Monday, September 5, 2016

Quân Vương và Đối Lập: Sự Đe Dọa Định Chế Dân Chủ Thái

Lê Minh Nguyên

13/12/2008

Hôm nay ngày 13/12/2008, tôi hân hạnh được Ban Tổ Chức buổi ra mắt cuốn Di Cảo Gíáo Sư Nguyễn Văn Bông mời thuyết trình về đề tài dân chủ pháp trị và đối lập chính trị ở hội trường của Việt Báo này, tôi xin chân thành cảm ơn Ban Tổ Chức.

Đây là đề tài về một hệ thống giá trị xã hội mà GS Bông đã bỏ tâm huyết và cả mạng sống của mình để tìm cách thăng tiến cho dân tộc Việt Nam, và tuy GS đã trình bày từ 45 năm qua, nhưng nó cũng vẫn còn như quá mới trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

Nhân cơ hội này tôi muốn trình bày một trường hợp điển hình, một case study, của Thái Lan, sau khi đi qua những quan điểm chính trị chính yếu của GS Bông.

Quan Điểm Của GS Bông về Dân Chủ Pháp Trị và Đối Lập Chính Trị

Nhân ngày lễ khai mạc tại trường Đại Học Luật Khoa Saigon 1/8/1963, GS Bông hiên ngang không e ngại, dù không khí chính trị lúc bấy giờ chưa phải là thuận tiện, đã diễn giảng bài "Đối Lập Trong Chính Thể Dân Chủ". 

Ông mở đầu bài giảng bằng một câu chuyện thời Chiến Quốc, vua Tề Cảnh Công hỏi nhà trí giả Yến Tử rằng trong thuật trị nước cần phải ngăn ngừa điều gì trước hết, và Yến Tử trả lời là phải ngăn ngừa những con chuột ở nền xã. Việc này rất khó vì nền làm bằng gỗ, nếu un lửa thì sợ cháy gỗ, nếu đổ nước thì sợ tróc sơn. Ý của Yến Tử, chính quyền là nền xã và những kẻ nịnh thần vây chung quanh vị lãnh đạo để vinh thân phì da là những con chuột, bên trong luôn che mắt người lãnh đạo, bên ngoài lo buôn bán quyền hành, tham nhũng, hãm hại nhân tài. 

Theo GS, những con chuột này hiện hữu ở bất cứ thời đại nào, bất cứ đất nước nào và bất cứ thể chế chính trị nào. Trong chính thể quân chủ, muốn diệt nó phải dựa vào sự sáng suốt của một cá nhân ở địa vị tối cao, tức bậc minh quân, và theo Hàn Phi Tử, minh quân như Nghiêu Thuấn thì ngàn đời mới có một người, do đó nếu thiếu vắng cơ chế pháp trị thì loạn nhiều hơn trị. Trong chính thể dân chủ pháp trị, đối lập chính trị sẽ làm cho chuột không có môi trường dơ bẩn để lộng hành và đối lập được định chế hóa một cách vững chắc.

Theo GS Bông, sự khác biệt trọng đại giữa độc tài và dân chủ là độc tài từ khước đối lập, còn dân chủ thì đối lập được chính thức nhìn nhận và tôn trọng. Dân chủ công nhận tính cách tương đối của chân lý chính trị, bởi vì chân lý là cái gì mà mọi người đều đồng ý, trong khi đó thì con người luôn luôn phát triển và thay đổi, cho nên không có chuyện mọi người đồng ý nhau mãi khi không gian và thời gian đã khác.

Tôi còn nhớ những ngày thoi thóp của tháng 4/1975 GS Lê Đình Chân trong những buổi giảng cuối cùng của Ban Cao Học Công Pháp trường Đại Học Luật Khoa Saigon, ông kể chuyện ông Staline của Liên Sô nói với Thủ Tướng Churchill của Anh rằng nước Liên Sô và nước Anh đều lấy đảng trị quốc thì đâu có gì khác nhau. Ông Churchill trả lời là có khác, khác ở chổ là ở nước Anh nếu bốn giờ sáng có người đến gõ cửa nhà thì chủ nhà biết ngay là người đi giao sửa, còn ở Liên Sô thì chủ nhà phải lo đi viết ngay một tờ di chúc.

