14 đã đưa qua đại hội K12 danh sách 4 người mà ông Trọng là TBT, ông Quang là CTN, ông Phúc là TTCP, bà Kim Ngân là CTQH. Đây là danh sách mà K11 ĐỀ NGHỊ để đại hội K12 cứu xét. Vì đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất cho nên cứu xét thế nào yes/no là K12 có toàn quyền. Nhưng những người của K11 vẫn bị ràng buộc bởi QĐ-244 nên không thể tự ứng cử hay nhận đề cử của những uỷ viên trong BCHTU K11 khác (chỉ 4 nhân vật của TU14 đưa qua mà thôi).

Đại hội bao gồm rất nhiều đại biểu mới chứ không phải chỉ những người cấp uỷ của K11 nên những người mới này ĐƯỢC QUYỀN đề cử bất cứ ai, có nghĩa là được quyền đề cử ông Dũng (hay ông Sang, ông Nghị...). Qua tin tức hôm nay 24/1, ta thấy đại hội K12 đã đề cử ông Dũng và vài người cấp ủy khác của K11.

Tuy nhiên, ông Dũng vì ở trong cấp uỷ K11 nên vẫn bị QĐ-244 kềm kẹp nên phải chính thức lên tiếng từ chối sự đề cử này. Ông Dũng và các ông K11 khác sẽ làm như vậy sáng ngày mai 25/1.

Đại hội K12 sẽ quyết định việc cho ông Dũng rút hay không bằng cách bỏ phiếu. Muốn được ở lại, ông Dũng phải được đa số quá bán đại biểu đồng ý, tức là 756 đại biểu trở lên, cuộc bỏ phiếu sẽ xảy ra chiều mai 25/1.

Nếu ông Dũng được 756 phiếu hay nhiều hơn không cho rút thì ông Dũng đã qua được rào cản 1 (trong khi ông Trọng thì đương nhiên qua) để vào rào cản 2 của ngày 26/1 mà đại hội K12 bầu các uỷ viên cho BCHTU 180 chính thức và 20 dự khuyết cho K12. Ông Dũng (hay cả ông Trọng) PHẢI đắc cử thành trung ương uỷ viên chính thức của K12 thì mới là ứng viên của BCT K12 và chức TBT. Có 4 trường hợp xảy ra (1) ông Trọng đậu BCHTU K12 và ông Dũng rớt, (2) ông Dũng đậu BCHTU K12 và ông Trọng rớt, (3) cả hai ông đều rớt BCHTU K12, và (4) cả hai ông đều đậu BCHTU K12.

Bây giờ tới phiên BCHTU K12 chứ không phải là đại hội K12 nữa để qua rào cản 3, diễn ra vào ngày 27/1 để bầu BCT, TBT, BBT, UB Kiểm tra TU và Chủ nhiệm UB Kiểm tra TU. Với 4 trường hợp vừa nêu trên thì BCHTU K12 phải quyết định ai là TBT. Trong quá khứ, do nguyên tắc tập trung dân chủ và BCT khoá cũ có ảnh hưởng quá lớn lên đại hội cho nên ít khi có ngạc nhiên, chỉ trừ trường hợp ông Lê Khả Phiêu trong đại hội K9 năm 2001. Nhưng đại hội K12 này sự chia rẽ phe phái vừa có tính cách tranh quyền vừa có tính cách đường lối. Hơn nữa, lần này các phe kéo người ngoài Đảng vào cuộc cho nên khó giữ được nghị trình ban đầu (như Liên Xô cuối thập niên 1980s).

Nguời TBT sau kết quả của đại hội K12 này có thể là ông Trọng, hay ông Dũng hay một người nào khác do hai bên thoả hiệp như họ đã từng làm trước đây để giữ Đảng.

Lý tưởng là nhân cơ hội này họ nên chia đảng ra làm hai hay nhiều đảng nhỏ hơn. Sự thắng thế hoàn toàn của một phe hay sự thoả hiệp chia ghế vào giờ thứ 25 của hai phe để giữ đảng sẽ là một thất vọng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Lê Minh Nguyên
24/1/2026


Saturday, January 23, 2016

Nhìn Từ Lăng Kính Hậu Đại Hội 12

(guessing game)

Trong 3 tháng trước Đại Hội 10 (18-25/4/2006) đã xảy ra khoảng 150 cuộc đình công của công nhân, đây là con số gia tăng bất thường, vượt xa con số cho cả năm của những năm ngay trước đó.

Đại Hội 9 (19-22/4/2001) của 5 năm trước đó thì con số đình công của cả nguyên năm chừng khoảng 80 (trung bình cộng của năm 2000 và 2001).

Đình công đã xảy ra qua các năm:
2000: 71 cuộc
2001: 89
2002: 100
2003: 139
2004: 125
2005: 147
3 tháng đầu năm 2006: 150
(bit.ly/1OOJwSf)

Trong những ngày đầu năm 2006 làn sóng đình công của trên 60,000 công nhân tại hơn 35 doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài ở các tỉnh phía Nam (các khu chế xuất và công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) đòi tăng lương.

Cao trào đình công này được ngưng tương đối đột ngột ngay trước Đại Hội 10 mà một trong những người chủ chốt đứng ra lo thu xếp lúc ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân. (bit.ly/1SbQm8Q) 

Kết quả của Đại Hội 10 là một sự chiến thắng của phe cánh miền Nam với 6 uỷ viên vào Bộ Chính Trị (BCT 15 UV) là: Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Trọng, Lê Hồng Anh, Lê Thanh Hải.

Có thể nói là phe cánh miền Nam lúc đó khá đoàn kết, và tuy ta không chứng minh được yếu tố liên quan (co-relation) giữa cao trào đình công và số uỷ viên miền Nam vào BCT, nhưng cái huê dạng (pattern) của con số đình công bất thường và con số uỷ viên miền Nam vào BCT cũng bất thường, cũng như sự ngưng đình công khá nhanh ngay trước khi đại hội diễn ra, người quan sát có thể nối điểm (connecting the dots) để tạo hình về một sự thoả hiệp để giữ sự đoàn kết nội bộ trong đảng.

Trong Đại Hội 12 kỳ này thì nó ngược lại, phe cánh miền Nam bị chia rẽ khá trầm trọng trước khi diễn ra đại hội. Các ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng chống nhau tưng bừng, các ông bà khác như Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Lê Thanh Hải, Lê Hồng Anh thì hoặc lo thủ thân cho tương lai 5 năm tới, hoặc lo yên ổn về vườn mà không bị moi móc tham nhũng sau này.

Nhìn những diễn biến đại hội trong 3 ngày qua (21-23) thì thấy ông Dũng đang thua cuộc nhưng phe cánh ông Dũng có vẻ không phục cách chơi của đối phương, được thấy qua phát biểu nhóm (Nguyễn Thiện Nhân) hay phát biểu trước đại hội (Võ Văn Thưởng, Đặng Ngọc Tùng, nếu không kể Bùi Quang Vinh).

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Uỷ viên trung ương, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu trong bài tham luận sáng 23/1 tại Đại hội Đảng XII

“Cho phép tôi thay mặt 9 triệu đoàn viên và tổ chức Công đoàn Việt Nam xin cảm ơn... Đặc biệt chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và vô cùng biết ơn đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch Nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo”. - tuoitre 23/1/16 (bit.ly/23kWdxW)

Cụ Rùa đã theo Cụ Hồ lăn ra chết vào ngày khai mạc đại hội 21/1, nhiều người tin dị đoan cho rằng đây là điềm báo (omen) xấu cho Đảng vì nước Việt Nam chỉ có hai Cụ được danh vị đó mà hai Cụ đều thăng theo hai hướng khác nhau của địa ngục/thiên đàng, thì cái Đảng già cỗi này cũng không còn cần để làm nền cho hai Cụ nữa.

Các chỉ dấu cho thấy kỳ đại hội này có cái đuôi đình công theo sau chứ không phải có cái đầu đình công như Đại Hội 10, sau khi phe cánh miền Nam đã nếm mùi quả đắng. Trong bối cảnh mà TPP sắp thực thi mà Hội nghị trung ương 14 (11-13/1) đã cam kết, trong đó quyền thành lập công đoàn phải được tôn trọng và thực thi, nếu không sẽ bị TPP chế tài, và các tiểu đảng có thể sẽ không muốn thoả thuận với nhau nữa để nhân cơ hội này mà thoát khỏi cái mai rùa Mác-Lê kềm kẹp, các cuộc đình công dường như đã bắt đầu nhúc nhích. (bit.ly/1RG98GK), (bit.ly/1RG9ddp)

Trong Lẽ Biến Động (Dịch Kinh) thì "Cùng tắc biến, biến tắc thông". Vấn đề là thông như thế nào để chuyển thể chế độ chính trị mà không gây ra đổ máu, hận thù và hội nhập được đại khối dân tộc để phát triển và không bị đại ca Tàu uy hiếp.

Lê Minh Nguyên
23/1/2016


Friday, January 22, 2016

Dưới Sự Lãnh Đạo Của Putin, Nga Là Nhà Nước Giết Người

Cuộc điều tra vụ giết Litvinenko sẽ tạo cảm hứng cho nhiều cuộc điều tra khác về chiến thuật xấu xa của Điện Kremlin

David Satter
21/1/2016
Lê Minh Nguyên dịch

Hôm thứ Năm (21/1), cuộc điều tra của nuớc Anh về cái chết ngộ độc polonium của cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko năm 2006 đã nối kết Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vụ giết người này. Thông báo này là bước đầu tiên hướng tới công lý không chỉ cho Litvinenko nhưng cho tất cả các nạn nhân của nhà nuớc khủng bố Nga.

