Sunday, April 24, 2016

Chống Lại Sự Thu Tóm Quyền Lực Của Tập Cận Bình

Willy Lam (Lâm Hoà Lập)
21/4/2016
Lê Minh Nguyên dịch

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu "Mỗi bụi mỗi cây là một kẻ thù" để mô tả sự lo sợ của Tấn An Đế thuộc triều đại Đông Tấn (317-420 sau công nguyên) cho nỗi lo sợ lặng người của ông trước sức mạnh vượt trội của quân thù đến độ ông tưởng nhầm những hàng cây con được trồng ngay ngắn chung quanh là binh sĩ của đối phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là Tấn An Đế - ông dường như kiểm soát trong tay các lực lượng quân sự của TQ, cảnh sát dã chiến, cảnh sát, và tình báo - chưa kể mê cung chằng chịt của bộ máy đảng-nhà nước. Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Tập về một lá thư nặc danh kêu gọi ông từ chức cho thấy rằng ông Tập, cũng là Tổng Bí thư đảng CSTQ và tổng tư lệnh quân đội, chưa vững trong việc nắm giữ quyền lực của ông.

Trước ngày họp Quốc hội (NPC) hôm 5/3/2016, Ngũ Kiệt Tân Văn (Wujie News), một trang web chính thức của chính quyền có trụ sở tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (XUAR), đăng "Thư ngỏ Yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ chức trong đảng cũng như trong Nhà nước". Lá thư được ký bởi "một nhóm các đảng viên trung thành" đã bị lấy xuống trong vòng một giờ. Trang web thông tin này tương đối nhỏ, dưới sự kiểm soát của Cục Tuyên truyền XUAR, sau đó nói họ là nạn nhân của tin tặc do bởi ai đó gây ra và chưa xác định được. Tuy nhiên, sự kiện lá thư chống Tập lần đầu tiên xuất hiện trên mạng Caiyu. org, của nhóm truyền thông dân chủ ở New York, dường như cho thấy nó là sản phẩm của các nhà bất đồng nước ngoài, họ chỉ trích Đảng CSTQ và đặc biệt là Tập (VOA tiếng Trung 28/3, United Daily News [Đài Bắc] 6/3, Canyu. org 4/3). [1]

Tác dụng ngược

Nếu Tập và các cố vấn của ông giữ sự điều tra ở tầm vóc nhỏ, vấn đề có thể đã không nổi bậc trên các mạng truyền thông xã hội trong lúc có các khoá họp thuờng niên Quốc Hội và Hội nghị Chính Hiệp nhân dân TQ (CPPCC) - cũng như dư âm dai dẵng của nó sau đó. Theo lệnh của các cán bộ an ninh, kể cả ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ủy ban Chính Pháp Trung uơng Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), công an bắt giữ chủ tịch Âu Duơng Hồng Luơng (Ouyang Hongliang) và tổng giám đốc Lý Vạn Huy (Li Wanhui) của Ngũ Kiệt Tân Văn và khoảng 15 nhân viên khác. Có khả năng là trang web này, bắt đầu hoạt động chỉ một năm trước đây, sẽ bị đóng cửa (Ming Pao [Hồng Kông] 24/3, RFI tiếng Trung 24/3). Tuy nhiên, nó kịch tính hơn với sự bắt giữ nhà bỉnh bút nổi tiếng Giả Giả (Jia Jia) ngày 15/3. Ông Giả chỉ dính dự vì là một trong những nguời đọc đầu tiên bài báo này trên Ngũ Kiệt Tân Văn, ông gọi cho người bạn thân của ông là Âu Duơng để cảnh báo ông về những hậu quả của nó. Ông Giả được thả sau 10 ngày bị giam giữ, và vẫn đang còn bị an ninh theo dõi (RFI tiếng Trung 26/3, BBC tiếng Trung 25/3, Apple Daily [Hồng Kông] 21/3).

