Tuesday, March 31, 2015

Cam Bốt - Uỷ Ban Bầu Cử

Bà PUNG Chhiv Kek, Chủ Tịch tổ chức nhân quyền Licadho ở Cam Bốt, hôm 31/3/2015 đã chính thức từ chối tham gia làm thành viên thứ 9th trong Uỷ Ban Bầu Cử Quốc Gia. 

Bà được đề nghị vào vị trí này hồi tháng 7/2014. Lúc đó bà đồng ý có điều kiện, là "hưởng quyền miễn nhiễm/immunity và hoàn toàn độc lập trong việc quyết định và trong các sinh hoạt khác".

Bà nói rằng vai trò theo diễn tả cho bà là "một thành viên độc lập để giúp cho định chế này giữ được vị thế vô tư cần thiết để tổ chức các cuộc bầu cử cho phù hợp với Hiến Pháp và luật pháp quốc gia".

"Hôm nay, tôi đi đến kết luận rằng công việc này đã trở nên không thể được".

Đảng Nhân Dân Cam Bốt và Đảng Cứu Quốc Cam Bốt mỗi bên tự chọn 4 thành viên cho UBBC và hai bên phải cùng đồng ý để chọn thành viên thứ 9th còn lại.


LMN tóm lược
31/3/2015


Nigeria

Sau 16 năm dân chủ, ứng cử viên tổng thống đối lập Muhammudu Buhari của đảng APC (All Progressives Congress) chiến thắng tổng thống đương quyền ra tái tranh, ông Goodluck Jonathan của đảng cầm quyền Dân Chủ Nhân Dân (People’s Democratic Party). Ông Jonathan đã gọi phone cho ông Buhari để chúc mừng và chấp nhận thua cuộc.

Ông Buhari thắng 51.7% (hơn khoảng 2.5 triệu phiếu) trong cuộc bầu cử tổng thống hôm Thứ Bảy 28/3/2015. Năm nay 72 tuổi, ông từng là nhà lãnh đạo độc tài quân phiệt của Nigeria trước đây (1984-85). Đây là lần thứ tư ông tranh cử tổng thống. Trong cuộc nói chuyện ở London hôm tháng Hai 2015, ông diễn tả ông như "một nhà dân chủ phản tỉnh/converted sẵn sàng hoạt động trong những cung cách dân chủ".

Nigeria là một nước Phi Châu rộng, giàu và đông dân của châu lục này (diện tích 923,768 km2, GDP $502 tỷ đôla/2013, dân số 177 triệu) . Là một nước dầu hoả (35% GDP từ dầu), hiện Nigeria đang bị vấn nạn về giá dầu hạ, các nhóm nổi dậy như Boko Haram vùng đông-bắc, và vấn nạn tham nhũng.

Chiến thắng này đánh dấu sự trưởng thành về dân chủ ở Nigeria với sự xuất hiện của một đảng đối lập đúng nghĩa để tạo thế lưỡng đảng mà trước đây ai cũng nghĩ là đảng DCND  bất bại.

Chính trị của Nigeria bị ảnh hưởng lớn bởi hai yếu tố tôn giáo và địa dư. Ông Jonathan theo Công Giáo ở miền nam vùng Niger Delta. Ông Buhari theo Hồi Giáo ở miền bắc, bang Katsina. Do sự thất vọng với chính quyền hiện tại nên một số thành phần đã xé rào và tạo lợi thế cho ông Buhari.

Ông Buhari hứa hẹn một chính quyền thế tục/secular và chọn ông Yemi Osinbajo, một mục sư Công Giáo đứng phó trong liên danh.

wapo.st/1afBm8h

LMN tóm lược
31/3/2015










Monday, March 30, 2015

Cam Ranh Bay

Rượu Mời Không Uống

Có một câu chuyện vui: hai người bạn thân rủ nhau đi dạo trong rừng, một người là sinh viên xuất sắc trong trường, môn nào cũng điểm A, người kia không học hành nhưng hết sức khôn ngoan đường phố. Hai người mải mê đi và trò chuyện thì thình lình một con gấu/grizzly khổng lồ xuất hiện phía truớc, đứng trên hai chân chờ. Anh sinh viên sợ xanh mặt, run bần bật hỏi "Làm sao? Làm sao bây giờ?" Anh đường phố không trả lời mà ngồi xuống cởi giày ống đi rừng ra, lấy giày bata chạy bộ mang vào. Anh sinh viên thấy vậy hỏi "Bộ mày nghĩ mày chạy nhanh hơn con gấu sao?" Anh đường phố trả lời "Tao không nghĩ tao chạy nhanh hơn con gấu, nhưng tao nghĩ tao chạy nhanh hơn mày".

Nhưng nếu một người vừa có khôn ngoan đường phố vừa có khôn ngoan học đường thì đó không phải là một người dở và ta không nên đánh giá thấp bản lãnh của anh ta. Hai năm còn lại của một tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ thường được xem là vịt què/lame duck, không thể đưa ra được sáng kiến táo bạo hay làm được những việc gì lớn có ý nghĩa. Điều này đúng, nhất là khi cả hai viện quốc hội đều nằm trong tay của đối lập. Cho nên những gì mà TT Obama chưa thông qua được ở quốc hội, nhất là những vấn đề đối nội như di trú, môi trường... hay đối ngoại như Iran, Do Thái, Syria...

Tuy nhiên, trong vấn đề xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD) thì hoàn toàn khác, vì nó đã được khởi xướng từ lâu và được cả hai đảng nhiệt tình ủng hộ, cho dù sau TT Obama là tổng thống Dân Chủ hay Cộng Hoà. Đơn giản vì tất cả họ coi thế kỷ 21 (TK21) là thế kỷ của CA-TBD và sự giàu thịnh của HK trong TK21 là ở vùng này. Phần lớn lịch sử của TK 21 được viết ở vùng CA-TBD.

Chính ông Obama cũng nói là ông không ngần ngại để có những quyết định mạnh mẽ trong hai năm còn lại, như ông đã làm với Cuba, đang làm với Iran, và ngay trong vấn đề gai góc của đối nội là di trú với lệnh hành pháp cho phép hằng triệu người di trú bất hợp pháp được ở lại HK.

Trong vấn đề xoay trục, rõ ràng ông có hai động lực lớn để làm nhanh, làm mạnh cho nó có kết quả cụ thể khi ông bước xuống cuối năm 2016. Đó là (1) ông cần để lại một điểm son, một chỗ đứng tốt/legacy trong lịch sử HK, và (2) tạo sự dễ dàng cho tổng thống tiếp nối ông triển khai, mà không phải lo ngại mất phiếu cử tri, rồi tránh né những quyết định khôn ngoan nhưng nhạy cảm.

Nhiều người có khuynh hướng đánh giá thấp bản lãnh của ông Obama, một người có sự khôn ngoan đường phố thuở thiếu thời và được giáo dục Harvard khi vào đại học. Ông có cả hai thứ và đã hạ gục Bin Laden, đã xoay chuyển nền kinh tế HK, đã giảm mức thất nghiệp, đã khôi phục lại cảm tình của thế giới đối với HK, đã trừng phạt hiệu quả ông Putin và bây giờ đang rất quan tâm đến vấn đề xoay trục, mà ta rất dễ dàng để nhận ra là: nhu cầu sử dụng vịnh Cam Ranh và cách giải quyết.

Ông bộ trưởng quốc phòng HK lúc truớc, Leon Panetta, đầu tháng Sáu 2012 viếng vịnh Cam Ranh không phải để đi chơi. Sách Trắng Quốc Phòng HK đã nêu rõ chủ trương chiến lược cần chỗ không xây tổ/places not bases để vừa ít tốn kém vừa tránh những nhạy cảm chính trị với quốc gia sở tại. HK có đội máy bay ném bom B-2 hùng mạnh đồn trú ở Whiteman Airforce Base, tiểu bang Missouri trong nội địa HK nhưng có thể xuất hiện 'bất cứ lúc nào' và 'bất cứ ở đâu' trên toàn thế giới nên khả năng phóng lực vẫn vậy nhưng nhu cầu căn cứ bên ngoài thì ít nặng nề hơn. Tuy nhiên về hải cảng quân sự, ông Panetta đã nói rõ rằng việc sử dụng được các hải cảng ở Thái Bình Dương là chìa khoá trong chiến lược của HK (reut.rs/19oPhYl).

Người viết từng có dịp sinh hoạt với một viện thinktank về an ninh quốc gia của HK (BENS), khi giao tiếp với các giới chức cao cấp chính trị, quân sự và tình báo, trong câu chuyện riêng tư họ thường nói rằng "HK xem thế giới là một bàn cờ chess vĩ đại và chúng ta phải di chuyển những quân cờ" và "HK là siêu cường lãnh đạo thế giới, do đó chúng ta phải lo việc lãnh đạo, cho dù có nhiều người không thích".

Khi HK cần 'di chuyển quân cờ' và 'lo việc lãnh đạo' ở CA-TBD thì trở lực sẽ bị đẩy sang một bên để dọn đường. Các 'quân cờ' cần khôn ngoan để lèo lái con thuyền đất nước của mình tiến nhanh khi gió thuận và biết zigzag khi gió ngược để không làm con tốt thí mà làm con tốt qua sông chiếu tướng.

Phi Luật Tân có vịnh Subic Bay và Việt Nam có vịnh Cam Ranh. Nhìn vào vị trí địa chiến lược của cả hai vịnh trong Biển Đông thì nó hết sức có ưu thế tự nhiên, một vịnh ở bìa đông và một vịnh ở bìa tây, và cả hai đều kiểm soát hai đầu nam/bắc. Cam Ranh là một cảng nước sâu thiên nhiên, nằm cạnh các xa lộ hàng hải huyết mạch và quần đảo Trường Sa. Nó được coi như quân cảng số một của Á Châu, kiểm soát vùng nối hai biển Ấn Độ Dương và TBD. Nó có thể chứa vài trăm hàng không mẫu hạm cùng một lúc và nhiều tàu hạng nặng khác. Sau khi HK rút quân và CS chiếm Miền Nam, Nga đã thuê nó năm 1979 với thời hạn 25 năm, nhưng đã rút ra năm 2002, sớm hơn 2 năm.