Các bằng chứng áp đảo cho thấy Litvinenko đã bị giết bởi chế độ Nga đã có ngay từ ban đầu. Nhưng kết luận của cuộc điều tra nói rằng ông Putin "rất có thể" chấp thuận truớc vụ giết người là trường hợp đầu tiên của một cơ quan chính thức (của chính quyền Anh) kết nối ông Putin là đã đích thân tham gia vụ giết chết một thành viên của phe đối lập Nga. Khám phá này thực hiện được là do bởi vì tội ác đã xảy ra không ở Nga nhưng ở Anh, và nó được các cơ quan công quyền Anh chứ không phải người Nga điều tra.

Bây giờ nó ràng buộc không chỉ cho phương Tây nhưng còn cho tương lai của Nga là cuộc điều tra Litvinenko sẽ thiết lập một tiền lệ cho việc xem xét lại một cách khách quan từ quốc tế các vụ án khủng bố chính trị ở Nga. Chúng bao gồm cuộc bao vây đẫm máu tại nhà hát Dubrovka ở Moscow vào năm 2002 và tại một trường học ở Beslan năm 2004, những vụ ám sát các nhà báo và các nhà lãnh đạo đối lập, và trên hết, là các vụ đánh bom tàn sát năm 1999 trong các khu hộ mà nó đã giúp ông Putin lên nắm quyền.

Trong trường hợp Litvinenko, những sát thủ bị cáo buộc là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun, họ bị tố cáo trong cuộc điều tra của Anh là đã bỏ polonium-210 vào ly trà của Litvinenko. Dấu vết phóng xạ còn để lại ở khắp London. Dấu vết polonium được tìm thấy trong phòng khách sạn của ông Lugovoi, tại một nhà hàng sushi nơi mà Litvinenko ăn tối với hai người đàn ông này, và ghế máy bay mà ông Lugovoi ngồi trên chuyến bay của British Airlines từ Moscow đến London.

Công tố viên Anh muốn truy tố các ông Lugovoi và Kovtun sau vụ giết người này, nhưng điều đó đã cho thấy là không thể được vì bị Nga cản trở. Khi Anh đòi phỏng vấn ông Lugovoi, một cựu vệ sĩ KGB, và ông Kovtun, một cựu sĩ quan quân đội Liên Xô, điện Kremlin cho biết họ đang tiến hành một cuộc điều tra riêng của họ. Sáu tháng sau cái chết của Litvinenko, các công tố viên Anh đã yêu cầu dẫn độ ông Lugovoi. Ông Putin từ chối, mặc dù Nga đã ký kết Công ước dẫn độ Hội đồng châu Âu năm 2001. Tháng 12 năm 2007, ông Lugovoi được bầu vào Viện State Duma, hay hạ viện, cho phép ông ta được miễn trừ sự truy tố.

Ám sát Litvinenko là một ví dụ điển hình của các phương pháp phạm tội trong chế độ Nga, nhưng nó cũng chưa phải là quá đặc biệt. Các động thái gây hấn và các vụ ám sát chính trị là nhãn hiệu của nước Nga hậu Xô Viết và đã dẫn đến chế độ độc tài Putin.

Thảm cảnh đầu tiên vẫn chưa được khui ra là vụ thảm sát tại tháp truyền hình Ostankino vào năm 1993, trong bối cảnh của một lệnh bất hợp pháp từ Boris Yeltsin để đánh sập tòa nhà quốc hội Nga. Hàng ngàn người biểu tình không vũ trang ủng hộ quốc hội ở gần tháp đã bị bắn với vũ khí tự động, làm cho 46 người chết và 124 người bị thương. Yeltsin sau đó thuyết phục quân đội tấn công tòa nhà quốc hội và, trong cơ hội chiến thắng quân sự, ông đưa ra chế độ siêu tổng thống với các quyền hạn gần như độc tài.

Vì không có kiểm soát lên quyền hành pháp, Yeltsin đã phát động cuộc chiến Chechnya lần đầu tiên vào năm 1994 và tạo dễ dàng cho tham nhũng tràn lan mà nó đưa nước Nga vào đói nghèo và khổ ải.

Một thảm cảnh khác cũng chưa được khui ra là hàng loạt các vụ đánh bom các khu hộ Nga ở ba thành phố vào năm 1999, làm chết hơn 300 người. Các vụ đánh bom đã được sử dụng để biện minh cho chiến tranh Chechnya lần thứ hai, đạo diễn bởi ông Putin, lúc đó là thủ tướng, và giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Hành động chính thức đầu tiên của ông là tha thứ ông Yeltsin cho bất kỳ tội phạm đã làm nào khi cầm quyền. Một quả bom không nổ được phát hiện trong tầng hầm của một tòa nhà ở Ryazan. Những người gài nó hóa ra không phải là khủng bố Chechen nhưng là các agents của tình báo Nga, FSB.

Bốn công dân Nga cố gắng điều tra các vụ đánh bom các căn hộ này đều đã bị sát hại. Họ là hai dân biểu Duma Sergei Yushenkov và Yuri Shchekochikhin, hai phóng viên điều tra Anna Politkovskaya, và Alexander Litvinenko.

Sự hỗ trợ rộng rãi cho cuộc chiến Chechnya lần thứ hai được cũng cố thêm với sự giúp đỡ của hai hành vi khủng bố, vụ vây hãm nhà hát Dubrovka và trường Beslan, mà nó có bằng chứng là chế độ đóng một vai trò. Trong mỗi trường hợp, một ngàn hoặc nhiều hơn, các con tin đã bị giữ bởi bọn khủng bố Chechnya, ông Putin từ chối đàm phán và thay vào đó hành động để giết những kẻ khủng bố cũng như hàng trăm con tin. Các tay lãnh đạo cuộc tấn công vừa mới được thả ra khỏi nhà tù trước đó, và chính quyền đã bỏ ra ngoài tai các cảnh báo đáng tin cậy về một cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra.

Sau vụ thảm sát trường học Beslan, trong đó có 318 con tin bị thiệt mạng mà trong đó có 186 trẻ em, ông Putin tuyên bố bãi bỏ cuộc bầu cử quan trọng để chọn các thống đốc, một vi phạm trực tiếp vào Hiến pháp Nga.

Khi ông Putin củng cố quyền lực độc tài, ông đối mặt với lực luợng đối lập yếu ớt nhưng có ảnh hưởng do Boris Nemtsov, một cựu phó thủ tướng lãnh đạo. Ngày 27/2/2015, Nemtsov bị ám sát trên cầu Moskvoretsky đối diện điện Kremlin, một địa điểm luôn dưới sự giám sát 24/24 bởi các nhân viên bảo vệ cá nhân ông Putin. Các nguời bóp cò bị bắt giữ, nhưng không phải kẻ chủ mưu, và Viện State Duma từ chối tiến hành một cuộc điều tra.

Đó là lý do tại sao kết quả cuộc điều tra vụ án Litvinenko là rất quan trọng. Sự thật về lịch sử gần đây của Nga nhờ đó mà có thể được biết, nhưng không phải do các định chể bị kiểm soát của nhà nước Nga. Việc kiểm tra nhiều tội ác của thời đại Yeltsin và Putin do đó là một nghĩa vụ quốc tế. Một nỗ lực như vậy có thể giúp phương Tây không sa vào chính sách mờ ám (của Nga), nhưng giá trị đích thực mà nó mang lại là giúp cho người dân Nga, những người không thể bắt đầu xây dựng một tương lai tốt hơn mà không tự giải phóng mình khỏi cái mai rùa của những lời nói dối.

(Ông Satter là tác giả của sách "The Less You Know, the Better You Sleep: Russia’s Road to Terror and Dictatorship Under Yeltsin and Putin", sẽ ra mắt tháng Năm bởi Yale University Press.)

on.wsj.com/1REgSJs


Trung Quốc: Năm Mới Tình Hình Mới (phần 3)

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

(Viết và ghi âm ngày 11/1/2016, phát sóng trên đài RFA)
 
Một tình huống mới trong Năm Mới đã nhận được sự chú ý nhất từ ​​tất cả mọi người, và cũng là quan trọng nhất, đó là nền kinh tế. Kinh tế thay đổi thì không chỉ liên quan đến sự sống còn của chế độ CS, mà còn đối với sinh kế của mỗi gia đình ở TQ.
 
Thật không may, tôi phải tường trình những tin tức xấu. Trong năm 2016, nền kinh tế TQ sẽ tiếp tục suy giảm và sẽ trở nên tồi tệ hơn so với năm 2015. Mặc dù các cơ quan truyền thông CS nói những lời tốt đẹp về nền kinh tế, và các cơ quan truyền thông nước ngoài đã bị chế độ mua chuộc cũng đứng bên lề phụ hoạ, nhưng cũng không thể che giấu được sự suy giảm tăng tốc của tình hình kinh tế TQ.
 
Ngay sau ngày Tết Tây, các thị trường chứng khoán TQ lại một lần nữa giảm mạnh, nó giảm dữ dội giống như mùa hè vừa qua. Cái gọi là cơ chế cắt mạch điện thị trường chứng khoán vừa được thiết lập bởi Ủy ban điều hợp chứng khoán TQ (CSRC), đã hành động ngay lập tức và ngưng giao dịch toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, nó đã không vận hành để cho ra hiệu quả mong đợi. Nó lại có tác dụng ngược. Trong vòng chưa đầy một tuần, đã có một loạt chảy mạch ngắt điện này, đưa tới phải hủy bỏ nó. Trong thời gian chỉ hơn một tuần, giá chứng khoán TQ giảm hơn 10% và trở về lại mức trước năm 2014. Một cụm từ thường được sử dụng ở TQ hiện nay là: "Tất cả trở lại thời kỳ (đau khổ) trước khi giải phóng".

Một số người muốn tìm lý do để giải thích sự sụp đổ của thị trường chứng khoán này. Họ nói đó là do dỡ bỏ lệnh cấm bán chứng khoán sau khi sụt giảm vào năm ngoái, vì vậy rất nhiều cổ phiếu đã đổ vào thị trường, dẫn đến sự sụt giảm tạm thời. Ngay sau đó, cầu chì bị đứt nữa, làm cho những thuộc hạ của chính quyền và cảnh sát Internet gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thêm những lời bào chữa.
 
