Monday, February 29, 2016

Trump Chia Để Chiếm Cộng Hoà Truyền Thống

Ông Trump đang chạy tốt trên con đường chia rẽ hàng ngũ Cộng Hoà truyền thống (Establishment) để lôi kéo họ về phe mình, xe hủ lô của ông đang ủi tới ngày Thứ Ba đỉnh điểm (Super Tuesday) và có vẻ đa phần là sẽ chiến thắng trong đảng Cộng Hoà.

Đầu tiên là ông Chris Christie, Thống Đốc New Jersey, hôm 26/2 đã tuyên bố ủng hộ ông Trump.

Chiều cùng ngày ông Paul LePage, Thống Đốc Maine cũng tuyên bố ủng hộ.

Chủ Nhật 28/2 Nghị Sĩ Jeff Sessions của tiểu bang Alabama tuyên bố ủng hộ, chỉ 2 ngày trước Super Tuesday tổ chức ở đây. (https://theatln.tc/1QGUdGz)

Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham của South Carolina hôm 26/2 ở Washington Press Club Foundation Dinner than "Đảng của tôi đã thực sự khùng" (My party has gone batshit crazy - bit.ly/1TEnO8K).

Ông Robert Kagan của viện Brookings Institution, trên tờ Washington Post cho rằng đảng Cộng Hoà đã tự mình tạo ra quái vật Frankenstein, cho nó sống dậy, nuôi dưỡng nó lớn lên, và bây giờ nó đủ mạnh để tàn phá người tạo ra nó, qua các issues như đóng cửa chính quyền, đòi huỷ bỏ các quyết định của Tối Cao Pháp Viện, đảo chánh lãnh tụ nào chống lại sự tàn phá (như Chủ Tịch Quốc Hội John Boehner là nạn nhân). Trong khi đa số trong đảng CH không phải là kẻ nhiệt tình phá hoại (bigots) nhưng họ lại là kẻ tạo điều kiện (enablers) cho nó xảy ra. (wapo.st/1QQkFnu)

Lãnh tụ đa số Thượng Viện, Nghị Sĩ Mitch McConnell vừa đưa ra một kế hoạch để các nghị sĩ CH ra tranh hay tái tranh năm nay phải tách riêng độc lập với Trump nếu Trump thắng để đại diện CH tháng 11 này. Ông đang lo lắng Trump sẽ kéo sụp CH ở Thượng Viện, mất thế đa số đang có. (bit.ly/1QQlA7m)

Nhà tỷ phú Warren Buffett tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton, ông nhắn các ứng cử viên Trump và Sanders, đang loan truyền sự đen tối về nước Mỹ: Nước Mỹ đang vĩ đại, các hậu duệ sẽ thừa hưởng một đất nước tốt hơn các thế hệ cha ông. Những chính khách như Trump và Sanders hay nói ngày nay tệ hơn ngày xưa, là họ đang nói ngược. (politi.co/1TGpoa4)

Lê Minh Nguyên
29/2/2016




Hoàng đế của các hoàng đế nhưng còn US-ASEAN

Bộ Chính Trị Khoá 12 của CSVN gồm 19 người, thường được gọi là vua tập thể. Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí Thư Khoá 11 và là người quá 65 tuổi duy nhất được ở lại, tiếp tục làm TBT K12. Ông ta nghiễm nhiên là hoàng đế của các hoàng đế trong BCT.

Sắp xếp nhân sự trong Bộ Chính Trị của bộ máy đảng cho thấy:

Ông Nguyễn Văn Bình tức Bình Ruồi, từ trước đến nay làm Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước, sẽ làm Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương. Một trong các phó thống đốc NHNN sẽ thay ông lên làm thống đốc NHHN.

Ông Trương Hoà Bình gốc tuớng công an và là Chánh Án Toà Án Nhân Dân Tối Cao sẽ làm Phó Thủ Tướng.

Ông Vương Đình Huệ sẽ làm Phó Thủ Tướng.

Ông Nguyễn Xuân Phúc chưa chắc chắn lắm sẽ là Thủ Tướng, do có nhiều tì vết tham nhũng và chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng hôm 24/2 báo cáo lên Quốc Hội về 7 sai phạm chủ quan (tức rất nặng) của Chính Phủ trong nhiệm kỳ 2011-2016 (bit.ly/1T3THZA) mà các lĩnh vực sai phạm này thuộc trách nhiệm PTT Nguyễn Xuân Phúc, tức ông Dũng muốn hại ông Phúc.

Có 3 nhân vật không thuộc BCT (cấp Uỷ Viên Trung Ương) mà sự sắp xếp mới, đáng chú ý là:

Ông Phan Đình Trạc, Phó Ban Nội Chính, trước đây được hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa cơ cấu vô BCT K12 để sau đó sẽ làm Trưởng Ban NC. Trong khi ông Đinh La Thăng không được cơ cấu, nhưng BCHTU K12 lại giới thiệu và được trúng vào BCT còn ông Trạc thì không, chứng tỏ BCHTU K12 không muốn ông Trạc có tư thế Uỷ Viên BCT để có được cơ thể bất diệt và thượng phương bảo kiếm như ông Vương Kỳ Sơn ở TQ, bẻ gãy thanh gươm chống tham nhũng tương lai của ông Trọng. Bây giờ ông Trạc lên nắm Trưởng Ban Nội Chính, vô quyền vì không được họp BCT, còn muốn chống tham nhũng thật thì sẽ khó thọ như guơng ông Nguyễn Bá Thanh.

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng trẻ, 53 tuổi, được ca ngợi là có khả năng, là nhà kỹ trị, nay lại không được trọng dụng, mất chức PTT, không rõ nguyên do, nhưng có lời đồn là vì ông ta thuộc cánh Võ Văn Kiệt và ông Trọng đang bứng đi tàn dư của cánh này.

Ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Quốc Phòng, trước đây rất sôi nổi về ngoại giao quốc phòng, nhất là bênh vực chính sách 3 không, nay xuống dốc thê thảm, không còn xuất hiện nữa. Bây giờ ông ở đâu? con ễnh ương vẫn gọi tên ông? Được biết ông là quân sư của ông Nguyễn Tấn Dũng nên kể từ khi ông Dũng mất dần quyền thì sự xuất hiện của ông cũng không còn kể từ tháng Bảy 2015 đến nay, lần xuất hiện trên báo cuối cùng là hôm 31/12/2015 khi hai bộ quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lập đường dây nóng.

Nhưng một sự kiện khá lý thú là Hoa Kỳ và khối ASEAN sắp thiết lập một trung tâm điều phối các hoạt động chung của HK và khối ASEAN mà trung tâm trưởng, tức chủ tịch sẽ là ông Nguyễn Tấn Dũng. Dĩ nhiên trong cương vị mới này ông Dũng không có quyền xen vào nội bộ đảng CSVN, nhưng đá chó cũng phải kiêng chủ nhà, ông Trọng muốn bứng hết gốc rễ của phe ông Dũng thì cũng phải coi chừng ông Mỹ.

Lê Minh Nguyên
29/2/2016


Thursday, February 25, 2016

Vẳng nghe tiếng súng bên tai

Nhà báo Mạc Việt Hồng nhận xét các phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao CSVN trước đây thường dùng những từ rất nhẹ để phản đối Trung Quốc như "vi phạm chủ quyền" mà chẳng dám nói "xâm phạm chủ quyền".

Trong thời gian gần đây thì giọng điệu của CSVN đã thay đổi nặng nề hơn như bài báo trong link (bit.ly/1VIE73D), ông phát ngôn nhân Lê Hải Bình đã sử dụng cụm từ "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền".

Hiện trong nước CSVN đang cho báo chí mở miệng chống TQ khá mạnh hơn trước. Hiện tượng này lại xảy ra cùng lúc với nhiều yếu tố khác: như hôm 23/2, phát biểu trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương Harry Harris kêu gọi Hoa Kỳ nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam, như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị thu hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Vientiane, Lào (bit.ly/1KPkCG9) ngày 26-27 tháng Hai, như Thủ Tuớng Nguyễn Tấn Dũng hôm 15-16 tháng Hai ở Sunnylands đề nghị Hoa Kỳ có những "hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn" nhằm chống lại việc quân sự hóa và "xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn" tại Biển Đông.

Facebooker Phạm Ngọc Hưng cho rằng CSVN nên bỏ "chính sách 3 không" vì nó là "một cam kết từ bỏ quyền tự vệ tập thể trong quan hệ với Trung Quốc". Bỏ nó để "khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ tự chủ" và với vị thế mới này "Việt Nam mới có thể thực sự hiện thực hoá chính sách ngoại giao cân bằng giữa các cường quốc” để từ đó "mỗi hành động ngoại giao, mỗi câu tuyên bố của lãnh đạo, hay mỗi câu phản đối của ông Lê Hải Bình mới có được một hàm ý khác, một sức nặng khác với Trung Quốc".

Có dư luận cho rằng CSVN đã nhận ra nước cờ phải đi trước mối hiểm nguy thực sự từ TQ. CSVN có lẽ đã đánh hơi được mùi thuốc súng của TQ từ các hải đảo bay vào và đang cho các lữ đoàn đặc công nước ở Ninh Thuận luyện tập dữ dội. 

TQ tuy không dám chọi với Mỹ nhưng sẵn sàng "dạy cho Việt Nam một bài học" khác, như Đặng Tiểu Bình đã làm năm 1979 mà mục đích chính là đập hàng xóm để giải quyết chuyện rối ren "tứ nhân bang" trong nhà, nay cũng là (Tập Cận) Bình muốn lập lại chuyện cũ khi đang bất lực trong các vấn đề nội bộ (kinh tế, chống tham nhũng...).

Dù CSVN có cương lên như thế nào, thì câu hỏi được đặt ra lâu nay mà không có lời giải đáp vẫn là: làm sao huy động được nội lực dân tộc để chống xâm lăng, khi chế độ chính trị không chịu thay đổi qua dân chủ để có được môi trường thuận lợi cần thiết cho việc tạo lực này.

Lê Minh Nguyên
25/2/2016


Monday, February 22, 2016

Tự Ứng Cử: Thách Thức Hay Cò Mồi Cho Chế Độ?

Cho đến hôm nay 22/2, những người sau đây được biết là đã tuyên bố tự ứng cử hay đang cân nhắc tham gia cho cuộc bầu cử Quốc Hội Khoá 14 của CSVN được tổ chức vào ngày 22/5/2016.

1. TS Nguyễn Quang A
2. LS Phạm Quốc Bình (đang cân nhắc)
3. LS Lê Văn Luân
4. Blogger Nguyễn Tường Thụy
5. KS Hoàng Cường
6. KS Nguyễn Đình Hà
7. Nhà Văn Phạm Thành
8. LS Võ An Đôn
9. MS Nguyễn Trung Tôn
10. Blogger Nguyễn Hữu Vinh (đang cân nhắc)
11. Nhà thơ Bùi Minh Quốc

12. Cô Nguyễn Thúy Hạnh
13. Cô Đặng Bích Phượng
14. Cô Nguyễn Kim Anh
15. Cô Lâm Ngân Mai
16. Cô Nguyễn Thị Kim Phượng
17. Cô Mã Tiểu Linh
18. Nhà báo Đoan Trang (đang cân nhắc)

Nhiều người tranh đấu ở hải ngoại phân vân không biết phải phản ứng như thế nào, có nên ủng hộ họ hay không? Họ có là cò mồi của CSVN hay không? Có nên công khai lên tiếng phản đối việc tranh cử ở trong lòng chế độ độc tài độc đảng này hay không, hay giữ sự im lặng vì ở hải ngoại không đối diện với sự trù dập của CS thì không nên công khai phê bình những người đang đứng ở đầu sóng ngọn gió?