Ông Robert D. Kaplan trong quyển Chảo Nước Sôi Châu Á/Asia's Cauldron (p. 62) dẫn lời ông Ian Storey của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore rằng: mong muốn kín đáo của VN trong việc tân trang Vịnh Cam Ranh là "để tăng cường quan hệ quốc phòng với HK và tạo dễ dàng cho sự hiện diện quân sự của HK ở Đông Nam Á như một lực thăng bằng  sức mạnh đang lên của TQ". Ông Kaplan nói Cam Ranh đóng một vai trò hoàn hảo trong chiến lược cần chỗ không xây tổ của Ngũ Giác Đài, nơi mà máy bay và tàu chiến Mỹ có thể thường xuyên viếng các viễn cảng quân sự của nước bạn để bảo trì và nhận tiếp liệu mà không cần phải có căn cứ quân sự chính thức để bị nhức đầu do nhạy cảm chính trị. Theo ông Kaplan, Cam Ranh và Subic Bay của Phi là hai cảng mà HK dùng để thay phiên nhau phục vụ các chiến hạm của HK, có nghĩa là cả hai đều không phải là căn cứ của HK, nhưng cả hai cộng lại làm nên một căn cứ của HK (p. 131).

Trên chiến hạm USNS Richard Byrd, ông Panetta nói rằng HK và VN "có một mối quan hệ phức tạp, nhưng chúng ta không để lịch sử cột buộc. Chúng ta muốn tìm những cách để mở rộng mối quan hệ," "các tàu hải quân HK được sử dụng cảng này là một phần chủ chốt" của những mối quan hệ HK-VN. Ông Panetta cũng cho rằng những tàu tiếp liệu của HK sử dụng Cam Ranh và các cơ sở sửa chửa thì không chỉ quan trọng về mặt  tiếp vận/logistic mà còn quan trọng về các ý nghĩa/implications chính trị. Nó sẽ cho phép HK đạt được mục đích ở CA-TBD và đưa quan hệ với VN lên một tầm cao mới (1.usa.gov/1HSb1az).

Nếu đầu tháng Sáu 2012 ông Panetta viếng VN với các tín hiệu như vậy thì chỉ một tháng sau, tức tháng Bảy, VN đáp lễ bằng cách phái Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đi Nga và cho ra kết quả là Nga được thiết lập cơ sở sửa chửa hải quân ở Cam Ranh. Trong khi TQ cứ lấn sân ở Biển Đông thì Nga ở thế ngư ông, vừa bán hàng cho VN vừa tạo sự hiện diện dù yếu ớt, chẳng giúp gì về an ninh cho VN cả, vì ngu sao mà giúp khi TQ là một khách hàng ngon ăn hơn.

Tháng Ba 2013, Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu viếng VN, hối thúc đồng nhiệm Phùng Quang Thanh chấp thuận việc xây nhà nghỉ/resort 5 sao cạnh Cam Ranh cho lính Nga, GS Carl Thayer nhận xét "Trong khi Nga trên danh nghĩa không lập căn cứ vì do nhạy cảm từ phía VN, nhưng thực tế là họ đang tạo sự hiện diện lâu dài - và sự hiện diện này đòi hỏi máy bay và tàu chiến thuờng xuyên lai vãng" (bit.ly/19oNAKp).

Nga đang trong tiến trình xây dựng hạm đội tàu ngầm Kilo-class cho VN, các chuyên viên Nga cần đóng ở Cam Ranh để huấn luyện đội thuỷ thủ tàu ngầm VN. Có lợi thế này, Nga ép VN nhượng quyền đặc biệt tiếp cận Cam Ranh cho họ, trong khi VN cần Nga hơn là Nga cần VN, một sự cần sai chỗ.

Tháng Mười Một 2014, Việt Nam ký với Nga một thoả ước để Nga dễ dàng sử dụng vịnh Cam Ranh. Theo đó, các chiến hạm Nga chỉ cần thông báo trước khi vào, không hạn chế bao nhiêu lần, trong khi HK và các nước khác chỉ được vào mỗi năm một lần (bit.ly/19oOyGK). Hơn nữa, các chiến hạm Mỹ trong thời gian qua chỉ cập được cảng Đà Nẵng. Sắp xếp này rõ ràng là có vấn đề.

Sự kiện hôm 11 tháng Ba 2015, HK công khai lên tiếng rằng VN đã cho Nga sử dụng Cam Ranh để máy bay chở xăng Il-78 tanker tiếp xăng trên không trung cho máy bay bomber chiến lược Tu-95MS Bear có khả năng mang bom nguyên tử đe doạ đảo Guam của HK, qua sự xác nhận của tướng Bộ Binh TBD Vincent Brooks (bit.ly/1yg8l1B), thì đó là giọt nước làm tràn ly. Nó làm cho VN, qua Đại Sứ Phạm Quang Vinh trong hội thảo CSIS hôm 24/3/2015, phải thanh minh thanh nga rằng VN không chủ trương cho một nước nào khác sử dụng các căn cứ quân sự của mình để đe doạ một nước thứ ba. Nhưng rõ ràng VN đã vi phạm cái không thứ ba trong chính sách "3 không" mà tướng Nguyễn Chí Vịnh ra rã rao để xoa bóp TQ. Những ứng xử này đi ngược quyền lợi dân tộc, làm chậm tiến trình và phạm vi cộng tác quốc phòng HK-VN.

BT Quốc Phòng Nga xác nhận đã dùng máy bay Il-78 tankers để tiếp xăng cho Tu-95MS Bear bombers, cất cánh ở căn cứ Trung Đông, từ hồi tháng Giêng 2014 và sau đó.

Tướng Vịnh từng nói ủng hộ sự hiện diện của quân đội HK trong vùng miễn là nó đóng góp vào sự hoà bình của khu vực. Vậy mà Nga hiện diện không hoà bình ở Cam Ranh thì được, còn HK hiện diện hoà bình thì không được, tại sao?

TQ trong kín đáo có vẻ hỗ trợ Nga vì có cùng chung mục đích là thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của HK. TQ càng vui hơn khi thấy chuyện máy bay Nga làm phức tạp thêm mối quan hệ HK-VN. Từ sai lầm này qua sai lầm khác, CSVN đang cắn cái tay đem thức ăn đến cho mình.

Chuyến đi HK của TBT Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng Năm 2015 (sau khi đi TQ vào 7-10 tháng Tư) là một chuyến đi không dễ dàng của phe bảo thủ thân TQ, phe này như một sinh vật đang bị đe doạ sắp tuyệt chủng. Bởi vì thân TQ và đi chầu TQ trước để nhận sự chỉ giáo, cho nên Trọng đa phần sẽ không chịu uống rượu mời, không mở Cam Ranh cho HK để làm mất lòng TQ, không dám hạn chế máy bay Nga để làm mất lòng Nga và các hợp đồng mua vũ khí bị trở ngại. Hậu quả trong bang giao là việc HK dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương sẽ không xảy ra, mà chỉ xem xét từng trường hợp một, cùng sự mất trớn trong việc hợp tác quốc phòng HK-VN. Hậu quả trong nội bộ đảng CSVN là phe muốn ngã về HK có thể loại hẳn phe thân TQ trong Đại Hội 12, hay gay cấn hơn, là một sự thanh trừng lẫn nhau. Liệu có ai nghĩ rằng khi siêu cường lãnh đạo thế giới cần di chuyển một quân cờ chiến lược thì sẽ làm gì khi bị cản trở hay không? - Không có giải pháp dễ dàng cho CSVN.

Tác giả Mu Lao trên báo TQ Huanqia hôm 17/3/15 viết rằng Hà Nội đang cầm miếng mồi Cam Ranh lắc qua lắc lại trước mặt hai quyền lực đang thèm chảy nước bọt. Lao cho rằng VN vừa khổ vừa sướng, khổ vì không biết phải giải quyết làm sao với HK, sướng vì dùng vịnh Cam Ranh để mặc cả với Nga và HK. Lao nói rằng TQ cần quan tâm theo sát các động thái của HK và VN trong vấn đề Cam Ranh, dù HK-VN thoả thuận công khai hay kín đáo. Điều này cho thấy phe bảo thủ của ông Trọng không có nhiều khoảng trống chung quanh để xoay trở (bit.ly/1E88R8X).

VN cần xoay 180 độ việc sử dụng vịnh Cam Ranh trong tương quan Nga và HK. Nga là quyền lực đang suy, vùng cận Nga và biên cương còn không giữ nổi. HK vẫn là siêu cường số một trong thế kỷ 21 và đã định hình vị thế giàu mạnh của họ ở CA-TBD, đã chấm Subic Bay và vịnh Cam Ranh chung lại là căn cứ quân sự của họ. Điều này có lợi cho VN trong việc bảo vệ Biển Đông nói riêng và an ninh đất nước nói chung. Một dân tộc thông minh thì không thể làm những quyết định để gây bất hạnh cho các thế hệ tương lai của nòi giống VN mình.

Lê Minh Nguyên
30/3/2015









Friday, March 27, 2015

Bạo Dâm

Trước Khi Ôm Hôn Phải Đánh

CSVN lâu nay mắc bệnh bạo dâm. Kể từ ngày bang giao với Mỹ năm 1995 đến nay, cứ mỗi lần muốn khắn khít hơn với Mỹ một tí thì báo Nhân Dân, QĐND và các cái loa của Đảng ồn ào lên để đánh Mỹ, chửi Mỹ.

CSVN cố ý quên một điều, một sự thật, là cái mà ta gọi là Chiến Tranh VN, nó đối với Mỹ là một trong những trận địa của Chiến Tranh Lạnh, chiến lược của họ là thắng CTL, không cho bom nguyên tử nổ trong một cuộc chiến tranh nóng trực diện với Liên Xô, và HK đã thắng.

VN là trận đánh, khi trận đánh tốn kém cả hai phương diện tiền và máu mà dân Mỹ không ủng hộ thì họ bỏ và bắt qua chiến thuật khác là chia rẽ TQ với Liên Xô, họ đã thành công, Mao đã chịu đi với họ, cho nên họ không cần lo té domino ở Đông Nam Á nữa, VN tụi bây thích đánh thì để anh em tụi bây bắn giết nhau đi. 

Họ bỏ Miền Nam, rút ra hết cuối năm 1973 chứ không phải CS Bắc Việt đánh thắng họ. A Phú Hãn cũng là một trận đánh và họ thắng. Cứ oai oải la hét là đánh thắng Mỹ - nghe mệt quá.

Năm nay, kỹ niệm 20 năm bang giao, và VN ở trong hoàn cảnh khóc tiếng Quang Thoại với Trung Quốc, ly dị thì không dám, cần lã lơi với Hoa Kỳ nhưng phải chửi để thằng chồng vũ phu TQ không đấm cho sặc máu. Cho nên trước các chuyến đi của các lãnh tụ CSVN sang HK là phải có một màn chửi rủa, như ta thấy hiện nay các phái đoàn CSVN rộn rịp đi Mỹ: Trần Đại Quang, Nguyễn Chí Vịnh và sắp tới đây là chính chúa Đảng Nguyễn Phú Trọng.

