Friday, December 22, 2017

Chúc Giáng Sinh và Năm Mới Trong Niềm Tin Tất Thắng

Trong mùa Giáng Sinh và Tân Niên 2018, tôi xin thay mặt cho Đảng Tân Đại Việt xin kính chúc quý đồng chí, quý chiến hữu, quý thân hữu và quý độc giả được an lành, vui tuơi và ấm cúng bên cạnh người thân, cùng một Năm Mới sống động, thịnh vượng, hạnh phúc và thành đạt trong mọi công việc.


Đầu năm 1985 tổng thống Reagan khi đương đầu với Liên Bang Sô Viết, ông không bi quan mà lạc quan cho rằng chính nghĩa rồi sẽ chiến thắng và chính nghĩa đang nằm ở bên phía chúng ta (http://trib.in/2kXBkJc). Năm năm sau, Liên Bang Sô Viết sụp đổ.


Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam, tuy rằng hiện nay Cộng Sản đang thẳng tay bắt bớ, đàn áp, trù dập những nhà tranh đấu bằng đủ mọi hình thức, nóng cũng như nguội, bạo tàn cũng như mua chuộc, nhưng rõ ràng chính nghĩa đang ở về phía của người dân và những nhà tranh đấu ở tuyến đầu để bảo vệ họ.


Trong khi đó, đầu não của CSVN đã và đang rệu rã một cách chưa từng thấy trong lịch sử 72 năm cầm quyền của họ, đến độ không thể nào hàn gắn được. Bây giờ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ có hai con đường: hoặc là đàn áp giam cầm tất cả các đối thủ trong Đảng mà số đảng viên theo họ có khoảng hàng triệu người, hoặc vỡ đảng để thành đa đảng, một bước đầu cần thiết trên con đường dân chủ hoá đất nước.


Nhìn qua huê dạng bên ngoài thì ông Trọng đang tóm thu quyền lực, đang là bố già trong Đảng với uy quyền tuyệt đối mà bất cứ ai trong Đảng cũng đều run sợ. Ông là Tổng Bí Thư nắm Đảng, là Chủ Tịch Quân Uỷ TƯ nắm Quân Đội, ngồi trong Đảng Uỷ Công An để nắm Công An và tham dự họp để chỉ đạo Chính Phủ tháng 12, 2017 dằn mặt ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng không phải ông Phúc nắm Chính Phủ là Đảng không chỉ đạo được và vừa để chứng tỏ với bàn dân thiên hạ là cũng như ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông có thừa sức mạnh để đả hổ diệt ruồi (http://bbc.in/2CW6zMC).


Nhưng nếu nhìn sâu xuống phía dưới cái bề mặt của sự tập quyền thì cái phần chìm của tảng băng lo sợ lại vô cùng to tát. Mới hôm 14/12/17 phát biểu trong Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh VN ông Trọng nói “Nếu để suy thoái mà mất Đảng, mất chế độ là mất tất cả” (http://bit.ly/2oG7ii0). Rồi hôm 15/11/2017 ông ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về Xử Lý Kỷ Luật Đảng Viên Vi Phạm (http://bit.ly/2oDlLuZ) đe doạ đảng viên sẽ bị khai trừ Đảng nếu bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mà GS Nguyễn Đình Cống trong nước nhận xét là do Đảng CSVN đã quá suy yếu, nó ẩn giấu sự thiếu lòng tin vào cấp dưới và đảng viên, thể hiện sự kém trí tuệ, làm một việc quá lãng phí, ẩn giấu sự run sợ nên ra oai và lên gân, một sự quẩy đạp trong hấp hối (http://bit.ly/2kWz199).


Ông muốn bắt thêm hai ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - Nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngày 9/12/17, hàng loạt báo lề phải và đài truyền hình đã đồng loạt đưa tin, nhưng ngay sau đó ông cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã xen vào can thiệp nên Bộ Công An và báo của chế độ thi nhau đính chánh (http://bit.ly/2oE7PBf). Ông muốn tấn công nhóm lợi ích do cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh cầm đầu và có thể cũng như ông Phiêu, ông Anh sẽ không ngồi yên. Nhà báo Huy Đức, được biết là rất gần gũi với ông Trọng và ông Trương Tấn Sang đăng lên Facebook và sau đó gỡ xuống với lý do tôn trọng quy trình (http://bit.ly/2kGZx71).


