Sunday, June 26, 2016

Bản Năng Vị Kỷ và Dòng Sống Của Dân Tộc

Dòng sống của nhân loại nói chung và dân tộc nói riêng, nó cứ tiếp tục mở ra về phía trước.

Dân tộc là một sinh vật, do bởi tất cả các tập hợp loài người, hoàn vũ hay địa phương, gia đình hay nhiều dạng khác của các tổ chức xã hội, đều là sinh vật. Điều này sẽ được nói đến ở một bài khác, và như một sinh vật, nó phải sống trong môi trường, nó phải có khả năng điều chỉnh với hoàn cảnh và khí hậu của môi trường đó. Nói chung, nó phải SỐNG và phải PHÁT TRIỂN, cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nó phải phấn đấu để không bị bệnh hoạn, đào thải, hay diệt vong.

Nếu hàng ngày có từ 150 đến 200 sinh vật bị tuyệt chủng (bit.ly/28PWroI) là vì bởi các sinh vật này không có khả năng thích ứng, tương tác với môi trường, nhất là khi môi trường thay đổi.

Sức sống của sinh vật thì vô cùng mãnh liệt. Nhìn quanh thế giới và Việt Nam, có những không gian và môi trường mà ta nghĩ sinh vật không thể nào sống được, thế mà sinh vật vẫn có thể tự điều chỉnh để duy trì sự sống, như cá ở biển sâu, gấu ở Bắc Cực, hay con người ở những vùng khô cằn sỏi đá...

Tất cả các sinh vật hiện hữu với mục đích để sống và duy trì sự sống. SỐNG thì cho cá nhân của sinh vật đó. DUY TRÌ SỰ SỐNG là cho chủng loại. Đó là đặc tính của bản năng Sinh Tồn, được thể hiện qua ba tiểu bản năng cấu tạo nên. Ba tiểu bản năng này quấn quyện nhau và uyển chuyển tuơng tác với môi truờng thường hay thay đổi ở bên ngoài, đó là: Bản Năng Vị Kỷ (vì mình, lấy mình làm gốc hay làm trung tâm cho mọi quyết định, tính sở hữu, tính tư bản), Bản Năng Tình Dục (truyền tử lưu tôn, sống xa hơn giới hạn một cuộc đời qua việc duy trì chủng loại) và bản năng bầy đoàn hay còn gọi là Bản Năng Xã Hội (để bảo vệ sự sinh tồn qua sức mạnh tập thể, dưới hình thức dân tộc, bộ lạc, bang hội, các tổ chức xã hội dân sự...).

Khi một bản năng bị phá bỏ hay bị khống chế, như trong chủ nghĩa cộng sản, không cho người dân quyền tư hữu (Bản Năng Vị Kỷ) thì sức bật dậy của bản năng này càng mạnh hơn mà cơ chế điều tiết lại không có, đưa tới ai cũng chỉ muốn chạy theo sự ích kỷ cá nhân, do sự sinh tồn của chính mình đang bị đe doạ. Bản Năng Vị Kỷ thay vì phát triển lên (vì mình đã đủ và môi trường sống hổ trợ, duy trì cái đủ của mình) để tiến đến vị tha nhằm phục vụ sự sinh tồn dân tộc (Bản Năng Xã Hội) thì nó lại bị co cụm thành ích kỷ, chỉ biết có mình, để bảo vệ cái tối thiểu là sự tồn tại, sự sống sót của mình. Xã hội Việt Nam hiện nay là như vậy, sẵn sàng làm ác, sẵn sàng bóc lột đồng loại để duy trì cái tối thiểu của mình.

Đã là bản năng thì nó không thể bị tiêu diệt, bởi vì tiêu diệt nó là tiêu diệt sự sống, nhưng nó có thể được điều tiết, quản lý để sự phát triển được bình thường và hướng thượng. Tôn trọng bản năng là tôn trọng sự sống, tôn trọng con người. Bản năng tự nó không tốt, không xấu, nó chỉ làm cái nhiệm vụ duy trì sự sống. Như Bản Năng Tình Dục chẳng hạn, vì con thú không có năng lực trí tuệ nên thực hiện bản năng này ở những cấp độ khác nhau của mức độ tiến hoá, và không thể bằng con người. Con người biết duy trì và điều tiết nó qua các định chế hôn nhân, gia đình, lễ hội tình yêu...

Lịch sử nhân loại cho thấy sự kết đoàn tương đối hữu hiệu nhất để duy trì sự sinh tồn là mô hình quốc gia dân tộc (nation-state). Nó không quá rộng để hy sinh cá nhân khi các tiểu bản năng cấu thành bản năng sinh tồn bị dãn ra quá xa. Nó cũng không quá hẹp để bị yếu đuối, không tạo được sức mạnh hợp quần cần thiết của Bản Năng Xã Hội để tự bảo vệ.