Trong khi HK là siêu cường duy nhất đang lãnh đạo thế giới, HK không có tham vọng lãnh thổ như TQ, HK đang có quyền lợi phù hợp với quyền lợi VN (muốn VN giàu, mạnh, ổn định để HK buôn bán làm ăn và kiềm chế bớt tính vô luật lệ của TQ), thì Đảng đánh Mỹ trước rồi ôm Mỹ hôn ngay sau đó. Trước đây trong các chuyến đi của ông TTMT Đổ Bá Tỵ hay của BTHN Phạm Quang Nghị cũng vậy. Nghị còn trơ trẽn hơn, tặng cho NS McCain bức tranh để moi thương tích.

VN không thể đi dây lâu mà không té, cho nên còn lại là chỉ có hai con đường: (1) Có được một quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn, được thế giới chính thức công nhận, nhất là các đại cường như HK, TQ, Nga, Nhật, Ấn..., con đường này khó đến độ gần như không thể, vì nó đòi hỏi đầu tiên VN phải là một chế độ dân chủ thực sự, sau đó là một sự vận động mạnh mẽ kiên trì và phải qua những thủ tục quốc tế phức tạp, (2) Trở thành đồng minh thực sự với HK và có những cam kết an ninh hỗ tương và rõ ràng (Phi mất Vành Khăn 1995 vì không rõ ràng, Nhật không mất Senkaku vì Mỹ đã rõ ràng nói các đảo này có trong liên minh quân sự).

Trong đại kế hoạch xoay trục của HK, thì Cam Ranh là một nét lớn trong bức tranh (sẽ có bài về Cam Ranh), tại sao CSVN chưa tỉnh ngủ để thưởng thức rượu mời, sớm xoay 180 độ việc sử dụng dịch vụ CR mà sự sắp xếp cho Nga và HK rõ ràng là có vấn đề (hiện tại Nga dùng không giới hạn chỉ cần thông báo vs HK chỉ một năm một lần).

VOA hôm nay 27/3/15 cho biết ông Putin phát biểu với FSB, cơ quan an ninh chính của Nga, rằng ông hy vọng tình hình quốc tế, kể cả tình hình liên quan đến Nga, sẽ cải thiện. Dáng dẽ thì như gà mắc nước (sau 10 ngày mất tích) cho thấy ông Putin không còn tung chưởng trên sức như trước đây nữa. Với ngón tay ông trên nút nhấn nguyên tử và hăm he sử dụng thì cả dàn lãnh đạo Nga cũng sợ xanh mặt chứ không riêng gì HK và Âu Châu.

Trong khi HK bỏ xa các quốc gia khác về sức mạnh kinh tế cũng như nội lực ổn định xã hội và vẫn giữ vai trò siêu cường số một lãnh đạo thế giới của thế kỷ 21 này (IMF ước tính năm 2015 HK có GDP là $18,400 tỷ đôla, TQ $10,900 tỷ đôla, Nga $2,100 tỷ đôla) thì con đường sáng của VN là nên biết tận dụng sự tương đồng quyền lợi giữa hai nước và biết lịch sự với người Mỹ gốc Việt, vì con đường nồng ấm với Washington không thể đi tắt, trừ khi Quốc Hội HK là một định chế độc tài, nhưng khổ nỗi, QHHK là một định chế đại dân chủ, trong khi Hành Pháp HK là định chế đại độc tài để các đạo luật từ QH đưa qua được triệt để thi hành.

Bạo dâm với HK và phản dân tộc với người Việt hải ngoại thì vừa bất bình thường trong hiện tại vừa u tối trong tương lai.

Lê Minh Nguyên
27/3/2015




Tuesday, March 24, 2015

Tưởng Nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy Tiếp Nối Những Ước Mơ Còn Dang Dỡ

GS Nguyễn Ngọc Huy qua đời ngày 28/7/1990 tại Pháp trong lúc ông mang những hơi thở cuối đời để đi và ngã quỵ trên bước đường tranh đấu.

Ước mơ cho riêng ông khi về già thì thật bình dị, nhưng rồi cũng chỉ là ước mơ cho đến ngày ngã gục của một chiến sĩ chết trên yên ngựa mà vẫn xông pha trận mạc như Don Rodrigo (Charlton Heston) trong phim El Cid để đàn em cứ thế mà tiến lên xoá bỏ độc tài, xây dựng dân chủ pháp trị.

Ông mơ ước đất nước được thống nhất hoà bình trong một thể chế dân chủ pháp trị và Việt Nam được thế giới công nhận là một quốc gia theo quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn.

Sống và nghiên cứu chính trị ở tây phương khi 9 năm lưu vong, ông thấy rằng xây dựng và cũng cố được các định chế dân chủ pháp trị vững chắc thì chính trị sẽ ổn định, sự lãnh đạo đất nước sẽ rất dễ dàng và bất cứ một người bình thường nào cũng đều có thể đảm trách một cách tốt đẹp được. Nó là cái thước cái tất, cái quy (compa) cái củ (êke) để đo đạc mà đóng nên bàn ghế nhà cửa theo các mẫu mã hay đồ hình (blueprint) của căn nhà quốc gia và không cần phải thiên tài mới lãnh đạo được. Chính trị sẽ trở thành một khoa học mà ai cũng có thể học được chứ không phải là một năng khiếu trời ban của lãnh vực nghệ thuật.

Cá nhân tôi đã quan sát được nhiều thể hiện về điều này ở Hoa Kỳ, một đất nước có thể tự vận hành hết sức bình thường dù không có lãnh đạo, hay lãnh đạo thay đổi nhanh như thay áo như ở Úc hay Nhật mà đất nước vẫn mạnh lành.

Năm 2000, có cuộc khủng hoảng khi tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ giữa ông George W. Bush và ông Al Gore, vì bên nào cũng nói mình thắng ở tiểu bang Florida. Có lẽ chưa quen lắm với sự vận hành đã rất vững chắc của các định chế dân chủ, nên tôi lo lắng đến độ gần như khẩn trương, rằng nước Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng chính trị, và phải làm sao đây? Thấy tôi lo sốt vó, anh bạn ký giả chính trị đầy kinh nghiệm David Satter cười tỉnh queo và trấn an "bạn đừng có lo, hiến pháp đã định là tới ngày đó, tháng đó là nước Mỹ phải có một tổng thống mới. Hai bên tranh đấu dù có quyết liệt đến đâu đi nữa thì họ cũng phải cho ra một ông tổng thống đúng hạn kỳ". Quả đúng như vậy, Tối Cao Pháp Viện đã phán là ông George W. Bush thắng, ông Al Gore gọi điện chúc mừng và chấp nhận mình thua.

Ước mơ của GS Huy là khi đất nước được thống nhất thanh bình trong một nền dân chủ pháp trị thì ông sẽ cùng bạn bè như bác Hoài Sơn, đạp xe đạp đi từ Nam ra Bắc để tận hưởng các nét đẹp của những nẽo đường đất nước, đi không định trước thời gian bao lâu và các điểm dừng chân nào sẽ đến. Thứ đến là ông viết về các đặc tính của dân tộc Việt và địa chính trị của Việt Nam, nói về những ưu khuyết điểm của dân tộc ta để các thế hệ mai sau tránh được sai lầm, thấy được tại sao một dân tộc thông minh và dũng cảm mà đã phải hứng chịu quá nhiều điều bất hạnh, hầu tránh lập lại các lỗi lầm này trong tương lai và đưa dân tộc tiến lên sánh vai cùng những dân tộc mạnh của thế giới.

Tiếc thay một ước mơ đơn sơ bình dị nhưng ông đã không thực hiện được cho cá nhân của mình, và 24 năm sau khi ông nằm xuống, đất nước vẫn còn tối om trong đường hầm của độc tài độc đảng, và còn tệ hơn nữa, của sự mất dần biên cương và biển đảo.

GS Huy đã dày công phát huy chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của nhà cách mạng Trương Tử Anh thành hai pho sách trong thập niên 1960s. Ông đã hệ thống hoá và phát triển nó ra thành một chủ nghĩa quốc gia khoa học để chống lại chủ nghĩa vô tổ quốc của cộng sản mà chủ trương xoá bỏ biên cương, thế giới đại đồng, duy vật, vô nhân và phản khoa học.

Nền tảng của chủ nghĩa DTST là con người rất thật ở vị trí người, bằng xương bằng thịt, sống trong những thực tại xã hội, những môi trường hay hoàn cảnh khác nhau, với động lực hành động hay tương tác ứng xử là bản năng sinh tồn. Dù ở mức thô sơ hoang dã hay ở mức văn minh nơi những đô thị đa sắc màu, thì bản năng sinh tồn vẫn là động cơ lèo lái sự hoạt động của con người, ở mức cao như tâm linh trí tuệ, hay ở mức thấp như ăn uống vui chơi.

GS Huy quan sát các chủ nghĩa khác mà mục tiêu nhằm phục vụ thần linh (thần quyền), hay phục vụ quốc gia cực đoan (phát xít), hay phục vụ con người duy vật (cộng sản), hay phục vụ con người lý tưởng (tự do) và thấy rằng con người thực tế sống trong xã hội không được các chủ nghĩa này quan tâm đúng mức.

Trước khi xây dựng chủ nghĩa DTST, GS Huy phân tích về các yếu tố cấu tạo con người, con nguời hiện hữu để làm gì? Mục đích của con người là gì trong cuộc sống? GS đã dựa vào các bộ môn khoa học, nhất là khoa học xã hội với những công trình nghiên cứu và khảo nghiệm khách quan, chứ không duy ý chí, ngồi tưởng tượng để viết về một thiên đường mù.

Chủ nghĩa DTST như tên gọi, là đi tìm sự sinh tồn và thịnh vượng của dân tộc và trong phạm vi dân tộc (nation-state people), nó không nhằm xây dựng một quốc gia cực đoan hay rơi vào chủ nghĩa dân tộc quá khích, nó tranh đấu trong dạng thái cộng tồn của hợp tác hay tranh đua, xem các dân tộc khác ở các dạng cộng tác (partner), hay cạnh tranh (competitor) chứ không phải là kẻ thù (enemy) cần phải tiêu diệt. Chủ nghĩa DTST nhằm đưa dân tộc Việt tiến về phía trước trong dòng tiến hoá của nhân loại, trở thành một trong những dân tộc mạnh của thế giới. Chủ nghĩa DTST muốn dân tộc Việt chạy đua cùng những dân tộc mạnh khác trên thế giới.

Cốt lõi của chủ nghĩa DTST là BẢN NĂNG SINH TỒN. Bản năng này được hình thành bởi sự kết hợp của ba tiểu bản năng nằm ở bên trong mà tỷ lệ mạnh yếu được biến thiên theo môi trường thực tại của mỗi thời điểm mà con người đang hiện hữu và phải tương tác để thích hợp: đó là bản năng TÌNH DỤC, bản năng VỊ KỶ và bản năng XÃ HỘI.