Thị trường chứng khoán là gì? Nó chỉ thực sự là thị trường khi nào người giao dịch có sự tin tưởng. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch, các lãnh đạo doanh nghiệp ở TQ đã bán tống đi rất nhiều cổ phiếu ra thị trường, chứng tỏ có sự thiếu tin tuởng vào nền kinh tế này. Ai là người có hiểu biết tốt nhất về tình hình kinh tế? Nó không phải là những nhà quan sát kiếm sống bằng cách gian lận người khác, nhưng là các nhà quản lý cao cấp điều hành nền kinh tế.
 
Bất kể họ nói những gì, họ sẽ không để cái ví tiền của họ ở một vị trí bất lợi. Họ đang bán chứng khoán công ty của họ một cách điên cuồng, cho thấy tình hình kinh tế là rất xấu ở TQ, và không chỉ xấu trong ngắn hạn. Nếu nó chỉ xấu trong ngắn hạn, các cổ đông lớn vẫn sẽ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi, qua những kế hoạch dài hạn. Tuy nhiên, họ không có đủ kiên nhẫn để chờ đợi, có nghĩa là dự kiến dài hạn cũng rất xấu. Thậm chí còn hơn thế nữa, dự báo tổng thể về nền kinh tế TQ là rất xấu. Vì vậy, những người trong cuộc không có niềm tin, và phải bán cổ phiếu để giảm bớt thiệt hại của họ.
 
Các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không để bị gạt bởi sự giả dối ồn ào của các cơ quan truyền thông. Họ sẽ đi theo những cổ đông lớn, là những người có các thông tin nội bộ. Vì vậy, họ cũng sẽ bán cổ phiếu của họ càng sớm càng tốt để giảm thiểu thiệt hại hoặc thu được một lợi nhuận nhỏ. Việc bán tháo này làm cho thị trường chứng khoán đã xấu lại càng xấu hơn, khiến giá cả lại càng giảm nhanh hơn để tạo thành một sự sụp đổ (crash).
 
Tại sao các "chuyên gia" kinh tế đã không có niềm tin vào tình hình kinh tế dài hạn ở TQ? Đó là bởi vì nền kinh tế bong bóng dựa trên hơn mười năm phát triển không bình thường ở TQ đã dẫn đến một cơ cấu kinh tế rất bất hợp lý. Có hai trụ cột cơ bản trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của TQ: một là thương mại của TQ ở nước ngoài, hai là sự xây dựng quá lạm cơ sở hạ tầng.
 
Về thương mại ở nước ngoài của TQ, nó bị vấn đề chất lượng sản phẩm xấu do phát triển quá nhanh. Có đầy các sản phẩm kém chất lượng và hàng giả. Sau khi bị lừa dối trong hơn mười năm, người tiêu dùng phương Tây đã trở nên ngày càng chối bỏ những hàng giả và hàng kém chất lượng. Ngay cho dù không có các rào cản thương mại, sự đề kháng trong mậu dịch quốc tế vẫn sẽ gia tăng. Lợi nhuận từ thương mại nước ngoài đã đóng góp phần lớn vào lợi nhuận kinh tế của TQ. Sự co cụm của nó là một xu hướng không thể tránh khỏi.
 
Phản ứng từ đội hình kinh tế của Tập Cận Bình cho ra cái được gọi là "cải cách cơ cấu phía đầu cung". Hướng này là đúng, nhưng nó quá xa để dập ngọn lửa ở gần. Nó sẽ mất nhiều năm cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu đổi hướng thị trường (vào nội địa) và nâng cao chất lượng của họ, dẫn đến nhiều năm trì trệ trong nền kinh tế của TQ. Đó là con đường điều chỉnh mà không ai có thể đi vòng qua nó được.
 
Chúng ta đã chứng kiến ​​kết quả của sự xây dựng quá lạm cơ sở hạ tầng. Ai đó có thể lập luận rằng xây dựng công cộng sẽ có lợi cho thế hệ tương lai, vì vậy không hoàn toàn là một sự lãng phí. Nhưng, có quá nhiều công trình xây dựng những khu nhà ở bỏ trống, đó là một sự lãng phí thực sự. Một số lượng lớn của cải do đó đang đứng ngoài thị trường thu nhập, kết quả là thị trường bị thu hẹp trong khi sự tái sản xuất thì bị thiếu vốn. Theo ước tính của các chuyên gia, phải cần từ 30,000 đến 40,000 tỷ nhân dân tệ (RMB) tiền vốn cần thiết để cứu cuộc khủng hoảng kinh tế này.
 
Con số này vượt xa quỹ 4,000 tỷ nhân dân tệ của (cựu Thủ tướng) Ôn Gia Bảo khi ông cố gắng giải cứu nền kinh tế (năm 2008). Nó sẽ là một gánh nặng lạm phát mà nền kinh tế và xã hội TQ không thể chịu nỗi. Ngoài ra, với khoảng 10,000 tỷ vốn RMB chạy trốn TQ mỗi năm, cho nên không thể cứu nền kinh tế TQ trong ngắn hạn. Cũng không có nhiều hy vọng trong dài hạn, theo dự báo kinh tế. Đây là nguyên nhân gốc rễ của giá cổ phiếu bị sụt giảm trên thị trường của niềm tin.

Mục tiêu của mỗi đơn vị kinh tế là để giữ cho tài sản của mình ở vị thế an toàn, hay ít nhất là không bị nhanh chóng mất giá. Xu hướng vốn chạy ra khỏi TQ là không thể đảo ngược. Chúng ta không nên đổ lỗi cho sự bất lực của các cố vấn kinh tế của ông Tập Cận Bình, bởi vì tình hình bây giờ đã vượt quá phạm vi của các học giả này. Các nhà kinh tế này không thể làm rõ được những hậu quả phức tạp bắt nguồn từ các yếu tố chính trị.

Ví dụ, sự bất ổn định của chính trị độc tài là lý do lâu dài cho vốn chạy trốn. Nếu không có cải cách hệ thống chính trị, tài sản sẽ bị tập trung vào trong tay của giai cấp chính trị đầy lo âu. Cho dù nền kinh tế là tốt hay xấu, bất cứ khi nào có thể được, họ sẽ cố gắng để chuyển đại đa số các tài sản của họ đến những nơi an toàn, bao gồm cả những người vợ và các con cái của họ.
 
Một lý do khác cho sự phát triển không lành mạnh thị trường ở TQ, cũng là hệ quả tất yếu của nền chính trị độc tài. Quyền lực không bị kiểm soát thì nằm trong tay của một nhóm nhỏ. Họ không thể duy trì sự công bằng của thị trường. Điều này đúng ở TQ, cũng như trong những nước độc tài em út của TQ trong thế giới thứ ba. Nó không phải là vấn đề ai khôn ai dại. Nó là một khuôn mẫu thông thường.
 
Một ví dụ khác là sự mất mát của cải trong ngoại thương và phát triển bất thường các cơ sở hạ tầng ở TQ. Nếu nó không phải là nền kinh tế chỉ huy của chế độ độc tài, thì làm sao mà thị trường có thể cho phép các dị tật như vậy xảy ra? Nếu cán bộ các cấp chịu trách nhiệm trước cử tri của mình, chứ không phải lo chăm chú nhìn vào những cái đít của các cấp trên của họ, thì tại sao họ phải lãng phí tài sản của họ để mưu đồ địa vị và thu tóm lại cả một gia tài như họ đang làm bây giờ? Khi họ có thể được thăng cấp và trở nên giàu sụ bằng cách sử dụng hàng tỷ tiền công quỹ để xây dựng một thành phố ma, tại sao họ không làm?
 
Những hàng hoá kém chất lượng và hàng giả trong ngoại thương là sản phẩm của sự thông đồng giữa các chính trị gia và các nhà tư bản của hai bên Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nếu không có sự bảo kê của chính trị độc tài, thì liệu cái loại chính sách như thế này, xem mọi người như kẻ mù loà, trong khi lừa dối và bốc lột nguời dân ở hai nước, có được áp dụng và duy trì hay không? Ở một bên, lĩnh vực sản xuất của TQ bị biến dạng với hàng giả và hàng kém chất lượng. Ở bên kia, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ bị lừa dối và người lao động bị mất việc làm. Chỉ có các chính trị gia vô đạo đức và các nhà tư bản tim đen là thủ lợi khổng lồ, trong khi người dân và nền kinh tế của cả hai nước bị lâm nạn.
 
Đây là tình hình mới cho nền kinh tế TQ trong Năm Mới. Trái đắng này nó đến từ lịch sử lâu dài của sự biến thái chính trị, nó không thể được giải quyết bởi một vài học giả. Tập Cận Bình đang thoải mái hưởng thụ địa vị của ông ta, bởi vì ông ta vẫn chưa giải quyết vấn đề. Nhưng rồi, người dân TQ sẽ vẫn phải tiếp tục đóng góp cho đất nước này bằng sự làm việc khổ cực, và gánh chịu khó khăn trong cuộc sống của họ.

bit.ly/1RTuwc6


Wednesday, January 20, 2016

Trung Quốc: Năm Mới Tình Hình Mới (phần 2)

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

(Viết và ghi âm ngày 30/12/2015, phát sóng trên đài RFA)
 
Từ việc trục xuất phóng viên Pháp Ursula Gauthier, chúng ta có thể cảm nhận được kế hoạch của Tập Cận Bình là để kiểm soát dư luận. Kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, duờng như không có điều gì diễn ra suôn sẻ cho ông ta, từ kinh tế, chính trị, và ngoại giao. Trước đây ông ta đã đặt niềm hy vọng của ông vào chiến dịch chống tham nhũng, do đó lừa gạt được sự ủng hộ của một số người. Nhưng người ta sớm nhận ra rằng chiến dịch này là giả tạo - trong thực tế, nó là con đường mà ông ta dùng để loại bỏ những nguời bất đồng chính kiến bằng cách chống tham nhũng ​​một cách chọn lọc, vì vậy sự hỗ trợ của nhân dân mà ông nhận được bắt đầu suy giảm.
 