Cộng Sản muốn thay thế Thuợng Đế để cấu trúc lại con người (social engineering), họ tiêu diệt Bản Năng Vị Kỷ qua chủ trương vô sản. Họ theo quan niệm duy vật, xem thế giới chỉ thuần là vật chất nên đã tục hậu Bản Năng Tình Dục xuống hàng loài thú với chủ trương vô gia đình, đàn bà là của chung, trẻ em sinh ra đều là con cháu của Bác. Họ mở rộng Bản Năng Xã Hội ra toàn cầu thành Thế Giới Đại Đồng, thành nghĩa vụ quốc tế qua chủ trương vô tổ quốc mà hậu quả như ta đang thấy ngày hôm nay là quốc gia dân tộc bị hy sinh.

Vị kỷ là một bản năng của sinh tồn, là bản năng cho nên tự bản chất của nó không tốt không xấu, mà là một khuynh hướng tự nhiên lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định. Vị kỷ tương tác với môi trường sống để duy trì sự sinh tồn, đi từ sinh tồn ngắn hạn của thể phách (hay thân xác) đến sinh tồn dài hạn của tinh anh (để tiếng thơm muôn đời). Vị kỷ có thể bị hạ thấp thành ích kỷ hay vươn lên cao thành vị tha.

Trong phạm vi quốc gia dân tộc, vị kỷ có thể bị hạ thấp thành ích kỷ (qua tham nhũng, bóc lột, lường gạt, chỉ biết có mình...) hay có thể được vươn cao thành vị tha (qua lòng ái quốc, nghĩa vụ đồng bào, lòng bao dung, từ thiện, công tác xã hội, lá lành đùm lá rách...). Để vung bồi năng lực vị tha và giảm thiểu năng lực ích kỷ thì việc xây dựng một môi trường thích hợp cho bản năng vị kỷ phát triển theo đà hướng thượng là yếu tố quyết định. Khi mỗi một thành phần trong dân tộc có đầy đủ vật chất để phục vụ thể phách thì người ta có khuynh hướng phát triển phần tinh thần, hướng đến tha nhân. Không thể kêu gọi tinh thần vị tha, đòi hỏi người ta hy sinh quên mình cho người khác khi chính quyền đã tạo ra một môi trường xã hội để bản năng vị kỷ tuơng tác theo đà bị hạ thấp xuống thành ích kỷ. Ngay cả loài vật được biết đến với đặc tính luôn luôn trung thành với chủ như loài chó, mà khi chủ tạo ra cho chúng một môi trường sắp chết vì đói thì bản năng sinh tồn này đẩy chúng đến việc ăn thịt chủ của chúng (reut.rs/28X5S96).

Rộng ra thế giới, bản năng vị kỷ được thấy trong tôn giáo. Phạm vi của tôn giáo là toàn cầu, giáo chủ là người phát triển Bản Năng Vị Kỷ đi lên theo chiều hướng vị tha dù vẫn đặt mình ở vị trí trung tâm của mọi quyết định. Mỗi người sinh ra đều có chung quanh mình một hào quang vị kỷ, hào quang này có thể rức rỡ toả sáng ra khắp thế giới vì nó là vị kỷ-lên-vị tha, phát triển sinh tồn thể phách lên sinh tồn tinh anh để sống muôn đời. Nhưng nó cũng có thể lu mờ và lịm tắt khi nó là vị kỷ-xuống-ích kỷ. Theo nhà xã hội học Emile Durkheim, một trong những yếu tố lớn khiến một người tự tử là người đó tự xem bản ngã hay cái tôi của mình quá lớn, tự yêu mình quá độ và thù ghét tất cả mọi người chung quanh, không san sẻ tình thương hay cái gì mình có, hào quang chung quanh họ càng ngày càng lu mờ và cuối cùng lịm tắt (bit.ly/28W8THD).

Cộng Sản được xây dựng như là một tôn giáo, nhưng là tà giáo. Họ tiêu diệt bản năng vị kỷ, nhưng bản năng không thể bị tiêu diệt trừ khi tiêu diệt con người, và họ chọn tiêu diệt con người. Trong hàng ngũ cộng sản, bản năng vị kỷ chiếu ra hào quang đen của sự chết chóc, hào quang đen càng toả rộng thì sự chết chóc càng to lớn.

Bản năng vị kỷ để duy trì và phát triển sức sống của dân tộc. Các chế độ dân chủ văn minh bảo vệ và điều hướng nó. Các chế độ độc tài cộng sản tìm cách tiêu diệt nó, nhưng vì nó là cơ bản, là chất liệu (fabrics) của con người, nó không thể bị tiêu diệt, cho nên ngược lại, các chế độ cộng sản lần lượt bị tiêu diệt.