Động lực để bản năng sinh tồn vận hành là TRANH ĐẤU và ba yếu tố giúp cho sự tranh đấu được thành công là: SỨC MẠNH, BIẾN CẢI, và HỢP QUẦN.

Chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các vấn đề trên trong những bài sau, như bản năng vị kỷ chẳng hạn, tức lấy mình làm trung tâm điểm cho mọi quyết định, mỗi người đều có hào quang chung quanh mình, hào quang sáng rực tức vị kỷ hướng thượng thành vị tha, hay hào quang lu mờ tức vị kỷ tụt xuống thành ích kỷ. Hay là, trong môi trường hội đoàn tương thân thì bản năng xã hội vượt trội và nguời có thể mua đấu giá một món quà mọn với số tiền cao, trong môi trường lễ hội tình yêu thì bản năng tình dục vượt trội, trong môi trường đói khát thì bản năng vị kỷ thường hay tụt xuống thành ích kỷ.

Từ bản năng, con người đi xây dựng các định chế, để các cấu trúc xã hội không được rời xa nền tảng con người, có gốc nhân bản, để vừa phát triển vừa điều tiết (regulate) bản năng, để người hướng thượng lên lãnh vực văn minh, những nhu cầu phát triển tâm linh, tinh thần, trí tuệ, không sa đà vào thú tính, vì con người có xác thịt nên vốn là một con thú nhưng có trí thông minh, bản năng sinh tồn giúp cho cơ thể sống và phát triển cao lên lãnh vực tâm linh, và nét đẹp tuyệt vời thuờng nằm trong những sự phức tạp có cấu trúc của sự vật. Thí dụ như từ bản năng tình dục con người tạo ra các định chế hôn nhân hay các bộ luật gia đình, từ bản năng vị kỷ con ngươi tạo ra các định chế về quyền sở hữu hay luật về cổ phần, từ bản năng xã hội con người tạo ra các luật hội đoàn...

Để dễ nhớ các nét căn bản của chủ nghĩa DTST, tôi gom nó vào các dòng thơ sau đây:

SINH TỒN nguồn gốc BẢN NĂNG
Trong ba tiểu bản giảm tăng môi trường
BẢN NĂNG VỊ KỶ đo lường
BẢN NĂNG TÌNH DỤC nối đường cháu con
BẢN NĂNG XÃ HỘI sắc son
Dân ta TRANH ĐẤU giữ non nước nhà
Muốn THẮNG thì phải có ba
SỨC MẠNH, BIỂN CẢI, thiết tha HỢP QUẦN
Văn minh ĐỊNH CHẾ không ngừng
Phát huy DÂN TỘC thấm nhuần BẢN NĂNG

Cuối tháng Bảy mỗi năm, chúng tôi tưởng nhớ đến một nhà chí sĩ của Việt Nam, tác giả của những bài thơ hùng tráng như Anh Hùng Vô Danh, Ngày Tang Yên Báy... Lúc sinh tiền, GS Huy viết rất nhiều sách, nhưng khi cần phải nói thật ngắn và gọn về ông trong vài chữ, thì như ông Khổng Tử bảo rằng "ngô đạo nhất dĩ quán chi" hay cái đạo của ta chỉ có một mối mà quán thông cả thiên hạ, và cái mối đó là chữ "NHÂN", thì cái mối của bao nhiêu ngàn trang giấy mà GS Huy viết là "DÂN CHỦ PHÁP TRỊ".

GS Huy đã bước ra khỏi thế giới này rồi, nhưng chúng tôi những người còn ở lại, vẫn thấy trước mặt mình là một chiến sĩ hiên ngang trên lưng ngựa, quyết tâm dẫn dắt dân tộc Việt Nam qua khỏi bến bờ của dòng sông bất hạnh.

Nhân ngày giỗ lần thứ 24, xin dâng lên Người một nén hương tưởng niệm và nguyện tiếp nối những mơ ước của Giáo Sư, để nó trở thành hiện thực cho dân tộc Việt của chúng ta.

Lê Minh Nguyên
Tháng 7, 2014



Địa Chính Trị Trong Quan Hệ Hoa Kỳ-Cuba

George Friedman
23/12/2014

Lê Minh Nguyên dịch


Trong tuần qua, Tổng thống HK Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đồng ý trao đổi tù nhân đang bị giam giữ về tội gián điệp. Ngoài ra, Washington và Havana đồng ý tổ chức các cuộc thảo luận với mục đích thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Không có thoả thuận nào về việc chấm dứt lệnh cấm vận của HK đối với Cuba, cái bước đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc Hội.

Đây là một thỏa thuận khiêm tốn, bởi vì trong thực tế không có bất cứ một thỏa thuận nào được ký kết. Quan hệ HK-Cuba đã giá băng trong nhiều thập kỷ, với không bên nào sẵn sàng nhượng bộ đáng kể hoặc thậm chí có những buớc đi đầu. Nguyên nhân một phần là do chính trị nội bộ của mỗi nước mà nó làm cho việc lạnh nhạt được khuyến khích. Về phía HK, liên minh của người Mỹ gốc Cuba, các nhóm bảo thủ và các nhóm bảo vệ nhân quyền chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của Cuba và ngăn chặn nỗ lực. Về phía Cuba, sự thù nghịch với Hoa Kỳ đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì chính đáng tính cho chế độ cộng sản. Không chỉ chính quyền được sinh ra để chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ, mà Havana cũng còn sử dụng lệnh cấm vận của HK để giải thích cho những thất bại kinh tế của Cuba. Không có áp lực bên ngoài để thúc đẩy hai bên tuơng nhuợng nhau, và có nhiều lý do nội bộ đáng kể để duy trì tình trạng ngưng đọng như vậy.

Người Cuba bây giờ đang bị một số áp lực để chuyển dịch chính sách của họ. Họ đã tìm cách để tồn tại sau sự sụp đổ của Liên Xô với những khó khăn. Bây giờ họ phải đối diện với một vấn đề cấp bách ngay trước mắt: sự bất ổn của Venezuela. Caracas cung cấp dầu cho Cuba với sự giảm giá rất lớn. Thật khó có thể nói nền kinh tế của Cuba gần bờ vực như thế nào, nhưng rõ ràng là dầu của Venezuela đã tạo ra một sự khác biệt đáng kể. Chính quyền của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn đang tăng tốc cho những thất bại về kinh tế. Nếu chính phủ Venezuela sụp đổ, Cuba sẽ mất đi một trong những trụ cột nền móng để chống đỡ chế độ. Số phận của Venezuela vẫn còn chưa biết được như thế nào, nhưng Cuba phải đối mặt với khả năng của một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra này, và phải tạo điều kiện cho việc mở cửa. Mở cửa sang Hoa Kỳ thì hợp lý trong việc duy trì chế độ.

Lý do cho sự thay đổi của HK thì ít rõ ràng hơn. Nó có ý nghĩa chính trị từ thế đứng của Obama. Thứ nhất, về ý thức hệ, bỏ cấm vận hấp dẫn ông ta. Thứ hai, ông có ít thành công trong chính sách đối ngoại được ghi nhận. Bình thường hóa quan hệ với Cuba là cái gì đó ông có thể đạt được, bởi vì những nhóm như Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ việc bình thường và sẽ cung cấp vỏ bọc chính trị bảo vệ ông bên phía Đảng Cộng hòa. Nhưng cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là các nền tảng địa chính trị đã ám ảnh HK về Cuba hầu hết đã không còn nữa, nếu không phải vĩnh viễn thì ít ra là trong tương lai gần. Bình thường hóa quan hệ với Cuba không còn là mối đe dọa chiến lược. Để hiểu được phản ứng của HK với Cuba trong nửa thế kỷ qua, quan trọng là sự hiểu biết về thách thức địa chính trị của Cuba cho Hoa Kỳ.

Giá trị chiến lược của Cuba

Ngược dòng thời gian, sự thách thức bắt đầu từ khi hoàn tất việc mua Louisiana của Tổng thống Thomas Jefferson năm 1803. Lãnh thổ Louisiana thuộc sở hữu của Tây Ban Nha trong hầu hết lịch sử của nó cho đến khi nó được nhượng lại cho Pháp một vài năm trước khi Napoleon bán lại cho Hoa Kỳ để lấy tiền tài trợ cho chiến tranh với người Anh. Jefferson thấy Louisiana là thiết yếu cho an ninh quốc gia của HK trong hai phuơng diện: Thứ nhất, dân Mỹ vào thời điểm đó chủ yếu sống ở phía đông của rặng núi Appalachians trong một dải dài chạy từ New England tới biên giới Georgia-Florida. Nó rất dễ bị xâm lược và không có chổ để rút lui, như hiển nhiên đã thấy trong cuộc chiến tranh năm 1812. Thứ hai, Jefferson có viễn kiến về sự thịnh vượng của HK nên được xây dựng xung quanh những nông dân sở hữu đất đai của mình, sống như các doanh nhân chứ không phải là nông nô. Vùng đất trù phú của Louisiana, nếu ở trong tay của những người di dân đến Hoa Kỳ, sẽ tạo ra sự giàu có để xây dựng đất nước và cung cấp chiều sâu chiến lược để đảm bảo an ninh của HK.

Điều làm cho Louisiana có giá trị là cấu trúc sông của nó sẽ cho phép người nông dân miền Trung Tây vận chuyển hàng hóa trong các sà lan đến sông Mississippi và theo dòng đi xuống New Orleans. Tại đây, nông phẩm sẽ được chuyển qua cho các tàu đi biển và vận chuyển đến châu Âu. Các nông phẩm này sẽ làm cho cuộc Cách mạng công nghiệp ở Anh dễ thực hiện, vì việc nhập khẩu số lượng lớn thực phẩm giúp giải phóng nông dân Anh hầu cung cấp nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp ở đô thị.

Để cho việc thực hiện điều này được thuận tiện, HK cần kiểm soát hệ thông sông ngòi chằn chịt Ohio-Missouri-Mississippi (trong đó có rất nhiều con sông khác), cửa sông Mississippi, Vịnh Mexico, và các lối ra Đại Tây Dương chạy giữa Cuba và Florida, cũng như giữa Cuba và Mexico. Nếu chuỗi dây chuyền cung cấp này bị phá vỡ ở bất cứ nơi nào, nó sẽ gây hậu quả đáng kể cho toàn cầu - và đặc biệt là cho HK. New Orleans vẫn là cảng lớn nhất cho các khối luợng hàng to lớn ở HK, vẫn vận chuyển lương thực tới châu Âu và nhập khẩu thép cho nền sản xuất của HK.