Nói chung, người tranh đấu hải ngoại vì sống ngoài HỆ THỐNG và không chấp nhận hệ thống nên không thể và không nên tham gia cuộc bầu cử này, vì tham gia là chấp nhận hệ thống cũng như luật chơi của hệ thống, tức chấp nhận chế độ CS. Thay vào đó thì người bên ngoài cần tiếp tục công phá cho sập hệ thống từ vị trí ở bên ngoài của mình, vị trí không bị đàn áp nên phương tiện sử dụng được tự do hơn. Hơn nữa, bên ngoài đóng vai trò "enabler" làm cho sự việc được xảy ra, vun phân tưới nước cho những hạt nhân dân chủ đang nằm chờ đợi có môi truờng tốt để nẩy mầm ở khắp các nẽo đường của đất nước.

Người bên trong HỆ THỐNG đóng vai trò diễn viên trên sân khấu chính trị (actors), vai trò mà quần chúng là khán giả, vai trò này rất quan trọng nhưng hiện nay bị giới hạn vô cùng. 

Giới hạn đầu tiên là cá chậu chim lồng, bị gò bó ở bên trong hệ thống, trong khi cái sứ mệnh chính là thay đổi hệ thống, bỏ chế độ độ tài, thay bằng chế độ dân chủ. Con cá trong chậu, con chim trong lồng thì làm sao thay cái chậu thành con sông hay thay cái lồng bằng khu rừng cho được !?

Giới hạn thứ hai là không có phương tiện để đập chậu hay phá lồng vì đây là điều tuyệt đối cấm kỵ, chỉ cần có ý hay nhen nhúm tổ chức là bị đánh đập, bị trù dập, bị bắt bớ như LS Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà... Cho nên, họ chỉ có thể phá một cách gián tiếp, làm cho thành chậu hay chấn song bị mục rữa để bên ngoài phá vào dễ hơn mà an ninh không có cớ đàn áp.

Người bên ngoài có một số lý do để e ngại việc tự tranh cử của những anh em dân chủ bên trong, như:

- Chế độ đang càng ngày càng mất lòng dân, sự bất mãn của dân chúng đang càng ngày càng cao, càng không sợ, càng lan ra nhiều thành phần xã hội, chỉ chờ nhiệt độ tăng lên chút nữa thì "lượng biến thành phẩm" nồi súp de (boiler) sẽ nổ tung, chế độ sẽ sụp đổ. Nay với sự tham gia tranh cử này, nó có thể mang đến tác dụng ngược, vì vô hình chung nó trở thành một cái valve an toàn để xì bớt hơi ra, cho nên tuy nước đã đun đến 99 độ C nhưng sau đó nhiệt độ bị hạ thì không thể bốc thành hơi.

- Tự ứng cử như vậy có là "cò mồi" của chế độ hay không? Có phải là "đối lập trung thành" hay không? Có làm bình hoa chậu kiểng để trang trí cho chế độ hay không? Có giúp cho chế độ tính chính đáng trong con mắt của quần chúng hay không? Có phải những vị này chỉ muốn làm tốt hơn bên trong hệ thống chứ không muốn thay đổi hệ thống (reform only) như năm 1986 đổi mới kinh tế, tức nhà tù lớn vẫn là nhà tù lớn chứ không thể biến thành khu gia cư xinh đẹp (transform instead), nó chỉ giúp CS thay đổi cách quản lý nhà tù và chế độ cơm tù mà thôi phải không?

Người viết cho rằng những nhà tranh đấu dân chủ trong nước không ngây thơ, biết rất rõ và rất tới nơi chế độ CS, họ sống bên trong chế độ nên đã kinh qua và cảm nhận được tất cả các thủ đoạn, dối trá, dã man và bạo lực từ trong gene của chế độ. Họ không thể ngồi im khi môi trường mà họ đang sống trong đó càng ngày càng tồi tệ nhưng lãnh đạo thì tiếp tục nhồi nhét một cách trơ trẽn sự dối trá của "dân chủ đến thế là cùng". Họ muốn đòi những quyền cơ bản đã bị chế độ cướp đoạt quá lâu, từ 1945 đến nay, những quyền dân sự và chính trị mà luật quốc tế và Hiến Pháp của chế độ công nhận, họ muốn sử dụng những gì mà cơ chế độc tài cho phép để tạo một áp lực thay đổi ôn hoà từ dưới đi lên.

Nếu thay đổi dân chủ là xu hướng lớn của nhân loại, nó đang và sẽ ồ ạt tiến đến Việt Nam, trong khi lãnh đạo không tạo được những phần cứng (các định chế dân chủ cần thiết) và những phần mềm (các chủ trương, đường lối, chính sách hướng dẫn), để xảy ra bạo loạn hay chân không quyền lực thì đó là lỗi của lãnh đạo CS chứ không phải lỗi của phong trào dân chủ.