Lê Minh Nguyên
26/6/2016



Tuesday, June 14, 2016

Che bóng Đoàn Thanh niên Cộng sản và sự trỗi dậy của phe Chiết Giang

- Willy Lam
China Brief, 11/5/2016

Lê Minh Nguyên dịch

Tranh chấp quyền lực không phải là một buổi party chiều. Cấu xé lẫn nhau và đâm sau lưng giữa các phe nhóm và các cá nhân đang gia tăng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đảng này đang chuẩn bị cho Đại hội 19 năm 2017. Ngoài việc xây dựng hình ảnh như một giáo chủ xung quanh mình, theo phong cách của chủ nghĩa Mao, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đang làm mọi cách hầu loại bỏ mối đe dọa lớn để củng cố quyền lực của ông - cánh Đoàn Thanh niên Cộng sản (ĐTNCS), là một cánh lớn nhất trong ĐCSTQ.

Các đảng viên xuất thân từ ĐTNCS, được dẫn dắt bởi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, hình thành một khối lớn nhất trong 25 thành viên Bộ Chính trị (BCT) thông qua tại Đại hội lần thứ 18 ĐCSTQ năm 2012. HCĐào, cựu Bí thư thứ nhất của ĐTNCS, thường được xem là một chính trị gia nhút nhát, quan liêu. Tuy nhiên, ông phục vụ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (TVBCT) 20 năm cho đến khi ông nghỉ hưu năm 2012, trong thời gian đó ông đã có nhiều cơ hội để phát triển sức mạnh của phe nhóm ông cũng như sự nghiệp của các bạn đồng hành của ông. Các đoàn viên ĐTNCS đặc biệt mạnh ở các vùng miền, dẫn đến điều mà nhiều người nói rằng ông HCĐào đã theo chiến thuật "các vùng miền bao vây trung tâm" trong việc chống lại khuynh hướng độc đoán của xếp ông, cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, người đứng đầu cánh Thượng Hải (VOA 12/1; Oriental Daily 4/7/15).

Chiến thuật cứng rắn của CT TCBình hiện đang thúc cù chỏ đẩy cánh ĐTNCS sang một bên, nó được tóm lược bằng một tài liệu đánh giá nội bộ mà ông rộng rãi cho loan truyền, nói rằng ĐTNCS đã "bị liệt từ cổ trở xuống." Tại hội nghị quốc gia giữa năm 2015 của những cán bộ làm việc trong các tổ chức quần chúng như ĐTNCS, Hiệp hội Thương mãi Toàn quốc, Hội Phụ nữ Toàn quốc, ông Tập cảnh báo rằng ĐTNCS có nguy cơ "bị gạt ra ngoài lề bởi những người trẻ cũng như bị gạt ra ngoài lề bởi đảng và nhà nước" (VOA 29/4, Ming Pao 25/10/2015). ĐTNCS cũng bị chỉ trích là quá "quan liêu, máy móc, quý tộc và có khuynh huớng ham vui". Từ cuối năm 2015, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật (UBKT) đã đóng đô một đội làm việc bên trong ĐTNCS để điều tra vấn đề tham nhũng và những vi phạm kỷ luật đảng (South China Morning Post 9/2, New Beijing Post 7/7/2015 ).

Trong một bài báo gần đây trên trang web của UBKT - được giải thích như một lời thú tội quy mô và đầy đủ - của Uỷ ban Đảng vụ ĐTNCS thừa nhận rằng các đoàn viên "yếu kém trong lãnh đạo, chệch huớng trong xây dựng đảng, và thất bại trong việc điều hành (các đơn vị) một cách nghiêm chỉnh". Lãnh đạo của Đoàn cam kết sẽ duy trì "Bốn tầng Ý thức" có nghĩa là "ý thức chính trị, ý thức về tình hình tổng thể, ý thức về sự tuân theo 'cốt lõi' [lãnh đạo] và ý thức về duy trì sự phục tùng [lãnh đạo tối cao của đảng]." Bốn tầng Ý thức này được hiểu như là một khẩu hiệu cam kết lòng trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, người được coi như là "cốt lõi của lãnh đạo" (xem China Brief 7/3). Các lãnh đạo cấp cao của ĐTNCS cũng thực hiện việc tự kiểm điểm cái tiêu chí mà họ đề ra để đào tạo các quan chức tương lai, họ tự phê là đã gặp trở ngại bởi "chủ nghĩa ưu tú, bỏ rơi giới bình dân, thiếu tính đại diện, và chỉ phục vụ một diện hẹp [của các thành phần khác nhau trong xã hội ' "(Straits Times 29/4, CCDI.gov.cn 25/4).

TCBình phần lớn đã xoá bỏ vai trò của ĐTNCS - mà nó đặc biệt nổi bật trong thời đại Hồ Cẩm Đào - như là một phương pháp để đào tạo các nhà lãnh đạo đảng và chính phủ trong tương lai. Đầu năm 2016, Tập ra lệnh cắt giảm thành phần nhân sự nền tảng của ĐTNCS từ cấp trung ương đến các khu vực địa phương. Ngân sách của ĐTNCS cho năm 2016 là 306.27 triệu nhân dân tệ - tiêu biểu cho sự cắt giảm khoảng 50% so với năm 2015 (Xinmin.cn 2/5, CCYL.org 15/4). Hơn nữa, trường Đại học Thanh niên Trung Quốc Bộ môn Chính trị (ĐHTN) - có trách nhiệm đào tạo cán bộ trong hệ thống ĐTNCS - dự kiến ​​sẽ phải cắt giảm số sinh viên ghi danh kể từ tháng Chín năm 2016. Một số giảng viên ĐHTN đã bày tỏ lo ngại rằng tổ chức này, đôi khi được coi như là tương đương với Trường Đảng Trung ương, sẽ bị hạ cấp nghiêm trọng (RFA 23/4, RFI 22/4).