Đối với người Tây Ban Nha, Lãnh Thổ Louisiana là lá chắn chống HK xâm nhập vào Mexico và các mỏ bạch kim giàu có của họ, nó cung cấp một phần đáng kể cho sự giàu thịnh của Tây Ban Nha. Với Louisiana trong tay HK, những thành trì quan trọng này bị đe dọa. Nhìn từ quan điểm của người Mỹ, mối quan tâm của Tây Ban Nha có thể đưa đến khả năng Tây Ban Nha can thiệp vào thương mại của HK. Với Florida, Cuba và Yucatan (Mễ) nằm trong tay Tây Ban Nha, người Tây Ban Nha có tiềm năng để ngăn chặn dòng sản xuất chảy xuống Mississippi.

Cựu Tổng thống Andrew Jackson đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Jefferson. Là một tướng lãnh, ông tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại người da đỏ Seminole ở Florida và chiếm lấy lãnh thổ này từ sự cai trị của Tây Ban Nha - và từ Seminoles. Ông bảo vệ New Orleans từ cuộc tấn công của Anh năm 1814. Khi ông trở thành tổng thống, ông thấy rằng Mexico, bây giờ đã độc lập từ Tây Ban Nha, trở thành mối đe dọa chính cho toàn bộ sự nghiệp của vùng trung Mỹ. Biên giới của Mexico ở Texas nằm trên sông Sabine, chỉ 193 km (120 dặm) từ Mississippi. Jackson, thông qua cấp duới của ông là Sam Houston, khuyến khích sự nổi dậy của Texas chống lại người Mexico để thiết lập sân khấu cho sự sáp nhập.

Nhưng Cuba của Tây Ban Nha vẫn là cái gai đâm vô hông HK. Các eo biển Florida và Yucatan đều hẹp. Mặc dù Tây Ban Nha, ngay cả khi ở trong trạng thái suy yếu, vẫn có thể ngăn chặn tuyến đường thương mại của Mỹ, nhưng người Anh mới chính là điều làm cho người Mỹ lo lắng nhất. Có căn cứ ở Bahamas, gần Cuba, người Anh, trong tâm trí của họ có nhiều mâu thuẫn với Hoa Kỳ, có thể chiếm Cuba và áp đặt lệnh phong tỏa gần như bất khả phá vỡ, làm tê liệt nền kinh tế HK. Anh phụ thuộc vào nông phẩm ở Mỹ, cho nên không thể loại trừ khả năng họ sẽ tìm cách giành quyền kiểm soát xuất khẩu từ Trung Tây để đảm bảo an ninh kinh tế của họ. Nỗi lo sợ quyền lực của Anh đã góp phần định hình cuộc nội chiến và những thập kỷ sau đó.

Cuba là chìa khóa. Nếu nó trong tay của một thế lực thù địch nước ngoài, nó có giá trị như nút đậy sông Mississippi, không khác gì chiếm được New Orleans. Sự suy yếu của người Tây Ban Nha làm cho người Mỹ lo sợ. Bất kỳ quyền lực mạnh mẽ nào của châu Âu - nguời Anh, hay sau năm 1871, người Đức - có thể dễ dàng đá văng người Tây Ban Nha ra khỏi Cuba. Và Hoa Kỳ, thiếu một lực lượng hải quân hùng mạnh, sẽ không thể đối phó. Chiếm Cuba đã trở thành vấn đề cấp bách trong chiến lược của HK. Theodore Roosevelt, tổng thống trông coi sự trừng lên của HK như là một cuờng quốc hải quân lớn - và là người đã giúp đảm bảo việc xây dựng kênh đào Panama, vì nó tối quan trọng cho một lực lượng hải quân hai đại dương - đã trở thành biểu tượng của việc HK chiếm Cuba trong cuộc chiến Tây ban nha-HK những năm 1898-1900.

Với việc chiếm Cuba, đường vận chuyển New Orleans-Atlantic được bảo đảm. Hoa Kỳ duy trì quyền kiểm soát Cuba cho đến khi sự nổi lên của Fidel Castro. Nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn lo lắng về an ninh Cuba. Bởi vì nếu chính tự nó, hòn đảo này không thể đe dọa các đường cung cấp hàng hải. Tuy nhiên, nếu trong tay của một thế lực thù địch đáng kể, Cuba có thể trở thành căn cứ cho việc bóp nghẹt Hoa Kỳ. Trước thế chiến thứ II, khi có dư luận ồn ào về ảnh hưởng của Đức ở Cuba, Hoa Kỳ đã làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự vuơn lên của cựu lãnh đạo Cuba, Fulgencio Batista, được coi như là một đồng minh hay con rối của HK, tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi nguời. Nhưng điều then chốt là: Bất cứ khi nào có một thế lực lớn của nước ngoài quan tâm đến Cuba, thì Hoa Kỳ luôn phản ứng, điều này đã có hiệu quả cho đến khi Castro nắm quyền vào năm 1959.

Ảnh hưởng của Liên Xô

Nếu Liên Xô muốn tìm kiếm một điểm duy nhất mà từ đó họ có thể đe dọa lợi ích của HK, họ sẽ thấy không có nơi nào hấp dẫn hơn Cuba. Vì vậy, cho nên dù Fidel Castro có là cộng sản hay không trước khi nắm chính quyền, thì cuối cùng ông ta cũng sẽ trở thành một đồng minh cộng sản của Liên Xô. Tôi nghi rằng ông ta đã trở thành cộng sản những năm trước khi ông lên nắm quyền nhưng đã khôn ngoan che giấu, vì biết rằng nếu công khai nói mình là nhà cai trị theo cộng sản ở Cuba, thì sẽ làm sống lại những nỗi sợ hãi cũ của HK. Cũng có thể, ông không phải là nguời cộng sản, nhưng quay sang Liên Xô vì sợ hãi sự can thiệp của HK. Hoa Kỳ, do không thể đọc được là cuộc cách mạng đang xảy ra, đã máy móc đi theo hướng gia tăng sự kiểm soát. Castro, dù như một người cộng sản, hay một nhà cải cách ruộng đất, hay bất cứ ông ta là gì, đều cần một đồng minh để chống lại sự can thiệp của HK. Cho dù sự sắp xếp đã được lên kế hoạch từ nhiều năm, như tôi nghi ngờ, hay do một cú đẩy đột ngột, Liên Xô đã nhìn thấy nó như là một cuộc hôn nhân được thực hiện ở thiên đàng.

Cho dù Liên Xô không bao giờ đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba, Hoa Kỳ vẫn sẽ phản đối một đồng minh của Liên Xô nắm quyền kiểm soát ở Cuba trong Chiến Tranh Lạnh. Điều này đã được in khằng trong địa chính trị của HK. Nhưng Liên Xô đã đặt tên lửa ở đó, đây cũng là điều cần nên đề cập đến.

Lực lượng không quân Liên Xô thiếu các máy bay chiến luợc ném bom tầm xa. Trong Thế chiến thứ II, họ đã tập trung vào máy bay tầm ngắn, lực luợng không quân của họ để yểm trợ các hoạt động trên mặt đất. Hoa Kỳ, vì đương đầu với cả Đức và Nhật Bản từ trên không ở tầm xa, cho nên có rất nhiều kinh nghiệm với máy bay ném bom tầm xa. Do đó, trong những năm 1950s, máy bay HK có căn cứ ở Châu Âu, và kế đến, với B-52 ở lục địa Hoa Kỳ, đều có thể tấn công Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân. Liên Xô, thiếu một đội ngũ máy bay ném bom tầm xa, không thể trả đũa Hoa Kỳ. Cán cân quyền lực hoàn toàn nghiêng về phía Hoa Kỳ.

Liên Xô lập kế hoạch nhảy vọt vuợt qua sự khó khăn trong việc xây dựng đội máy bay ném bom có ​​người lái, bằng cách di chuyển các tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đầu những năm 1960s, các thiết kế tên lửa đã tiến nhanh, nhưng triển khai sử dụng thì chưa. Liên Xô không thể ngăn chặn hiệu quả một cuộc tấn công hạt nhân của HK, ngoại trừ hạm đội tàu ngầm vẫn còn kém phát triển của họ. Bầu không khí giữa Hoa Kỳ và Liên Xô chứa nhiều nọc độc, và Moscow không thể giả định rằng Washington sẽ không sử dụng cửa sổ cơ hội đang bị thu hẹp để tấn công một cách an toàn chống Liên Xô.

Liên Xô có tên lửa đạn đạo tầm trung hiệu quả. Mặc dù nó không thể bắn tới Hoa Kỳ từ Liên Xô, nhưng nó có thể bắn tới hầu như tất cả các nơi nào của Hoa Kỳ từ Cuba. Người Nga chỉ cần mua thêm chút thời gian cần thiết để triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa khổng lồ và lực luợng tàu ngầm. Cuba là một nơi hoàn hảo để triển khai từ đó. Nếu thành công, Liên Xô có thể đóng lại cửa sổ cơ hội của HK bằng cách đặt một lực lượng răn đe ở Cuba. Họ đã bị khám phá trước khi họ có thể sẵn sàng. Hoa Kỳ đe dọa chiếm đóng, và Liên Xô nghĩ rằng người Mỹ cũng đang đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân áp đảo vào Liên Xô. Họ đã phải lùi bước. Như đã được biết, Hoa Kỳ không dự định cho một cuộc tấn công như vậy, nhưng Liên Xô không thể biết được điều đó.

Cuba đã khằng lên tâm lý chiến lược của Mỹ qua hai lớp. Tự nó, nó không bao giờ là một mối đe dọa. Dưới sự điều khiển của một lực lượng hải quân nước ngoài, nó có thể bóp nghẹt Hoa Kỳ. Sau khi Liên Xô cố gắng triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung, nó tạo ra thêm một lớp mới, đó là Cuba trở thành mối đe dọa tiềm năng cho lục địa HK, tương tự như các tuyến đường thương mại. Các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Liên Xô bao gồm việc đảm bảo là HK không xâm chiếm Cuba, và Liên Xô không lập căn cứ vũ khí hạt nhân ở đó. Nhưng Cuba vẫn là một vấn nạn đối với Hoa Kỳ. Nếu có một cuộc chiến tranh ở châu Âu, Cuba sẽ là một căn cứ để đe doạ sự kiểm soát của HK ở Caribbean, và cùng với nó, là khả năng của HK để vận chuyển tàu từ hạm đội Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Áp lực của Hoa Kỳ không bao giờ thuyên giảm cho Cuba, Liên Xô sử dụng nó như là một căn cứ cho nhiều thứ, trừ vũ khí hạt nhân (ta cho là như vậy), và chế độ Castro bám vào Liên Xô để có được an ninh, trong khi hỗ trợ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, như thuờng được gọi, ở châu Mỹ Latin và châu Phi, nhằm phục vụ lợi ích chiến lược của Liên Xô.