Đối lập là vấn đề thiểu số và sự bảo vệ thiểu số, Hiến Pháp Hoa Kỳ được lập ra với đa số những điều khoản chủ yếu là để bảo vệ thiểu số, bởi vì đa số đã thắng, nắm quyền và hướng đi của đất nước là hướng của đa số, thì kẻ cần được bảo vệ để đất nước có thể đi một cách mạnh lành là thiểu số chứ không phải đa số.

GS Bông liệt kê ba đặc điểm chính của đối lập là

(1) một sự bất đồng về chính tri, tức những sự khước từ, kháng cự hay phản đối phải được chính trị hóa để trở thành một lập trường, một đường lối hay một chính sách, 

(2) có tính cách tập thể, tức là hành động có tổ chức như một chính đảng hay một đòan thể áp lực, 

(3) có tính cách hợp pháp, có nghĩa là nó công khai và nằm trong vòng pháp luật. 

Ta thấy trong đại hội năm 2004 của đảng Cộng Sản Nhật Bản mà ông Phan Diễn, lúc đó là Ủy Viên Bộ Chính Trị Cộng Sản Việt Nam dẫn phái đoàn tham dự, đảng CS Nhật đã chính thức từ bỏ chủ trương bạo lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm lật đổ chế độ quân chủ lập hiến (tức dân chủ có vua) của Thiên Hoàng và chấp nhận hoạt động trong khuôn khổ của chế độ.

Tinh hoa của chế độ dân chủ là sự độ lượng, khoan dung và tự do chính trị. Nó được thể hiện bằng những quyền của đối lập. Đối lập vừa có tính chính đáng vừa có tính cần thiết, nó có hai vai trò.

(1) Vai trò hạn chế và kiểm sóat chính quyền, vì quyền lực tập trung, không có kiểm soát và thăng bằng là quyền lực dễ bị nhũng lạm. Nó ngăn chận những quan điểm thiển cận, phục vụ quyền lợi cục bộ của phe nhóm hay đảng phái cầm quyền. Nó đòi hỏi một sự tranh luận công khai để quần chúng biết rõ lý do, dự tính của các đường lối, chính sách. 

Ở Việt Nam vì ngăn cấm đối lập hoạt động cho nên những hiệp ước ký với Trung Quốc về lãnh thổ năm 1999 và lãnh hải năm 2000 được thực hiện một cách bí mật và Quốc Hội bị Bộ Chính Trị khống chế để thông qua vội vã không có công khai thảo luận, đến nỗi sau hơn tám năm vẫn giấu kín bản đồ. Hậu quả là mất đất mất biển, mất nguồn lợi kinh tế của ngư dân, một sự tổn thất nặng nề cho dân tộc và đất nước. Nó xảy ra như một tiến trình kéo dài từ Hội Nghị Thành Đô năm 1990 với bí mật bao trùm, trước cao trào sụp đổ của Đông Âu và Liên Sô mà CSVN thương lượng đường tắt với TQ, sau lưng Bộ Ngoại Giao, trong tư thế xin cứu rỗi.

Đối lập là tấm gương soi của chính quyền để có thể nhìn thấy được mình và trừ được chuột của nền xã. Hiện tượng cá độ ở PMU 18 và tham nhũng xa lộ Đông-Tây cho thấy nền xã đã bị những con chuột cống quá to đang phá hoại. 

Theo GS Bông, trong việc kiểm sóat chính quyền, phía đối lập không thể luôn đảm đương một cách có hiệu quả, và vấn đề không phải nằm ở chổ đó, mà là tâm lý của tòan dân. Dân chúng có cảm giác là quyền lợi tối cao của quốc gia nhờ đó mà được bảo vệ, ý kiến của mình sẽ có người đại diện nói thay mà không sợ bị chính quyền trù dập.