Đòn bẩy chống lại các phe đối thủ

Trong trận chiến chống lại ĐTNCS, Tập và các đồng minh của ông như Trưởng UBKT Vương Kỳ Sơn, đã hưởng lợi từ các tội phạm tham nhũng, vi phạm bởi thành viên nổi tiếng của Đoàn là Lệnh Kế Hoạch, nguời từng là cánh tay phải của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Những cuộc điều tra các vi phạm của ông Lệnh, bắt đầu vào cuối năm 2012, đã lòi ra các tội phạm kinh tế tương tự khác của một số đầu não ĐTNCS bao gồm Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều. Các bà vợ của hai ông Lệnh Kế Hoạch và Lý Nguyên Triều được cho là các đối tác kinh doanh với nhau một cách chặt chẽ. Sự sụp đổ của ông Lệnh cũng làm tiêu hao tiếng nói của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông đã mất ảnh hưởng đáng kể do bị cho rằng ông đã thất bại trong việc kiềm chế sự thái quá của Lệnh và các quan chức ĐTNCS khác (RFA 25/8, BBC 23/12/2014).

Vụ tai tiếng của Lệnh - và những lời chỉ trích nặng nề của Tập cho ĐTNCS - đã phủ bóng tối lên vận mệnh chính trị của thành viên TVBCT, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng như các thành viên Bộ Chính trị như Lý Nguyên Triều; Phó Thủ tướng Lưu Diên Đôn và Uông Duơng; Vụ trưởng Văn phòng Đảng vụ Lưu Kỳ Bảo; và Bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (không có liên hệ gia đình với cựu chủ tịch HCĐào). Thủ tướng Lý đã bị ông Tập gạt ra bên lề và không còn quyền lực trong chính sách kinh tế. Trong khi ông Lý có thể giữ lại được chân thành viên trong TVBCT tại Đại hội Đảng thứ 19, ông có thể sẽ phải di chuyển qua làm Chủ tịch Quốc hội. Có khả năng là các ông Lý Nguyên Triều, Lưu Diên Đôn và Lưu Kỳ Bảo sẽ được trao cho các công việc chuẩn nghỉ hưu ở Quốc hội hoặc Hội nghị Chính hiệp TQ (tuơng tự Mặt trận Tổ quốc). Trên lý thuyết, ông Uông Duơng, thành viên duy nhất của cánh ĐTNCS có khuynh hướng cải cách vững chắc, sẽ vào TVBCT. Nhưng không chắc là Tập có muốn hai thành viên của ĐTNCS nằm trong vùng cấm của quyền lực này hay không, đặc biệt là khi có khả năng thành viên của TVBCT có thể giảm từ mức hiện tại 7 xuống còn 5 (Apple Daily 29/11/2015, United Daily News 29/8/2015).

Có lẽ ý nghĩa hơn nữa là sự nghiệp chính trị của ông Hồ Xuân Hoa. Hồ và Bí thư Trùng Khánh Tôn Chính Tài, cả hai đều sinh năm 1963, đã được đưa vào Bộ Chính trị bởi TVBCT mãn nhiệm do cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo lãnh đạo. Chỉ có hai nguời này là cán bộ thế hệ thứ 6 (những người sinh vào thập niên 1960s) trong Bộ Chính trị hiện nay. Tương tự như ông Hồ Cẩm Đào, ông Hồ Xuân Hoa từng là Bí thư thứ nhất của ĐTNCS, và cũng như HCĐào làm cựu bí thư Tây Tạng, HXHoa xây dựng sự nghiệp của ông ở khu tự trị. Tuy nhiên, điều được biết là ông Tập đánh giá thấp khả năng của HXHoa. Và khả năng HXHoa vào TVBCT năm 2017 được coi là rất mong manh (RFI 29/11/2015, RFA 17/8/2015).