Những nhà tranh đấu dân chủ đang thách thức chế độ một cách ôn hoà, đang đòi quyền làm người, đang thực tập những sinh hoạt mà trong xã hội dân sự nó rất là bình thường. Họ thừa biết rằng chỉ việc này thôi không làm thay đổi được chế độ, cho dù có lọt qua được 3 vòng hiệp thương sàng lọc của Mặt Trận Tổ Quốc và chiếm hết các ghế độc lập (25 đến 30 trong 500 ghế) trong Quốc Hội. Họ không ảo tưởng, không mơ màng. Họ làm trong khả năng của một nhà dân chủ đang ở bên trong hệ thống độc tài, tìm cách đẩy bao thư đến bìa bàn nhưng không cho nó rớt (tức vào tù).

Có người sẽ hỏi vậy thì vai trò valve an toàn của nồi súp de hay cò mồi trang trí cho chế độ thì sao? - Câu trả lời là nó không phải là rút lửa đáy nồi hay mở valve an toàn cho nồi súp de khỏi nổ, mà là ngược lại. Bản chất từ khi design ra chế độ là không bao giờ CS chấp nhận việc độc lập thực sự của đại biểu quốc hội, bởi vì nếu chấp nhận thì nó đã xảy ra từ lâu và đến nay chế độ đã không còn nữa, vì nó tăng tốc rất nhanh, đa đảng đã xảy ra và mau chóng thay đổi bản chất, đi ngược lại nguyên tắc "đổi mới không đổi màu" hay "hiện tượng và bản chất", chỉ thay đổi hiện tượng kiên quyết giữ gìn bản chất "lấy bất biến ứng vạn biến" mà ông Hồ căn dặn. Cho nên nồi súp de sẽ nóng thêm lên vì sự trơ trẽn ngăn chận sẽ được phơi bày ra cho dân thấy, tự ứng cử là thêm củi đáy lò chứ không phải là valve xả hơi an toàn cho chế độ.

Còn cò mồi để trang trí cho chế độ thì nó đã xảy ra từ thời ông Hồ đến nay, quốc hội khoá nào cũng đều có các đại biểu được gọi là "độc lập" không phải là đảng viên mà Đảng gật đầu và MTTQ cho qua trót lọt 3 vòng hiệp thương. Họ đúng là các chậu hoa trang trí và Đảng đã có đầy, đâu cần đến các nhà tranh đấu dân chủ "sớm đầu tối đánh" cho Đảng thêm nhức óc.

Tóm lại, trong 3 thái độ ủng hộ, im lặng, và lên tiếng chỉ trích thì người tranh đấu hải ngoại nên chọn ủng hộ hay im lặng hơn là chỉ trích. Người trong nước luôn đứng trước hiểm nguy, họ không ngây thơ với CS, trong tay họ không có gì ngoài niềm tin và giá trị dân chủ, họ cần sức mạnh dân tộc hỗ trợ phía sau, trong khi đang xông pha đứng ở tuyến đầu.

Có hai cách để thay đổi một hệ thống chính trị và hai cách này có thể thực hiện song song nhau và hỗ tương cho nhau, cách nào đến trước thì cũng đều tốt cả, đó là diễn biến hoà bình và quần chúng đứng lên lật đổ chế độ. Trong khi chuẩn bị cho sự chín muồi của quần chúng đứng lên thì tự ứng cử là một diễn biến hoà bình.

Lê Minh Nguyên
22/2/2016










Wednesday, February 17, 2016

Phiếu, tiền trong tranh cử và lợi thế chính trị của đảng Cộng Hoà

Yếu tố để quyết định sự thắng thua trong cuộc bầu cử ở Mỹ là phiếu, cho nên phiếu đứng hàng quan trọng tối thượng, tiền dù quan trọng nhưng đứng hàng thứ hai.

Bởi vì nước Mỹ quá rộng lớn, bộ máy tranh cử của một ứng cử viên cần có mặt trong 50 tiểu bang, hay ít nhất là ở những tiểu bang lớn mà số đại biểu để thắng trong nội bộ đảng cũng như trong cuộc bầu cử quốc gia phải quá bán. Cho nên, ứng cử viên nào cũng cần tiền để quảng cáo và để vận hành bộ máy tranh cử ở các địa phương (tiểu bang, thành phố). Họ cần tiền để tạo ra phiếu.

Với đảng Dân Chủ, tổng số đại biểu là 4,763 và để thắng trong đảng phải có được 2,382 đại biểu. Cho đến hôm nay 17/2/2016 bà Hillary Clinton có 394 và ông Bernie Sanders có 44.

Với đảng Cộng Hoà, tổng số đại biểu là 2,472 và để thắng trong đảng phải có được 1,237 đại biểu. Cho đến hôm nay ông Donald Trump có 17, ông Ted Cruz có 11, ông Marco Rubio có 10, ông John Kasich có 5, ông Jeb Bush có 4 và ông Ben Carson có 3.

Đôi khi ứng cử viên có rất nhiều tiền để chi cho quảng cáo nhưng vẫn không tăng được mức độ ủng hộ trong dân chúng, điển hình là bà Clinton bên Dân Chủ và ông Jeb Bush bên Cộng Hoà (xem hình) với số chi đã ở khoảng trên dưới 100 triệu đôla mà mức ủng hộ cứ sụt chứ không lên, trong khi ông Sanders, ông Cruz, ông Trump không chi nhiều nhưng mức ủng hộ lại tăng lên.

Đảng Cộng Hoà luôn luôn có lợi thế nội tại (built-in advantage) trong các kỳ bầu cử tổng thống. Tại sao? - Tại vì đa số các tiểu bang ít dân miền trung-tây và đông-nam đều bảo thủ, là thành trì vững chắc của đảng CH. Các tiểu bang này nếu cộng dân số lại chỉ bằng dân số của một tiểu bang xanh Dân Chủ, nhưng khi cộng cử tri đoàn thì nhiều hơn.

