Tôi muốn viết về anh khi còn ở Philippines nhưng không có được sự tỉnh tâm. Sáng hôm nay 11/3 sau một giấc ngủ dài khi về đến nhà khuya hôm qua, tôi viết những lời vĩnh biệt anh, dù đã gặp anh ở nhà quàn Manila hôm 4/3 để cúi nghiêng mình vĩnh biệt anh và ôm chị Hợi chia buồn!
Cô bé activist Nancy, anh Phúc và tôi từ phi trường Manila đến khách sạn vào khoảng 7 giờ tối Thứ Năm 3/3, một giờ sau chúng tôi gặp các anh Châu, Khiết, Tâm, Hoàng... ở hành lang khách sạn, anh Châu kéo tôi ra riêng và thông báo anh Bích đã qua đời trên máy bay, máy bay chưa đáp và anh em đang chuẩn bị ra phi trường. Thật là bất ngờ và chấn động trong đau lòng cho cả nhóm!
Anh em cho biết trên máy bay từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bay qua Manila ngoài anh chị Bích còn có anh Hoạt và cô Ca Dao. Nhờ có thông báo trước, khi máy bay còn trên không trung ngay lúc anh Bích ra đi, nên anh Trịnh Hội và các anh em VOICE đã chu đáo chuẩn bị trước để không bị những ngày cuối tuần làm chậm trễ thủ tục. Máy bay đến khuya 3/3 thì sáng Thứ Sáu 4/3 nhà quàn ở Manila đã để anh Bích trong phòng tang lễ cho anh em đến viếng lần cuối.
Sáng 4/3, sau khi sinh hoạt với 2 tổ chức của Philippines về vấn đề Biển Đông tại phòng họp của khách sạn, chương trình được cắt ngắn đi một giờ để chấm dứt lúc 11:00AM rồi tất cả đến nhà quàn để viếng anh Bích, và sau đó bay ra đảo du lịch Boracay cách Manila khoảng một giờ bay để bắt đầu chương trình của Họp Mặt Dân Chủ.
Ngày Thứ Bảy 5/3, trước khi bắt đầu chương trình, anh em đã để ra những phút tĩnh lặng tưởng niệm anh Bích. Ngày Chủ Nhật 6/3 trước khi chấm dứt chương trình, anh em đã long trọng làm buổi lễ thắp nến, nói về anh và những hy sinh không mệt mõi của anh cho dân chủ hoá Việt Nam.
Sau khi qua Mỹ năm 1975, tôi nghe danh anh Bích đã lâu nhưng đến khoảng năm 1994 mới gặp mặt anh ở Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Lúc đó nghị sĩ Bob Dole là lãnh tụ đa số Thượng Viện, ông và khoảng 15 nghị sĩ khác mời ăn sáng ở Thượng Viện với khoảng 30 nhà hoạt động Châu Á. Phía Việt Nam có anh Bích, ông Tony Lâm (lúc đó là nghị viên TP Westminster), BS Phạm Đặng Long Cơ và tôi. Tôi còn nhớ anh Bích rất nghiêm chỉnh với các câu hỏi trọng tâm. Ông Tony Lâm tặng chìa khoá TP Westminster cho NS Dole và tích cực đến gặp chuyện trò từng nghị sĩ, ông giới thiệu BS Cơ và cho biết BS Cơ vừa bị cộng đồng phản đối, BS Cơ không tuyên bố gì và không năng động như ông Lâm. Khi ra về, anh Bích và tôi đi chung đường, hai anh em vui vẻ chuyện trò và anh Bích tặng cho tôi tài liệu về Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Tại Hoa Kỳ.
Sau đó tôi gặp anh chị Bích thường xuyên hơn trong những sinh hoạt đấu tranh, thỉnh thoảng gọi hỏi anh những gì tôi không biết, như tên dịch các nhân vật CSTQ từ tiếng Anh ra tiếng Việt... Anh chị thật hiền hoà và cởi mở với anh em, không gaming, không thủ đoạn, không coi mình là trưởng lão bề trên, không có tính lãnh tụ-đàn em, anh dễ dàng nối kết với thế hệ millenials (tuổi 18-35), hết lòng đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ. Người Mỹ có câu "dân chủ là một lề lối sống" và lề lối sống của anh cho tôi sự kính quý của một nhà dân chủ chân chính.