Xào bài

Sau khi làm tất cả những gì có thể làm để phủ bóng cánh ĐTNCS, Chủ tịch Tập đang đầu tư rất nhiều nguồn lực để xây dựng "Cánh Tập Cận Bình" của riêng ông mà trong đó phe Chiết Giang là thành phần nồng cốt. Tương tự như những gì Giang Trạch Dân đã làm trong việc xây dựng Cánh Thượng Hải, Tập uốn cong người về phía sau để nâng các quan chức đã từng phục vụ dưới quyền ông khi ông còn là Bí thư tỉnh Chiết Giang 2002-2007 (China Brief 7/2/2014). Các bộ phận khác của Cánh Tập Cận Bình bao gồm Băng Thái Tử Đỏ; nhóm Thiểm Tây - các viên chức phục vụ tại tỉnh quê nhà của ông TCBình, trong đó có Giám đốc Tổng cục ông Lật Chiến Thư và Vụ trưởng Vụ Tổ chức ông Triệu Lạc Tế; và bạn của ông Tập Cận Bình bao gồm cả bạn học Trần Hy, là Phó Vụ trưởng Điều hành Vụ Tổ chức và truởng cố vấn kinh tế Lưu Hạc, ông Lưu là người đứng đầu Văn phòng Tổng quản của Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Tài chính và Kinh tế (South China Morning Post 2/3, World Affairs Journal 1/5/2014). Rõ ràng là ô g Tập muốn Cánh Chiết Giang của ông có đầy quyền lực như Cánh Thượng Hải dưới thời cựu chủ tịch Giang, một trong những kẻ thù chính trị lớn của ông Tập.

Trước hết, trong số những người đang phục vụ và cựu quan chức tỉnh Chiết Giang, những người đã từng nắm các bộ - và được bật mí để mà tiến lên nữa trong Đại hội 19 - là Bí thư Chiết Giang ông Hạ Bảo Long (sinh năm 1952) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Chiết Giang ông Lý Cường (1959). Cũng nổi bật là Quyền bí thư Thiên Tân ông Hoàng Hưng Quốc (1954), từng là Phó Chủ tịch UBND Chiết Giang; Phó Giám đốc Điều hành Ban Tuyên giáo ông Hoàng Côn Minh (1956), người từng đứng đầu Ban tuyên giáo Chiết Giang; và Bí thư Quý Châu ông Trần Mẫn Nhĩ (1960), cũng là một cựu Phó chủ tịch UBND Chiết Giang. (BBC 31/7/2015, Apple Daily 31/12/2014).

Đặc biệt quan trọng là trong thực tế, một số lượng quá lớn các quan chức Chiết Giang thân cận Tập đã được chọn vào các vị trí chủ chốt của các Nhóm lãnh đạo Trung ương hay các Uỷ ban Trung ương, như Nhóm lãnh đạo Trung uơng về  Cải cách Sâu sắc Toàn diện; Nhóm lãnh đạo Trung ương về Kinh tế và Tài chính, và Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương. Thí dụ, nguyên Phó bí thư Chiết Giang ông Thư Quốc Tăng (1956) hiện là Phó Giám đốc của Văn phòng Tổng quản Nhóm lãnh đạo Trung ương về Kinh tế và Tài chính. Cựu Phó chủ tịch UBND Chiết Giang ông Thái Kỳ (1955) đã được thăng chức làm Phó Giám đốc Điều hành của Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương. Cuối năm 2015, cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và là Bí thư Ôn Châu ông Trần Nhất Tân (1959) được giữ chức Phó giám đốc của Tổng văn phòng Nhóm lãnh đạo Trung uơng về  Cải cách Sâu sắc Toàn diện (Guancha.cn 3/12/2015, Ta Kung Pao 3/12/2014, South China Morning Post 24/3/2014).

Hơn nữa, Tập đã bắt chuớc chiến thuật của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cài đặt các nhân vật thân tín của ông trong các vị trí chính yếu của các tỉnh thành. Hai cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và các cựu bí thư của thành phố quốc tế Ninh Ba (Chiết Giang) đã được nâng lên các chức vụ lãnh đạo trong khu vực. Họ giờ là Bí thư Cát Lâm ông Bayin Chaolu (1955) và Phó bí thư Giang Tây ông Lưu Kỳ (1957). Tương tự, ông Lou Yangsheng (1959), cựu Truởng ban Tổ chức và cũng là cựu lãnh đạo Mặt trận Thống nhất tỉnh Chiết Giang, năm 2014 được thăng lên làm Phó Bí thư tỉnh Thiểm Tây. Ông Cung Chính (1960), một cựu thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và là bí thư Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh, tháng tám 2015 được thăng chức Phó Bí thư tỉnh Sơn Đông. Tháng 4/2016, thành viên của Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Chiết Giang và là Trưởng ban Tổ chức tỉnh, ông Hồ Hoà Bình (1962) đã thăng lên Chủ tịch UBND tỉnh Thiểm Tây (People Daily 28/4, Ming Pao 3/3).

Những nhân vật thân tín ở Chiết Giang của Chủ tịch Tập cũng đã được bổ nhiệm vào các vị trí quân sự cấp cao. Thí dụ rõ nhất là ông Chung Thiệu Quân (1968), là cánh tay phải của Tập khi Chung phục vụ như thư ký riêng của Tập và làm Phó ban Tổ chức Chiết Giang. Năm 2013, Chung, một người không có kinh nghiệm quân sự, được cho nhảy dù vào Quân đội Giải phóng Nhân dân với tư cách Phó Giám đốc Văn phòng tổng quản của Quân ủy Trung ương. Quyền lực của Quân uỷ trung ương đã được gia tăng vô cùng lớn sau các cải cách về cơ cấu quân sự, được thực hiện vào cuối năm 2015 (China Brief 7/3).

