Tuesday, December 1, 2015

Bụi Trần

Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thiên niên kỷ COP21 đang diễn ra 12 ngày tại Paris, từ 30/11 cho đến 11/12/2015, quy tụ khoảng 150 nhà lãnh đạo toàn cầu và khoảng 30,000 người tham gia, được tổ chức lớn hơn nhiều so với năm 2009 ở Copenhagen, Đan Mạch và thất bại, lúc đó có 115 lãnh đạo các quốc gia tham dự.

Liên Hiệp Quốc muốn hạn chế độ nóng toàn cầu ở mức 2 độ C (3.6 độ Fahrenheit) vào cuối thế kỷ này, nhưng hơn 100 nước nghèo, và các đảo nhỏ muốn mục tiêu cao hơn, với mức 1.5 độ C. Dù có đạt được 2 độ C cho thế giới thì Trung Quốc vì quá ô nhiễm nên vẫn sẽ cao hơn, khoảng 2.7 đến 2.9 độ C (4.9 đến 5.2 độ Fahrenheit), theo báo cáo 900 trang của chính quyền TQ.

Mưa ở TQ sẽ tăng từ 2% đến 5%, nhưng đất và sông suối lại giữ ít nước hơn do nhiệt độ nóng hơn.

Mùa trồng trọt ở TQ sẽ ngắn hơn và đến sớm hơn, bệnh và côn trùng tăng vọt, các rũi ro sẽ nặng hơn.

Trong 30 năm tới, biển Hoa Đông dâng 7.5 đến 14.5 centimeters - hay 3 đến 5.7 inches. Và cứ mỗi centimeter biển dâng thì nuớc sẽ tràn bờ 10 mét đất - hay 32.8 feet. (www.nyti.ms/1ThabtO)

Các nước đang phát triển/nghèo đòi các nước công nghiệp/giàu phải làm nhiều hơn để giảm khí thải, nhưng các nước giàu nói các nuớc nghèo phải chia sẻ gánh nặng.

Bà Christiana Figueres, người đứng đầu đàm phán thay đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc nói “Chưa bao giờ trách nhiệm to lớn thế lại ở trong tay ít người như vậy".

Trong 196 đoàn đại biểu của các nước tham dự, có 183 quốc gia đã công bố kế hoạch cắt giảm khí thải để chuẩn bị cho Hội nghị Paris lần này.

Chiều ngày 30/11, Việt Nam tổ chức đối thoại cấp cao với các đối tác quốc tế về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, với sự tham gia của đại diện nhiều nước như Úc, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Pháp và đại diện các tổ chức như UNDP, Ngân hàng Thế giới - đa số là các nước Bắc Âu.

Theo tham số quy hoạch riêng của Việt Nam, mực nước biển trung bình dâng một mét vào năm 2100, gây ngập 17.423 km2, tương đương với 5,3% tổng diện tích đất của Việt Nam. Trong đó, 82% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, 9% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập và hơn 4% diện tích khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực Đông Nam Bộ sẽ bị ngập. Khu vực Đông Nam Bộ bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và vùng đất dọc sông Sài Gòn/Nhà Bè.

Hơn nữa, 33 trong số 63 tỉnh và thành phố, hoặc 5 trong số 8 vùng kinh tế đang bị đe dọa bởi ngập lụt nghiêm trọng. Trong số 33 tỉnh và thành phố, Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, và Sóc Trăng là bốn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. (bit.ly/1LKr9ej)

Các tỉnh miền đông-nam vùng châu thổ sông Cửu Long chịu đến 3 tác động làm chìm xuống nước (1) tác động của thay đổi khí hậu làm băng tan và nước biển dâng cao, (2) tác động đào giếng lấy nước ngầm quá độ làm mặt đất bị hạ thấp xuống, (3) tác động Trung Quốc, Lào xây đập ồ ạt chận nước ở thượng nguồn sông Cửu Long làm thiếu nước ở hạ nguồn và nước biển tràn vào thay thế.

Tương lai của Việt Nam nói riêng và quả địa cầu nói chung khá bi đát. Con người đang tăng tốc huỷ hoại môi sinh, đồng thời tăng tốc làm ra vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí hoá học, vũ khí vi trùng, vũ khí hạt nhân).

Hoa Kỳ đang hết sức lo sợ ông thần ve chai vì đã chun ra khỏi vỏ và không thể nhét vào lại được - đó là vũ khí hạt nhân. Với tiến bộ kỹ thuật, không chỉ quốc gia mới làm được vũ khí này mà các nhóm non-state như khủng bố cũng có thể làm được.

Thế giới càng ngày càng phức tạp, thành phần nắm bắt được sự phức tạp (đa số là các nước dân chủ thiên chúa giáo trên bình diện quốc gia và các cá nhân thành công trong khoa học, kỹ thuật và thương mại, trên bình diện xã hội) trở thành giàu mạnh. Thành phần không nắm bắt nỗi trở thành bất mãn và muốn phá bỏ nền văn minh đương đại. Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa của phong trào khủng bố, theo nhà nghiên cứu Jay Ogilvy của Global Affairs.

Nếu mọi người ý thức rằng đây là đại hoạ của nhân loại, chia sẻ rộng rãi ý thức này ra chung quanh và ra thế giới, cam kết bảo vệ một tương lai sáng lạng chung cho dòng sống của dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung, để cùng lèo lái hướng tương lai đang mở về phía trước, thì mới hy vọng tránh cho cổ xe nhân loại đi vào con đường tự huỷ.

Lê Minh Nguyên
1/12/2015




No comments:

Post a Comment