(2) Vai trò hợp tác với chính quyền để bảo vệ quyền lợi chung của quốc gia dân tộc. GS Bông khẳng định rằng cái lợi của chính quyền là dung túng đối lập. Thực vậy, trong sự đương đầu với bên ngoài, nhất là chống ngoại xâm, hay cần cứu vãn một tình trạng suy thoái kinh tế như ở Hoa Kỳ hiện nay, một mình chính quyền không đủ sức làm và không đủ sức huy động sự tham dự của tòan thể dân chúng. Vì nhu cầu lãnh đạo là một nhu cầu quan trọng và thường trực cho đất nước, cho nên đối lập giúp cho đất nước tránh được tình trạng bị rơi vào khoảng chân không chính trị. Nó là sự chuẩn bị cho nối tiếp lãnh đạo, duy trì sự liên tục của chính quyền và giúp quốc gia xoay chiều đổi hướng (như ở Hoa Kỳ hiện nay) trong khung cảnh của định chế và không bị xáo trộn hay bất ổn xã hội. Nó là một trong hai mặt của đồng tiền, là một quẻ của dịch lý âm dương, là một trong hai con số (0 và 1) của hệ thống đếm hai trong ngôn ngữ điện toán. Các xã hội thiếu nó là các xã hội bệnh hoạn bất bình thường. Nó là yếu tố căn bản và nền tảng cho sự quân bình chính trị.

Đối lập cần có hiến pháp, luật pháp và quy chế che chở để bảo đảm một bầu không khí khoan dung, một số quyền bất khả xâm phạm như quyền không thể bị tiêu diệt, quyền phát biểu, quyền tự do tuyển cử. Đối lập cũng có những nghĩa vụ rõ ràng như nghĩa vụ tôn trọng qui luật đa số, chấp nhận mình thua khi ý chí của nhân dân là như vậy, có nghĩa vụ hoạt động ôn hòa xây dựng và tinh thần trách nhiệm. Nền tảng để cả hai phía chính quyền và đối lập hiện hữu là chính thể dân chủ pháp trị và cả hai phải bảo vệ nền tảng này. Đối lập là chống lại một khuynh hướng, một chính sách chính trị ở bên trên nền tảng ấy.

GS Bông nhận xét rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ có thể nêu lý do là vì đất nước đang bị sự đe dọa trầm trọng của cộng sản, vì trình độ giáo dục của quần chúng còn thấp kém dễ bị kẻ làm chính trị hoạt đầu lợi dụng, vì dân còn nghèo nên việc nâng cao mức sống cần thiết hơn, nên không thể chấp nhận sự hiện hữu của đối lập. Các điều này nghe rất giống chính quyền VN hiện nay đang rêu rao, nếu thay chữ "cộng sản" bằng chữ "các thế lực thù địch". GS Bông cho rằng các lý do này dù có chính đáng nhưng chính đáng không có nghĩa là phải chấp nhận vì dân chủ và đối lập là một tiến trình cần phải kinh qua, cần phải có kinh nghiệm do việc thực sự sống ở trong đó, cần phải học tập, bởi vì nó là một lề lối sống, một cung cách ứng xử, trong đó sự tôn trọng người khác, tôn trọng sự khác biệt, cách giải quyết văn minh những bất đồng để tạo sự hài hòa trong xã hội. Nó như chuyện bơi lội, phải xuống nước, dù biết rằng lúc ban đầu có thể bị sặc vài lần khi mới tập bơi. Nếu cứ đứng trên bờ để nại đủ thứ các lý do thì không bao giờ bơi được.