Đặc biệt đáng chú ý trong số các tân tòng của Nhóm Chiết Giang là các thành viên của thế hệ lãnh đạo thứ 6, tức những viên chức sinh vào khoảng năm 1960 hoặc sau đó một chút. Họ bao gồm Trần Mẫn Nhĩ, Lý Cuờng, Chung Thiệu Quân, Hồ Hòa Bình, Công Chính, và Trần Nhất Tân.

Phần Kết

Trong khi không ai trong số những người ở thế hệ thứ 6 đạt được hoặc ở tầm vóc quốc gia hoặc có thành tích đáng kể, đặc biệt trong cải cách kinh tế. Hơn nữa, việc thiết lập các khối quyền lực trong đảng đi ngược lại lệnh cấm của chính ông Tập đối với cán bộ về việc hình thành tuantuanhuohuo, tức "phe cánh và bè phái" (China News Service 16/2, People's Daily 12/1/2015). Tuy nhiên, Tập dường như tin rằng ông được xem là "lãnh đạo cốt lõi", ông có thẩm quyền cần thiết để noi theo những người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, bằng cách bảo vệ di sản của ông thông qua việc chỉ định nhân vật thân tín của ông như là người kế nhiệm.


Friday, June 10, 2016

Uỷ viên cơ cấu chèn ép uỷ viên phấn đấu

Hệ thống chọn người tham gia chính quyền của CSVN là phe nhóm cơ cấu. Câu nói "10 năm phấn đấu không bằng một lần cơ cấu" đã trở thành quen thuộc trong dân gian để phản ảnh sự xấu xa này của hệ thống.

Nhà báo Huy Đức viết "Trong lịch sử bầu bán của Đảng cộng sản Việt Nam, những người không được Bộ chính trị hoặc Ban chấp hành trung ương giới thiệu, khi được các đại biểu hoặc các uỷ viên trung ương khác giới thiệu, đều tự giác rút lui hoặc được yêu cầu rút lui. Không cần chờ tới Đại hội hay Hội nghị trung ương, một nhân vật đã được Bộ chính trị, được tổng bí thư hoặc có thời chỉ cần được Lê Đức Thọ "chấm" là chắc chắn vào Trung ương, thậm chí vào những vị trí cao hơn trong Đảng." (FB Huy Đức 12/5/2013 - bit.ly/1YinMWE)

Từ lỗi hệ thống cơ bản này nó cho ra cơ chế "đảng cử dân bầu" như trong kỳ bầu cử quốc hội 22/5/2016 vừa qua, dân chưa đi bầu nhưng kết quả đã có từ tháng 1/2016. 

Việc vào Bộ chính trị lại càng được phe nhóm cơ cấu dữ dội hơn. Ta thử phân tích xem việc ông Đinh La Thăng vào BCT không qua phe nhóm cơ cấu trước, nó có giá trị như thế nào so với các uỷ viên hưởng được lợi thế hơn ông.

Bên Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập Cận Bình, vừa là uỷ viên BCT vừa là một trong bảy người của thường trực BCT. Ngồi trong nhóm đỉnh, được Tập ban cho thượng phương bảo kiếm chém tham nhũng, Vương là hung thần của những bàn tay chàm (mà hầu như tay đảng viên nào cũng chàm vì tham nhũng cả). Các uỷ viên trung ương phía CSVN ta thấy đàn anh như vậy nên đều sợ té khói, không ai muốn có một trưởng ban nội chính ngồi trong BCT và được tổng bí thư tin dùng giao kiếm để "đả hổ diệt ruồi" như bên TQ.

Việc Nguyễn Bá Thanh không vào được BCT trong Hội nghị trung ương 7 Khoá 11 và sau đó bị sát hại là vì sự lo sợ này cộng với việc ông muốn mở rộng, tiếp tục điều tra qua lời khai của Dương Chí Dũng, mặc dù cái mắc xích Phạm Quý Ngọ để phăng lên cao hơn bắt cá mập đã bị cá cắn đứt làm đôi, chứ không phải cạp cạp vài cọng như cáp quang internet. Sau khi Ngọ bị bức tử, toà nhanh nhẩu tuyên bố dẹp hồ sơ, Bá Thanh không chịu, thế là Bá Thanh phải chết. Câu hỏi là ai có động lực (motive) mạnh nhất muốn Bá Thanh chết? - Người đó không ai khác hơn là Trần Đại Quang và các tay chàm đồng loã, vì Dương Chí Dũng đã khai ra Quang tại toà.