Tuy nhiên, càng đáng sợ hơn, là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm khó và đe dọa thân nhân của những người chỉ trích Tập đang ở nước ngoài. Thí dụ, blogger nổi tiếng Ôn Vân Siêu (Wen Yunchao), đã sống ở Hoa Kỳ từ năm 2012. Ông Ôn, có 220,000 người theo trên Twitter, là một nhà bình luận thường xuyên về các chính sách cực kỳ bảo thủ của Tập, cũng như phản đối sự cai trị của Tập tuơng tự như trong nội dung của lá thư trên Ngũ Kiệt Tân Văn. Vào ngày 22/3, cha mẹ và anh trai của ông Ôn, họ đang sống ở tỉnh Quảng Đông, bị cảnh sát bắt đi. Vài ngày trước đó, cả 3 nguời này bị buộc phải gọi điện thoại cho ông Ôn yêu cầu ông tiết lộ ai là tác giả của lá thư ngỏ chống Tập này. Ông Ôn yêu cầu cảnh sát Quảng Đông phải thả thân nhân của ông ra ngay lập tức, nói rằng ông không có dính gì vào sự cố này (Tổ chức Ân xá Quốc tế 25/3, RFA 25/3). Truờng hợp tuơng tự như vậy xảy ra với ông Truơng Bình (Chang Ping), một nhà báo và là nhà phê bình chế độ nổi tiếng, đã qua Đức năm 2012. Sau khi ông đăng một bài viết chỉ trích việc bắt giữ ông Giả Giả, hai người anh em của ông đã bị bắt vào cuối tháng Ba ở tỉnh nhà của ông ở Tứ Xuyên. Thân nhân của ông Truơng bị chính quyền đe doạ là họ sẽ gặp rắc rối nếu ông Truơng tiếp tục nói xấu ông Tập trên phiên bản tiếng Trung của tờ Deutsche Welle và trên các phương tiện truyền thông nước ngoài khác (South China Morning Post [Hồng Kông] 28/3, HK01. com [Hồng Kông] 28/3).

Do bởi ông Tập và những người tung hô ông đang sốt vó lo xây dựng việc tôn thờ lãnh tụ kiểu Mao cho lãnh tụ tối cao, nên rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao sự kiện Ngũ Kiệt Tân Văn lại được quan trọng hoá như vậy. Tuy nhiên, cũng không kém quan trọng, là có một thực tế rằng phản ứng dữ dội đó có thể mang tác dụng ngược do thiếu tự tin. Cảm giác bất an này bắt nguồn từ những dấu hiệu mạnh mẽ chống lại việc thu tóm quyền lực của Tập, do các khối quyền lực trong Đảng CSTQ bị gạt ra bên lề hoặc không hài lòng về việc hồi phục lại những khuôn mẫu đã lỗi thời của Mao với quy mô lớn của lãnh tụ Thế Hệ Thứ Năm.

Một dấu hiệu không thể nhầm lẫn là Chủ Tịch Tập không còn được đánh giá theo cách ông ta muốn nữa về vị thế "lãnh đạo nồng cốt" của ông, nó đang bị thách thức. Hồi tháng 12/2015, các phương tiện truyền thông chính thức bắt đầu gọi Tập là "lãnh đạo nồng cốt". Và các nhà lãnh đạo của ít nhất 20 tỉnh, thành phố do trung uơng quản lý trực tiếp đã bày tỏ lòng trung thành với "sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là nòng cốt" (China Brief 7/3). Tuy nhiên, trong các bài phát biểu hồi tháng Ba do Chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính Hiệp Du Chính Thanh và Thủ tướng Lý Khắc Cường, tất cả đều là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC) - từ ngữ "nồng cốt" đã không xuất hiện. Trong báo cáo công tác Chính phủ hôm 5/3, ông Lý có nhắc đến ông Tập 5 lần. Thí dụ, ông ca ngợi sự hướng dẫn của "lãnh đạo Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là Tổng Bí thư." Từ ngữ này tương tự như nghi thức đã dùng trước đây cho cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Hồ chưa bao giờ đạt được vị thế "lãnh đạo nồng cốt". [So với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân được gọi là "nồng cốt của lãnh đạo Thế Hệ Thứ Ba]. Điều này cho thấy vẫn có sự kháng cự đáng kể trong đảng trong việc nâng Tập lên tới tình trạng cao hơn của "lãnh đạo nồng cốt" (Hong Kong Economic Journal 10/3, Wen Wei Po [Hồng Kông] 6/3).

