Wednesday, January 20, 2016

Trung Quốc: Năm Mới Tình Hình Mới (phần 2)

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

(Viết và ghi âm ngày 30/12/2015, phát sóng trên đài RFA)
 
Từ việc trục xuất phóng viên Pháp Ursula Gauthier, chúng ta có thể cảm nhận được kế hoạch của Tập Cận Bình là để kiểm soát dư luận. Kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, duờng như không có điều gì diễn ra suôn sẻ cho ông ta, từ kinh tế, chính trị, và ngoại giao. Trước đây ông ta đã đặt niềm hy vọng của ông vào chiến dịch chống tham nhũng, do đó lừa gạt được sự ủng hộ của một số người. Nhưng người ta sớm nhận ra rằng chiến dịch này là giả tạo - trong thực tế, nó là con đường mà ông ta dùng để loại bỏ những nguời bất đồng chính kiến bằng cách chống tham nhũng ​​một cách chọn lọc, vì vậy sự hỗ trợ của nhân dân mà ông nhận được bắt đầu suy giảm.
 
Những gì tiếp theo là sự phản công của các quan chức tham nhũng, bao gồm tâm trạng hoảng loạn của tất cả mọi người trong tầng lớp cai trị. Trong Hội Nghị Trung Uơng 5 Khóa 18 gần đây của Đảng CS, Tập Cận Bình đã không hiện thực được sự độc tài mà ông mong muốn, mà lại là sự thất vọng và chán nản. Vì vậy, ông đã đặt hy vọng của ông vào việc kiểm soát sức mạnh quân sự và kiểm soát các cơ quan truyền thông. Nếu ông thành công trên cả hai, nó có thể cho ông ta kiểm soát được tình hình trong ngắn hạn.
 
Thật không may, theo cái nhìn của tôi, đây là điều khó xảy ra. Cũng giống như tất cả mọi thứ trong ba năm qua đã không diễn ra suôn sẻ cho ông ta, những động thái này cũng sẽ không êm ả. Đó là vì những ý tưởng cơ bản của ông đã sai, vì vậy mặc dù các chi tiết được thực hiện tinh tế và chính xác, kết quả vẫn sẽ là sai lầm đến mức không thể khắc phục được.
 
Ví dụ, Tập dựa vào sự trừng phạt phóng viên nước ngoài để kiểm soát dư luận. Chúng ta có thể nhớ lại thời kỳ Mao Trạch Đông, để xem ông có được dư luận thuận lợi qua việc trừng phạt phóng viên nước ngoài hay không. Điều mà Mao Trạch Đông dựa vào là làm cho dư luận phương Tây Marxist hơn, hay thiên tả, cũng như để hoàn toàn kiểm soát các cơ quan truyền thông trong nước và hoàn toàn bao vây các phóng viên nước ngoài. Cách tiếp cận này đã làm cho dư luận quốc tế trong thời gian đó không thể nhìn thấy bất kỳ cái gì của tình trạng bên trong TQ; cho nên khi cần làm phóng sự, họ đã phải trích dẫn phần lớn từ các tờ báo của Đảng CS.
 
Bây giờ tình hình hoàn toàn khác xưa. Công luận thế giới đã đảo ngược, từ sự cảm thông với Đảng CS sang ghê tởm Đảng CS. Ngay cả những người bên cánh tả cũng không thích Đảng Cộng sản nữa. Họ đã cố gắng vẽ một đường ranh để tránh bị liên lụy bởi các hệ thống độc tài trong các nước cộng sản. Ngay cả những người dân của các nước cộng sản cũng đã ném bỏ những lời dối trá của chủ nghĩa cộng sản từ lâu. Tập Cận Bình có ảo tưởng muốn hồi sinh Đảng Cộng sản bằng giai điệu tuyên truyền của những năm 1950s. Nỗ lực này sẽ chỉ như các truyện ngụ ngôn cổ của TQ: "khoan gỗ để hy vọng bắt được cá"; và "đánh dấu lên chiếc thuyền để tìm thanh gươm đã rơi xuống sông". Nó trông giống như một trò đùa.