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã đưa Bá Thanh vào chổ chết mà không bảo vệ, nếu lỗi của chủ mưu là một thì lỗi của ông Trọng phải là mười. Một ngày sau khi công bố Bá Thanh chết (theo quy trình) ông cùng các sát thủ uống rượu vang vui Tết.

Rồi trước thềm Đại hội 12, ông Trọng muốn cơ cấu ông Phan Đình Trạc, Phó Ban nội chính vào BCT để trở thành Trưởng ban Nội chính với đầy quyền lực như Vương Kỳ Sơn bên TQ. Các uỷ viên trung ương đều tay chàm nên đâu có ai muốn Trạc vào BCT! Trạc có thể trở thành Trưởng ban Nội chính như hiện nay, nhưng không được có quyền lực của bảo kiếm. Chuyện chống tham nhũng đã trở nên một trò hề để mà mắt dân chúng. Thế là yếu tố Đinh La Thăng xuất hiện, vào BCT không qua cơ cấu mà do đại hội trực tiếp bầu.

Ở Quốc hội thì "đảng cử dân bầu", ở Bộ chính trị thì "Ban chấp hành trung ương cử đại hội bầu", nhưng với trường hợp ông Đinh La Thăng thì "đại hội trực tiếp bầu". Vậy, uỷ viên BCT Đinh La Thăng rõ ràng là có tư thế chính trị hơn hẳn các uỷ viên được cơ cấu, vì toàn thể các đại biểu đại hội bầu ông bằng ý chí tự do của họ, chứ không phải bằng sự bắt buộc theo danh sách cơ cấu mà họ phải tuân thủ.

Các uỷ viên BCT được cơ cấu là số đông nên có ý lấy thịt đè người, họ đã không tôn trọng và bóp nghẹt tiếng nói của ông, điển hình là qua sự kiện Bob Kerrey họ đã gỡ hết tiếng nói của ông trên các báo, trong khi ông sáng láng hơn họ trong tiến trình bầu chọn vào BCT. 

Việc đại hội đảng trực tiếp bầu để nắm quyền, tuy nó không hơn việc dân trực tiếp bầu, nhưng chắc chắn là nó xứng đáng hơn việc do cơ cấu mà có của những uỷ viên BCT khác. 

Cái gốc hệ thống chính trị đã sai và đã đến lúc cần phải giải quyết mà Đảng vẫn lo đổ thừa cho cái ngọn đại học Fulbright cũng như chương trình dạy Mác-Lê phải có - đúng là một hệ thống ký sinh trùng sống trên cơ thể dân tộc!

Lê Minh Nguyên
10/6/2016



Tuesday, June 7, 2016

Tại sao nên là Bob Kerry?

Tại vì khi chiến tranh, việc thường dân vô tội bị giết oan là điều không tránh khỏi, nhất là khi CSVN lại núp trong dân, dùng dân làm phên dậu.

Tại vì BK có tham chiến và có giết thường dân và BK có THỰC SỰ đau khổ, xin lỗi nhiều lần và cố gắng đóng góp cho giáo dục VN để phần nào thể hiện trách nhiệm, đóng góp hơn hai thập niên qua để cố gắng giúp đỡ giáo dục và hình thành đại học Fullbright nầy.

Và quan trọng nhất, tại vì Hoa Kỳ muốn CSVN THỰC SỰ bỏ qua quá khứ, hàn gắn để tiến tới tương lai. Chấp nhận BK là chứng tỏ điều này, bằng không chấp nhận BK thì CSVN là kẻ thù dai, và đừng hòng mà có chuyện THỰC SỰ hoà giải với những người sống duới chế độ VNCH cũ.

Khi bắt đầu bang giao năm 1995, ông Pete Peterson là đại sứ đầu tiên, ông có đánh giặc ở VN, có bị thương. Trong danh sách short list đi làm đại sứ ở VN lúc đó thì ông Jim Kimsey (vừa qua đời) đứng thứ nhì. Jim là bạn trong nhóm think tank BENS, chúng tôi hay gặp và đi chung nhiều nơi, có lần Jim hỏi tôi có biết tại sao là Peterson không? Tôi bảo không. Jim nói tại vì Peterson bị thương, còn Jim thì không. Nếu một người chết trận ở VN đi làm đại sứ được thì đại sứ đầu tiên chắc không phải là Peterson. Có như vậy thì việc bang giao mới có ý nghĩa.

Tương tự, việc bình thường hoá bang giao hai nước sau 20 năm đã hoàn tất và bây giờ bước qua một giai đoạn mới là giai đoạn hoà giải để hướng về tương lai với niềm tin trọn vẹn giữa hai dân tộc, chứ không phải giữa hai chính quyền như trong hai thập niên qua.

Câu hỏi tại sao là Bob Kerry nên được hiểu rằng: Nếu không phải Bob Kerry thì việc hoà giải sẽ không có ý nghĩa.

LMN
7/6/2016


Saturday, June 4, 2016

Thương thay cái đảng Cộng Hoà

Khi dân đã muốn thì đảng phải thua và giờ đây đảng Cộng Hoà đã bị ông Donald Trump xỏ mũi dẫn đi.