Ông Trọng đang đánh các nhóm lợi ích khác để phân chia lại cái bánh tham nhũng. Hiện giờ ông đang ra sức tấn công các công ty mặt tiền của Tổng Cục 5 Bộ Công An (phe Trần Đại Quang) để chia cho Tổng Cục 2 Bộ Quốc Phòng đang phò ông. Tối 21/12/17 Công an khám nhà ông Vũ “nhôm" Phan Văn Anh Vũ một đại gia ở Đà Nẵng và cũng là một thượng tá của TC5, theo ông bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết (http://bit.ly/2kGHpKu). Ông Vũ sở hữu nhiều công ty mặt tiền như: Công ty IVC, Công ty cổ phần 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79... Trong khi đó, Vincom là công ty mặt tiền của TC2 Bộ Quốc Phòng được hưởng lợi trong vụ giựt bánh này. Vincom của ông Phạm Nhật Vượng, cháu cựu bộ trưởng QP Phạm Văn Trà, mà theo một cán bộ lão thành cách mạng ở Phú Yên thì Vượng mang hàm Đại tá của TC2. Vincom làm ăn trong nhiều ngành nghề nhưng buôn bán vũ khí là chính và là cơ quan kinh tài của TC2. Vượng khi xưa còn ở Đông Âu đã bắt tay với con trai (tên Dũng) đại tá Vũ Chính chỉ huy TC2 cha vợ của Nguyễn Chí Vịnh để buôn vũ khí. 


Dựa vào lời khai của Đinh La Thăng, ông Trọng tiếp tục đánh nặng thêm ông Vũ Huy Hoàng dù đã lột chức “nguyên bộ trưởng” của ông này, vì có chứng cớ mới do ông Thăng khai ra, đánh Nguyễn Văn Bình (Bình Ruồi) để phăng đến Nguyễn Tấn Dũng vì nếu không bắt ông Bình sẽ không đánh được ông Dũng, vì Thăng chưa phải là đầu mối dây.


Ông Trọng cũng đang chuẩn bị ra tay với Trần Đại Quang qua việc ông Quang nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, công ty mặt tiền của tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Nhóm lợi ích này còn có Trầm Bê đã bị bắt, cựu bí thư Saigon Lê Thanh Hải và ông ta đang lo sợ. Ông Quang đang cố thủ vì ngoài việc này ông Trọng còn có tang chứng các trang webs đánh phá ông như Chân Dung Quyền Lực là do ông Quang đạo diễn.


Ông Trọng muốn bẻ hết càng các nhóm lợi ích của các đối thủ, nhất là ông Dũng và ông Quang để đại hội 13 vào năm 2021 con đường được rộng thênh thang cho phe nhóm của ông, mà kẻ muốn thay ông đang đứng phía sau để lèo lái là ông Phạm Minh Chính, trưởng ban tổ chức, trong khi ông Trần Quốc Vượng, trưởng ban kiểm tra, chỉ là nghi binh.


Các cán bộ lão thành cách mạng của CSVN cho rằng nếu ông Trọng tiếp tục đánh thì ai cũng sợ tới phiên mình, vì ai cũng đều tham nhũng cả, cho nên đảng bị phân hoá nặng và dễ vỡ ra thành hai hay nhiều đảng trước khi có đại hội 13. Hiện tượng “tự diễn biến, tự chuyển hoá, từ bên trong và từ bên trên” mà ông Trọng hằng lo âu cả chục năm qua đang càng ngày càng tăng tốc và ông ta càng ngày càng cô đơn trên đỉnh cao của quyền lực. Việc CSVN áp dụng chính sách kỳ thị vùng miền với cán bộ đảng tự nó đã tạo ra sự phân hoá trầm trọng trong nội bộ đảng. Saigon có làm ra được 100 đồng thì phải nộp 82 đồng ra Hanoi, chỉ còn 18 đồng thì làm sao xây dựng được cầu đường và các chương trình an sinh cho dân chúng!? - đó là một sự hút máu miền Nam cho cạn kiệt. 


Ông muốn theo bước chân của Tập Cận Bình ở TQ, nhưng Việt Nam không phải là Trung Quốc, VN không phải là nước lớn như TQ để không bị ai ảnh hưởng, VN đã từng có nửa nước sống trong dân chủ tự do, VN có khối người Việt to lớn ở hải ngoại chống nhà cầm quyền CS và có ảnh hưởng lớn với khối đại chúng bên trong.


Trong khi đó thì phong trào bất tuân dân sự đã thành hình và đang phát triển, điển hình qua vụ BOT Cai Lậy đã có bước đầu thành công, trong khi cả nước có ít nhất là 8 trạm cướp đường như vậy (http://bit.ly/2kIV6sD). 