Lấy dân số trong kỳ bầu cử năm 2014 làm căn bản, với một dân biểu đại diện cho khoảng 700 ngàn dân (con số trung bình - vì dù tiểu bang nhỏ như Wyoming cũng phải có ít nhất 1 dân biểu) và các tiểu bang dù lớn hay nhỏ cũng đều có 2 nghị sĩ, ta có:

California có 38.8 triệu dân
Cử tri đoàn: 55 (53 dân biểu + 2 nghị sĩ)

Trong khi đó nếu ta nhìn qua 14 tiểu bang ít dân nhưng đỏ mùi bảo thủ sau đây (xem hình):

1.
Alaska có 737 ngàn dân
Cử tri đoàn: 3 (1 dân biểu + 2 nghị sĩ)

2.
Idaho có 1.63 triệu dân
Cử tri đoàn: 4 (2 dân biểu + 2 nghị sĩ)

3.
Montana có 1.02 triệu dân
Cử tri đoàn: 3 (1 dân biểu + 2 nghị sĩ)

4.
North Dakota có 850 ngàn dân
Cử tri đoàn: 3 (1 dân biểu + 2 nghị sĩ)

5.
Wyoming có 585 ngàn dân
Cử tri đoàn: 3 (1 dân biểu + 2 nghị sĩ)

6.
South Dakota có 855 ngàn dân
Cử tri đoàn: 3 (1 dân biểu + 2 nghị sĩ)

7.
Nebraska có 1.88 triệu dân
Cử tri đoàn: 5 (3 dân biểu + 2 nghị sĩ)

8.
Utah có 2.94 triệu dân
Cử tri đoàn: 6 (4 dân biểu + 2 nghị sĩ)

9.
Colorado có 5.37 triệu dân
Cử tri đoàn: 9 (7 dân biểu + 2 nghị sĩ)

10.
Kansas có 2.90 triệu dân
Cử tri đoàn: 6 (4 dân biểu + 2 nghị sĩ)

11.
Arizona có 6.73 triệu dân
Cử tri đoàn: 11 (9 dân biểu + 2 nghị sĩ)

12.
Oklahoma có 3.88 triệu dân
Cử tri đoàn: 7 (5 dân biểu + 2 nghị sĩ)

13.
Iowa có 3.11 triệu dân
Cử tri đoàn: 6 (4 dân biểu + 2 nghị sĩ)

14.
Missouri có 6.06 triệu dân
Cử tri đoàn: 10 (8 dân biểu + 2 nghị sĩ)

Lấy 14 tiểu bang nhỏ này cộng lại (đều là những tiểu bang thành trì của đảng Cộng Hoà), ta có tổng số dân là 38.55 triệu dân, tức vẫn còn ít hơn 38.8 triệu của chỉ một mình California.

Nhưng dù ít dân hơn, nhóm này có nhiều cử tri đoàn hơn. Trong trường hợp này là 79 cử tri đoàn so với California chỉ có 55.

Điều này cho thấy, dù có cùng số dân (khoảng gần 39 triệu) nhưng phía Cộng Hoà có được một lợi thế nội tại là hơn phía Dân Chủ đến 24 cử tri đoàn (79 trừ 55) trên con đường tiến tới con số nhiệm mầu 270 để thắng ngôi tổng thống (quá bán của 538 trong cử tri đoàn).

Bầu cử tổng thống Mỹ, không thắng do ai có được nhiều phiếu bầu toàn quốc mà thắng là do có được 270 trong cử tri đoàn, cho nên trong quá khứ có những ứng viên thắng phiếu cử tri nhưng không đắc cử.

Tại sao bầu cử tổng thống Mỹ vừa nghịch lý và vừa rắc rối như vậy? - Tại vì các nhà lập quốc cố tránh nhiệt tình chính trị mà bầu cử trực tiếp thường cho ra những chọn lựa dựa vào cảm tính hơn là "cool head". Tại vì các nhà lập quốc không muốn các tiểu bang ít dân bị bỏ rơi trong tiến trình bầu chọn, cho nên dù chỉ có 3 phiếu cử tri đoàn cũng quyết định được sự thắng thua. Tại vì các nhà lập quốc muốn rằng dân chúng coi trọng an sinh của gia đình hơn tranh giành chính trị, tổ chức bầu cử gián tiếp để giãm bớt nhiệt tình, đi bầu ngày Thứ Ba (tức ngày làm việc) để chỉ bỏ phiếu nếu thực sự quan tâm, bằng không thì lo đưa đón con đi học và công việc cơm nước gia đình.

Chính trị Hoa Kỳ là vệ tinh của kinh tế.

https://bloom.bg/1TnQanq

Lê Minh Nguyên
17/2/2016





Tuesday, February 16, 2016

Cyber War

Giám Đốc CIA John Brennan nói trên CBS hôm Chủ Nhật 14/2/2016 rằng "môi trường mạng là môi trường thực sự làm cho tôi mất ngủ" (cyber environment is one that really is the thing that keeps me up at night).

Tấn công mạng để phá hoại cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ, tuy chưa xảy ra, nhưng là điều ông Brennan lo sợ nhất, như làm thiệt hại vật chất hệ thống điện, gas, nước hay thiệt hại hệ thống tài chánh.

Ông chia phía tấn công ra làm hai thế lực:

1. Thế lực CÓ KHẢ NĂNG tấn công nhưng không hay chưa có ý định: Trung Quốc, Iran, Nga...

2. Thế lực CÓ Ý ĐỊNH tấn công nhưng không có khả năng: Bắc Hàn, Nhà Nước Hồi Giáo...

- thehill.com Feb 16/16 (www.hill.cm/m2sp843)

*****
Nhận Định:
Đây là cuộc đuổi bắt chạy vòng tròn, của việc làm khoá - bẻ khoá - làm khoá mới - bẻ khoá mới... Cho nên giá trị ngăn ngừa của các biện pháp không bền vững, vì vậy không thể nào hoàn toàn ngăn chận được, và vấn đề là chừng nào nó sẽ xảy ra.

