Friday, March 18, 2016

TAPI và hoà bình Nam Á

Đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-India (TAPI) uớc tính tốn 10 tỷ đôla để xây và dự trù hoàn thành cuối năm 2019. Đường ống này dài khoảng 1,814 cây số, có khả năng vận chuyển 33 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm từ Turkmenistan tới biên giới Ấn Độ. Nó sẽ mang khí đốt từ biển Caspian Sea của Turkmenistan đi qua Afghanistan vào Pakistan và cuối đầu là India. Việc xây dựng bắt đầu ở Turkmenistan ngày 13/12/2015.

Hai điều lo ngại chính cho việc hoàn thành dự án này là tài chính và an ninh. Có thể nói vấn đề an ninh tại Afghanistan là rào cản lớn nhất. Được biết công ty Turkmengas đóng góp 85% chi phí xây dựng, công ty Dragon Oil có trụ sở ở Dubai cũng dự định tham gia vào dự án, chống lưng là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB). Các nước Afghanistan, Pakistan, và India cam kết đóng vào 5% mỗi nước, tức 500 triệu đôla. (bit.ly/1Rs7FhK)

Theo chuyên gia làm việc cho Liên Hiệp Quốc và thực hiện các dự án ở Afghanistan trong nhiều năm, anh TS Đinh Xuân Quân, thì đường ống này sẽ giúp cho Nam Á được ổn định hơn, nó ràng buộc 4 nước mà đường ống đi qua phải cộng tác với nhau trong vấn đề an ninh. Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani nói rằng sẽ tạo một lực luợng 7,000 quân để bắt đầu dọn dẹp con đường dẫn ống, vào tháng 4/2016. (bit.ly/1McNdpg)

India là nước tiêu thụ khí đốt cuối đường sẽ có nhu cầu và động lực để làm việc với đối thủ lâu nay là Pakistan. Tương tự, Pakistan cần làm việc với Afghanistan trong vấn đề an ninh và Pakistan lại có nhiều ảnh hưởng với các nhóm Taliban đang gây khó khăn an ninh cho Afghanistan. 

Có thể nói nước nắm chìa khoá trong vấn đề an ninh là Pakistan, mặc dù phần mất an ninh nhất nằm ở Afghanistan, vì Pakistan là trái độn giữa India và Afghanistan, mà Pakistan vừa là sào huyệt của các nhóm khủng bố hoạt động ở Afghanistan vừa là đối thủ lâu nay của India. Điều khích lệ là chính Pakistan rất muốn dự án này được thành hình.

Chúng ta hãy hy vọng là dự án này được thành hình để vùng Nam Á được nối kết nhau, cộng tác với nhau, nhờ nó mà hoà bình dễ đến hơn và sự thịnh vượng ở trong tầm tay của người dân hơn.

Lê Minh Nguyên
18/3/2016




No comments:

Post a Comment