Hai yếu tố quyết định cho một cuộc cách mạng dân chủ được thành công là (1)người dân muốn thoát ra khỏi một hệ thống kềm kẹp và (2)đầu não của tập đoàn lãnh đạo đang rệu rã, thì ngày nay đã có. Vấn đề còn lại là ngày D-Day sẽ xảy ra lúc nào của cái khoảng thời gian không còn xa đó.


Một lần nữa, tôi kính chúc quý đồng chí, quý chiến hữu, quý thân hữu và quý độc giả một Giáng Sinh và một Năm Mới Trong Niềm Tin Tất Thắng.


Lê Minh Nguyên

Chủ Tịch

Đảng Tân Đại Việt

Monday, December 11, 2017

Đối sách của Cộng Sản chống lại dân chúng

Đối sách của CS chống lại dân chúng là gì? Trước hết là sử dụng dân tộc chủ nghĩa, bằng cách khích động tinh thần dân tộc ở cả trong lẫn ngòai nước, để đánh lạc hướng quần chúng và để phân hóa sự đòan kết của phe đối kháng. Thứ đến là để truyền tin đồn rằng phe chống lại họ không có tương lai, bị phân hóa, đã thất bại, vv.” - Nguỵ Kinh Sinh

*****
(Bài diễn văn của anh Ngụy Kinh Sinh, nhà lãnh đạo tự do dân chủ nhân quyền Trung Hoa đang lưu vong tại Mỹ, đọc tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền và lễ phát giải Nhân Quyền Việt Nam tại Westminster Civic Center do MLNQVN tổ chức.

Bài nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại, được cô Huang Ciping dịch sang Anh ngữ, và được anh Ngô Văn Hiếu chuyển sang Việt ngữ)

*******

Diễn Văn tại buổi lễ trao giải Nhân Quyền Việt Nam của Mạng Lưới Nhân Quyền ở Nam California vào Ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm 2017

(Ngụy Kinh Sinh, Little Sài Gòn, Nam California ngày 10/12/2017)

Cảm ơn các bạn hữu Việt Nam. Hôm nay là lần thứ 69 chu niên ngày Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời. Cảm ơn quý vị đã mời tôi tham dự buổi kỷ niệm này cũng như lễ trao Giải Nhân Quyền Việt Nam năm 2017 cho các cá nhân và tổ chức nhân quyền Việt Nam. Thật bất hạnh, cả 3 nhà họat động nhân quyền là Mục sư Y Yich (một lãnh tụ người Thượng Tây Nguyên), blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và blogger Nguyễn Hữu Vinh cũng như hơn 10 thành viên của hội Anh Em Dân Chủ không thể hiện diện nơi đây để đích thân nhận giải. Tình trạng này cũng rất tương tự như của Trung Quốc chúng tôi.

Tại đây, tôi rất vui mừng gặp lại tất cả các bạn mới cũng như cũ. Tôi biết một số vị lâu hơn 10 năm rồi. Chúng ta có thể ngồi lại để thảo luận bởi vì chúng ta có chung một kẻ thù và có cùng những lợi ích chung.

Lợi ích chung của ta là gì? Đó là xây dựng quê hương mình thành một nước dân chủ. Ai là kẻ thù chung? Đó là các chế độ đảng trị Cộng Sản.

Tại sao nó là kẻ thù chung? Đó là vì đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam (VC), nó không những chỉ là huynh đệ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (TC), mà nó lại còn học các phương cách độc đóan, kể cả kỹ thuật thống trị dân chúng. Sự thành công ngọai giao của TC đã nâng cao lòng tin tưởng của VC. Tình trạng nhân quyền ở Việt Nam và tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc đang tồi tệ cùng lúc.

Một số người thấy sự mâu thuẫn giữa VC và TC, nhưng họ quên rằng những lợi ích chung của chúng mới thật sự quan trọng cho chúng hơn. Hai đảng CS này có những lợi ích chung trong việc đàn áp và bóc lột dân chúng. Chúng có một kẻ thù chung trong việc chống lại trào lưu về các nhân quyền dân chủ, đó là “dân trí” của hai nước ta.

Khi những nhà dân chủ của hai nước ta truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền về nước, đó là đang chuẩn bị xây dựng một xã hội dân chủ mới. Khi chúng ta đã phơi bày những điểm xấu xa của đảng CS ra hải ngọai, chúng ta đã góp củi lửa cho cuộc cách mạng dân chủ. Từ hải ngọai, sự truyền bá và thông tin về dân chúng trong nước là những gì mà chúng ta phải làm từng bước để phá bỏ những dối trá mà CS đang lừa phỉnh dân mình.