Ngày nay Internet và các phương tiện truyền thông xã hội rất tân tiến, với tin cập nhật cho mỗi ngày trôi qua. Không cần phải có mặt ở Bắc Kinh hay rời khỏi nhà, ta vẫn có thể biết được các sự kiện của cả thế giới. Dư luận trong và ngoài nước được hình thành như một tổng thể, và khuynh hướng này đang mạnh mẽ diễn ra mà không ai có thể ngăn cản được. Cảnh sát Internet của Tập Cận Bình cũng giống như ngụ ngôn cổ TQ "châu chấu giuơng càng để chận cổ xe". Dù cho Tập Cận Bình có chi ra bao nhiêu tiền cho cái càng châu chấu của ông trong nổ lực duy trì sự ổn định, thì càng châu chấu cũng chỉ là càng châu chấu, nó không thể ngăn cản được cổ xe. Ngay cả với một khối càng của nhiều con châu chấu thì cũng không ai có thể ngăn chặn bánh xe lịch sử, nó không thể được thay đổi bởi ý chí của một người.

Một ví dụ khác là "cải cách quân sự" hiện nay ở TQ. "Cải cách quân sự" đã trở thành thuật ngữ phổ biến nhất trên các phương tiện truyền thông gần đây. Với một chút suy nghĩ ai cũng sẽ nhận ra cải cách này chỉ nhằm mục đích kiểm soát sức mạnh quân sự bằng cách chơi ma thuật. Mọi thứ được thay đổi theo kiểu dời từ đây qua đó, binh sĩ được chuyển từ chổ này qua chổ kia, tất cả chỉ là cái cớ để dẹp những người chống đối trong một quy mô lớn, cùng lúc cấy nguời tay sai của mình vào. Việc tái sắp xếp này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn quân sự, thậm chí nổi dậy. Ít nhất, nó sẽ dẫn đến sự suy giảm mạnh khả năng chiến đấu của quân đội. Đã có rất nhiều tiền lệ trong lịch sử rồi.
 
Liệu quân đội TQ có cần phải cải cách? Tất nhiên nó thực sự là cần. Nhưng trước hết, quân đội cần có một luân lý ổn định. Điều kiện chính yếu để có luân lý ổn định trong quân đội là gì? Đó là họ cần biết họ là ai và họ nên làm gì. Trong thời kỳ Đảng CS còn phổ biến, tính chất Schutzstaffel (hay SS, là tinh binh của đảng Quốc Xã để bảo vệ Hitler như một lực lượng cảnh sát đặc biệt) của quân đội Cộng sản được công nhận và đồng ý bởi các tuớng lãnh và binh sĩ. Khi ảo ảnh của Đảng CS đã biến mất, đặc biệt với sự công nhận rất mạnh mẽ của bản sắc quốc gia và căn cước dân tộc, thì liệu mong muốn của Tập Cận Bình khôi phục quân đội trở lại bản chất Schutzstaffel có được đại đa số sĩ quan và binh sĩ đồng ý và công nhận hay không? Các kết quả chỉ có thể là luân lý bị băng hoại, với tâm trạng nổi loạn trở nên phổ biến.
 
Trong quá khứ khi dân TQ còn ít học, Viên Thế Khải có thể tập hợp sự ủng hộ của quân đội bằng cách hứa có đủ thực phẩm để ăn nếu gia nhập vào quân đội, do đó tạo ra được một quân đội riêng. Trong các thời Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông, quân đội riêng vẫn còn rất phổ biến. Hệ thống SS mà người TQ đã học được từ Liên Xô thì thích ứng với các đặc tính của nguời binh sĩ lúc đó. Nó thay thế cho quân đội riêng lỗi thời, và có thể đối phó với quân đội Nhật Bản có đặc tính như quân đội của quốc gia, kéo dài được chừng tám năm.
 