Mỹ xem nước mình như một hải đảo, biện pháp quốc phòng là ngăn chận từ ngoài xa, không cho các phương tiện chiến tranh của đối phương tiếp cận gần bờ, nhưng với chiến tranh mạng (cyber war hay information warfare) và các hoả tiển liên lục địa thì đối phương không cần đến gần Mỹ.

Trong khi đó, hệ thống giao thông của Mỹ mà chủ yếu là xa lộ thì không như ở Âu Châu, có đường hầm dưới mặt đất, hữu dụng khi chiến tranh. Mỹ không có, đối phương chỉ cần đánh sập các nút chuyển lộ là sinh hoạt bị ngưng đọng.

Khi truyền thông mạng đi nhanh như vận tốc của ánh sáng và các phương tiện vận chuyển đi nhanh như vận tốc âm thanh thì quả đất vô hình chung trở thành quá nhỏ bé so với vài trăm năm trước. Trong khi đó thì sự phức tạp của cấu trúc xã hội loài người tăng lên quá nhanh do kiến thức được đại đồng. Chiều cao quốc gia (nation-state threshold) đang bị hạ xuống thấp trong mối tương quan với những nhóm không phải quốc gia (non-state actors). Sự phức tạp này đưa tới xã hội chia làm hai phe: phe nắm bắt kịp và phe không nắm bắt kịp sự phức tạp.

Phe không nắm bắt kịp muốn đạp đổ, trở thành cực đoan, hoặc cực đoan hữu hay cực đoan tả, gây chiến giữa các nền văn minh hay ngay bên trong một nền văn minh, là Nhà Nước Hồi Giáo hay là Timothy McVeigh.

Hơn nữa, ông thần ve chai đã chun ra khỏi vỏ, không thể nhét ông ta trở vô được. Với vận tốc computer càng ngày càng nhanh thì ai cũng có thể design bom nguyên tử, các nhóm "non-state actors" cực đoan có thể làm được việc này, có điều là qua khâu sản xuất thì dễ bị khám phá. Các nước như Nhật, Iran không cần sản xuất, bởi vì khi cần thì chỉ mất vài tháng là có bom. Mỹ là nước ĐÃ sử dụng vũ khí này nên quá sợ, nhưng sự ngăn chận dường như chỉ là việc mua thời gian, thoả ước hạt nhân với Iran chỉ có giá trị 15 năm.

Nhân loại hình như đang tự mình tăng tốc việc đào huyệt chôn mình, bởi vì đã trót ăn trái cấm mà cảm thấy nó ngon không thể nào tả được, trái cấm đó có tên là "knowledge".

Lê Minh Nguyên
16/2/2016



Saturday, February 13, 2016

Đau buồn và cơ hội

Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (SCOTUS) Antonin Scalia qua đời hôm Thứ Bảy 13/2/2016 ở tuổi 79. Ông là người Mỹ gốc Ý đầu tiên trong SCOTUS.

Ông ngồi ghế SCOTUS gần 30 năm từ thời Tổng Thống Reagan của đảng Cộng Hoà (CH). Ông được TT Reagan bổ nhiệm năm 1986, thuộc cánh bảo thủ (conservative) với quá trình bỏ phiếu cùng hệ tư tưởng bảo thủ.

Ông chủ trương thông dịch Hiến Pháp dựa theo ý định NGUYÊN THUỶ (originalism) của những nhà lập quốc, và thông dịch luật dựa theo SÁT NGHĨA (textualism) của bản văn.

Ông chết trước khi tổng thống Dân Chủ (DC) mãn nhiệm kỳ, sự đau buồn này tạo cho TT Obama cơ hội để bổ nhiệm một thẩm phán cấp tiến (liberal) vào SCOTUS.

Nếu TT Obama thành công trong việc bổ nhiệm này, cán cân SCOTUS sẽ nghiêng về cấp tiến trong nhiều năm sắp tới cho dù CH đắc cử tổng thống vào cuối năm nay, nhưng chưa có cơ hội để bổ nhiệm thẩm phán vào SCOTUS.

Phía CH muốn ngăn cản TT Obama không được bổ nhiệm mà nên để cho tổng thống mới. Dù TT Obama bổ nhiệm thì lãnh tụ đa số Thượng Viện, NS Mitch McConnell và các nghị sĩ CH rất có thể ngâm tôm, ngăn chận việc phê chuẩn với hy vọng ứng viên CH đắc cử TT và bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ để duy trì cán cân lợi thế trong SCOTUS. Nhưng lãnh tụ thiểu số Harry Reid của DC đã lên tiếng chống lại, đòi TT Obama nên bổ nhiệm ngay.

Với 8 thẩm phán còn lại và nhiều vụ kiện có tính nhạy cảm ý thức hệ đang chờ, như phá thai, lao động da màu được bảo vệ (affirmative action)... thì một số vụ có thể phải chờ (vì nếu 4-4 sẽ bế tắc).

Có khoảng 2, 3 cụ thẩm phán sắp về trời, tổng thống mới có thể làm cho cán cân ý thức hệ của SCOTUS nghiêng về một bên.

Cái chết của ông Scalia làm xáo trộn cuộc bầu cử đang diễn ra, không phải chỉ có hai cơ quan hành pháp, lập pháp mà còn cả tư pháp.

Lê Minh Nguyên

cnn.it/20STMnA




Wednesday, February 3, 2016

Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu

Trong tác phẩm thi văn Cung Oán Ngâm Khúc có câu

Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu
Giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa?