Đối sách của CS chống lại dân chúng là gì? Trước hết là sử dụng dân tộc chủ nghĩa, bằng cách khích động tinh thần dân tộc ở cả trong lẫn ngòai nước, để đánh lạc hướng quần chúng và để phân hóa sự đòan kết của phe đối kháng. Thứ đến là để truyền tin đồn rằng phe chống lại họ không có tương lai, bị phân hóa, đã thất bại, vv.

Vậy thì, nhiệm vụ chúng ta cũng rất đơn giản. Trước hết là hướng dẫn dân chúng tự quan tâm tới dân chủ và nhân quyền, chứ không phải cái thứ gọi là lợi ích quốc gia của các chế độ độc tài. Thứ hai là vạch trần những điều xấu xa của Cộng Đảng và sự giành giật quyền lực cũng như các chia rẽ nội bộ của chúng. Thứ ba là vận động cộng đồng quốc tế càng nhiều càng tốt để tạo áp lực và gây khó khăn cho Cộng Đảng về kinh tế và ngọai giao. Nếu chúng không thỏai mái thì áp lực của họ lên dân chúng sẽ giảm và các nhà dân chủ sẽ có chỗ họat động. Dân chủ sẽ trở nên càng gần hơn và gần hơn với chúng ta.

Xin cảm ơn quý vị.

https://www.youtube.com/watch?v=l7WemByyUSE&feature=youtu.be

Friday, December 8, 2017

Khi Tổng Bí Thư Phá Luật Chơi Của Đảng

Đảng CSVN có một quy luật bất thành văn nhưng vô cùng quan trọng để bảo vệ Đảng, nếu luật này bị hư hỏng thì đảng viên sẽ không còn tin vào Đảng và không còn lòng dạ nào để bảo vệ Đảng nữa, vì họ cảm thấy sự sinh tồn của chính họ bị đe doạ, họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào - đó là “đương kim trung ương uỷ viên đứng trên luật pháp, không thể bị bắt” như ông Đinh La Thăng, trừ khi đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Ông Thăng là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chỉ bị đình chỉ sinh hoạt đảng.


Chiều Thứ Sáu 8/12 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân, UB Thường vụ Quốc hội trong phiên họp bất thường, đã biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV". Đồng thời họ cũng biểu quyết như vậy cho ông Nguyễn Quốc Khánh nguyên là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN. 


Việc cho thôi đại biểu Quốc hội với ông Thăng, có nghĩa là về phía nhà nước (không phải phía Đảng) ông bị mất quyền miễn trừ dành cho đại biểu quốc hội, nên nếu ông trở thành thứ dân (bị Đảng khai trừ) thì sẽ bị xử bằng luật pháp.


Ông Herbert George Wells viết quyển The Island of Doctor Moreau (1896) và quay thành phim năm 1977, trong đó Dr. Moreau biến thú thành người bằng cách chích cho chúng một loại serum có chất gene con người và đặt ra cho chúng 3 điều luật bắt phải tuyệt đối tôn trọng: khi đã là người thì (1) không được đi bằng bốn chân, (2) không được ăn thịt người, và (3) không được giết người khác. 


Nó giống như cộng sản, đã là uỷ viên trung ương thì: (1) không được có cung cách bình dân vì đã là quan lớn, (2) không được đứng dưới pháp luật, và (3) không được bị bắt. 


Luật này giúp cho bầy thú-người có hoà bình vì nếu con thú-người nào vi phạm sẽ bị trừng trị trong “căn nhà đau đớn” (house of pain) tức phòng lab của Dr. Moreau.


Nhưng một ngày kia, sau một cuộc cãi vã với người cộng sự viên, Dr. Moreau đã máu lạnh xách súng bắn chết người cộng sự viên này, làm cho bầy thú-người nổi loạn và giết ông vì Dr. Moreau đã vi phạm trầm trọng luật do chính ông đặt ra và bắt chúng phải tôn trọng.


Trở lại chuyện ông Đinh La Thăng, chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ chiều Thứ Sáu mà việc bắt ông xảy ra nhanh chóng làm cho phe ông Thăng không trở tay kịp, nhưng cũng chính vì thế mà Dr. Moreau-Trọng đã vi phạm điều cấm kỵ: vì ông Thăng vẫn còn là đương kim uỷ viên trung ương.


Sau khi bà Kim Ngân thông qua nghị quyết truất phế ông Thăng ra khỏi Quốc hội, Đảng ủy Công an TƯ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Trần Đức Vượng) và Uỷ ban Tổ Chức TƯ (Phạm Minh Chính) liền ra quyết định: Đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy đối với ông Thăng, do ông Chính ký.


Cùng lúc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Thăng tại tòa CT4, chung cư Sông Đà, Nam Từ Liêm, Hà Nội (BBC 8/12).