Vì ưu tư với tiền đồ dân tộc nên anh làm bất cứ điều gì có tính đóng góp cho cuộc tranh đấu chung, trong lẽ biến di thì sự thay đổi của mười năm đời người chỉ bằng một năm vận nước, cho nên anh cố gắng chạy đua với tử thần, chạy và ngã gục trên đường, như GS Nguyễn Ngọc Huy và nhiều nhà chí sĩ khác đã nằm xuống cho quê hương.
Sáng Thứ Năm 10/3 anh Châu, cô Ca Dao và tôi ngồi trong nhà ăn của khách sạn ở Manila, anh Châu gọi phone cho anh Trinh và chị Hợi, lúc đó là khoảng 9:00PM tối Thứ Tư ở DC. Sau đó anh Châu đưa phone qua cho Ca Dao và tôi để nói chuyện với chị, chị là một người đàn bà Việt Nam xuất sắc, khi anh Bích còn sống thì lúc nào chị cũng bên cạnh anh để hỗ trợ, hiền hoà, cặm cụi trong công việc của anh. Anh em lo sợ chị không chịu đựng nỗi sự đau thương, nhưng không, chị chịu đựng đến mức độ anh em không ngờ, chị còn tỏ ra lo lắng là có quá nhiều công việc mà anh Bích còn đang làm dang dỡ. Cô Ca Dao cho biết trên máy bay khi anh Bích vừa mất, chị không tin, chị kêu anh dậy đi và thỉnh thoảng nhìn anh Bích nằm trên sàn máy bay đang được phủ kín rồi nói với Ca Dao là thấy anh còn động đậy! Chưa bao giờ biên cương của hai thế giới tử-sinh lại sát kề và khoảnh khắc đến như vậy!
Dòng sống của dân tộc cứ thản nhiên mở về phía trước, nhưng mở về hướng nào, độc tài hay dân chủ, văn minh sáng lạng hay hố thẳm vực sâu thì đều do viễn kiến và đại tâm lo cho vận mạng dân tộc của thế hệ hiện tại, nước Mỹ có được ngày nay là nhờ viễn kiến và đại tâm của những nhà lập quốc, nước Việt muốn buớc qua được sự bất hạnh của ngày hôm qua để trở thành một quốc gia hùng mạnh thì rất cần những người như anh Bích, sự ra đi của anh là một mất mát lớn cho dân tộc.
Anh Bích nằm xuống, như những anh hùng đất Việt trước anh đã nằm xuống
"Giữa đêm tối của hỗn mang dày đặc
Đây những người kết chặt giải đồng tâm
Hợp sức nhau gìn giữ suốt muôn năm
Cho máu Việt chung dòng trong biển loạn
...
Đây những người sinh nhằm thời quốc biến
Trong gian truân cố chuyển lại cơ trời
Giữa đêm sâu mưa gió rộn tơi bời
Vẫn thẳng tiến không rời đường cách mạng
Guồng tiến hoá lạnh lùng xua dĩ vãng
Nhưng vẫn không xoá được ánh kiêu hùng
Của những gương rạng rỡ nét tinh trung
Lòng dũng cảm những anh hùng đất Việt"
(Anh Hùng Đất Việt - Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy)
Thác là thể phách, còn là tinh anh, anh Bích chỉ ra đi bằng thể phách, nhưng vẫn quấn quyện cùng dân tộc và anh em bằng tinh anh. Người ta chỉ thật sự chết đi khi không còn ai nhắc gì đến họ nữa, nhưng với anh, anh đã hoà cùng dân tộc và dân tộc là một dòng sống liên tục như dòng sông chảy dưới chân cầu, nên anh vẫn sống với anh em bằng tinh anh. Cái tử để làm mới và phát triển cái sinh trong Lẽ Biến Động, nếu vô tử sẽ vô sinh, thi sĩ Hoàng Cầm trong Đêm Liên Hoan có đoạn
- Trong tiểu đội anh, những ai còn ai mất?
- Không, không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Kẻ trước người sau lao vào giặc
Giữ vững ngàn thu một giống nòi
- Không, không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Kẻ trước người sau lao vào giặc
Giữ vững ngàn thu một giống nòi
Mất còn là lẽ biến di, nhưng giữ vững ngàn thu một giống nòi là cam kết không thể thay đổi cho vận mạng dân tộc Việt của chúng ta. Anh Ngô Nhân Dụng có quyển sách "Đứng Vững Ngàn Năm", anh Bích vẫn sống và đứng vững ngàn năm trong lòng sử Việt.
Thương mến nhớ về anh.
Lê Minh Nguyên
11/3/2016
No comments:
Post a Comment