Lưu Cầu hay Okinawa sau này, là nơi nổi tiếng về rèn gươm ở Nhật Bản, có ý nghĩa là bằng gươm đao.

Đại Hội 12 Đảng CSVN có 5,200 an ninh và binh sĩ đằng đằng sát khí Lưu Cầu canh gác chung quanh, nhưng ông Dũng đã bị hạ bằng loại vũ khí thâm độc hơn gươm đao, đó là bằng sự nhục nhã trong Hội Nghị Trung Ương 14 (từ 11-13/1/2016). Đại hội chỉ là vở tuồng trình diễn ngoài công chúng để che đậy sự nhục nhã đó.

Trong chế độ dân chủ thì thắng thua là chuyện bình thường, vì thua không phải là thất bại, bỏ cuộc mới là thất bại. Luật chơi của dân chủ không giới hạn tuổi tác, ông Ronald Reagan khi ra tranh cử tổng thống đã sắp 70 tuổi. Nghị sĩ Bernie Sanders đã gần 75 tuổi (sinh năm 1941) và đang tranh tổng thống trong đảng Dân Chủ ngang ngữa với bà Hillary Clinton. Ông Richard Nixon thua cuộc liên miên nhưng không bỏ cuộc nên cuối cùng vẫn trở thành tổng thống.

Ông Dũng 66 tuổi, chưa đến nỗi quá già để bị loại ra khỏi cuộc chơi, trong khi luật chơi thì quá sức bất công theo kiểu lấy thịt đè người hơn là tranh đấu công bằng, như 66 tuổi không được nhưng ông Trọng 72 tuổi thì được, như tổng bí thư phải là người miền Bắc, phải có lý luận, phải có quan hệ quốc tế (công du Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Thái... như ông Trọng). Đại hội 12 cho ra Bộ Chính Trị 19 uỷ viên mà trong đó có tới 13 người miền Bắc (2 miền Trung, 4 miền Nam) và 4 tướng công an (Trần Đại Quang, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Hoà Bình).

Nếu ta tạm thời chia Bộ Chính Trị Khóa 12 ra làm hai phe, phe X kinh tế thị trường hay phe thoáng và phe Lú định hướng xã hội chủ nghĩa hay phe giáo điều thì ta có 8 uỷ viên của phe thoáng (Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, Truơng Thị Mai, Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân) và 11 uỷ viên phe giáo điều (Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ, Hoàng Trung Hải, Phạm Minh Chính, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Trần Quốc Vượng, Truơng Hoà Bình). Tuy nhiên, dù thoáng hay giáo điều thì vở tuồng vẫn như cũ, tức các văn kiện và nghị quyết đại hội làm khung sườn cho 5 năm tới vẫn là Mác-Lê và định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn độc tài độc đảng với Điều Lệ Đảng cao hơn Hiến Pháp, cho nên các diễn viên sân khấu không thể hát khác hơn.

Đa số trong BCT nghiêng về ông Trọng, nhưng nhóm này có nhiều uỷ viên "có tham vọng quyền lực" như ông Quang, ông Phúc... điều mà trớ trêu thay, ông Trọng thuờng nói là không nên chọn vào.

Theo tin từ những nguời am hiểu nội tình CSVN ở Hà Nội cho biết, các uỷ viên được bầu vào Ban Bí Thư mà danh sách lộ ra chiều ngày 27/1 có các ông Nguyễn Hoà Bình (Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao), Lương Cường (Thuợng tuớng, Thứ trưởng Bộ QP), Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Nhưng dù bầu rồi, ông Dũng đã áp lực để đưa ông Nguyễn Văn Nên (Bộ Trưởng, Chủ Nhiệm VPCP) vào thay ông Thắng, mà theo nguyên tắc nếu đã rớt BCT (ông Nên bị rớt) thì không được đưa vô bầu BBT. Do đó mà lúc gần 3 giờ chiều ngày 27/1, Thông Tấn Xã VN, cơ quan độc quyền loan tin và hình ảnh, chỉ phát phần chúc mừng TBT, vì Ban Tuyên Giáo cấm các báo đài không được đưa tin BCT và BBT, chỉ sau khi bế mạc ngày 28/1 các tin này mới được đưa ra, danh sách không có tên ông Thắng nhưng có tên ông Nên. Điều này cho thấy ông Dũng tuy bị loại nhưng thế lực vẫn còn khá mạnh.

Tại Hội Nghị TU12 và TU13, ông Hai Nhựt Lê Thanh Hải (Bí thư Saigon) vẫn còn được cơ cấu để ở lại và dự định vào ghế Thường Trực Ban Bí Thư, nhưng khi họp TU14 thì ông bị loại vì Giám Đốc Công An TP. HCM, trung tướng Nguyễn Chí Thành gởi báo cáo lên Thủ Tướng, sau đó là TBT là ông Hải có 6 sai phạm, trong đó sai phạm lớn nhất là đở đầu cho bà Trương Mỹ Lan của công ty Vạn Thịnh Phát làm kinh tài cho tình báo Hoa Nam của TQ. Ông Thủ Tướng Dũng không giải quyết, ông Thành bèn gởi thẳng lên TBT. Ông Thành nay đã nghỉ hưu. Ông Hải coi như chỉ còn lo giữ mạng chứ hết nhúc nhích gì được nữa.

Ông Phan Đình Trạc, Phó Ban Nội Chính, được hai ông Trọng-Rứa cơ cấu vô BCT để sau đó sẽ là Trưởng Ban NC. Ông Đinh La Thăng không được cơ cấu, nhưng BCHTU mới lại giới thiệu và được trúng vào BCT còn ông Trạc thì không, chứng tỏ BCHTU mới muốn loại ông Trạc, bẻ gãy thanh gươm chống tham nhũng tương lai của ông Trọng, không muốn ông Trạc chết như Nguyễn Bá Thanh hay có cơ thể bất diệt như Vương Kỳ Sơn ở TQ.