Căng thẳng ở trên đỉnh

Đồng thời, cuộc xung đột giữa Tập và Thủ tướng Lý - khuôn mặt tiêu biểu của cánh Đoàn Thanh niên Cộng Sản đối thủ (CYL) mà người cầm đầu là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào - dường như đã gần như công khai. Khi ông Lý đọc xong Báo cáo công tác Chính phủ vào sáng ngày 5/3, tất cả các đại biểu có mặt theo thông lệ nhiệt tình cho ông một tràng pháo tay. Trong quá khứ, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ bắt tay với cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tuy nhiên lần này, ông Tập không màng vỗ tay. Không có chuyện trò trao đổi nào giữa ông Tập và ông Lý, trong khi hai ông đang ngồi cạnh nhau (Chinadigitaltimes. net 29/3, Ming Pao 15/3). Nó không còn là bí mật ở Bắc Kinh, ông Lý theo truyền thống cố hữu lâu nay Thủ tướng là trọng tài cuối cùng của chính sách kinh tế, ông chống lại việc bây giờ ông phải nằm dưới sự hướng dẫn của ông Tập Cận Bình. Những bất đồng giữa ông Tập và ông Lý về việc hoạch định chính sách kinh tế được cho là một lý do đằng sau của những hành động lỗi lầm đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng liên quan đến thị trường chứng khoán bị rơi và sự mất giá của đồng nhân dân tệ (South China Morning Post ấn bản tiếng Trung 17/2, VOA tiếng Trung 21/9/2015).

Được thấy tương tự là việc Thủ tướng Lý vắng mặt trong một cuộc họp thường lệ của Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Cải cách sâu rộng toàn diện (CLGCDR), cơ quan quyết định cao cấp do Tập lập ra vào tháng 12/2013. Nó được chủ trì bởi Tập, và ba Phó Chủ tịch là ông Lý, ông Lưu Vân Sơn ủy viên PBSC phụ trách công tác tuyên truyền (và do đó nắm hầu hết các phương tiện truyền thông nhà nước TQ) và Phó Thủ tướng-uỷ viên PBSC Trương Cao Lệ. Ông Lý đã không xuất hiện trong cuộc họp thứ 21 của CLGCDR tổ chức vào ngày 22/3. Truớc đây, Thủ tướng chỉ vắng mặt một lần hội nghị CLGCDR là ngày 1/7/2015 khi ông có chuyến công du châu Âu. Điều này dường như để xác nhận cho sự suy đoán rằng, do sự va chạm giữa ông Tập và ông Lý, có lẽ ông Lý sẽ chỉ phục vụ một nhiệm kỳ làm thủ tướng. Khả năng là ông Lý sẽ di chuyển qua lãnh đạo Quốc Hội sau Đại Hội 19 của đảng vào cuối năm 2017 (Ming Pao [Hồng Kông] 23/3, Tân Hoa xã 22/3).

Cánh chống Tập nổi lên

Hơn nữa, sự đối đầu giữa các uỷ viên PBSC Lưu Vân Sơn và Vương Kỳ Sơn cũng đã diễn ra công khai. Ông Lưu, một người thuộc phe của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, phụ trách bộ máy tuyên truyền. Ông Vuơng, một thái tử đảng (cách nói để chỉ con của các cựu thần) và là phe của Tập, đứng đầu Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), một siêu cơ quan chống tham nhũng đáng sợ. Ngay truớc khi Quốc Hội họp, truyền thông do Lưu kiểm soát bắt đầu tấn công ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một trùm bất động sản thuờng hay bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ông Nhậm, là một đảng viên, bị chỉ trích không tuân kỷ luật, "đưa ra những chỉ trích vô căn cứ về lãnh đạo đảng." Tuy nhiên, trang web của CCDI vội đưa ra công bố nói hỗ trợ các đảng viên chân thành và đủ thẳng thắn đưa ra các quan điểm mang tính xây dựng đảng. Ai cũng biết ông Nhậm là bạn thân của ông Vuơng - và bộ máy tuyên truyền của ông Lưu duờng như nhắm vào ông Nhậm là để làm xấu hổ ông Vuơng (Theinitium. com [Hồng Kông] 2/3, RFA 2/3, CCDI. gov. cn 1/3).