Các nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, người cho tiền, truyền thông, giáo sĩ... phía Cộng Hoà bắt đầu domino ngã về ông Trump. Những người đầu tiên đã lên tiếng ủng hộ ông Trump như sau:

Paul Ryan: Chủ tịch Quốc Hội
Mitch McConnell: Lãnh tụ đa số Thượng Viện
John Boehner: Cựu Chủ tịch QH
Bob Dole: Cựu NS, ứng viên tranh TT 1996
John McCain: NS, CTUB Quân vụ, tranh TT 2008

Dick Cheney: Cựu Phó Tổng Thống
Trent Lott: Cựu Lãnh tụ đa số Thượng Viện
Newt Gingrich: Cựu Chủ tịch QH
Reince Priebus: Chủ tịch đảng Cộng Hoà
Rick Perry: Cựu Thống đốc Texas

Mike Huckabee: Cựu Thống đốc Arkansas
Bobby Jindal: Cựu Thống đốc Louisiana
Eric Cantor: Cựu Lãnh tụ đa số Hạ Viện
Ben Carson: Ứng viên tổng thống
Rick Santorum: Cựu NS, 2 lần tranh TT

Kevin McCarthy: Lãnh tụ đa số Hạ Viện
Steve Scalise: Lãnh tụ kỹ luật đảng HV (whip)
Cathy McMorris Rodgers: DB bang Washington
Raul Labrador: DB bang Idaho
Jeff Sessions: NS bang Alabama

Peter King: DB bang New York
Tom Cole: DB bang Oklahoma
David Perdue: NS bang Georgia
Susan Collins: NS bang Maine
Kelly Ayotte: NS bang New Hampshire

Rand Paul: NS Kentucky, cựu ứng viên TT
Lindsey Graham: NS bang South Carolina
Marco Rubio: NS bang Florida, ứng viên TT
Rob Portman: NS bang Ohio
Richard Burr: NS bang North Carolina

Roy Blunt: NS bang Missouri
Ron Johnson: NS bang Wisconsin
Pat Toomey: NS bang Pennsylvania
Mark Kirk: NS bang Illinois 
Tom Cotton: NS đang lên bang Arkansas 

Bob Corker: NS bang Tennessee 
Orrin Hatch: NS bang Utah 
Chris Christie: Thống đốc New Jersey 
Paul LePage: Thống đốc Maine
Nikki Haley: Thống đốc South Carolina

Brian Sandoval: Thống đốc Nevada 
Pete Ricketts: Thống đốc Nebraska 
Mike Pence: Thống đốc Indiana gove
Sarah Palin: Cựu Thống đốc Alaska, cựu ỨV PTT
Ann Coulter: Truyền thông

Bill O’Reilly: Truyền thông
Sean Hannity: Truyền thông
Matt Drudge: Truyền thông the Drudge Report
The WSJ  Editorial Board: Truyền thông
Joe Scarborough: Truyền thông The MSNBC

Rush Limbaugh: Truyền thông
Rupert Murdoch: Truyền thông, WSJ, Fox, NYP
Sheldon Adelson: Nhà tư bản Las Vegas
Peter Thiel: Nhà tư bản chủ PayPal 
Stanley Hubbard: Nhà tư bản

T. Boone Pickens: Tỷ phú dầu lửa Oklahoma
Foster Friess: Nhà tư bản
Woody Johnson: Chủ The New York Jets
Mel Sembler: Nhà tư bản
Jerry Falwell Jr.: Lãnh tụ tôn giáo Moral Majority

Sau Đại Hội Đảng ở Cleveland, Ohio từ 18-21/7/2016, domino sẽ tiếp tục ngã về ông Trump vì đảng Cộng Hoà chỉ có hai chọn lựa (1) Ủng hộ ông Trump để giữ và tôn trọng luật chơi trong tranh chấp nội bộ đảng, cũng như duy trì được cơ hội trúng lô độc đắc (tổng thống), (2) Không ủng hộ ông Trump và đảng sẽ bị chia rẽ trầm trọng, vừa mất lô độc đắc, vừa mất thế đa số ở hai viện quốc hội, vừa mất ghế thống đốc các tiểu bang.

Cái giá phải trả cho chọn lựa 2 quá lớn, nên đảng Cộng Hoà bắt buộc phải đoàn kết phía sau ông Trump.

Do đảng Cộng Hoà đoàn kết lại, do dân Mỹ có cái gene thay đổi trong máu huyết của họ, do phía bà Clinton có nhiều vấn đề, cho nên cuộc bầu cử toàn quốc ngày 8/11/2016 rất khó đoán.

Có lẽ ta dễ đoán hơn qua các phó tổng thống mà họ sẽ chọn trong dịp đại hội của hai đảng vào cuối tháng Bảy tới này.

Lê Minh Nguyên
4/6/2016

(http://theatln.tc/1XsIqog)