Những gì tiếp theo là sự phản công của các quan chức tham nhũng, bao gồm tâm trạng hoảng loạn của tất cả mọi người trong tầng lớp cai trị. Trong Hội Nghị Trung Uơng 5 Khóa 18 gần đây của Đảng CS, Tập Cận Bình đã không hiện thực được sự độc tài mà ông mong muốn, mà lại là sự thất vọng và chán nản. Vì vậy, ông đã đặt hy vọng của ông vào việc kiểm soát sức mạnh quân sự và kiểm soát các cơ quan truyền thông. Nếu ông thành công trên cả hai, nó có thể cho ông ta kiểm soát được tình hình trong ngắn hạn.
 
Thật không may, theo cái nhìn của tôi, đây là điều khó xảy ra. Cũng giống như tất cả mọi thứ trong ba năm qua đã không diễn ra suôn sẻ cho ông ta, những động thái này cũng sẽ không êm ả. Đó là vì những ý tưởng cơ bản của ông đã sai, vì vậy mặc dù các chi tiết được thực hiện tinh tế và chính xác, kết quả vẫn sẽ là sai lầm đến mức không thể khắc phục được.
 
Ví dụ, Tập dựa vào sự trừng phạt phóng viên nước ngoài để kiểm soát dư luận. Chúng ta có thể nhớ lại thời kỳ Mao Trạch Đông, để xem ông có được dư luận thuận lợi qua việc trừng phạt phóng viên nước ngoài hay không. Điều mà Mao Trạch Đông dựa vào là làm cho dư luận phương Tây Marxist hơn, hay thiên tả, cũng như để hoàn toàn kiểm soát các cơ quan truyền thông trong nước và hoàn toàn bao vây các phóng viên nước ngoài. Cách tiếp cận này đã làm cho dư luận quốc tế trong thời gian đó không thể nhìn thấy bất kỳ cái gì của tình trạng bên trong TQ; cho nên khi cần làm phóng sự, họ đã phải trích dẫn phần lớn từ các tờ báo của Đảng CS.
 
Bây giờ tình hình hoàn toàn khác xưa. Công luận thế giới đã đảo ngược, từ sự cảm thông với Đảng CS sang ghê tởm Đảng CS. Ngay cả những người bên cánh tả cũng không thích Đảng Cộng sản nữa. Họ đã cố gắng vẽ một đường ranh để tránh bị liên lụy bởi các hệ thống độc tài trong các nước cộng sản. Ngay cả những người dân của các nước cộng sản cũng đã ném bỏ những lời dối trá của chủ nghĩa cộng sản từ lâu. Tập Cận Bình có ảo tưởng muốn hồi sinh Đảng Cộng sản bằng giai điệu tuyên truyền của những năm 1950s. Nỗ lực này sẽ chỉ như các truyện ngụ ngôn cổ của TQ: "khoan gỗ để hy vọng bắt được cá"; và "đánh dấu lên chiếc thuyền để tìm thanh gươm đã rơi xuống sông". Nó trông giống như một trò đùa.

Ngày nay Internet và các phương tiện truyền thông xã hội rất tân tiến, với tin cập nhật cho mỗi ngày trôi qua. Không cần phải có mặt ở Bắc Kinh hay rời khỏi nhà, ta vẫn có thể biết được các sự kiện của cả thế giới. Dư luận trong và ngoài nước được hình thành như một tổng thể, và khuynh hướng này đang mạnh mẽ diễn ra mà không ai có thể ngăn cản được. Cảnh sát Internet của Tập Cận Bình cũng giống như ngụ ngôn cổ TQ "châu chấu giuơng càng để chận cổ xe". Dù cho Tập Cận Bình có chi ra bao nhiêu tiền cho cái càng châu chấu của ông trong nổ lực duy trì sự ổn định, thì càng châu chấu cũng chỉ là càng châu chấu, nó không thể ngăn cản được cổ xe. Ngay cả với một khối càng của nhiều con châu chấu thì cũng không ai có thể ngăn chặn bánh xe lịch sử, nó không thể được thay đổi bởi ý chí của một người.

Một ví dụ khác là "cải cách quân sự" hiện nay ở TQ. "Cải cách quân sự" đã trở thành thuật ngữ phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông gần đây. Với một chút suy nghĩ ai cũng sẽ nhận ra cải cách này chỉ nhằm mục đích kiểm soát sức mạnh quân sự bằng cách chơi ma thuật. Mọi thứ được thay đổi theo kiểu dời từ đây qua đó, binh sĩ được chuyển từ chổ này qua chổ kia, tất cả chỉ là cái cớ để dẹp những người chống đối trong một quy mô lớn, cùng lúc cấy nguời tay sai của mình vào. Việc tái sắp xếp này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn quân sự, thậm chí nổi dậy. Ít nhất, nó sẽ dẫn đến sự suy giảm mạnh khả năng chiến đấu của quân đội. Đã có rất nhiều tiền lệ trong lịch sử rồi.
 
Liệu quân đội TQ có cần phải cải cách? Tất nhiên nó thực sự là cần. Nhưng trước hết, quân đội cần có một luân lý ổn định. Điều kiện chính yếu để có luân lý ổn định trong quân đội là gì? Đó là họ cần biết họ là ai và họ nên làm gì. Trong thời kỳ Đảng CS còn phổ biến, tính chất Schutzstaffel (hay SS, là tinh binh của đảng Quốc Xã để bảo vệ Hitler như một lực lượng cảnh sát đặc biệt) của quân đội Cộng sản được công nhận và đồng ý bởi các tuớng lãnh và binh sĩ. Khi ảo ảnh của Đảng CS đã biến mất, đặc biệt với sự công nhận rất mạnh mẽ của bản sắc quốc gia và căn cước dân tộc, thì liệu mong muốn của Tập Cận Bình khôi phục quân đội trở lại bản chất Schutzstaffel có được đại đa số sĩ quan và binh sĩ đồng ý và công nhận hay không? Các kết quả chỉ có thể là luân lý bị băng hoại, với tâm trạng nổi loạn trở nên phổ biến.
 
Trong quá khứ khi dân TQ còn ít học, Viên Thế Khải có thể tập hợp sự ủng hộ của quân đội bằng cách hứa có đủ thực phẩm để ăn nếu gia nhập vào quân đội, do đó tạo ra được một quân đội riêng. Trong các thời Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, quân đội riêng vẫn còn rất phổ biến. Hệ thống SS mà người TQ đã học được từ Liên Xô thì thích ứng với các đặc tính của nguời binh sĩ lúc đó. Nó thay thế cho quân đội riêng lỗi thời, và có thể đối phó với quân đội Nhật Bản có đặc tính như quân đội của quốc gia, kéo dài được chừng tám năm.
 
Sau một quãng dài hơn nửa thế kỷ, phẩm chất của con người hiện đại và nhân viên quân sự đã được cải thiện đáng kể, với sự gia tăng ý thức quốc gia dân tộc trong trái tim của người dân. Hệ thống SS được thay thế bằng bản sắc của người dân và nhân viên quân sự. Đây là lý do chính mà luân lý quân đội bị rã rời trong những thập kỷ qua. Việc tham nhũng của các quan chức quân sự cũng là hậu quả của sự suy sụp căn cuớc này, chứ không phải là nguyên nhân. Các quan chức dân sự tham tiền, thì các quan chức quân sự cũng thế. Những quốc gia như vậy sẽ bị chôn vùi là chắc chắn, cho dù cổ xưa hay hiện đại, ở TQ hay ở những nơi nào khác trên thế giới.
 
Lòng ái quốc có phải là sản phẩm của giáo dục hay không? Không. Đầu tiên, hệ thống của đất nước này phải được dân chúng công nhận, rồi sau đó sự công nhận được hoàn thiện thông qua giáo dục, đưa tới hiệu quả là một ý thức hệ bền vững. Trong quân đội Hoa Kỳ không có chính uỷ và không có sĩ quan chính trị, nhưng những người lính của họ luôn luôn gìn giữ một mục tiêu chính trị rõ ràng và thống nhất - chiến đấu cho đất nước và cho dân chúng của họ là điều họ không cần phải nghĩ ngợi hay nghi ngờ.

Bất kể Tập Cận Bình cố gắng thay đổi việc "cải cách quân đội" như thế nào, thì vẫn là cũng cố cái hệ thống SS của ông. Bây giờ mọi người không công nhận hệ thống tham nhũng độc tài độc đảng của đảng CS nữa, thì làm thế nào mà khẩu hiệu "chiến đấu cho Đảng Cộng sản" có thể nối kết được trái tim của người dân? Tôi e rằng mục tiêu đó còn ít vững chắc hơn so với lính đánh thuê, họ chiến đấu vì tiền. Cải cách quân sự của Tập, chắc chắn sẽ bị thoái hoá để đi từ quân đội SS thành quân đội riêng. Đây là việc làm thực sự gây hỗn loạn để nắm quân đội, và nó còn làm nền tảng cho những người khác chiếm đoạt quân đội và tạo ra sự hỗn loạn.
 
Khi nền kinh tế TQ tiếp tục suy yếu thì các xung đột xã hội ở TQ cũng sẽ xấu hơn. Với chiến dịch chống tham nhũng có chọn lựa ngày càng trở nên độc ác hơn, chiến đấu trong nội bộ của giai cấp quan chức CS sẽ tăng cường. Với khả năng phai mờ dần tiền bạc vung ra nước ngoài, chính sách ngoại giao bằng tiền sẽ càng ngày càng kém đi hiệu quả, trong khi xung đột quốc tế ngày càng trở nên gay gắt hơn. Đây là tình hình mới trong Năm Mới cho Tập Cận Bình.
 
Những chính sách ứng phó của Tập Cận Bình chỉ nên tập trung vào công việc nội bộ. Ông ta nên cắt bớt những vấn đề bên ngoài: nên từ bỏ các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cùng lúc sửa chữa lại mối quan hệ với Hoa Kỳ để có được sự hợp tác của Hoa Kỳ và Châu Âu trong việc điều chỉnh nền kinh tế của mình, hoặc ít nhất là không đi vào việc đối đầu kinh tế với họ.
 
