Các thủ tục để tiến tới Đại Hội 12 Đảng CSVN và ngay trong đại hội khá phức tạp làm cho nhiều người ngoài đảng tương đối khó hiểu.
Bài này nhằm trình bày các bước đi về thủ tục của họ để tìm cách loại nhau.
Đại hội (hay Khoá - Khoá 11 để chỉ Đại Hội 11, Khoá 12 để chỉ Đại Hội 12 - ta sẽ gọi là K11, K12) là cơ quan quyền lực cao nhất, họp mỗi 5 năm một lần để làm hai việc quan trọng (1) lập khung suờn hay đường lối chính trị, kinh tế... cho 5 năm tới qua các văn kiện và nghị quyết đại hội, (2) chọn nhân sự lãnh đạo cho 5 năm tới. Số đại biểu dựa vào số đảng viên của các tỉnh thành và các cơ quan chính quyền trung ương (bao gồm công an và quân đội). Số đại biểu của K12 là 1,510 người.
Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTU) là cơ quan quyền lực cao thứ hai sau đại hội và cao nhất giữa hai kỳ đại hội, tức cao nhất trong 5 năm. Trong 5 năm này có trung bình khoảng 12 kỳ họp trung ương, có khi nhiều hơn như K11 vừa qua với 14 kỳ họp trung ương (ta sẽ gọi là TU14 cho kỳ họp trung ương cuối cùng của K11 hôm 11-13/1). Trung ương K11 có 175 ủy viên chính thức (chết 2 nên còn 173 và không đôn lên) và 25 dự khuyết. Trung ương K12 dự trù sẽ là 180 chính thức và 20 dự khuyết. Trung bình trung ương họp mỗi 5 tháng một lần.
Bộ Chính Trị (BCT) là cơ quan quyền lực cao thứ ba sau đại hội và BCHTU, và cao nhất giữa các kỳ họp trung ương. BCT K11 có 16 uỷ viên và dự trù cho K12 sẽ là 18 uỷ viên. BCT họp theo nhu cầu trong khoảng 5 tháng giữa hai kỳ họp của BCHTU, công việc lãnh đạo hàng ngày do Ban Bí thư (BBT) mà trong đó Tổng bí thư đứng đầu đảm nhiệm.
Sau khi ông Trọng thua đậm trong hai kỳ hội nghị TU6 (tháng 10/2012 không kỹ luật được ông Dũng) và TU7 (tháng 5/2013 không đưa được Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào BCT), ông và ông Tô Huy Rứa (Trưởng Ban Tổ Chức) đã tìm cách để TU9 (tháng 5/2014) thông qua Quyết định số 244-QĐ/TƯ về quy chế bầu cử mà chính yếu là những đảng viên cấp uỷ tức các đảng viên đang lãnh đạo từ trung ương (BCT hay BBT) đến địa phương của K11 không được ứng cử hay nhận đề cử những người ngoài danh sách do cấp uỷ đưa ra (ở trung ương là BCT đưa ra).
Với nguyên tắc tập trung dân chủ, TU14 đã đưa qua đại hội K12 danh sách 4 người mà ông Trọng là TBT, ông Quang là CTN, ông Phúc là TTCP, bà Kim Ngân là CTQH. Đây là danh sách mà K11 ĐỀ NGHỊ để đại hội K12 cứu xét. Vì đại hội là cơ quan quyền lực cao nhất cho nên cứu xét thế nào yes/no là K12 có toàn quyền. Nhưng những người của K11 vẫn bị ràng buộc bởi QĐ-244 nên không thể tự ứng cử hay nhận đề cử của những uỷ viên trong BCHTU K11 khác (chỉ 4 nhân vật của TU14 đưa qua mà thôi).
Đại hội bao gồm rất nhiều đại biểu mới chứ không phải chỉ những người cấp uỷ của K11 nên những người mới này ĐƯỢC QUYỀN đề cử bất cứ ai, có nghĩa là được quyền đề cử ông Dũng (hay ông Sang, ông Nghị...). Qua tin tức hôm nay 24/1, ta thấy đại hội K12 đã đề cử ông Dũng và vài người cấp ủy khác của K11.
Tuy nhiên, ông Dũng vì ở trong cấp uỷ K11 nên vẫn bị QĐ-244 kềm kẹp nên phải chính thức lên tiếng từ chối sự đề cử này. Ông Dũng và các ông K11 khác sẽ làm như vậy sáng ngày mai 25/1.
Đại hội K12 sẽ quyết định việc cho ông Dũng rút hay không bằng cách bỏ phiếu. Muốn được ở lại, ông Dũng phải được đa số quá bán đại biểu đồng ý, tức là 756 đại biểu trở lên, cuộc bỏ phiếu sẽ xảy ra chiều mai 25/1.
Nếu ông Dũng được 756 phiếu hay nhiều hơn không cho rút thì ông Dũng đã qua được rào cản 1 (trong khi ông Trọng thì đương nhiên qua) để vào rào cản 2 của ngày 26/1 mà đại hội K12 bầu các uỷ viên cho BCHTU 180 chính thức và 20 dự khuyết cho K12. Ông Dũng (hay cả ông Trọng) PHẢI đắc cử thành trung ương uỷ viên chính thức của K12 thì mới là ứng viên của BCT K12 và chức TBT. Có 4 trường hợp xảy ra (1) ông Trọng đậu BCHTU K12 và ông Dũng rớt, (2) ông Dũng đậu BCHTU K12 và ông Trọng rớt, (3) cả hai ông đều rớt BCHTU K12, và (4) cả hai ông đều đậu BCHTU K12.
Bây giờ tới phiên BCHTU K12 chứ không phải là đại hội K12 nữa để qua rào cản 3, diễn ra vào ngày 27/1 để bầu BCT, TBT, BBT, UB Kiểm tra TU và Chủ nhiệm UB Kiểm tra TU. Với 4 trường hợp vừa nêu trên thì BCHTU K12 phải quyết định ai là TBT. Trong quá khứ, do nguyên tắc tập trung dân chủ và BCT khoá cũ có ảnh hưởng quá lớn lên đại hội cho nên ít khi có ngạc nhiên, chỉ trừ trường hợp ông Lê Khả Phiêu trong đại hội K9 năm 2001. Nhưng đại hội K12 này sự chia rẽ phe phái vừa có tính cách tranh quyền vừa có tính cách đường lối. Hơn nữa, lần này các phe kéo người ngoài Đảng vào cuộc cho nên khó giữ được nghị trình ban đầu (như Liên Xô cuối thập niên 1980s).
Nguời TBT sau kết quả của đại hội K12 này có thể là ông Trọng, hay ông Dũng hay một người nào khác do hai bên thoả hiệp như họ đã từng làm trước đây để giữ Đảng.
Lý tưởng là nhân cơ hội này họ nên chia đảng ra làm hai hay nhiều đảng nhỏ hơn. Sự thắng thế hoàn toàn của một phe hay sự thoả hiệp chia ghế vào giờ thứ 25 của hai phe để giữ đảng sẽ là một thất vọng cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Lê Minh Nguyên
24/1/2026
No comments:
Post a Comment