Monday, April 6, 2015

Ma Vuơng hay Vuơng Kỳ Sơn

Quyền lực số 2 với sự trọng và sợ

The Economist
28/3/2015

Lê Minh Nguyên dịch

Ông Vương Kỳ Sơn đứng hàng thứ 6 trong Thường Trực Bộ Chính Trị của Đảng CSTQ, nhưng về quyền lực thực sự thì chỉ sau Tập Cận Bình.

SỢ là vũ khí mà ông Vương ưa thích. Ông lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng liên tục nhất và trên bình diện rộng nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản TQ, ông thường thúc giục các nhà điều tra của ông là phải tạo sự "sợ hãi". 

Có câu chuyện kể rằng trong một cuộc họp của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Uơng Đảng (UBKT), sau khi ông Vương nắm UB này tháng 11 năm 2012, những thành viên cao cấp (mà cũng là những viên chức đáng sợ nhất trong đảng) được trao cho một hồ sơ về tội lỗi của chính họ. Mục đích của ông Vuơng duờng như là để khủng bố tinh thần chính những nguời thi hành việc chống tham nhũng. Ông cảnh báo họ, nếu không phát hiện ra tham nhũng cấp cao tức là "xao lãng nhiệm vụ".

Lúc đó, một vài người phàn nàn - bởi vì liên tục điều tra những nguời quyền lực nhận tiền bất chính, không phải là đặc tính phổ thông của cuộc sống bình yên mà họ muốn. 

Trước khi nhận công việc này, vấn nạn tham nhũng không phải là điều ông Vương quan tâm. Ông vốn là một nhân viên ngân hàng, rồi làm thị trưởng Bắc Kinh, ông được biết đến như là người giải quyết cuộc khủng hoảng bệnh dịch SARS chết người năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09. 

Đối với các viên chức nước ngoài, ông thậm chí được coi như là một người niềm nở: khuôn mặt chuyên nghiệp của một nhà lãnh đạo bí mật. Bây giờ thì ít ai dám phàn nàn. Ở tuổi 66, ông Vuơng là thành viên cấp thứ sáu của Bộ Chính trị nhưng rõ ràng là ông chỉ đứng sau Chủ tịch nuớc Tập Cận Bình về sức mạnh cầm quyền. Có lẽ ông là một nguời đáng sợ nhất.

Như cánh tay phải của ông Tập, ông Vuơng đã tiến hành một cuộc tấn công vào bộ máy khổng lồ của đảng một cách chưa từng có về sự quy mô, về sự phức tạp và về tham vọng.  Đối tượng của chiến dịch bao gồm các quan chức cao cấp đối thủ của ông Tập, nhưng nó đi xa hơn là một sự thuần túy trả thù. Nỗi sợ hãi đã lan ra khắp các cơ quan công quyền và những viên chức lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. 

Đội quân của ông Vương có hàng trăm ngàn các nhà điều tra của đảng, những người được phép giam giữ và thẩm vấn các nghi phạm mà không bị hạn chế về mặt pháp lý, đã hạ gục các quan chức cao cấp trong bộ máy an ninh và quân đội, các doanh nghiệp nhà nước đầy thế lực và các thanh tra nhà nước.

Hơn 1/3 các tỉnh đã bị mất ít nhất một thành viên lãnh đạo cấp cao của họ vì điều tra tham nhũng. Sơn Tây, tỉnh có nhiều mỏ than đang khai thác đã mất phần lớn các lãnh đạo trong dàn 13 thành viên lãnh đạo của tỉnh. Năm ngoái, ông Vuơng ra lệnh trừng phạt gần 200 nhà điều tra của chính cơ quan ông ở tỉnh này.

Công ty dầu khí lớn nhất, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia TQ (CNPC), đã bị mất rất nhiều viên chức lãnh đạo cao cấp đến độ phải chỉ định số người thay thế dự bị sẵn cho truờng hợp những nguời đang tại chức bị biến mất vào nanh vuốt của ông Vuơng. Điều này dễ có thể xảy ra: vì những người bị bắt, duới áp lực - và nhiều khi bị tra tấn - để thú tội và khai ra những người khác trong các cuộc tra khảo bí mật ngoài pháp luật được gọi là “shuanggui” hay song quy.