Hướng đi này đòi hỏi đồng thời từng bước hình thành một hệ thống dân chủ và khôi phục lại sự cai trị của pháp luật. Nếu không thì ông sẽ vẫn là đối lập chống lại các nền dân chủ phương Tây, với cả chính trị và kinh tế còn ở trong trạng thái không phù hợp với các quốc gia phương Tây. Khi các nước phương Tây không còn nhu cầu chiến đấu chống lại Liên Xô, thì sự khoan dung của họ đối với Trung Quốc sẽ dần dần biến mất. Như vậy cả hai lợi lộc từ việc chống Liên Xô và có tiêu chuẩn nhân quyền thấp sẽ không còn tồn tại. Đây cũng là tình hình mới trong Năm Mới cho Tập Cận Bình.
 
Nếu ông ta không muốn đi con đường này mà vẫn tiếp tục theo con đường độc tài độc đảng của ông, ông sẽ chỉ đi vào ngõ cụt.

bit.ly/1RTubWB


Trung Quốc: Năm Mới Tình Hình Mới (phần 1)

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

(Viết và ghi âm ngày 29/12/2015, phát sóng trên đài RFA)

Bằng cách quan sát những gì đã xảy ra trong năm qua, chúng ta gần như có thể dự báo tình hình cho năm mới. Nhiều cơ quan truyền thông đã có những dự đoán khác nhau cho Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị v.v.. Vì vậy, tôi sẽ không lặp lại công việc của người khác. Bây giờ tôi muốn đưa ra sự bổ sung, để xem xét từ một góc nhìn mới.

Trong hai ngày tới, cô Ursula Gauthier, một nhà báo Pháp sẽ bị chính quyền TQ trục xuất, phải rời khỏi nuớc TQ mà cô yêu mến. Khi tôi qua Pháp, tôi đã có dịp nói chuyện với cô ở nhà một người bạn. Cô ấy thực sự đam mê TQ, đặc biệt là về người TQ và văn hóa TQ. Hơn nữa, không giống như một số phóng viên giả vờ trung lập, cô thực sự là một phóng viên có lập trường mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền.

Hơn nữa, cô quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở TQ hơn cả các nuớc khác, có thể là do cô thông thạo tiếng TQ. Cô hiểu sâu văn hóa TQ, do đó cô cũng yêu thuơng người dân TQ. Khi tôi nghe tin cô bị buộc phải rời TQ, phản ứng đầu tiên của tôi là: ah, làm sao mà chế độ cộng sản đã chịu đựng được cô trong 6 năm qua ở TQ?

Có lẽ bức ảnh Tập Cận Bình làm nền cho hình của cô nói lên vấn đề này. Với sự hiểu biết tốt về văn hóa TQ, cô đã học được một kỹ xảo nhỏ để bảo vệ bản thân cô - cô học được cách tự bảo vệ mình qua ngụy trang giống như những người TQ đã làm, thay vì nói ra những suy nghĩ thật sự mà không phải lo ngại như những người trong xã hội tự do ở phương Tây. Vì như vậy sẽ không cho phép một người nào đó ở lại TQ trong 6 năm. Hoặc nếu không, cô sẽ chỉ như những phóng viên nước ngoài khác đã trở thành cái loa tuyên truyền dối trá cho chế độ Cộng sản - cả hai nhằm lừa dối người nước ngoài, nhưng cũng lừa dối người TQ khi tuờng thuật của họ được du nhập trở lại vào TQ.

Là phóng viên nước ngoài, người phóng viên không nên lừa dối độc giả của mình. Đây là tiêu chuẩn luân lý tối thiểu cho một nguời phóng viên. Nói chung, trong thời đại của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, các phóng viên ngoại quốc được chấp nhận cho đứng trên đường ranh luân lý này. Về những bài viết của các phóng viên nước ngoài được in ấn trên phương tiện truyền thông của họ, chính quyền TQ đã không đào bới sâu vào nội dung. Cùng lắm, thỉnh thoảng họ đưa ra một số cảnh báo, để chứng minh rằng không phải là chính phủ TQ không biết, nhưng chỉ là không muốn theo đuổi. Trong khi đó, nó cũng có nghĩa là chính phủ TQ vẫn chấp nhận tự do ngôn luận của các phóng viên nước ngoài tại các quốc gia gốc của họ.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã bắt bớ nhiều phóng viên nước ngoài cũng như cơ quan truyền thông của họ. Đó là bởi vì các cơ quan truyền thông này phơi bày chiến dịch chống tham nhũng giả tạo của Tập Cận Bình, thậm chí còn phơi bày sự tham nhũng của chính Tập Cận Bình và Vuơng Kỳ Sơn. Có lẽ các tài liệu này được cung cấp bởi các kẻ thù của họ (Tập và Vương) trong chế độ CS, dẫn đến sự nghi ngờ là các phóng viên có tham gia vào cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng CS, vì vậy nó dẫn đến phản ứng thậm chí nặng tay hơn.

Nhưng từ vài trường hợp này, chế độ CS đã phát hiện ra một thế giới mới. Đó là để làm ăn với TQ, các chính quyền phương Tây không thực sự quan tâm về tự do ngôn luận mà các phóng viên của họ được huởng (như ở phương Tây), hoặc không quan tâm nếu các phóng viên của họ có lừa gạt người dân phương Tây hay không - có lẽ các chính quyền phương Tây cũng nghĩ rằng dân mình có bị gạt cũng không sao.

Giống như họ (giới chức phương Tây) mất kiên nhẫn trong các vấn đề nhân quyền của TQ khi thương thuyết kín, họ có thể đã nói với những phóng viên phương Tây có lương tâm: Không nên sử dụng chút tự do đang có (khi làm việc ở TQ) để gây khó khăn cho các nhà đại tư bản của chúng ta. Chúng ta cần sự hỗ trợ (tài chánh) từ cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta để thắng cử. Nếu không có sự chấp thuận của chế độ cộng sản, đâu có công ty nào (đang làm ăn ở TQ) dám hỗ trợ chiến dịch tranh cử của tôi? Nếu tôi mất sự hỗ trợ của nhiều công ty, tôi có thể cũng mất luôn cơ hội thắng cử khi tái tranh. Đây là vấn nạn lớn của chúng ta.

Hiện nay, nhiều người phục vụ Tập Cận Bình đã từng học ở Mỹ và có sự hiểu biết khá rõ về các thiếu sót của chính trị phương Tây. Họ nhận ra rằng họ có thể khai thác các lỗ hổng này để chi phối chính trị và truyền thông phương Tây. Dưới thời đại của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, họ đã rất thành công trong việc áp dụng phương pháp này để chi phối và gây ảnh hưởng lên chính trị phương Tây. Gần đây, Tập Cận Bình đã bỏ ra rất nhiều tiền cho các nước phương Tây, cho cùng một mục đích là tăng cường sự chi phối trên lãnh vực này.

Nhưng tại sao Cộng sản TQ đã chi tiêu rất nhiều tiền cho phương Tây trong nhiều thập kỷ qua; mà họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được các chính trị gia phương Tây? Vì còn có một vấn nạn - vấn nạn là các cơ quan truyền thông. Khi mà các cơ quan truyền thông không hoàn toàn kiểm soát được, thì các cử tri phương Tây không hoàn toàn bị lừa dối. Vì vậy, các chính trị gia gặp nhiều khó khăn khi hợp tác với Đảng CSTQ, vì khi các chính trị gia quan tâm về nhân quyền thì có được lợi thế lớn để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ.

Trong chiến dịch tranh cử gần đây ở Mỹ, các ứng cử viên có lợi thế nhất là những người đưa vấn đề TQ (nhân quyền, tin tặc, an ninh...) như chén nuớc thánh để tấn công các đối thủ của họ, và buộc đối thủ của họ phải thay đổi lập truờng, tấn công chống chế độ CS mạnh hơn. Sự thay đổi này cho thấy tính cách hiệu quả của chính sách cũ đã giảm; tức phương pháp tiếp cận bằng cách mua các nhà tư bản phương Tây qua cách cho họ có lợi ở thị trường TQ, và nhờ vậy có thể gián tiếp bỏ túi các chính trị gia, là không còn hữu hiệu nữa. "Cải cách chính trị" phải chọn một tư duy mới cho vấn đề này.

Tư duy mới này là nhắm vào giới truyền thông, đặc biệt là các phóng viên phuơng Tây ở TQ, và nhất là các phóng viên thông thạo tiếng TQ. Ý tưởng là giữ cho các phóng viên phương Tây mất thời giờ trong công việc của họ, do không giỏi tiếng TQ và phải sử dụng các bản tin một chiều từ ​​Tân Hoa Xã. Kết hợp với cả ưu đãi và trừng phạt, với cách tiếp cận vừa mềm mại và vừa cứng rắn, chính quyền TQ có thể kiểm soát các cơ quan truyền thông nước ngoài với mức độ của những năm 1970s.

Khi đó, chỉ có hai phóng viên Anh và Pháp là dám gặp tôi ở Bắc Kinh, ngay cả những phóng viên Mỹ cũng không dám. Các ông chủ của họ và các chính quyền phương Tây đã thậm thò muốn làm ăn ở TQ. Tôi đoán rằng trong chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình đến Hoa Kỳ (tháng 2/1979), ông đã bày tỏ chủ trương này đến Tổng thống Mỹ Carter lúc đó để đổi lấy sự ủng hộ của HK cho cuộc xâm lược của TQ vào Việt Nam. Sau đó, với sự mở cửa kinh tế, trong khi duy trì chính sách độc tài của Đặng Tiểu Bình, đã nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, có lẽ cũng đã được đàm phán bí mật trong thời điểm đó.

