Monday, November 21, 2016
Hiện tượng Hùng Cửu Long và vấn đề hoà giải
Sunday, November 20, 2016
Bác Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa
Thursday, October 27, 2016
Thử giải mã Thông Cáo chung của phái đoàn Tòa Thánh và CSVN
Wednesday, October 26, 2016
Nguyễn Bá Thanh - Tập 2
Wednesday, October 19, 2016
Mị Dân
Tuesday, October 11, 2016
Biến cố ngày 13 tháng 9 cách nay 45 năm
Monday, October 10, 2016
Ý niệm Tự do và Bình đẳng nhìn qua lăng kính Dân tộc Sinh tồn (DTST)
Wednesday, October 5, 2016
Lời nói làm thành hiện thực (Words become reality)
Mười năm trước khi mất (10/1/1998), nhà văn Mai Thảo cho xuất bản tập thơ duy nhất "Ta thấy hình ta những miếu đền", trong đó ông có các câu thơ về bệnh của ông:
Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện
Ta lại cùng cơ thể chuyện trò
Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn
Nó nghĩ sao rồi nó lại cho
Bệnh ở trong người thành bệnh bạn
Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân
Gối tay lên bệnh nằm thanh thản
Thành một đôi ta rất đá vàng
Nhớ thời đi học ở truờng đại học Pepperdine về Tổ chức và Thay đổi Tổ chức, bà giáo sư trưởng khoa thường nhắc nhở "words become reality" (lời nói làm thành hiện thực) để nhắc nhở các sinh viên chúng tôi khi ứng xử với môi trường mà mình đang ở trong đó, dù nó là lớp học, là công ty hay ngoài đời...
Lời nói có sức mạnh (power) tự tại của nó, ta buớc vào cuộc đời và lèo lái xuyên suốt cuộc đời của ta bằng lời nói (qua cửa miệng hay qua ngòi bút) và nó sẽ trở thành hiện thực để làm thành căn cước của ta. Và ta là ai không phải do từ ta phán ra mà là do thế giới chung quanh nhận xét về ta từ cái căn cước này. Ca dao Việt Nam có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" phản ảnh sức mạnh hiện thực của lời nói. Thường thì không khó để nói lời tử tế với nhau trong cuộc sống, thay vì để đến lúc ngã ngựa mới nói "làm người tử tế" như ông cựu thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.
Trong cuộc đời, người ta biết về người khác qua cảm nhận (perception) chứ không phải qua những gì mà người khác tự nghĩ về chính họ hay được họ trình bày ra bên ngoài. Ngay trong đối thoại giữa hai người (tiêu biểu bằng M và N cho dễ) thì trong thực tế có đến sáu con người ở trong đó: con người thực trong lòng của M, con người mà M trình bày ra bên ngoài và con người mà N cảm nhận về M. Phía N cũng có ba con người như vậy. Và con người để hai bên biết nhau và đưa đến phản ứng hay hành động như thế nào với nhau là con người được đối tác cảm nhận (perceived). Vấn đề là làm sao cho con người thực trong lòng và con người được đối tác cảm nhận thật gần nhau như hai vòng tròn, tuy không hoàn toàn chập vào nhau nhưng có phần chung nhau rất lớn. Điều này có thể trở thành hiện thực nhờ vào ngôn từ.
Trong cuộc đời, có những người bi quan luôn nói lời ta thán, vô hình chung tự tiên đoán vận mạng xấu sẽ đến cho mình (self-fulfilling prophecy), họ trực tiếp hay gián tiếp tiên đoán là mình sẽ bị này bị nọ và sau đó trở thành sự thật vì "lời nói làm thành hiện thực". Nhà văn Mai Thảo không bi quan dù đang bệnh hoạn "Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn. Nó nghĩ sao rồi nó lại cho" cho nên cơn đau của ông cũng nhờ thế mà cũng giãm đi "Gối tay lên bệnh nằm thanh thản".
Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cả đời đi tranh đấu cho dân chủ pháp trị cho Việt Nam, ông phải sử dụng cái lưỡi rất nhiều cho việc giáo dục và việc thuyết trình khi đi đây đi đó. Tôi còn nhớ khi tranh đấu bên cạnh ông những năm cuối thập niên 1970s, tôi tổ chức mời gọi sinh viên đến nhà (Long Beach, California) để ông nói chuyện, các sinh viên sáng đến một nhóm, trưa một nhóm, chiều một nhóm, và ông không quản ngại vất vả thuyết trình trọn vẹn cho cả ba nhóm. Đầu thập niên 1980s bác sĩ cho biết ông bị ung thư lưỡi và nghĩ rằng ông chỉ có thể sống tối đa là 3 năm nữa thôi. Nhưng không, ông đã sống đến ngày 28/7/1990 và bác sĩ cho đây là một sự kỳ diệu (miracle). Ông luôn nhìn về phía trước với những lời lẽ tích cực và "lời nói làm thành hiện thực" để kéo dài sự sống của ông.