Sau một quãng dài hơn nửa thế kỷ, phẩm chất của con người hiện đại và nhân viên quân sự đã được cải thiện đáng kể, với sự gia tăng ý thức quốc gia dân tộc trong trái tim của người dân. Hệ thống SS được thay thế bằng bản sắc của người dân và nhân viên quân sự. Đây là lý do chính mà luân lý quân đội bị rã rời trong những thập kỷ qua. Việc tham nhũng của các quan chức quân sự cũng là hậu quả của sự suy sụp căn cuớc này, chứ không phải là nguyên nhân. Các quan chức dân sự tham tiền, thì các quan chức quân sự cũng thế. Những quốc gia như vậy sẽ bị chôn vùi là chắc chắn, cho dù cổ xưa hay hiện đại, ở TQ hay ở những nơi nào khác trên thế giới.
 
Lòng ái quốc có phải là sản phẩm của giáo dục hay không? Không. Đầu tiên, hệ thống của đất nước này phải được dân chúng công nhận, rồi sau đó sự công nhận được hoàn thiện thông qua giáo dục, đưa tới hiệu quả là một ý thức hệ bền vững. Trong quân đội Hoa Kỳ không có chính uỷ và không có sĩ quan chính trị, nhưng những người lính của họ luôn luôn gìn giữ một mục tiêu chính trị rõ ràng và thống nhất - chiến đấu cho đất nước và cho dân chúng của họ là điều họ không cần phải nghĩ ngợi hay nghi ngờ.

Bất kể Tập Cận Bình cố gắng thay đổi việc "cải cách quân đội" như thế nào, thì vẫn là cũng cố cái hệ thống SS của ông. Bây giờ mọi người không công nhận hệ thống tham nhũng độc tài độc đảng của đảng CS nữa, thì làm thế nào mà khẩu hiệu "chiến đấu cho Đảng Cộng sản" có thể nối kết được trái tim của người dân? Tôi e rằng mục tiêu đó còn ít vững chắc hơn so với lính đánh thuê, họ chiến đấu vì tiền. Cải cách quân sự của Tập, chắc chắn sẽ bị thoái hoá để đi từ quân đội SS thành quân đội riêng. Đây là việc làm thực sự gây hỗn loạn để nắm quân đội, và nó còn làm nền tảng cho những người khác chiếm đoạt quân đội và tạo ra sự hỗn loạn.
 
Khi nền kinh tế TQ tiếp tục suy yếu thì các xung đột xã hội ở TQ cũng sẽ xấu hơn. Với chiến dịch chống tham nhũng có chọn lựa ngày càng trở nên độc ác hơn, chiến đấu trong nội bộ của giai cấp quan chức CS sẽ tăng cường. Với khả năng phai mờ dần tiền bạc vung ra nước ngoài, chính sách ngoại giao bằng tiền sẽ càng ngày càng kém đi hiệu quả, trong khi xung đột quốc tế ngày càng trở nên gay gắt hơn. Đây là tình hình mới trong Năm Mới cho Tập Cận Bình.
 
Những chính sách ứng phó của Tập Cận Bình chỉ nên tập trung vào công việc nội bộ. Ông ta nên cắt bớt những vấn đề bên ngoài: nên từ bỏ các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cùng lúc sửa chữa lại mối quan hệ với Hoa Kỳ để có được sự hợp tác của Hoa Kỳ và Châu Âu trong việc điều chỉnh nền kinh tế của mình, hoặc ít nhất là không đi vào việc đối đầu kinh tế với họ.
 
Hướng đi này đòi hỏi đồng thời từng bước hình thành một hệ thống dân chủ và khôi phục lại sự cai trị của pháp luật. Nếu không thì ông sẽ vẫn là đối lập chống lại các nền dân chủ phương Tây, với cả chính trị và kinh tế còn ở trong trạng thái không phù hợp với các quốc gia phương Tây. Khi các nước phương Tây không còn nhu cầu chiến đấu chống lại Liên Xô, thì sự khoan dung của họ đối với Trung Quốc sẽ dần dần biến mất. Như vậy cả hai lợi lộc từ việc chống Liên Xô và có tiêu chuẩn nhân quyền thấp sẽ không còn tồn tại. Đây cũng là tình hình mới trong Năm Mới cho Tập Cận Bình.
 
Nếu ông ta không muốn đi con đường này mà vẫn tiếp tục theo con đường độc tài độc đảng của ông, ông sẽ chỉ đi vào ngõ cụt.

bit.ly/1RTubWB


No comments:

Post a Comment