Bây giờ tình hình là Tập Cận Bình muốn đưa các chính sách đối nội trở về thời kỳ Mao Trạch Đông. Tất nhiên, ông cũng muốn trở lại thời kỳ ảo ảnh của phe tả khuynh phương Tây đã ảnh hưởng lên cử tri của họ. Dưới đây là phần quan trọng của nỗ lực này: làm cho truyền thông phương Tây không biết sự thật về TQ. Xu huớng thì giống như những năm xưa, khi các phóng viên phuơng Tây không hiểu tiếng TQ cho nên chỉ có thể đọc và sử dụng các thông tin báo chí một chiều của Tân Hoa Xã và của các cuộc họp báo.

Một khía cạnh khác rất quan trọng là người dân TQ, thậm chí các quan chức TQ, không tin các cơ quan truyền thông TQ, mà chỉ tin các cơ quan truyền thông nước ngoài. Vì vậy, để nhập khẩu lại các "tin tức" muốn có từ nước ngoài, là cách duy nhất để tiếp tục lừa dối nhân dân TQ. Vì vậy, việc kiểm soát các cơ quan truyền thông phương Tây thì không chỉ đơn thuần là vấn đề ngoại giao, nhưng là vấn đề toàn diện cho chế độ độc tài để có thể tiếp tục ở TQ. Đây là công việc chính yếu trong sự cai trị của Tập Cận Bình.

Ông ta chọn phóng viên Pháp để tấn công bởi vì Pháp là một nước nhỏ và đã trở nên ngày càng yếu trong những năm qua. Ngay cả Nhà Nuớc Hồi Giáo cũng chọn Pháp để tấn công đầu tiên. Vì thế, Tập Cận Bình hái trái hồng mềm đầu tiên và đã chọn Pháp. Có vẻ như Tập đã rất thành công và sẽ sớm áp dụng mạnh mẽ tư duy mới này để kiểm soát các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Lời khuyên mà tôi muốn gởi đến cho những người bạn TQ của tôi, là không chỉ chúng ta không nên nghe những lời nói dối do các cơ quan truyền thông cộng sản đưa ra, mà chúng ta cũng còn nên phân tích những gì chúng ta nghe từ các cơ quan truyền thông phương Tây trong tương lai. Trong khi chúng ta cố gắng để ngăn chặn cho bản thân mình khỏi bị lừa bởi chế độ cộng sản, chúng ta cũng phải ngăn chặn sự lừa dối của các cơ quan truyền thông nước ngoài đang bị chính quyền TQ mua chuộc.

bit.ly/1OMQvOR


Monday, January 18, 2016

Ngoại Suy Về Đại Hội Đa Tiểu Đảng 12 Của CSVN

Trong khoa học có phép ngoại suy (extrapolation) tức từ những sự kiện đã biết để đoán về những gì chúng ta chưa biết. Trong toán học thì phép này cho kết quả chính xác cao, thí dụ như ta biết khoảng cách từ trạm phát sóng điện thoại di động A đến B, các trạm này nằm trên đường thẳng A-B và cách đều nhau, ta biết khoảng cách A-B, với ngoại suy ta sẽ biết trạm C ở đâu và cách A bao xa. Hay nếu các dữ kiện đã biết đi theo một khuôn mẫu/pattern bất biến như 2,4,6,8, ? thì không khó để đoán ra số tiếp theo là 10. Nhưng trong xã hội học thì kết quả thường có tính xác suất (statistics) và độ khả dĩ, như cho một nam một nữ sống chung trong một mái nhà thì mối quan hệ là nhiều thứ (vợ chồng, tình nhân, đôi bạn, đồng chí, kẻ thù...) và xác suất là vợ chồng thì phần trăm có thể cao hơn.

GS Carl Thayer cho rằng Đảng CSVN hiện nay chỉ còn vướn cái vỏ chế độ cho nên kết quả cũng chưa biết mèo nào cắn miễu nào, chỉ có điều là nó không trong sáng như trong các nước dân chủ "Theo tôi trong nội bộ đảng cũng có đủ sự đa đảng để tôi có thể nói là có thể sẽ có sự ngạc nhiên vào cuối đại hội" (RFA 14/1 bit.ly/1SsesO5).

Nhà quan sát Bùi Quang Vơm thì cho rằng ông Trương Tấn Sang sẽ là sự ngạc nhiên mà ông Thayer nói đến "Trong không khí đã thống nhất phương án không có ông Dũng, thì phương án tốt nhất để loại trừ ông Trọng lại là ông Sang. Bởi vì trong ông Sang, nhìn kỹ một chút sẽ thấy có cả ông Dũng lẫn ông Trọng", ông Vơm nhận xét ông Sang "trung thành với đảng, không quá cứng với Tàu nhưng lại ủng hộ thân Mỹ", và theo ông "quan trọng nhất là ông Sang sẽ là người duy nhất chặn nhát kiếm từ tay ông Quang chém xuống người ông Dũng." (Basam 15/1 bit.ly/1P0u7lm).

Nhà dân chủ BS Phạm Hồng Sơn nhận xét là "hầu như không có một cơ chế nào để Đảng CSVN biết tự tiết chế, kìm hãm những hành vi đục khoét, sách nhiễu, trấn áp hoặc kiểm soát quá đà nhân dân" cho nên nếu chế độ này được duy trì thì chính quyền "chuyên chĩa mũi súng 'chống khủng bố' vào nhân dân; và luôn gọi đổng nhân dân tiến bộ là 'thù địch'?" 

Về những người ngoài Đảng đang bị lôi kéo vào, BS Sơn nhận xét "Có lẽ trong sự quẫn bách âu lo cho vận mệnh dân tộc, nhiều người vẫn đang cố kiên trì đánh tiếng cổ xúy, vận động cho ông này, ông kia... Ngoại trừ các cổ xúy có ngòi bút đã bị xoắn theo chiều bổng lộc, đã để ngọn lửa ân oán riêng tư bốc quá cao hoặc là một hỗn hợp của cả hai..." (Basam 18/1 bit.ly/1S0v6mv).

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt, cho rằng "Đảng CSVN đang trong tình trạng hết sức bối rối, không biết nên chọn vị trí nào trong cái tam giác Mỹ-TQ-VN" (VOA 18/1 bit.ly/1Kn8VAF). Theo ông, “Ông Dũng dường như hiểu rõ tầm quan trọng của các quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ. Cho nên đối với Hoa Kỳ, thì nếu ông được chọn thì đó là kết quả thoải mái hơn đối với nước Mỹ”.

Mặc dù biết Ban Tuyên Giáo là một cơ chế nói láo có tổ chức của Đảng, có thể cho người chết biết nói "Tau khoẻ, có chi mô", kiểm soát tất cả khoảng 800 cơ quan truyền thông báo chí "lề phải", và "lề trái" tuy không có tiếng nói chính thức, nhưng có thông tin đa chiều mà qua đó sự thật dễ được nhận diện hơn, nhưng ta thử dựa vào các tuyên bố chính thức của Đảng về Đại Hội 12.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo nói rằng "Các phương án được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ; vừa thể hiện tính kế thừa, vừa đảm bảo trẻ hóa" (tuoitre 18/1 bit.ly/1JbHaQs). Ở đây ta nên lưu ý hai điểm lớn (1) tính kế thừa và (2) trẻ hoá. Nó là nền tảng cho ông Trọng ở lại và 3 nhân vật Quang, Phúc, Ngân vào tứ trụ.

Ông Hoàng cho biết HNTU14 chỉ chọn một phương án thôi (Trọng-Quang-Phúc-Ngân) qua đó chỉ một người quá tuổi là ông Trọng ở lại "Bộ Chính trị họp thảo luận và thống nhất đề nghị với TƯ chọn phương án chỉ ở lại 1 trường hợp để bảo đảm tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ, nên không chọn phương án ở lại 2-3". Ông cho biết "Tập thể Bộ Chính trị họp, thảo luận và thống nhất rất cao, giới thiệu 1 đồng chí ở lại tham gia khóa 12, còn 9 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều xin rút để tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ."

Ông Hoàng bênh vực giải pháp ông Trọng là TBT, cho rằng "các kỳ ĐH Đảng từ trước đến nay thỉnh thoảng cũng có một ít thay đổi nhưng không nhiều về nhân sự so với đề xuất của TƯ", ông "tin rằng ĐH sẽ chấp nhận căn bản phương án đề xuất của TƯ, vì TƯ sát tình hình nhân sự hơn." Tuy nhiên, ông xác nhận rằng "quy chế bầu cử do TƯ ban hành không hạn chế quyền ứng cử, đề cử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII" và danh sách đưa vào đại hội chỉ là dự kiến "Với trách nhiệm của một cấp ủy tiền nhiệm thì giới thiệu một phương án để cấp ủy mới nghiên cứu thôi" (thanhnien 18/1 bit.ly/1V0Kj6f).

Điều rõ ràng là những người trong cơ chế Đảng đang ra sức đánh ông Dũng, và chiến lược của họ là ai làm TBT cũng được, ngoại trừ ông Dũng. Chiến lược này làm cho ông Dũng cô thế, vì những người từng theo ông Dũng đều long lanh ánh mắt với cơ hội cho riêng mình trong 5 năm tới. 

Ông TS Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã kích ông Dũng bằng những câu nặng nề như "nguy cơ lớn nhất vẫn là chủ nghĩa cá nhân, bè phái, phường hội trong Đảng. Một ông làm quan mà lôi tới 30 người họ mạc vào bộ máy cầm quyền thì còn gì là tổ chức nữa", hay "nhân danh nguyên tắc tập trung dân chủ để đối phó với cấp trên, cô lập và vô hiệu hóa cấp dưới, biến tổ chức nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng”, với “tôn ti riêng”, biến nơi họ phụ trách thành một đảng phong kiến, cha truyền con nối, họ mạc."

Để thu hút thêm hậu thuẩn trong chiến dịch loại trừ ông Dũng, ông Nhị Lê hứa hẹn (CS hứa!) phe ông Trọng sẽ cho phổ thông đầu phiếu "chúng ta cũng đang từng bước hoàn thiện chế (độ) và các thiết chế để hướng tới như vậy", và ông không cho biết khi nào "Đó là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu" và có lẽ là thiên thu nghiên cứu (baomoi 18/1 bit.ly/1V0M5o2).