Ngoài thất bại trong việc nuôi dưỡng sự đồng thuận và tình thân hữu trong PBSC, ông Tập nắm phe Thái Tử Đảng - được coi là cơ sở quyền lực chủ chốt của ông - nhưng bây giờ có vẻ ít vững chắc hơn trước. Các thái tử nặng ký đã có những lời chỉ trích trực tiếp và gián tiếp vào chính sách của ông Tập. Theo ông La Vũ (Luo Yu), con trai của tướng La Thuỵ Khanh (Luo Ruiqing, 1906-1978), ông La Vũ là cựu Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham mưu và là phó thủ tướng, thuộc phe "chống Tập", ông đã nổi lên trong đám cán bộ, nói rằng nhà lãnh đạo tối cao "đã không hoàn toàn tôn trọng Hiến pháp và không có tiến bộ nào trong việc cải cách "(VOA tiếng Trung 22/3). Ông Trung Thạch (Zhong Shi), nguời viết chuyên mục cho báo Ming Pao ở Hồng Kông, nói rằng trong khi một số thái tử đảng cảm thấy bị đe dọa bởi những hành động chống tham nhũng của ông Tập, thì những thái tử khác là giới kinh doanh đổ lỗi rằng các thiệt hại của họ trong thị trường tài chính là do những chính sách kinh tế được coi là thất bại của ông Tập. "Những thái tử đảng hiện vẫn công khai ủng hộ ông Tập là những người có ít ảnh hưởng và sức mạnh tài chính thì nhỏ bé," ông Trung viết (Ming Pao 22/3).

Phần kết luận

Ông Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia độc lập và cũng là con trai của một bộ trưởng, cho biết những kẻ thù của ông Tập Cận Bình đã phát triển với số lượng lớn và với sự dữ dằn hơn vì "ông đã lấy đi phô mai của mọi nguời". Ông Tập muốn phục hồi lại các khuôn mẫu của chủ nghĩa Mao, nó bao gồm sự tái xuất hiện của tôn sùng cá nhân, nhà sử học này cho biết, nó "đã làm dấy lên những mối lo ngại trong nhân dân rằng bóng ma ác nghiệt của Mao đã chưa tan biến và có thể xuất hiện trở lại" (Canyu. org 22/3, VOA tiếng Trung 21/3). Tuy nhiên ông Chuơng, một nhà bình luận nổi tiếng, không nghĩ rằng ông Tập đang lâm vào thế nguy hiểm bị mất quyền. "Ông ta vẫn là thuyền trưởng của con tàu", ông Chuơng nói. "Trong khi có những nhóm lợi ích bất mãn trên tàu, người ta vẫn chưa sẵn sàng để đuổi thuyền trưởng vì sợ rằng những thay đổi đột ngột có thể dẫn đến sự đắm tàu." Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, người ta sợ ông hơn là thương ông. Và nếu việc xây dựng đế chế mà ông đang tiếp tục thực hiện gây thiệt hại phúc lợi của các thành phần khác nhau trong chế độ, các kẻ thù của ông có thể sẽ cấu kết lại với nhau và làm cho sự vĩ cuồng của ông trở nên hiện thực.

(Tiến sĩ Willy Lam là thành viên thâm niên của The Jamestown Foundation. Ông là giáo sư phụ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu TQ, Cục Lịch sử, và Chương trình Thạc sĩ trong kinh tế chính trị toàn cầu tại Đại học TQ ở Hồng Kông. Ông là tác giả của 5 quyển sách về TQ, bao gồm cuốn "Chính trị Trung Quốc trong thời kỳ Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thụt lùi ?," đang có sẵn để mua ngay bây giờ.)

Chú thích:

1. Một lá thư "Bỏ Tập" khác, nói rằng có chữ ký của "171 Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc", xuất hiện trong phần blogger của trang web Mingjingnews. com có trụ sở ở New-York hôm 29/3. Ông He Pin, chủ của Mingjingnews. com, nói rằng ông không thể xác định được danh tính của những người viết thư, họ kêu gọi ông Tập phải từ chức tất cả các địa vị của ông ta. Tuy nhiên, vì lá thư này không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào ở TQ, nên Bắc Kinh vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào về thỉnh nguyện thư chống Tập thứ hai này (Apple Daily 30/3, RFA 29/3).

bit.ly/1YNGinD




No comments:

Post a Comment