Sunday, November 20, 2016

Bác Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa

cho đến nay đã 46 năm cùng tranh đấu

Cuối thập niên 1960s tôi học trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc, hết năm Đệ Nhị (lớp 11 ngày hôm nay) đi thi Tú Tài I ở Long Xuyên. Kết quả thi chỉ niêm yết ở trường trung học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên nên khi có kết quả, tôi phải đi từ quê nhà (cù lao Long Khánh trên giòng Tiền Giang, giữa quận Hồng Ngự và Tân Châu) đến Long Xuyên để dò. Khi biết mình đậu cũng cao, tôi bỏ đi lên Saigon, không về quê thông báo. Ba tôi ở nhà ra đứng ngoài đường chờ đợi (lúc đó không có phone để liên lạc) cho đến chạng vạng không thấy tôi về, ông buồn bã đi vô nhà nói với Má tôi rằng chắc tôi đã thi rớt và trốn không về nhà.

Tới Saigon tôi đến các trường trung học Petrus Ký và Chu Văn An để tìm hiểu và xin chuyển trường. Petrus Ký rất mạnh các ban A và C, Chu Văn An rất mạnh ban B (Toán) nên tôi xin vào Chu Văn An mà hiệu trưởng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Quế vì tôi đi ban B.

Vào học Đệ Nhất (lớp 12 ngày nay) ở Chu Văn An, tôi bắt đầu đi tìm những nhà tranh đấu và các đoàn thể chính trị. Khi còn ở Châu Đốc tôi có nghe nói ông Hồ Hữu Tường là một nhân tài nên tôi tìm biết nhà ông ở Đa Kao, Phú Nhuận và đi dự những buổi ông thuyết trình. Nhưng sau một vài lần tôi cảm thấy không hợp cho một người trẻ ở độ tuổi 17 vì lúc đó ông nói về mua đất ở Biên Hoà để xây dựng nghĩa trang.

Tình cờ trên một chuyến xe đò đi miền tây có ai đó cho tôi xem tờ báo Cấp Tiến, rồi sau đó tôi có dịp đọc nguyệt san Cấp Tiến, thấy chủ trương và nhân sự có tầng số phù hợp với ước vọng của mình, với các GS Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Ngôn... Tôi ghi xuống địa chỉ của Cấp Tiến ở đường Phan Đình Phùng và đạp xe đạp đến đó.

Dựng xe ở gốc cây to bên ngoài, tôi bước vào toà soạn ngập ngừng hỏi cô thư ký gần cửa về Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Cô cho biết bên ngoài là toà soạn của báo, còn PTQGCT là bên trong và chỉ tôi đi vào. Ba người làm việc thường trực và thoát ly cho PTQGCT (ngoại vi của đảng Tân Đại Việt) là GS Nguyễn Đình Huy hay Việt Huy ngồi bàn đầu, ông Minh Nhật Trương Dụng Khả (chú của ông Trương Tử Anh sáng lập Đại Việt Quốc Dân Đảng) ngồi bàn giữa và ông Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa ngồi bàn trong cùng.

Bác Hoài Sơn, năm nay đã 93 tuổi, và GS Nguyễn Văn Ngôn trong nước vẫn còn đây, những người khác thì đã nằm xuống.

Bác Hoài Sơn là người đầu tiên tiếp tôi (1970), giải thích cho tôi về chính trị và đảng phái, trao cho tôi tài liệu và bảo về nhà đọc và suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định tham gia, vì việc tham gia đảng phái chính trị khá quan trọng, tương tự như chuyện lập gia đình, đôi khi mình phải ở với nó suốt đời.

Bác Hoài Sơn bắt đầu tham gia tranh đấu năm 1945, đến năm 1971 là 26 năm. Bài thơ có tên "Thiên Đàng" Bác làm năm 1971 mà khi đó ở trụ sở Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến tôi rất thích thú đọc, nói lên cái nghèo mà vui của người đi tranh đấu, xin ghi lại nơi đây.

Thiên Đàng

Sau hai mươi sáu năm dài tranh đấu
Tôi được gì? - Một vợ, bốn con yêu!
Với con chó Mina chuyên sủa gẫu
Và một xe gắn máy đã hư nhiều

Chỉ có thế mà thôi, nhưng quá đủ:
Vợ yêu chồng, con rất đổi thương cha
Đến con chó cũng trung thành với chủ
Ngày như đêm quấn quít mãi bên nhà

Chỉ có chiếc xe tàn gây khổ mãi
Hết nghẹt lò đến gãy bạt long dên
Cân vít lửa, đạp hoài không nổ máy
Siết xong vòi, lại bể dĩa tuông sên

Nhưng hư đấy rồi sửa tu cũng chóng
Cởi ra đường là rất đổi nên oai:
Con toạ trước che mình như phủ lọng
Vợ ngồi sau choàng bụng tựa mang đai

Ngày hai bửa chỉ cá kho rau luộc
Không đổi dời, mà lua vẫn quên thôi
Cần chi nữa, đến bữa ăn, miễn được
Nhìn con yêu, ngắm vợ, đã ngon rồi

Nếu chỉ đứng bên ngoài nhìn cuộc sống
Thì cõi đời là địa ngục trần gian
Nhưng chấp nhận vào trong tìm Lẽ Sống
Thì nhân gian quả thật cõi Thiên Đàng

Hoài Sơn
Vũng Tàu, 1971

Sau 1975 bác Hoài Sơn bị đi tù mười mấy năm trời, trong tù Bác nhận hết tội về phần mình để che chở cho anh em. Bác qua Mỹ theo diện HO và vẫn sát cánh cùng anh em để tranh đấu.

Sau 46 năm dài biết Bác và cùng nhau tranh đấu trong một tổ chức, tôi và các thế hệ mai sau cố gắng tiếp nối công trình còn dang dỡ của các bậc đàn anh đi trước, đó là làm sao xây dựng được một nền móng vững chắc cho chế độ Dân Chủ Pháp Trị ở Việt Nam.

Lê Minh Nguyên
20/11/2016

PS: Hình chụp hôm nay 20/11/2016


No comments:

Post a Comment