Cuba hậu Liên Xô

Với sự sụp đổ của Liên Xô, Castro bị mất nơi nương tựa và bảo đảm chiến lược. Mặt khác, Cuba không còn là mối đe dọa cho Hoa Kỳ. Có một sự thỏa hiệp ngầm. Vì Cuba đã không còn là một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng trên lý thuyết vẫn là có thể, cho nên Washington sẽ không chấm dứt sự thù địch đối với Havana nhưng sẽ không tích cực cố gắng lật đổ. Về phần mình, chính quyền Cuba hứa sẽ không làm những gì, mà thực ra nó cũng không thể có khả năng làm: trở thành một mối đe dọa chiến lược cho Hoa Kỳ. Cuba vẫn là mối phiền toái giống như Venezuela, nhưng mối phiền toái không phải là đe dọa chiến lược. Do vậy, mối quan hệ vẫn lạnh.

Kể từ khi mua Louisiana, Cuba là mối đe dọa tiềm năng cho Hoa Kỳ khi nó bị kiểm soát hay nó liên kết với một cường quốc châu Âu. Vì vậy, Hoa Kỳ không ngừng cố gắng định hình các chính sách của Cuba, và do đó, lên chính trị nội bộ của Cuba. Mục tiêu của Fidel Castro là chấm dứt sự ảnh hưởng của HK, nhưng ông chỉ có thể đạt được điều đó bằng cách nối kết với một cường quốc: Liên Xô. Cuba độc lập từ Hoa Kỳ đòi hỏi nó phải lệ thuộc vào Liên Xô. Và rằng, giống như tất cả các mối quan hệ, nó phải trả bằng một cái giá.

Việc trao đổi tù nhân là thú vị. Việc mở đại sứ quán là quan trọng. Nhưng câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời. Ở thời điểm này, không có quyền lực lớn khai thác vị trí địa lý của Cuba (bao gồm cả Trung Quốc, cho hiện tại). Vì vậy, không có các vấn đề quan trọng. Nhưng không ai biết được tương lai. Cuba muốn duy trì chế độ và tìm cách giải tỏa áp lực từ Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, Cuba thực sự không quan trọng. Nhưng khi thời gian đi qua, không ai có thể đảm bảo rằng nó sẽ không trở nên quan trọng. Cho nên, chính sách của HK nhấn mạnh vào sự thay đổi chế độ trước khi giải tỏa áp lực. Với việc Cuba quyết định duy trì chế độ, thì Cuba có gì để cho? Họ có thể hứa trung lập vĩnh viễn, nhưng cam kết như vậy không có giá trị nhiều.

Cuba cần quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt là nếu chính quyền Venezuela sụp đổ. Với nền kinh tế nghèo nàn của Venezuela thì có thể, về mặt lý thuyết, Cuba buộc phải thay đổi chế độ do từ áp lực nội bộ. Hơn nữa, Raul Cátro đã già và Fidel Cátro đã rất già. Nếu chính quyền Cuba cần phải duy trì, nó phải được bảo đảm ngay từ bây giờ, bởi vì hiện giờ không được rõ là những gì sẽ nối tiếp khi hậu Castros. Nhưng Hoa Kỳ có yếu tố thời gian, và mối quan tâm về Cuba là một phần trong DNA của HK. Không có sự lo lắng trong hiện tại, thì duy trì áp lực là điều không có ý nghĩa. Nhưng Washington cũng không có sự khẩn cấp để chấm dứt nó cho Havana. Obama có thể muốn có một di sản, nhưng logic của tình hình là Cuba cần điều này hơn HK, và cái giá của HK cho việc bình thường sẽ cao hơn khi nó xuất hiện ở thời điểm này, cho dù được thiết lập bởi Obama hay người kế nhiệm ông.

Chúng ta đang vẫn còn xa để giải quyết một tranh chấp chiến lược bắt nguồn từ vị trí của Cuba, và sự kiện là vị trí của nó có thể đe dọa lợi ích của HK. Cho nên, động thái cởi mở chỉ là động thái cởi mở. Con đường vẫn còn rất dài trong vấn đề này.

www.goo.gl/bzKwtC






Chuyện Chặt Cây Xanh Ở Hà Nội

Chuyện chặt 6,700 cây xanh khoảng +/- 100 tuổi trong thành phố Hà Nội đã đi từ vấn đề môi trường sang vấn đề trách nhiệm chính trị, và người bị thiệt hại nhiều có lẽ là ông bí thư Phạm Quang Nghị và ông chủ tịch uỷ ban nhân dân Nguyễn Thế Thảo.

Ngược lại, kẻ hưởng lợi một cách khá bất ngờ lại là ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Sự kiện này cho thấy tương lai chính trị của ông PQNghị sẽ tối sầm trong Đại Hội 12. Hôm Hội Nghị Trung Ương 10 ngày 5-12/2/2015 ông bị đánh giá tín nhiệm thứ 19/20 nên đã là một bước thụt lùi đầu tiên.

Ông được Đảng cử đi Mỹ hôm cuối tháng 7/2014, nằm trong kế hoạch của ông TBT Nguyễn Phú Trọng để đẩy ông lên trong ĐH12, nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi.

Vụ chặt cây xanh đưa tới một sự thiệt hại chính trị khá lớn cho phía ông NPTrọng. Hiện tại thì phía ông NTDũng đang thắng thế, nhưng từ đây đến đại hội đảng còn khoảng 10 tháng nữa nên sẽ còn nhiều đòn phép chính trị nữa được tung ra.

Ông NPTrọng sẽ đi Trung Quốc trước (17-20/4/2015) rồi sau đó đi Hoa Kỳ vào cuối tháng 5/2015 (theo tin VOA 25/3).

Các chuyến đi Mỹ của các ông PQNghị, TĐQuang, NPTrọng cho thấy hai trong nhiều điều:

- Đảng đang tranh với Chính Phủ để làm ngoại giao, mặc dù về phương diện nhân sự đều là người của đảng, nhưng về phương diện định chế thì là hai định chế khác nhau, và định chế Chính Phủ là điều lâu nay HK muốn bắt tay và cũng cố, trong khi định chế đảng thì HK muốn đè nó xuống thành một đảng chính trị bình thường nằm trong khuôn khổ của luật pháp chứ không đứng trên như lâu nay. Khi ông Nghị đi Mỹ, ông có viếng và làm việc với hai viện chuyên đi làm dân chủ ở thế giới của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà (NDI và IRI). Điều này cho thấy muốn gần hơn với Mỹ thì phải mặt đối mặt để thương thảo chứ không thể gạt ngang vấn đề.

- CSVN đang có sự điều chỉnh chính sách để đi gần hơn với Mỹ, đây là quyết định chung của Bộ Chính Trị chứ không phải của riêng một phe nhóm nào. Điều này có nghĩa là họ đang muốn kiềm chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đã đi sâu vào hạ tầng kiến trúc của VN, đặc biệt là trong lãnh vực an ninh. Việc BT Công An TĐQuang qua Mỹ họp kín với ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Đông Á-TBD Tony Blinken (có chân trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia), làm việc với FBI, Homeland Security... sẽ làm cho cơ quan tình báo Hoa Nam mà lâu nay đang một mình một chợ ở VN không dễ chịu tí nào. Chắc chắn ông TĐQuang khi về sẽ phải đi trên dây thay vì đi trên đường ciment TQ như lâu nay.

Cái vấn đề lớn nhất của mọi vấn đề là hệ thống chính trị lỗi thời cần được phá bỏ để các chính trị gia không bị các giới hạn kỳ cục vướn víu tay chân nên chẳng làm được gì ra hồn. Nhưng nếu không dám đụng tới nó thì sẽ còn nhiều chuyện khác nữa động trời hơn chuyện đốn cây xanh để tiếp tục làm cho VN tan nát.

Lê Minh Nguyên
24/3/2015


Monday, March 23, 2015

Nghịch Lý Của Cải Cách Bầu Cử Ở Hoa Kỳ

George Friedman
Geopolitical Weekly

Lê Minh Nguyên dịch

Hiện nay chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Một khối tiền khổng lồ đang được vận động gây quỹ, các kế hoạch đang được thiết lập, việc nghiên cứu đối lập đang được tiến hành và scandal đáng kể đầu tiên đã nổ ra với sự khám phá ra rằng Hillary Clinton đã sử dụng một trương mục email riêng tư cho các công việc của chính quyền. Phía trước mặt chúng ta là một chuỗi dài những cuộc tranh cử sơ bộ (primary - ngày bầu cử do mỗi tiểu bang quyết định riêng biệt nhau, để chọn ứng cử viên đại diện đảng ra tranh trong cuộc bầu cử toàn quốc), sau đó là bầu cử toàn quốc (general election - ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng Mười Một) cho cuộc đấu nhau giữa các đảng, và có lẽ sau đó là tranh cãi về một số khía cạnh của kết quả bầu cử. Tại Hoa Kỳ, tiến trình bầu cử tổng thống mất khoảng hai năm, đặc biệt là khi tổng thống sắp mãn nhiệm không ra tái tranh cử.

Tiến trình bầu cử này quan trọng đối với thế giới vì hai lý do. Đầu tiên, siêu cuờng duy nhất của thế giới này càng ngày càng chỉ biết có mình (self-absorbed), và tổng thống đương nhiệm - đã bị suy yếu bởi đảng đối lập kiểm soát cả hai viện của Quốc hội - ngày càng bị giới hạn trong những gì mà ông có thể làm. Trong một vài phạm vi nào đó thì điều này đáng lấy làm lo ngại, vì tất cả các cuộc bầu cử tổng thống đều ẩn tàng viễn cảnh của ngày tàn (apocalypse) theo sau nếu đối phương thắng cử. Trong mùa bầu cử ở Mỹ, thế giới nghe phát chán sự phỉ báng và hạ bệ lẫn nhau mà nó có thể gây ra sự lo sợ, vì được phát ra từ một quốc gia sản xuất gần 1/4 sản luợng thế giới mỗi năm, và ngự trị các đại dương của thế giới. Nếu nuớc Honduras có cung cách này, thế giới sẽ không quan tâm. Nhưng khi Hoa Kỳ làm như vậy, diễn đàn công luận có thể làm cho người khác nghĩ rằng Hoa Kỳ đang ở trên bờ vực của sự sụp đổ, và ý nghĩ này có tiềm năng biến thành ít nhiều một số các hành động trên trường quốc tế.