Có hàng tá các tướng lĩnh và nhiều trợ lý của các truởng lão của đảng, những người này chưa từng phải chịu những hình thức đối xử như vậy trước đây, nay đã bị sa lưới. Hệ thống song quy mà các quan chức từ lâu kinh sợ, bây giờ được coi là bạo tàn hơn
. Nhiều viên chức đã nói rằng, họ thà gặp ác quỷ còn hơn là gặp ông Vương.

Bộ máy công quyền bình thường lâu nay bây giờ phần lớn bị tắt nghẽn. Đảng đã công nhận rằng nhiều viên 
chức lo sợ đến nỗi tránh làm những quyết định quan trọng để không bị chú ý - đâu có ai biết được những bí mật nào mà đối thủ của họ đã xì ra cho các nhà điều tra? Những tỉnh và bộ mà các quan chức đã bị các đội UBKT móc ruột thì ở trong tình cảnh thiếu nhân sự nghiêm trọng. Hôm 6/3/2015, Bí thư Sơn Tây nói tỉnh ông cần lấp khoảng gần 300 chỗ trống mà các cuộc điều tra tham nhũng đã gây ra, bao gồm những vị trí cao cấp ở 3 thành phố của tỉnh. Nhiều viên chức không muốn nộp đơn, vì Sơn Tây quá mang tai tiếng tham nhũng.

Dường như ông Vương và ông Tập xem sự tắt nghẽn này là một rủi ro có thể chấp nhận được. Ngay từ ngày đầu cầm quyền, ông Tập đã tuyên bố rằng đảng đã bị đầy rẫy tệ nạn tham nhũng, có thể đưa đến sự sụp đổ. Những người tiền nhiệm của ông cũng dùng những ngôn từ như vậy, nhưng ông Tập có vẻ đương đầu với vấn nạn một cách mạnh bạo hơn.

Điều này phần nào liên quan đến mức độ quy mô của vấn nạn: những năm gần đây do mức tăng trưởng trên 10% trong một môi trường mà pháp lý mỏng manh, nên đã kích thích các quan chức thu vào những món tiền béo bở qua tham nhũng. Nó cũng liên quan đến một mối quan tâm chính trị rộng lớn hơn, đó là mạng nhện tham nhũng đã trở thành một trở ngại cho các cuộc cải cách kinh tế cần thiết để duy trì tăng trưởng trong những năm tới. Đảng mô tả các nhà điều tra chống tham nhũng như những nguời đi phá vỡ các "phe" muốn lật đổ chính quyền trung ương bằng cách ngăn chặn những cải cách của chính quyền. Vì vậy, những doanh nghiệp nhà nước kiểm soát các khu vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, là một trong những mục tiêu chính.

Đến bây giờ, ông Tập và ông Vuơng dường như có sự hỗ trợ của những người xung quanh họ. Năm thành viên khác trong cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đồng ý việc bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh quốc nội, ông Chu đã phục vụ trong cơ quan này cho đến khi ông nghỉ hưu năm 2012 (ông là người đầu tiên ở cấp này bị buộc tội tham nhũng trong lịch sử của đảng). 

Điều này cũng đúng cho ông Từ Tài Hậu, phó chủ tịch đã về hưu của cơ quan chỉ huy quân sự cao cấp, ông chính thức bị bắt giữ năm ngoái (ông qua đời vì bệnh ung thư ngày 15/3/2015), và nó cũng đúng cho một đồng nghiệp đã nghỉ hưu của ông là Phó Chủ tịch Quách Bá Hùng, mà chuyện bắt giữ có thể sẽ xảy ra. Việc nhắm vào những khuôn mặt này (ông Từ và ông Quách là hai sĩ quan cao cấp nhất của lực lượng vũ trang) ông Tập đã nắm chặc hơn lực lượng an ninh. Những nhà điều tra đang truy tố ông Chu, và có thể viện lý do ông thông đồng với cựu ủy viên Bộ Chính trị, ông Bạc Hy Lai (hiện đang thụ án tù chung thân), cũng như với các tướng lãnh, mà nhiều nguời trong nhóm bị nghi ngờ là chống lại việc ông Tập lên nắm quyền.