Theo GS, điều kiện tối thiểu phải có cho VN là để cho đối lập được phép khởi đầu và phát triển. Đã 45 năm mà hình như GS mới diễn giảng hôm qua, vì nó vẫn còn hoàn toàn thiếu vắng trên quê hương VN của chúng ta ngày hôm nay.


*****

Thái Lan: Quân Vương Hay Hiến Pháp "Nền Tảng Nào Cho Đối Lập"

Thái Lan có diện tích đất lớn gấp rưởi VN (514,000km² vs 329,560km²), có dân số chừng 3/4 VN (65.5 triệu vs 86 triệu). 

Với sự suy tàn và sụp đổ của đế quốc Khmer vào thế kỷ 13 và 14, Thái lập nên một quốc gia độc lập năm 1238 và trở thành một vương quốc thống nhất vào giữa thế kỷ 14 có tên là Xiêm La, năm 1939 đổi tên thành Thái Lan. 

Thái là nước duy nhất ở Đông Nam Á không bị Âu Châu đô hộ. Cuộc cách mạng đổ máu năm 1932 đã biến đổi chế độ quan chủ chuyên chính thành chế độ quân chủ lập hiến và từ đó đến nay đã có 17 hiến pháp. HP 1997 được coi là HP nhân dân vì Quốc Hội Lập Hiến, do dân bầu, soạn ra và thông qua trưng cầu dân ý. Cuộc bầu cử đầu tiên dưới HP này được tổ chức năm 2001 được coi là cuộc bầu cử cởi mở nhất và không gian lận trong lịch sử.

Cơ quan Lập Pháp có 2 viện, Thượng Viện có 150 ghế chỉ dành cho những người không đảng phái, nhiệm kỳ 6 năm, trong đó 76 ghế do dân bầu, đại diện cho 76 tỉnh thành, và 74 ghế do một ủy ban đứng đầu bởi chủ tịch Tòa Bảo Hiến chỉ định. Hạ Viện có 480 ghế, nhiệm  kỳ 4 năm, trong đó 400 ghế do dân bầu trong 157 quận hạt và 80 ghế chia theo tỷ lệ đảng phái.

Vương vị thì được kế truyền, nhưng thủ tướng thì do liên minh đa số trong Hạ Viện chọn lựa và nhà Vua chỉ định như trong các chế độ quân chủ lập hiến khác, thủ tướng có tối đa 2 nhiệm kỳ và mỗi nhiệm kỳ là 4 năm.

Về kinh tế, Thái có một hệ thống hạ tầng cơ sở tốt, theo đường lối kinh tế thị trường. Tuy bị khủng hoảng tài chính năm 1997-98 nhưng đã hoàn toàn phục hồi, mức tăng trưởng khoảng 4.5% năm 2007. Kỹ nghệ du lịch vừa phục hồi sau cơn sóng thần 2004. Sau đảo chánh 2006 thì đầu tư ngoại quốc bị sụt giảm vì bất ổn chính trị. Chính yếu của sự phát triển là nhờ vào xuất cảng nông phẩm và các sản phẩm về xe hơi. Tổng sản lượng năm 2007 là $522 tỷ đô la và lợi tức bình quân đầu người là $8,000 đô la (VN: $221 tỷ và $2,600). Người Thái chiếm 75% dân số và 95% dân chúng theo đạo Phật.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh cho đến thập niên 1980s, Thái thường hay bị đảo chánh bởi quân đội. Tình trạng tương đối khá hơn trong thập niên 80s và 90s, nhưng từ 2006 đến nay thì có nhiều bất ổn và chia rẽ xã hội, có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ. Vua Thái BHUMIBOL Adulyadej năm nay 81 tuổi đã trị vì 62 năm từ năm 1946 lúc ông mới 18 tuổi, khi vua Ananda, anh của ông bị chết một cách mờ ám. Ông được sinh ra ở Mỹ và mẹ của ông là một thứ dân lai Tàu. Ông là một người thông minh, có nhiều tài năng và quan tâm đến sự an sinh của dân chúng, nhờ vậy mà ông đã xây dựng được một chế độ quân chủ thịnh vượng và uy quyền. Trong khi hầu hết các chính thể quân chủ đã xóa bỏ tội "phạm thượng" trong luật pháp của họ, Thái là nước áp dụng luật này gắt gao nhất, một sự phê bình dù ôn hòa hợp lý cũng có thể bị kết án 15 năm tù. Do đó, chính trị gia nào cũng đều nói trung quân và tội phạm thượng đã được các chính trị gia dùng làm vũ khí chính trị lợi hại để triệt hạ đối thủ.