Kiềm Chế Bớt Những Nhiệt Tình Chính Trị

Hoa Kỳ coi mình là một thành phố trên đỉnh đồi, một guơng mẫu cho thế giới. Nhưng đi kèm với bất kỳ một cảm giác cứu rỗi (redemptive sensibility) nào thì luôn có một điều ngược lại: ngày tàn. Ứng cử viên kia phản bội lại ước mơ Hoa Kỳ (promise of America), và do đó phá hủy nó. Những thông điệp cực đoan vì thế đã bị cột chặc (hardwired) vào trong viễn kiến để xây dựng nền cộng hòa.

Những nhà lập quốc hiểu rõ đặc tính thiếu ôn hoà cố hữu (inherent immoderation) của chính trị và tìm cách giải quyết các vấn nạn này bằng cách hạn chế bớt dân chủ (trực tiếp), và nhấn mạnh lên dân chủ đại diện (representative democracy). Nguời Mỹ chọn các đại diện của mình thông qua các thủ tục phức tạp khác nhau. Họ không bầu trực tiếp tổng thống, mà là các thành viên của cử tri đoàn (the Electoral College).

Có vẽ nó như là một định chế cổ lỗ sĩ, nhưng cử tri đoàn vẫn tiêu biểu cho nỗi sợ hãi của những nhà lập quốc về nhiệt tình của quần chúng - áp dụng cho cả hai nhóm nguời, nhóm của những nguời quá sức nhiệt tình, và nhóm của những nguời quá sức thờ ơ. Những nhà lập quốc cũng không tin vào nhà nuớc, mặc dù hoàn toàn hiểu được sự cần thiết của nó. Họ có hai viễn kiến (visions): các đại biểu làm ra luật pháp, và các đại biểu không coi chính trị là một nghề nuôi thân. Bởi vì tái đắc cử không phải là mục tiêu chính của họ, cho nên họ không bị áp lực của dân chủ, nhờ đó họ dùng sự khôn ngoan của mình để làm ra luật.

Những nhà lập quốc thấy rằng xã hội dân sự - cơ sở kinh doanh, nông trại, nhà thờ và các tổ chức tư nhân khác - tối quan trọng hơn là nhà nước, và họ thấy rằng nhiệt tình chính trị quá độ là điều không tốt. Thứ nhất, nó làm mất sự theo đuổi một cuộc sống riêng tư mà họ vô cùng trọng vọng, và nó có khuynh hướng làm cho đời sống chính trị quan trọng hơn mức độ bình thường lẽ ra nên có. Thứ hai, họ sợ rằng những người đàn ông bình thường (phụ nữ còn bị đứng ngoài) có thể được bầu làm đại biểu ở các cấp khác nhau. Các nhà lập quốc thiết lập các tiêu chuẩn về tài sản để đảm bảo độ trong sáng (hoặc họ nghĩ thế) ở các nguời đại biểu và ít nữa cũng hạn chế bớt mức độ quan tâm chính trị của họ. Họ quy định tuổi tác để đảm bảo mức độ trưởng thành. Họ cố gắng định hình nền dân chủ đại diện với các tiêu chuẩn mà họ cho là hết sức quan trọng - song hành với những giá trị tiêu biểu cho giai cấp xã hội của chính họ, nơi mà sự theo đuổi cuộc sống riêng tư là chính yếu và việc công là một bổn phận phiền hà.

Điều này không phải là những nhà lập quốc xem chính quyền không quan trọng; mà là ngược lại, nó là trung tâm điểm của sự văn minh. Mối quan tâm của họ là sự nhiệt tình quá độ của cử tri, vì vậy họ đã tạo ra mô hình cộng hòa của chính quyền đại diện, bởi họ lo sợ những nhiệt tình của quần chúng. Họ cũng lo ngại các chính đảng và các phe phái, cũng như những xúc động được bộc phát ra.

Đảng Phái Và Những Ông Chủ Của Đảng (Party Bosses)

Dĩ nhiên chính những nhà lập quốc đã tạo ra các đảng chính trị ngay sau khi đất nước được thành lập. Các đòi hỏi về tài sản bị tan biến khá nhanh chóng, ý tưởng về các viện lập pháp tiểu bang bầu ra các thượng nghị sĩ bị hủy bỏ, cùng lúc những nhiệt tình ý thức hệ và sự yêu thích scandal lại nổi lên.

Các đảng chính trị được tổ chức ở những tiểu bang, cũng như ở các quận hạt và thành phố bên trong mỗi tiểu bang. Các đảng này xuất hiện với hai vai trò. Thứ nhất là để đào tạo và cung cấp cho quần chúng những nhà lãnh đạo tiềm năng khi bầu cử ở tất cả các cấp. Thứ hai là để phục vụ như là một nhịp cầu trung gian giữa dân chúng - với nhiều tầng lớp, từ người giàu cho tới người nghèo - và nhà nước. Các bộ máy chính trị chính yếu của đất nước này có vai trò vừa nuôi duỡng (feeder) hệ thống cộng hòa vừa kiểm soát chính quyền (ombudsmen) để bảo vệ công dân.

Những ông chủ của đảng không viễn kiến về sự cứu rỗi hay ngày tận thế. Họ là những người mà những nhà lập quốc không muốn: tức các chính trị gia chuyên nghiệp, họ không nhất thiết phải chính mình ra nắm chính quyền nhưng giám sát việc lựa chọn những người ra nắm quyền. Vì những nguời nắm quyền mắc nợ những ông chủ đảng, cho nên các ông chủ đảng quyết định về luật pháp. Và các ông chủ quyền lực nhất sẽ chiếm chổ trong những phòng đầy khói thuốc để chọn các tổng thống.

Dĩ nhiên, đây là hệ thống tạo ra tham nhũng, và nó vi phạm viễn kiến của những nhà lập quốc, nhưng nó cũng phần nào đáp ứng được cái viễn kiến này. Quyền lực của các ông chủ đảng nằm trong việc xây dựng các liên minh qua đó mà họ phục vụ. Ở các thành phố công nghiệp lớn, nơi mà những người nhập cư đến làm việc ở các nhà máy, thì có nghĩa là tìm được những công việc cho cư dân, cung cấp được các dịch vụ cần thiết, duy trì được các trường học và những thứ khác. Họ không làm điều này bởi vì họ có tinh thần phục vụ quần chúng, nhưng vì họ muốn giữ quyền lực. Ngay cả khi các công ty tiêu lòn đưa tiền lại cho các ông chủ đảng để xây trường, hay anh rể của ông chủ đảng sở hữu một công ty xây cầu đường, thì các trường học được cất và những con đường được xây. Các bộ máy chính trị này cũng rất thực ở ngay cả trong những khu vực nông thôn.

Cứ mỗi bốn năm, các ông chủ đảng này tập họp lại tại đại hội đảng với mục đích lựa chọn một ứng cử viên nào có thể giành được chiến thắng. Họ cho phép ứng cử viên có những uốn éo về ý thức hệ của ông ta (ideological foibles), miễn là họ giữ lại được khả năng chỉ định các sếp bưu điện, các thẩm phán và chọn ai để ký các hợp đồng liên bang trong khu vực của họ. Hệ thống này tham nhũng, nhưng nó đã tạo ra các nhà lãnh đạo như Abraham Lincoln, Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Franklin Roosevelt, Harry Truman và Dwight Eisenhower, cũng như một số người khác ít lừng danh hơn.

Hệ Thống Ông Chủ Chính Trị Bị Gãy Đổ

Bắt đầu từ năm 1972, sau tổng thống Richard Nixon, Hoa Kỳ từ bỏ hệ thống các ông chủ chính trị. Điều này đạt được bằng cách mở rộng mạnh mẽ các cuộc bầu cử sơ bộ ở tất cả các cấp. Thay vì các ông chủ chọn các ứng cử viên và kiểm soát họ (họp caucus), các cuộc bầu cử dân chủ trực tiếp được sử dụng để lựa chọn ứng cử viên. Kể từ khi các ông chủ không còn lựa chọn ứng cử viên, các ứng cử viên chịu ơn các cử tri thay vì các ông chủ. Mỗi năm bầu cử, các cử tri lựa chọn các ứng cử viên và sau đó chọn những nguời nắm quyền. Theo thời gian, sức mạnh của bộ máy chính trị bị đổ vỡ và thay thế bằng một loạt các cuộc bầu cử. Những nhà lập quốc không muốn có mức độ dân chủ này, nhưng họ cũng không hề minh thị muốn có các ông chủ chính trị.

Sự thay đổi này có hai hệ quả không ngờ trước được. Thứ nhất là tầm quan trọng của đồng tiền trong tiến trình chính trị được tăng vọt lên cao. Trong hệ thống cũ, ứng cử viên phải thuyết phục các ông chủ chính trị để họ hỗ trợ. Điều này mất thời gian và công sức và đòi hỏi ứng cử viên đưa ra những lời hứa sẽ thực hiện, nhưng nó không đòi hỏi một lượng tiền lớn. Trong hệ thống bầu cử sơ bộ, riêng rẽ với bầu cử toàn quốc, các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra hầu như ở tất cả các tiểu bang. Các ứng cử viên phải xây dựng các bộ máy của họ ở mỗi tiểu bang và vận động trực tiếp đến cử tri. Điều này có nghĩa là chi tiêu rất lớn để xây dựng bộ máy và mua quảng cáo ở mỗi tiểu bang.

Khi tham nhũng của những ông chủ chính trị đã được kiềm chế, nhưng tầm quan trọng của đồng tiền lại tăng vọt lên, thì các loại hình tham nhũng - luôn là nét đặc trưng trong hệ thống chính trị - cũng thay đổi hình dạng. Tham nhũng chuyển từ đặc quyền đặc lợi cho các ông chủ qua hết lòng o bế những người gây quỹ, nên tham nhũng vẫn còn sờ ra đó. Những nguời muốn cải cách cố gắng hạn chế số tiền có thể được đóng góp, nhưng họ đã bỏ qua hai sự kiện. Đầu tiên, hệ thống sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống, nói một cách đơn giản là tốn kém đáng sợ, bởi vì để chuyển tải được các thông điệp tới dân chúng trong 50 tiểu bang, nó tốn một gia tài khổng lồ. Thứ hai, vì nó quá quan trọng, nên ý muốn ảnh hưởng lên chính quyền thì khó mà kiềm chế được. Phuơng tiện được dùng là cho tiền, và trong một số trường hợp, nó được thực hiện trong hy vọng cũng như mong muốn là được trả ơn. Những cải cách chính trị làm thay đổi hình dạng của tham nhũng, nhưng không thể loại bỏ nó.