Bên cạnh GS Huy, tôi còn nhớ có lần ông nói rằng nếu một điều gì chưa xảy ra mà được nói đi nói lại nhiều lần thì nó sẽ xảy ra vì người ta tin là thật. Nguời cộng sản dùng nguyên tắc này để làm ban tuyên giáo, nói láo có tổ chức, đánh bùa tuyên truyền dối gạt dân chúng, tạo hiện thực bằng sự lừa bịp, và khi thông tin bị bưng bít một chiều thì nó sẽ tạo ta một hiện thực theo ý muốn của Đảng CS.
Theo GS, trường hợp dễ thấy nhất của hiện tượng tâm lý này là những nghệ sĩ trên sân khấu. Ban đầu vì do vai phải đóng trong vở tuồng cho nên họ phải nói yêu thương nhau mặc dù trong lòng không phải vậy, nhưng khi tiếp tục đóng mãi và nói mãi như vậy thì "lời nói làm thành hiện thực" và họ yêu nhau ngoài tuồng. Trước năm 1975 nghệ sĩ Thanh Nga và Thành Được đã ở trong trường hợp như vậy. Các nghệ sĩ khi đóng vai chỉ xuất sắc khi thực sự nhập vai, mà nhập vai có nghĩa là thật như người trong cuộc. Với tình cảm, khi đã thật trên sân khấu thì nó cũng sẽ thật ở bên ngoài sân khấu.
Cái gì ta nghĩ và nói ra nó sẽ trở thành hiện thực. Những ý nghĩ của ta là sức mạnh (power) cho nên ta cần hết sức để ý đến tư tưởng và lời nói. Những điều ta thường nói hoặc thường nghe sẽ xây mạch trong ta và sẽ trở thành hiện thực. Khoa học đã chứng minh như vậy, và trong thực tế đó là cách mà bộ óc của ta vận hành. Khoa học đã chứng minh rằng bộ óc của ta luôn thay đổi mạch nối để kiến tạo hiện thực. Óc của ta là một bộ máy siêu vi tính (supercomputer) xử lý những dữ kiện (ý nghĩ và lời nói) mà ta thường xuyên cung cấp, vì thế nếu ta muốn cuộc đời ta thế nào thì ta cần cung cấp data cho thích hợp như thế đó (http://bit.ly/2dt8d0j).
Lời nói giống như những hạt của cỏ cây, khi ta nói ra tức là ta đã ươn nó xuống đất để cho nó mọc lên cuộc sống. Nếu ta tiếp tục nói về nó, dù tiêu cực hay tích cực, thì nó sẽ trở thành hiện thực. Dù ta có chủ ý hay không, thì ta cũng vô hình chung tự kiến tạo tương lai ta. Nếu ta muốn cây táo thì ta gieo hạt táo, nếu ta muốn cây cam thì ta không thể gieo hạt xương rồng hay hạt cải. Khi ta luôn nói những điều bi quan thì ta không thể mong đợi sống đời lạc quan. Khi ta luôn than thở rằng mình thất bại thì không thể mong đợi sự chiến thắng hay thành đạt trong cuộc đời (bit.ly/2ca8DDL) (bit.ly/2ca9cO5).
Để bớt khô khan hay có tính cách giáo khoa thư, trong phần kết luận người viết xin kể lại một câu chuyện vui có chút liên quan đến "lời nói làm thành hiện thực":
Một cô giáo hết sức là mô phạm và phải lòng một anh chàng dạy thể dục trong một trường trung học. Hai người hẹn hò vào một đêm trăng nơi thanh vắng và thơ mộng. Tình yêu và khung cảnh khiến cho chàng và nàng cùng hát bản "24 Giờ Phép"
Ðưa ta đi về nguyên thủy loài người
Lời yêu khi muốn ngỏ vụng về
Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay
.....
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
Ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời
Ðêm lạc loài giấc ngủ mồ côi
(http://bit.ly/2dtjCxr)
Sau bản nhạc cô giáo ngồi khóc thút thít, chàng ngạc nhiên và lo lắng hỏi "Tại sao em lại khóc?". Nàng vừa khóc vừa trả lời "Em thật xấu hổ với học trò của em, khi chúng nó biết rằng em phạm tội tới hai lần!" Chàng càng ngạc nhiên hơn và hỏi tiếp "Em nói sao? Tại sao phạm tội tới hai lần? Không lẽ trước anh em đã có ai?" Nàng quẹt nước mắt trả lời "Không! Anh là người đầu tiên. Không lẽ trước khi ra về anh không cho em một lần thứ hai hay sao!?"
Thế là "words become reality" lời nói làm thành hiện thực!
Lê Minh Nguyên AT
5/10/2016