Tuesday, January 5, 2016

Chiến Tranh Thầm Lặng 3-Mặt Giáp Công Của Trung Quốc Với Hoa Kỳ

Peter Navarro
5/1/2016
Lê Minh Nguyên dịch

Ngòi bút có thể mạnh hơn thanh kiếm, Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công của Trung Quốc có hiệu quả hơn nhiều trong việc mở rộng ranh giới hàng hải và lãnh thổ của TQ so với tên lửa hoặc hạm đội tàu sân bay.

Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công được chính thức công nhận lần đầu tiên như một khả năng chiến đấu quan trọng vào năm 2003 bởi Quân ủy Trung ương đảng CSTQ. Nó bao gồm chiến tranh tâm lý, pháp lý và truyền thông.

Mục tiêu của chiến tranh tâm lý là ngăn chặn, làm mất tinh thần, hoặc gây sốc một quốc gia đối thủ cùng dân chúng nuớc đó, do đó ngăn chận việc đánh trả của đối thủ. Như cựu cố vấn Nhà Trắng, ông Stefan Halper tiết lộ trong báo cáo cho Văn Phòng Phẩm Định của Lầu Năm Góc năm 2014: "Nó sử dụng áp lực ngoại giao, tin đồn, dư luận định hướng, và sách nhiễu để bày tỏ sự không hài lòng, khẳng định quyền bá chủ và truyền đạt các mối đe dọa."

Như, khi TQ áp đặt cuộc tẩy chay kinh tế hoặc cấm du lịch, nhằm ép buộc dân Nhật Bản đang gặp khó khăn do kinh tế trì trệ và thèm khát sự phục hồi, phải chấp nhận đòi hỏi lãnh thổ của TQ liên quan đến quần đảo Senkaku.

Với chiến tranh pháp lý, mục tiêu là để uốn cong hoặc có thể viết lại các quy tắc của trật tự quốc tế có lợi cho TQ. Trường hợp điển hình là chiến dịch hạn chế tự do hàng hải trong phạm vi 200-hải lý Khu đặc quyền kinh tế theo quy định của Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Trong thực tế, tuyên bố này không có cơ sở pháp lý trong ngôn ngữ của Luật Biển. Tuy nhiên, TQ liên tục khẳng định một cách sai trái ngược lại, theo cách mà người ta thường trích từ Orwell "nếu bạn nói nó đủ nhiều, thì nguời ta sẽ tin điều đó".

Chiến tranh truyền thông của TQ là sự nguy hại thầm lặng nhất. Mục tiêu là định hướng dư luận, dẫn dắt theo con đường mà những người không thận trọng sẽ chấp nhận phiên bản các sự kiện của TQ đưa ra. Học giả Dean Cheng của Heritage Foundation mô tả, nó "liên tục, thường trực gây ảnh hưởng dài hạn lên nhận thức và thái độ", như câu châm ngôn của Halper "ngày nay, không phải vũ khí tốt nhất để chiến thắng chiến tranh mà là bình luận tốt nhất".

Điển hình của chiến tranh truyền thông TQ là đài truyền hình Chinese Central Television Network (CCTV) - với trụ sở quan trọng tại Washington, DC. Đây là một kênh ngụy trang tin tức 24-giờ được gói bằng tuyên truyền cùng với những tin lành mạnh kiểu CNN chuyên loan tin tức, nó được trên 40 triệu người Mỹ xem cùng với hàng trăm triệu người xem khác ở những phần còn lại của thế giới.

Một trường hợp điển hình về sức mạnh của CCTV, khi một sự cố nổ ra giữa TQ và Philippines trên rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, CCTV có mặt đầu tiên và nhanh chóng đưa ra bình luận của họ, trước khi các phương tiện truyền thông phương Tây biết đến. Cũng tương tự như vậy, khi căng thẳng trên quần đảo Senkaku, CCTV nhanh chóng khởi động một cuộc tấn công mạnh mẽ, đổ lỗi cho "những thành phần dân tộc hữu khuynh" ở Nhật Bản cho bất kỳ sự cố hay sự leo thang nào.

Nét đẹp tinh ma của Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công trong thời đại ngày nay là nó cung cấp cho TQ một hình thức mới của vũ khí thầm lặng để đạt mục tiêu mà trước đây chỉ có thể thực hiện bằng vũ lực. Hơn nữa, Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công kết hợp một cách rất là hiệp đồng tác chiến.

Thí dụ, trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, TQ đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ bậy bạ dựa trên lịch sử mơ hồ, đó là chiến tranh pháp lý. Tiếp theo là lực lượng thầm lặng dưới hình thức đội tàu vỏ trắng (tuần duyên) - đó là chiến tranh tâm lý. Cuối cùng, CCTV liên tục tạo hình ảnh một "TQ hòa bình", một nạn nhân của sự thống trị bởi thế lực nước ngoài và chỉ cố gắng sửa lại một sai lầm lịch sử - đó là chiến tranh truyền thông.

Cho đến nay, cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã phớt lờ Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công của TQ, cho nên đã không phát triển một chiến lược đối kháng. Nhưng, sự xâm lăng bằng các phương tiện thầm lặng vẫn là một sự xâm lăng - và nó đưa đến câu hỏi: Tại sao Mỹ tiếp tục mậu dịch với một quốc gia đang tiến hành chiến tranh chống lại mình và các đồng minh của mình?

Đây là một câu hỏi hay cho cuộc tranh luận tổng thống năm 2016 và cho các ứng cử viên dẫn đầu ở cả hai đảng cần suy nghĩ để có câu trả lời thích đáng. Xin ông Donald Trump và bà Hillary Clinton vui lòng cho biết quan điểm của hai vị là gì về Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công của TQ? Quý vị có coi nó là hành động chiến tranh chống Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á hay không? Và nếu như vậy, quý vị sẽ phản ứng như thế nào? Và cũng xin vui lòng, quý vị nghị sĩ Cruz, Rubio và Sanders, quý vị nói với các cử tri Mỹ những gì quý vị dự định làm để bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh của HK ở châu Á như Nhật Bản và Philippines chống lại chủ thuyết Chiến Tranh 3-Mặt Giáp Công của TQ?

bit.ly/1S2PfcG

(Peter Navarro là giáo sư Đại Học California-Irvine. Ông là tác giả cuốn Crouching Tiger: What China’s Militarism Means for the World, được The Globalist xếp trong 10 quyển đỉnh của năm)



No comments:

Post a Comment