Ông Tập, ông Vuơng và những người khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã đến thăm những thành viên của cái gọi là "quý tộc đỏ", tức những con cháu của các cựu lãnh đạo mà họ thường được gọi, để đảm bảo sự hợp tác của họ. (ông Tập và ông Vuơng cũng là Thái tử Đảng). Các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc của đảng cho đến nay thoát được sự tồi tệ nhất mà chiến dịch chống tham nhũng mang lại (tức bị điều tra và giam giữ), nhưng họ được cho biết là phải trả lại các tài sản bất hợp pháp cho nhà nước và hạn chế lại các chi tiêu xa xỉ. Những nguời bị buộc trả lại có cả những người thân của ông Tập Cận Bình, những người mà theo báo cáo của Bloomberg năm 2012, đã tích lũy được hàng trăm triệu đô la (mặc dù Bloomberg không tìm thấy dấu hiệu họ hoặc ông Tập có hành vi sai trái). Nó cũng bao gồm các cộng sự viên của ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nuớc và tổng bí thư đảng.

Điều chắc chắn là một số nguời trong tầng lớp ưu đãi/elite đang bực bội, dù các mối đe dọa mà họ có thể gây ra cho ông Tập khó mà biết được. Các cuộc tranh luận bên trong của lãnh đạo Trung Quốc được che giấu hết sức bí mật. Mùa thu vừa qua có tin thân cận với giới lãnh đạo đảng cho rằng họ dự kiến ​​chiến dịch chống tham nhũng sẽ chấm dứt sớm bởi vì nó tạo một tâm lý tệ hại trong bộ máy công quyền. Nhưng đó có thể là một điều mơ tưởng: nếu phải nói điều gì, thì đó là chiến dịch được tăng cường. Trong 7 tháng đến 20/3/2015, có thêm 24 quan chức cấp Bộ đã bị bắt vì tham nhũng, nâng tổng số lên 69 trong vòng 28 tháng, cao hơn gấp đôi so với số lượng của 5 năm khi trước, dưới thời của người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào. Con số các quan chức cao cấp bị những công tố viên điều tra tham nhũng trong năm 2014 cao gấp 2 lần so với năm 2013 (xem biểu đồ).

Ông Vương sẽ về hưu năm 2017, nhưng ông đang cố gắng tăng sức mạnh UBKT để cho phép nó tiếp tục đánh bắt "các con hổ", tức các đối tượng cao cấp như được gọi lâu nay. Ông đã thuê thám tử từ các cơ quan khác và các kế toán điều tra từ các công ty nhà nước. Ông cũng tạo ra một đơn vị mới, lo việc nội bộ với quyền lực cực mạnh, để giám sát các quan chức chống tham nhũng.

Nhưng những nhà hoạt động/activists độc lập nào dám lên tiếng về sự tham nhũng của đảng, cũng bị đàn áp một cách tàn nhẫn tuơng tự như những nguời tham nhũng. Ông Tập đã chủ trì các cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến ​​nặng tay nhất trong nhiều năm qua, với việc bỏ tù các luật sư dám ăn dám nói và thắt chặt kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và internet.

Ông Vuơng nói rằng ông đối phó với tham nhũng bằng phuơng pháp ba giai đoạn. (1) Đầu tiên liên quan đến việc reo rắc nỗi sợ hãi, (2) Thứ hai đòi hỏi sự tăng cường pháp trị, làm cho khó khăn nhiều hơn ngay từ khi ban đầu nếu ai đó muốn tham nhũng. (3) Giai đoạn cuối cùng là sự thay đổi văn hóa chính trị của Trung Quốc để các quan chức thậm chí sẽ không nghĩ đến việc tham nhũng.

Tuy nhiên, trong hiện tại, không có gì khác, ngoài sự sợ hãi.

http://t.co/HbDbf3RyDY




No comments:

Post a Comment