Theo ông Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng CSVN Lê Quang Vĩnh thì Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được lựa chọn sẽ có Phiên họp thứ nhất vào chiều 27/1. Tại đây, Ban Chấp hành sẽ bầu vị trí Tổng bí thư (BBC 18/1 www.bbc.in/1SZ8TWE).

Có thể nói là cuộc tranh chấp giữa ông Trọng và ông Dũng là cuộc tranh chấp đa sắc thái với các đặc tính như Đảng vs Chính Phủ, bảo thủ vs cải cách, trâu cột vs trâu ăn, nghiêng TQ vs nghiêng HK, kiên trì Mác-Lê vs chuyển đổi mô hình chính trị, ngoại giao quốc phòng nhịn nhục vs ngoại giao quốc phòng kiện tụng, trả thù vs khinh khi, lãnh đạo tập thể vs lãnh đạo cá nhân... Nó đưa tới tình trạng "3 đánh 1 không chột cũng què" trong tứ trụ.

Trong cuộc chiến này, yếu tố ngoại bang không thấy hay chưa thấy bên phía HK, có lẽ do TT Obama đã cam kết với ông Trọng hồi tháng 7/2015 khi ông Trọng viếng HK rằng HK tôn trọng và không can thiệp vào nội bộ VN để thay đổi chế độ. Trong khi đó nó khá lộ liễu bên phía Trung Quốc như ngay sau khi vừa xong HNTU13 (từ 14-21/12/2015) thì ông Nguyễn Sinh Hùng của phe Trọng đi TQ gặp Tập Cận Bình, viếng thắp hương đền Thờ Mao Trạch Đông, cùng những cam kết thắt chặt thêm tình "hữu nghị đại cục", hay TQ được quyền đem quân chống "khủng bố" ở VN.

Cơ chế CS đã đưa tới tình trạng "Gậy ông (CS) đập lưng ông (CS)" qua chủ nghĩa lý lịch và cơ chế đảng trị. Chủ nghĩa lý lịch nó đang nhát ma những người CS mà trường hợp cô Nguyễn Thanh Phượng con gái rượu của ông Dũng đã thể hiện. Cơ chế đảng trị nó tròng kim cô lên đầu thủ tướng, thủ tướng phải làm theo lệnh của Bộ Chính Trị qua ông TBT, thất bại thì thủ tướng phải chịu trách nhiệm và thành công thì Đảng hưởng. Cơ chế này nó đưa tới tình trạng "cha chung không ai khóc" các đảng viên cứ tha hồ đụt khoét các công ty quốc doanh (Vinashin, Vinalines...) và trách nhiệm chung tức không cá nhân nào chịu trách nhiệm, hay chịu theo kiểu "rút kinh nghiệm" mà ông Nguyễn Bá Thanh nói sợi dây kinh nghiệm nó dài rút hoài rút không hết.

Để bảo đảm hạ được Dũng, ông Trọng ngoài việc có lợi thế cơ chế như nắm Tổng bí thư, nắm Ban tổ chức TƯ (qua Tô Huy Rứa phe ông), nắm Tiểu ban nhân sự, nắm Chỉ thị 244 (người cũ không được quyền ứng cử hay ai đó đề cử), ông còn hứa hẹn với Hoa Kỳ để HK an tâm là VN sẽ thực thi Hiệp ước TPP bằng cách đem ra bàn và thông qua trong HNTU14, rằng VN sẽ thông qua TPP vào tháng 2/2016, có nghĩa là quyền lợi HK không mất, ai là TBT thì TPP vẫn được thực thi.

Phe ông Trọng dùng 2 mồi nhữ để thu phục những thành phần muốn bảo vệ đảng và những thành phần đam mê quyền lực. Nguyên tắc "kế thừa" để thành phần muốn bảo vệ đảng an tâm ủng hộ ông, nguyên tắc "trẻ hoá" để thành phần đam mê quyền lực còn trong độ tuổi bỏ rơi ông Dũng. 

Ông Sang, một nhà đại cơ hội, bỏ rơi ông Dũng với hy vọng chính ông là giải pháp như ông Vơm nhận xét. Ông Phúc vì muốn trở thành thủ tướng đã bỏ ông Dũng từ khoảng 2 năm nay cho nên Chân Dung Quyền Lực và blog Phúc Phản Phúc mới ra đời. Ông Nhân, sợ ngồi chung xuồng chết chìm với ông Dũng nên không mạnh mẽ bênh vực ông Dũng trong TU14, bà Kim Ngân tiến thân bằng nhan sắc nên cũng không ra mặt bênh vực ông Dũng trong TU14. 

Hình như trong lúc nguy nàn ông chỉ còn có Tô Lâm và Võ Văn Thưởng. Theo ông Thayer, ông Tô Lâm có nhiều khả năng sẽ là bộ trưởng Bộ Công An. Ông Thưởng có nhiều khả năng sẽ là Bí thư Saigon. Trong khi đó, ông Quang đóng vai con bài ace chủ, không bên nào dám phế. Ông Quang đã cùng ông Dũng để hạ ông Phùng Quang Thanh, nay đến lượt ông Quang hạ ông Dũng để nắm CTN và sẽ kim luôn TBT sau một năm ông Trọng giúp chuẩn bị, rồi ông Trọng rút lui. VN sẽ theo chế độ CS Công An trị, quyền lực to lớn nằm vào tay ông Quang, tệ hơn TQ vì ông Tập không phải là công an. 

HK và TQ đang vừa cộng tác kinh tế vừa đấu tranh giành ảnh hưởng trong vùng, cho nên cả hai bên dường như không muốn người của một phe nào thắng thế, vì vậy Quang đáp ứng tiêu chuẩn cho tình thế ba rọi này, vì Quang được TQ đào tạo và đi HK để làm việc rất lâu với nhiều cơ quan hôm tháng 3/2015.

Theo nghiên cứu của Bloomberg, miền Bắc theo CS nhiều hơn miền Nam, với khoảng 6% dân vs 2%, cho nên tỷ lệ đại diện trong ĐH12 với 1,510 đại biểu là khoảng 60/40 (xem bản đồ), cho nên nếu bỏ phiếu do trung thành cá nhân thì phe ông Trọng áp đảo, ông Dũng chỉ còn hy vọng là các đại biểu bỏ phiếu cho đường lối, chính sách và hệ thống giá trị để có cơ may.

Theo ông Thayer, nếu ông Dũng ở trong một bối cảnh mở và minh bạch thì sẽ có nhiều khả năng trở thành tổng bí thư mới, nhưng VN không mở như vậy. Theo ông, sự gia hạn thời gian tại chức cho ông Trọng là một bước đi sai lầm cho VN vì VN cần phải hội nhập với quốc tế. Trong trường hợp như vậy thì sẽ là một sự tiếp tục của bế tắc, nếu Trọng được ở lại thêm 1 năm, thì đó sẽ là một năm mất đi, một sự đình trệ.

Theo ông Thayer, Bộ Chính trị đa phần không ủng hộ ông Dũng. Trong HNTU14 ông Dũng vừa cô đơn vì bị đồng chí bỏ rơi, vừa bị nhục nhã trước các đòn thù của ông Trọng. Cánh cửa trở thành TBT của ông Dũng càng ngày càng hẹp dần và đang đóng lại. Tình thế của Đảng CSVN với một khối đảng viên khổng lồ khoảng 4.5 triệu đang chín mùi để chuyển đổi ôn hoà ra thành đa đảng, thay thì bị nịt trong chiếc áo Mác-Lê không co dãn được trong khi khối đảng viên đang mập lên mà trí óc Đảng thì rối loạn. Đảng cần giải quyết tình trạng đa tiểu đảng để tự giải phóng hay tự sụp đổ.

Hôm 19/1 BCT họp kín trước 1 ngày trù bị (20/1) để dẹp loạn, ngăn ngừa chống đối, giữ cho một mình ông Trọng ra và 3 ông Dũng, Sang, Hùng xếp giáp về vườn. Chức TBT không thay đổi (Trọng, sau 1 năm là Quang) còn các chức CTN, TT, CTQH thì có thể hoán chuyển nếu ĐH trở nên căng thẳng. ĐH sẽ chọn 185 uỷ viên chính thức (tuy thông báo 180) và 20 uỷ viên dự khuyết. Tình hình căng thẳng dù là ở bên ngoài ĐH, như việc tưởng niệm 19/1 các chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc để bảo vệ Hoàng Sa, nó sẽ không dễ dàng và có thể bị giải tán.

Ông Dũng buông tay đầu hàng, được biết vì 3 lý do chính: (1) cái bẫy mà ông Trọng gài quá chặc chẽ và đa dạng, chuẩn bị chu đáo từ sau HNTU6, dùng cơ chế, điều lệ đảng, đội hình, số đông, Nghị quyết 4, Chỉ thị 244, dư luận, quyền lợi, tâm lý lo sợ..., (2) các đồng chí của ông đã phản bội lại ông trong lúc ông cần họ nhất, lúc nguy nàn tường tận kẻ vong ân. Ông cay đắng với tình đồng chí, ông đau đớn khi bị ông Trọng và phe  cánh hạ nhục, (3) ông cần bảo toàn tính mạng nếu không muốn là một Nguyễn Bá Thanh thứ hai. Khi quyền lực của ông ở trong công an và quân đội không còn nữa thì ông đã trở thành cá nằm trên thớt, bất cứ lúc nào, nếu ông manh động, thì đều có thể "theo chân về với ông bà, nắp sau nải chuối ngắm gà khoả thân".