Từ lúc ông trị vì cho đến nay đã có 15 lần đảo chánh và theo tuần báo Economist ngày 6/12/08 thì đều do nhà Vua đứng đàng sau xen vào. Cuộc đảo chánh 2006 vừa qua có dáng dấp của một sự tạo vị trí để tranh quyền trước khi nhà Vua băng hà và hoàng thái tử nối ngôi. Tang lễ của chị ông, Công Chúa Galyani trong tháng 11/08 vừa qua cho thấy hai đìều (1) một sự tập dượt nghi lễ để sẵn sàng khi ông băng hà, và (2) vai trò nổi bật của hoàng thái tử Vajiralongkorn để chuẩn bị nối ngôi. 

Vì tình trạng sức khỏe của nhà Vua càng ngày càng suy yếu, cho nên ta thấy có sự điều động mạnh mẽ của các trung tâm quyền lực như cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, trong quá khứ đã rộng rãi giúp đỡ vị hoàng thái tử 56 tuổi Vajiralongkorn, các lãnh tụ của Liên Minh PAD (People's Alliance for Democracy) vây quanh hoàng hậu Sirikit, các tướng lãnh và quân đội vây quanh nhà Vua, và nhà Vua thì có vẽ tin tưởng vào công chúa Sirindhorn 53 tuổi, một người hoạt bát, năng động làm việc xã hội và được quần chúng mến mộ.

Đằng sau các câu chuyện thần tiên về hoàng gia Thái là một sự thật hoàn toàn khác biệt. Nhà Vua quan tâm đến việc làm cho hình ảnh của mình được nổi bậc. Hoa Kỳ, vì cần ông trong thời kỳ Chiến Tranh VN nên đã hổ trợ tài chính cho ông trong việc đánh bóng hình ảnh và hạn chế phương tây trong việc phê bình hay chỉ trích ông. Mỗi lần có đảo chánh thì ông cho tiếp lãnh tụ của phe đảo chánh, gởi cho quần chúng tín hiệu là ông đồng ý với phe đảo chánh. Khi không đồng ý thì ông hoặc điều động binh sĩ, hoặc bày tỏ sự không hài lòng, hoặc ra lệnh Tòa Bảo Hiến hành động theo ý ông, như buộc tội ông Thaksin, hay mới vừa qua giải tán liên minh cầm quyền. 

Lý tưởng của hoàng gia Thái là muốn nhà Vua được dân chúng ngưỡng mộ như ở Bhutan, nơi vua nắm quyền chuyên chính, nhưng trong thực tế dân chúng bất mãn hoàng hậu vì bà ủng hộ hành động vô luật pháp của PAD và nhà Vua không có hậu duệ xứng đáng để nối ngôi (hoàng thái tử là người ăn chơi, từng là du đảng, không thích công vụ, đã 3 lần cưới vợ, có  7 con) cho nên hoàng gia có thể đi theo vận mạng của Vua Nepal, nơi mà xứ sở bị nội chiến và sau đó nhà Vua bị trở thành thứ dân. 

Hình ảnh những kẻ quá khích PAD mang hình Vua và bắn những người ủng hộ chính quyền cho thấy hoàng gia là một phần của vấn nạn. Sự im lặng của nhà Vua đối với kẻ biểu tình đã làm thiệt hại nặng nề cho nền pháp trị và định chế chính quyền được quy định trong hiến pháp.