Hậu quả không ngờ thứ hai là nó định chế hóa sự phân cực chính trị. Ông chủ của đảng có thể không phải là nguời nhiệt tình. Nhưng những người đi đến phòng phiếu trong bầu cử sơ bộ thuờng là những nguời rất nhiệt tình. Những cử tri tham gia đi bầu trong các cuộc bầu cử ở Mỹ thì luôn luôn thấp. Những nhà lập quốc chọn ngày đi bầu là ngày Thứ Ba thay vì ngày cuối tuần như ở nhiều nước khác, và đó là ngày làm việc, cũng như phải đón con ở trường, cơm chiều phải nấu và nhiều việc khác nữa. Các nhà lập quốc muốn thiết kế rằng chính trị ít quan trọng hơn so với cuộc sống riêng tư, và trong sự cạnh tranh để chiếm ngày Thứ Ba Bầu Cử này, cuộc sống riêng tư có lợi thế để thắng hơn, nhất là trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (tổng thống) và các cuộc bầu cử sơ bộ.

Những người đi bầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ thuờng có khuynh hướng là những người tin tưởng nhiệt tình. Vị trí trung tâm, nơi có khối cử tri lớn nhất trong cuộc bầu cử toàn quốc, không phải là nơi cho nguời nhiệt tình. Việc giúp con trẻ làm bài tập mang về nhà (homework) cần được ưu tiên. Nhiệt tình hiện hữu ở các phía bìa cánh (wings) của hai đảng (như cực hữu Tea Party trong Cộng Hoà, hay cực tả Occupy Wall Street của Dân Chủ). Điều này có nghĩa là trong bầu cử sơ bộ, chỉ có hai loại ứng cử viên có thể thắng mà thôi. Một loại là nguời có nguồn tài trợ cực kỳ dồi dào - và nhiệt tình của các cánh làm cho việc gây quỹ của họ lại càng quan trọng hơn. Loại thứ hai là nguời có cam kết ý thức hệ. Những người gây quỹ nhiều tiền nhất là những người làm việc với những cử tri nhiệt tình nhất, và cuộc đấu là liệu những nguời của phía trung tâm có thể xoay ra được tiền. Thông thường, câu trả lời là không. Kết quả là phía bìa cánh, mặc dù thuờng là thiểu số trong đảng, lại thường xuyên chọn được các ứng cử viên của họ trong cuộc bầu cử sơ bộ và những ứng cử viên này gặp khó khăn để có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc. Trong quan điểm của họ (phía bìa cánh), chiến thắng chẳng có ý nghĩa gì cả nếu phải từ bỏ những nguyên tắc (mà họ chủ trương).

Tất cả những điều này đều được áp dụng như nhau cho các cuộc bầu cử vào Hạ viện và Thượng viện. Có nguời nói rằng hợp tác luỡng đảng chưa bao giờ tốt như bây giờ. Tôi không biết nếu đó là sự thật, nhưng có một điều chắc chắn là các hình phạt dành cho sự hợp tác với đảng đối lập, hoặc di chuyển về phía trung tâm, là cực kỳ cao. Những người duy nhất có thể làm được điều này (hợp tác hay trung dung) là những ứng cử viên có thể huy động được thật nhiều tiền để vận động lôi kéo được khối cử tri trung tâm đi bầu (trong kỳ bầu cử sơ bộ). Và đó là điều rất khó. Kết quả là, tất cả mọi ứng cử viên phải tranh cử trên một lập truờng cực đoan khi tranh ở sơ bộ và di chuyển về phía ôn hoà (trung tâm) trong cuộc bầu cử toàn quốc. Các cuộc cải cách đã định chế hoá sự đạo đức giả và làm cho nhóm nằm bìa trong mỗi đảng một sức mạnh quá lớn hơn mà nó thực sự có, mặc dù cải cách này đã thành công trong việc phá vỡ các ông chủ đảng.

Kể từ năm 1972, Hoa Kỳ đã bầu ra các tổng thống như Ronald Reagan, hai ông Bush, Bill Clinton và Barack Obama. Tôi nhuờng lại cho đọc giả thẩm định xem cải cách này nó như thế nào khi so sánh với cách mà những ông chủ đảng chọn ra các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tôi cho rằng hệ thống thanh tra của đảng (the ombudsman system) đã bị phá vỡ. Các ông chủ đảng, bởi vì họ tham nhũng, nên họ có thể cung cấp một giao diện giữa cử tri và các chủ lao động (những người muốn có hợp đồng), giữa cử tri và chính quyền. Tôi nghi ngờ rằng sự sụp đổ của hệ thống các ông chủ đảng đã làm dễ dàng hơn cho sự hội nhập của những người Ý, nguời Ái Nhĩ Lan, nguời Do Thái vào xã hội, và làm khó khăn hơn cho người da đen và nguời gốc Tây Ban Nha. Hiện vẫn còn những vùng nhỏ (pockets) của các ông chủ đảng, nhưng nó không phải là chuẩn mực, và họ không thể cung cấp nhiều lợi lộc mà không bị vào tù.

Điều này không có nghĩa là để ngợi ca (romanticize) các ông chủ đảng. Chúng ta, trên tổng thể, thì tốt hơn vì không có họ, và chúng ta không nên làm cho họ hồi sinh. Tôi chỉ là đang cố gắng để giải thích lý do tại sao các cuộc bầu cử của chúng ta đã trở nên quá dài, tại sao tốn quá nhiều tiền, và lý do tại sao nhóm bìa cánh của các đảng lại quyết định được chương trình nghị sự cũng như các ứng xử của lập pháp và hành pháp.

Địa Chính Trị Của Các Cuộc Bầu Cử Ở Hoa Kỳ

Nó cũng có khía cạnh địa chính trị trong vấn đề này. Tiến trình chính trị nội bộ của quyền lực hàng đầu thế giới thì luôn luôn là một vấn đề địa chính trị. Cấu trúc (structure) và phương pháp (method) để các nhà lãnh đạo được lựa chọn ra sẽ định hình các loại nhà lãnh đạo nào lên cầm quyền và đặc định, ở một số các mức độ nào đó, những hạn chế (constraints) đặt lên cho các chính quyền. Địa chính trị, như Stratfor sử dụng ý niệm này, cho rằng những uớc muốn và cá tính (idiosyncrasies) của các nhà lãnh đạo không làm ra sự khác biệt nhiều trong đường dài. Lý do của điều này là vì các nhà lãnh đạo thường bị hạn chế bởi các thực tế toàn cầu. Nó cũng do bởi các tiến trình chính trị nội bộ đặc định (define) ra rằng những gì cần phải được thực hiện để có và giữ quyền lực. Những tiến trình chính trị nội bộ này có các nguồn gốc riêng của nó trong những thế lực phi cá nhân.

Hiện đang có một cuộc giằng co (struggle) dai dẳng giữa viễn kiến của các nhà lập quốc về chính trị nên được thể hiện như thế nào và thực tế của tiến trình chính trị. Các ông chủ đảng, trong một cách kỳ cục, lại thực hiện được nguyên tắc của chính quyền đại diện. Ông ta cũng là biểu tượng của tham nhũng và của hành xử phản-dân chủ. Cái chết của ông đã tạo ra hệ thống bầu cử sơ bộ, đi cùng với hệ thống này là tham nhũng với đặc tính riêng của nó. Hơn nữa, bằng một cách có hệ thống, nó đã hạn chế quyền lực của vị thế trung tâm và tăng cường sức mạnh cho ý thức hệ cực đoan. Các cuộc bầu cử này ở Hoa Kỳ cũng làm cho nguời ta cảm thấy dễ chịu hơn với bịnh tình thế giới, bởi vì những gì mà thế giới nghe được trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở Georgia, Vermont hay Texas thì đáng lo ngại. Nền Cộng Hòa Mỹ đã được sáng tạo ra và nó liên tục được tái sáng tạo (reinvented) trên một chủ đề (theme) giống nhau. Mỗi cuộc cải cách tạo ra một hình thức mới của tham nhũng và một thách thức mới cho việc trị vì. Cuối cùng thì tất cả mọi người đều bị mắc kẹt vào cái bẫy của thực tế, nhưng nó đang càng ngày càng lâu hơn để đi vào cái bẫy đó.

Tình trạng này không chỉ đặc thù cho Hoa Kỳ, nó có ở những nơi khác nhưng với huê dạng (pattern) khác hơn. Qua nhiều thế kỷ, dân chúng Mỹ được định hình bởi những người nhập cư, và chính quyền Mỹ chủ ý được xây dựng trên những cấu trúc lý thuyết của những nhà lập quốc. Nó giống như, đất nước này là một liên danh chính trị còn để trống (blank slate). Trong ý nghĩa đó, những làn sóng cải cách diễn ra, tất cả làm thay đổi nền cộng hòa, và tất cả cho ra những hậu quả ngoài ý muốn.

Tôi cố gắng để trình bày ở đây rằng những hậu quả bất ngờ của các cải cách chính trị sau biến cố Watergate, để cho thấy lý do tại sao hệ thống chính trị của Mỹ nó hoạt động như vậy. Nhưng có lẽ cái điểm quan trọng hơn hết nằm ở chổ, vẽ lại chính quyền là đặc tính cố hữu (endemic) của thể loại (kind) chính quyền Hoa Kỳ có được, và rằng Hoa Kỳ vừa hấp thụ tốt sự thay đổi, vừa thường xuyên bị ngạc nhiên bởi những gì thay đổi mang đến. Ở những nước khác, không có nhiều khoảng trống để quyền biến, và có lẽ có ít những sự ngạc nhiên và những tiêu chuẩn của thành công hơn. Những đảng chính trị sinh ra đã vận hành ngược lại các ý muốn của những nhà lập quốc, bởi vì tổ chức chính trị thì rộng ra ngoài quần chúng, vượt xa khỏi khối nguời ưu tú (elite), nên đi theo thực tế của logic chính quyền. Sự nổi lên của những ông chủ chính trị đi theo hệ thống này, và cùng lúc các ông chủ này vừa ổn định vừa làm hư nó. Những cải cách hậu Watergate thay đổi đặc tính (nature) của tham nhũng nhưng cũng thay đổi bản chất (texture) của đời sống chính trị. Cái vấn đề sau (thay đổi bản chất) là cái mà Hoa Kỳ hiện đang giằng co.

Trung Quốc, Nga và châu Âu, tất cả đều đang giằng co, nhưng theo những cách khác nhau và hướng về những mục đích khác nhau, thường là do những vấn đề đặc hữu trong các nền văn hóa của họ. Vấn đề đặc hữu trong văn hóa Mỹ là ý chí muốn cải cách. Nó vừa là phẩm cách (virtue) vừa là thói xấu (vice) của chính quyền Hoa Kỳ. Nó có những hậu quả địa chính trị. Đây là một khía cạnh khác của địa chính trị, sẽ được trình bày trong những ngày tháng tới.