Ông Dũng bị loại một cách không công bằng và bị ông Trọng hạ nhục trong HNTU14, nó làm cho ông Dũng đã đau vì thua cuộc lại càng đau hơn. Ông Dũng tuy còn tích sản chính trị (political capital) khá nhiều nhưng không dám sử dụng vì sợ phe ông Trọng sử dụng Lưu Cầu. Cuối cùng ông thoả hiệp với ông Trọng để được an toàn và để thân nhân, phe nhóm không bị bứng. Ông Dũng đã ra khỏi sân chơi và trận chiến bây giờ lại là giữa Quang và Trọng.

Theo tin chưa kiểm chứng thì trong ĐH12 ông Trọng chỉ đạt trên 50% phiếu một chút của 1,510 đại biểu để đắc cử vào Ban Chấp Hành Trung Ương và ông được 180 ủy viên BCHTU mới bầu vào BCT ở hạng 16/19, không có chuyện như ông nói là ông ngạc nhiên vì được bầu với số phiếu gần 100%, điều mà TS Nguyễn Quang A mai mỉa.

Ông Quang có tham vọng trở thành tổng bí thư thay thế ông Trọng. Ông Quang hiện là phe mạnh nhất trong các phe. Lý tưởng của ông là như Tập Cận Bình ở TQ, làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, nhưng nếu không gom hai chức này lại được thì ông muốn nắm TBT và buông CTN. Tuy nhiên, ông Trọng lâu nay đã sắp cho ông Đinh Thế Huynh (miền Bắc, có lý luận) để lên TBT. Trong chuyến đi Trung Quốc hồi tháng 4/2015 hai ông Huynh và Quang đều có tháp tùng, nhưng ông Huynh là người được ông Trọng làm nổi bậc với TQ như nhân vật số hai. Hôm đầu tháng 11/2015 khi ông Tập viếng VN, ông Huynh là người đại diện ông Trọng ra tận cầu thang máy bay để đón.

Ông Trọng hiện đang nắm gáy ông Quang vì trong tay ông Trọng hiện có hai con bài tẩy, đó là ông Quang khai tuổi giả (sinh 1950 nhưng làm lại khai sinh 1956) và ông Dương Chí Dũng khai ông Quang có dính chàm số tiền một triệu đôla, nhân chứng này vẫn còn sống và có thể khai thêm. Ngoài ra, ông Quang còn dính với ông Dũng rất sâu về kinh tế ở vùng Saigon. Ông Quang theo ông Trọng là để kiếm ghế cao chứ không phải vì thù hằn ông Dũng. Nay ông Dũng đã ra khỏi sân chơi, nên để tiến đến ghế TBT thì người ông Quang sẽ ra tay là ông Trọng. Chúng ta đã thấy ông Quang bắt đầu chém vây cánh ông Trọng, bắt các lãnh đạo của ngân hàng MHB (Phát triển đồng bằng sông Cửu Long), sân sau của ông Nguyễn Sinh Hùng (bbc.in/1QH3u40). Cho nên sắp tới, ông Quang sẽ chém ông Trọng còn thê thảm hơn là ông Trọng chém ông Dũng.

Bộ Công An đã và đang bị phân hóa, ông Tô Lâm được ủng hộ mạnh (khoảng 2/3) để trở thành bộ trưởng, trong khi thành phần còn lại ủng hộ ông Bùi Văn Nam, nhưng vì ông Nam không vào được BCT nên coi như không còn cửa, ông Tô Lâm sẽ là bộ trưởng. Trong vai trò này công luận sẽ theo sát để xem một người được Toà Đại Sứ Mỹ khen (công điện bị Wikileaks tiết lộ) truớc đây có tôn trọng nhân quyền hay không, hay chế độ độc tài khi ai vào vai thì cũng ác như nhau.

Trở lại tình trạng ông Dũng, ông ta tuy còn tích sản chính trị khá cao nhưng nó sẽ nhanh chóng biến mất nếu không được xài. Điển hình là trường hợp con gái ông (Thanh Phượng) dùng nguồn đầu tư từ Thuỵ Sĩ để xây căn hộ cao cấp ở Quận 3 (Léman Luxury Apartments, 117 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP.HCM - bit.ly/1nOlssh) với nội thất sang trọng nhập cảng từ Châu Âu. Đây là khách sạn Hoàng Đế cũ của Tổng Cục 2 An Ninh Quân Đội, và dự án này đang phá sản vì giới đại gia biết ông Dũng thua nên không mua, không muốn đầu tư vào. Có vẻ như ông sẽ qua California để dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN về Biển Đông ngày 15-16/2 này, nhưng với tình trạng vịt què (lame duck) thì cũng chỉ là để đọc lại những gì mà BCT đã quyết. Những hậu phương của ông muốn ông phải làm một cái gì đó chứ không thể bó tay, nhưng nhìn cách ông "hy sinh đời bố để củng cố đời con" và quá khứ 10 năm thủ tướng thì ông không phải là người khai sơn phá thạch hay có thể tạo dấu ấn gì cho lịch sử.

Cái sống mũi quyền lợi cho bản thân và gia đình của ông cao quá, nó đã che mất cái nhãn quan non nước của ông. Ông Trọng không dùng Lưu Cầu để hạ ông, nhưng cho ông chết như một trọc phú ưu sầu. Ông đã trở thành một con bài thiệp, và chúng ta xem tiếp cái màn ông Quang sẽ hạ ông Trọng ra sao.

Lê Minh Nguyên
3/2/2016