Được xây dựng trên nền tảng dân chủ qua chính thể quân chủ đại nghị (hay còn gọi là quân chủ lập hiến), nhưng nhà Vua thực sự không tin vào dân chủ và luôn đứng sau hậu trường để xen vào công việc của chính quyền. Nó không giống như ở Nhựt, tuy Nhựt Hoàng được dân chúng kính nể như thiên tử nhưng không bao giờ xen vào công việc của chính phủ. So ra nó còn tệ hơn cả Cam Bốt trên bình diện tôn trọng định chế. Trong khi các chế độ độc tài, từ Tây Ban Nha đến Ba Tây đã phát triển mạnh về dân chủ, việc chính trị chỉ tranh đấu trong nghị trường thì Thái Lan trái lại, nó được mang ra đường phố. 

Trước mặt là những ngày suy tàn của nhà Vua, ông không xuất hiện nổi trong ngày sinh nhật 5/12 vừa qua, khoảng chân không chính trị đang ló dạng mà các định chế của dân chủ pháp trị và đối lập chính trị thì bị tổn thương.

Ông Thaksin Shinawatra và đảng Thai Rak Thai (TRT) đã thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2001. Dân Thái lúc đó cảm thấy cần phải có một lãnh tụ CEO đã từng có kinh nghiệm lãnh đạo công ty, một người cộng hòa phù hợp với Hiến Pháp dân chủ 1997. Trong nhiệm kỳ 4 năm từ 2001-05 ông đã thành công vẽ vang với chính sách hướng về dân nghèo ở hạ tầng xã hội, bảo hiểm sức khỏe cho mọi người, cho vay nhỏ, bài trừ ma túy v.v.. Ông tái đắc cử vẽ vang năm 2005. Đứng trước sự thành công này, uy quyền và hào quang của hoàng gia cảm thấy bị đe dọa. Chiến dịch triệt hạ ông Thaksin được khởi động qua việc tố gia đình ông lợi dụng chức quyền để làm lợi riêng và có nhiều người buôn ma túy bị cảnh sát giết mà không xét xử. 

Liên Minh PAD có hoàng gia ủng hộ phía sau được thành hình và biểu tình chống chính quyền. Vì việc này nên năm 2006 ông Thaksin cho bầu lại Quốc Hội và đảng ông vẫn chiếm đa số, ông tái tục làm thủ tướng. 

Trước sự lớn mạnh của dân chủ, hoàng gia cho là sẽ che lấp uy quyền nhà Vua đang suy thoái theo tuổi già, hoàng gia đã đứng về phía quân đội trong cuộc đảo chánh ngày 19/9/2006 do tướng Shonthi Boonyaratglin thực hiện và một nhân viên hội đồng cơ mật hoàng gia là tướng Surayud Chulanont làm thủ tướng. Đảng TRT bị giải tán ngày 30/5/2007 và 111 người lãnh đạo bị cấm làm chính trị 5 năm.

Sau khi đảng TRT bị giải tán, người của họ thành lập đảng mới là PPP (People's Power Party) và thắng cuộc bầu cử ngày 23/12/2007 do chính quyền quân nhân tổ chức, ông Samak Sundaravej liên kết với 5 đảng nhỏ để thành lập chính quyền và trở thành thủ tướng. Hoàng gia càng cảm thấy bị đe dọa hơn bởi sức mạnh của dân chủ, do đó PAD tiếp tục biểu tình ở công sở và phi trường với lý do rằng ông Samak cũng chỉ là người của Thaksin. Tháng 9/2008 Tòa Bảo Hiến phán ông Samak tham dự cuộc trình diễn nấu ăn có nhận thù lao nên vi phạm luật, phải từ chức. Ông Somchai Wongsawat được PPP chọn thay thế làm thủ tướng, nhưng PAD vẫn không chấp nhận vì cho rằng ông là anh vợ của Thaksin nên vẫn là người của Thaksin. Đây chỉ là cái cớ, cái diện, chứ cái điểm chính yếu là thế lực dân chủ phải bị tiêu diệt. 