Ông Trọng nói nếu Biển Đông có gì thì làm sao yên ổn để ngồi đây bàn chuyện đại hội, có nghĩa là chấp nhận hy sinh chủ quyền cho sự trường trị của Đảng. Trong khi vấn đề của VN nó bao gồm nhiều sự việc vừa khẩn cấp vừa vĩ mô vượt trên tầm hệ thống đương hữu: nó là vấn đề địa chính trị; nó là vấn đề chế độ chính trị cần thay đổi để tạo nội lực; nó là vấn đề TQ chỉ có hướng tiến nam, cả bộ lẫn thuỷ, nhưng TQ độc tài nên VN phải yếu và lệ thuộc; nó là vấn đề VN nên dám đi trước TQ trong việc dân chủ hoá đất nước; nó là vấn đề cộng tồn với TQ, và cộng tồn chỉ có được khi cả hai đều cùng có chế độ dân chủ; nó là vấn đề cần học cách xây dựng đất nước (nation-state building) của các nước văn minh dân chủ thiên chúa giáo để có thể chiến thắng họ (beat them at their own game).

Để làm được các việc này, VN cần dựa vào nội lực dân tộc, nội lực của toàn dân đang sống bên trong VN, cũng như khoảng 5 triệu bên ngoài VN.

Nhưng tiếc thay, Đảng CSVN chỉ quan tâm vấn đề chia ghế để tiếp tục đè đầu cỡi cổ nhân dân.

Lê Minh Nguyên
18/1/2015



Monday, January 11, 2016

Nổ Bên Trong Hệ Thống và Thay Đổi Hệ Thống

Vấn đề của Việt Nam là vấn đề chế độ chính trị chứ không phải vấn đề nhân sự ai đi ai ở trong tứ trụ.

Khi văn kiện đại hội, và nhất là nghị quyết đại hội, có giá trị khung sườn cho 5 năm sắp tới vẫn là định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn quốc doanh chủ đạo, vẫn Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, vẫn độc tài độc đảng thì vở tuồng để hát vẫn vậy, đào kép không thể diễn xuất khác được, trừ khi muốn thất nghiệp. Ban Chấp Hành Trung Ương không có quyền đi ra khỏi khung sườn này trong hơn một tá các kỳ họp trung uơng của nhiệm kỳ 5 năm.

Trong khi các phe nhóm trong đảng dùng mọi thủ đoạn dơ bẩn đánh vào cá nhân thay vì vào đường lối, nặc danh thay vì có tên tuổi đường hoàng, hoả mù thay vì trong sáng, thì dân chúng và các thành phần tranh đấu cho dân chủ bị họ kéo vào. Bình thường họ xem dân chúng như cỏ rác, hoàn toàn không có tiếng nói trong vấn đề quyết định ai là người lãnh đạo mình, nhưng khi họ yếu thì họ kéo người ngoài đảng vào để có thêm vây cánh.

Đây là hiện tượng ở Liên Sô cuối thập niên 1980s, đảng CS bị bế tắc trong vấn đề lãnh đạo đất nước, nhất là bế tắc kinh tế. Tất cả các phe nhóm trong đảng đều đồng ý phải thay đổi. Nhưng họ chỉ đồng ý được đến đó, vì câu hỏi tiếp theo là thay đổi như thế nào thì mỗi phe có một kịch bản riêng và đào kép để thủ diễn riêng theo một đạo diễn riêng. Và kết quả như thế nào thì ai cũng đã biết.

Nhưng có thể nói sự sụp đổ của Liên Sô xảy ra tương đối ôn hoà, không đổ máu, để giải quyết vấn đề chế độ chuồng sắt lỗi thời vô nhân tính mà người bên trong hệ thống không thể làm được nếu văn kiện đại hội vẫn là lối mòn cũi sắt, họ không làm được bởi vì họ không thể buông bỏ quyền lợi và địa vị đang có, các trung ương uỷ viên là những người đang hưởng thụ những thứ đó, làm sao mà họ biểu quyết để bỏ cái chuồng sắt?

Sự thay đổi một hệ thống (chính trị) nó thường đi qua 3 giai đoạn chính: 

Giai đoạn tỉnh/status quo (hay freeze) mà đảng CSVN đang muốn tiếp tục duy trì qua mỹ từ "ổn định để phát triển", ở Mỹ nó là 4 năm giữa mùa bầu cử. 

Thay đổi xảy ra khi nó đi sang giai đoạn động-change (hay unfreeze) tức lúc đại hội đảng, hay mùa bầu cử ở Mỹ. Nó thay đổi chính yếu là đường lối và nhân sự, thông thuờng là bên trong hệ thống, như bên trong chế độ độc tài độc đảng ở VN, hay bên trong chế độ dân chủ tự do của Hoa Kỳ. 

Nhưng nó cũng là cơ hội để thay đổi hệ thống (transform) một cách ôn hoà khi hệ thống bị rách hay bị lỗi thời. Giai đoạn này quan trọng nhất trong 3 giai đoạn vì những điều mong muốn có cho ra kết quả như ý hay không thì nó xảy ra ở giai đoạn này. 

Các chế độ CS vì nó được designed/hoạ kiểu ban đầu là cho phép sát phạt nhau để cũng cố cái cũi sắt, ai muốn sổ lồng phải triệt hạ ngay từ trong trứng nước (Trần Xuân Bách), cho nên sự thay đổi chính cái hệ thống ấy một cách ôn hoà đã không xảy ra, trong khi sự sụp đổ lại xảy ra hàng loạt khi thay đổi phải đến, như ở Đông Âu. 

Chính vì dòng sống của con người nó cứ thản nhiên mở ra về phía trước với những yếu tố mới (thế hệ millenials tức giới trẻ 18-35) và môi trường mới (như nhân loại buớc qua Thời Đại Thông Tin-Information Age từ Thời Đại Kỹ Nghệ-Industrial Age) cho nên hệ thống chính trị phải có khả năng điều chỉnh cái hình hài và cái vỏ bọc bên ngoài để tương tác với môi trường, nhưng Mác-Lê không cho phép. Cho nên đại hội đảng dù có đấm đá sát phạt tàn tệ như thế nào thì nó cũng chỉ là những vụ nổ ở bên trong hệ thống (implosions) để chờ cho đến khi yếu tố và môi truờng mới, tức tác động từ bên ngoài làm cho nó nổ tung để sụp đổ (explosion), không như các chế độ tự do dân chủ, có vỏ bọc mềm mại và khả năng điều chỉnh hình hài (qua các tu chính án).

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tái ổn định (refreeze), hệ thống sẽ đông cứng lại sau những gì đã xảy ra ở giai đoạn hai, trong đảng CSVN nó có nghĩa là sau ngày 28/1/2016, ngày cuối cùng của Đại Hội 12. Nó sẽ rất là khó để thay đổi trong giai đoạn này, trừ khi có đảo chánh hay chiến tranh.

Như nhà thơ Nguyễn Duy có viết "Phe nào thắng thì nhân dân đều bại", có một blogger đã viết rằng đây là sự tranh chấp giữa kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường theo định hướng Mafia. Kết quả nhân sự của Đại Hội 12 đảng CSVN có thế nào thì tù nhân lương tâm vẫn còn tiếp tục nhập kho, những nguời tranh đấu ôn hoà như LS Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà, Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng... vẫn bị đàn áp, các quyền làm người căn bản vẫn bị tướt đoạt, thì nó có ý nghĩa gì cho dân tộc VN đâu? ngoài sự trấn áp để hút máu bốc lột, nhiễm độc dân tộc thành thần dân Dracula.

Nhân mùa đại hội đảng CSVN, ta thử đem thước ra đo xem 3 tiêu chuẩn tối thiểu, không thể rớt/fail dù chỉ rớt có một, xem CSVN đang ở đâu trong nấc thang thiện chí thay đổi từ trên.

Thước đo 1: Các tù nhân chính trị và tôn giáo có được thả hết ra chưa hay những nguời tranh đấu ôn hoà bên ngoài vẫn tiếp tục bị bắt? - Fail

Thước đo 2: Những người đã mãn hạn, ra tù có bị canh rình hay tống ra ngoại quốc hay không? - Fail

Thước đo 3: Các quyền làm người căn bản như quyền tự do báo chí, tự do lập hội, biểu tình ôn hoà có được hành xử hay không? - Fail

Chế độ chưa bao giờ có chủ trương hoà giải với các thành phần dân tộc trong nước, tôn trọng họ và xem họ là  đối tượng để đối thoại, nhưng sẵn sàng gài game với người Việt hải ngoại (Nghị Quyết 36, kêu gọi đại đoàn kết...) qua những hứa hẹn hão huyền về đặc quyền đặc lợi hay danh vị (như ghế quốc hội giữa năm 2016).

Nổ bên trong hệ thống như hiện nay giữa những phe đảng là điều người dân không cần, điều người dân cần là thay đổi hệ thống. Nó chỉ có giá trị khi nguời cộng sản nên nhân cơ hội này mà chia cái đảng trên 4 triệu đảng viên này thành hai hay nhiều đảng (explosion) để có đa đảng, khởi đi một bước ban đầu trên tiến trình dân chủ hoá Việt Nam, bước đi vừa có lợi cho dân tộc và vừa không ai trong quý vị phải chết hay phải chịu quá nhiều mất mát.

Lê Minh Nguyên
11/1/2016

www.bbc.in/1P3l9iR


Friday, January 8, 2016

Vấn Đề Của Việt Nam

Vấn đề của VN là vấn đề địa chính trị

Vấn đề của VN là vấn đề chế độ chính trị cần thay đổi để tạo nội lực

Vấn đề của VN là vấn đề Trung Quốc chỉ có hướng tiến nam, cả bộ lẫn thuỷ, nhưng TQ độc tài nên VN phải yếu và lệ thuộc

Vấn đề của VN là vấn đề dám đi trước TQ trong việc dân chủ hoá đất nước

Vấn đề của VN là vấn đề cộng tồn với TQ, và nó chỉ có được khi cả hai đều cùng có chế độ dân chủ

Vấn đề của VN là vấn đề cần học cách xây dựng đất nước (nation-state building) của các nước văn minh dân chủ thiên chúa giáo để có thể chiến thắng họ (beat them at their own game)

LMN
8/1/16