Họ chiếm 2 phi trường của Bangkok cả tuần lễ làm trên 300 ngàn hành khách bị kẹt. Ngày 2/12/08 Tòa Bảo Hiến phán PPP và 2 đảng nhỏ gian lận bầu cử, bị giải tán, các lãnh đạo bị cấm hoạt động 5 năm, thủ tướng Somchai phải từ chức. Hiện PPP đang tái tổ chức thành một đảng mới có tên là Phuea Thai Party (Vì Dân Thái) nhưng có khoảng 37 thành viên của họ đã chạy qua đảng Dân Chủ là đảng đối lập ủng hộ PAD. Đảng Dân Chủ định thành lập chính quyền với lãnh tụ là ông Abhisit Vejjajiva, 44 tuổi, sinh ra và giáo dục ở Anh, làm thủ tướng. Ngày 12/12/08 những người áo đỏ ủng hộ ông Thaksin với trên 10 ngàn người biểu dương lực lượng và ông Thaksin qua điện thoại nói chuyện với họ từ United Arab Emirates.

PAD với đội quân áo vàng màu hoàng gia muốn tìm cách ngăn cấm sự phục hồi của TRT, PPP cũng như Pheua Thai, coi họ là thế lực dân chủ đang lên, đe dọa uy quyền của hoàng gia và quân đội. Họ muốn sửa đổi hiến pháp để quốc hội là một cơ quan do hoàng gia bổ nhiệm. Họ cho rằng dân chúng chưa đủ trình độ để tham gia bầu cử (điều mà theo GS Bông, dù cho có chính đáng đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được). 

Tòa Bảo Hiến đã kết án khiếm diện ông Thaksin vào tháng 10/08 hai năm tù ở. Công chúa Sirindhorn khi được báo chí Mỹ phỏng vấn, cho rằng PAD làm là vì quyền lợi phe nhóm của họ. Báo Economist số ngày 31/5/2008 trích lời của ông bộ trưởng Jakrapob Penkair trong chính phủ của thủ tướng Samak rằng "hệ thống trung thành với đàn anh kẻ cả (patronage) dễ làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm cho người ta mắc nợ sự trung thành với người chủ của mình thay vì với các định chế mà người ta lẽ ra phải phục vụ, làm thiệt hại nền pháp trị và khuyến khích sự nhũng lạm".

Để kết luận, nếu các thế lực chính trị không tôn trọng chính thể mà trong đó họ hoạt động, trong trường hợp Thái Lan đó là chính thể quân chủ lập hiến, nếu nhà Vua không tôn trọng ý dân (mà theo lý thuyết của các chính thể quân chủ đó là ý Trời), nếu các chính khách không tôn trọng và trung thành với các định chế và giá trị mà chính họ rêu giảng đến dân chúng để nhân danh, nếu họ chỉ lo trung thành với những cá nhân là xếp lớn của mình, thì nền tảng của dân chủ pháp trị và đối lập chính trị trong tinh thần trách nhiệm không được cũng cố.

Thời Chiến Quốc, Dự Nhượng có thể sơn mình đổi hình nuốt than đổi giọng, giả làm ăn mày để tìm cách thích khách Triệu Vô Tuất trả thù cho chủ của mình là kẻ hung tàn Trí Bá, để phục vụ cho giá trị trung thành với cá nhân, tuy có ý chí và đảm lược nhưng chẳng giúp ích được gì cho quốc gia dân tộc.

Liệu Việt Nam trong tiến trình hướng về dân chủ, có xây dựng được một chính thể dân chủ pháp trị và đối lập chính trị hay không? Có trung thành với nó và các giá trị của nó hay không? Có học được gì từ bài học của Thái Lan hay không?

Lê Minh Nguyên




No comments:

Post a Comment