Ông bị truy tố theo quyết định khởi tố bị can số 522/C46 và lệnh bắt tạm giam số 134/C46 trong ngày, theo điều 165 (Cố ý làm trái quy định của Nhà nước...), điều 280 (Lạm dụng chức vụ...) gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Đại Dương, và điều 278 (Tham ô tài sản) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC).


TS Nguyễn Quang A nhận xét về việc vi phạm điều luật cấm kỵ này của ông Trọng “Trước kia thì đến quan chức cao cấp như vậy, bị bắt thì không có, mà là bị vô hiệu hóa, rồi về nhà ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia thì có, chứ bị bắt một cách công khai thì không.” (RFA 8/12)


Nhân danh chống tham nhũng, ông Trọng tiêu diệt các đối thủ trong Đảng mà những khuôn mặt điển hình là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Trầm Bê, Trần Bắc Hà, Lê Thanh Hải...


Ông Trọng dùng mưu kế của binh thư Tôn Tử “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý" để lánh mặt nhiều ngày trước đó, đến độ có tin đồn là ông bị truỵ tim, rồi chỉ trong một ngày là ông Thăng hết đường chống đở, khi vừa quyết xong ở quốc hội là đọc lệnh bắt ngay. Ông Trọng sẽ tấn công lần đến ông Nguyễn Văn Bình, Trần Bắc Hà và ông Dũng. Với ông Dũng có lẽ ông Trọng sẽ lột hết chức tước giống như ông Vũ Huy Hoàng, không còn là “nguyên thủ tướng” để làm nhục thay vì bắt ông.


Trong cuộc họp quốc hội Thứ Sáu 8/12 trước khi bắt ông Thăng, nét mặt ông Nguyễn Xuân Phúc và Trần  Đại Quang đều phờ phạt, đài VTV thì cứ cố ý chỉa máy quay vô mặt ông Phúc và ông Quang. Khi họp xong, ông Quang, ông Phúc và bà Kim Ngân qua họp Hồi đồng An ninh Quốc gia, đài VTV quay cận cảnh ông Phúc ngủ gục, có lẽ ông đã thức cả đêm để lo chửa cháy nội bộ trước đó(?) Ông Quang trong cuơng vị CTN chủ tọa Hội đồng An ninh Quốc, nhưng hình ảnh cho thấy ông không có hồn để điều khiển.


Dr. Moreau-Trọng đang hăm he tất cả các đồng chí của ông. Sáng cùng ngày, tại trụ sở Trung ương Đảng, ông họp Bộ Chính trị, nghe báo cáo tổng hợp kết quả 5 đoàn kiểm tra về công tác cán bộ, ông nói “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng... là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt...” - vietnamnet 8/12 (http://bit.ly/2BQrDCP)


Giữa hệ thống chính trị tốt (dân chủ, tam quyền phân lập, đa nguyên) có thể ngăn ngừa tham nhũng và hệ thống chính trị xấu khuyến khích tham nhũng như hiện tại thì ông chọn hệ thống xấu và hăm he cán bộ. Bản năng vị kỷ của con người thì ai cũng có lòng tham, ai cũng muốn “tích cốc phòng cơ” bằng con đường nhanh nhất nên dễ phạm vào tham nhũng, nếu như không có định chế tốt để điều tiết và ngăn ngừa. Quyết định duy trì định chế xấu và hăm he cán bộ, ông trở thành kẻ thù của tất cả đảng viên.


Hiện tại thì ông Trọng chưa dám đụng tới ông Quang vì ông Quang có lực lượng và nắm tình báo khi làm thứ trưởng công an, cho nên ông Quang có bùa để đánh phe ông Trọng về tham nhũng và các thứ dơ bẩn khác. Tuy nhiên, ông Tô Lâm chắc khó giữ được ghế bộ trưởng công an, có phần là ông Trương Hoà Bình sẽ tạm thời kiêm nhiệm. Ông Trọng có lẽ cũng không động đến các con của ông Dũng để tránh mang tiếng tiểu nhân trả thù vặt và để cho kế hoạch triệt ông Dũng không quá lộ liễu. Nhưng vì quá muốn triệt hạ phe Dũng mà ông Trọng dường như đã hy sinh 70,000 ngàn người Việt đang sống ở Cam Bốt, ông Trọng không can thiệp vào việc Hun Sen đuổi dân Việt, bù lại cho việc Hun Sen làm ngơ để ông Trọng bắt Trầm Bê (Bê mang hàm trung tướng Cam Bốt).


Điều khôi hài với ông Trọng là chính ông là người bao che và vuốt ve tham nhũng (http://bit.ly/2BODf9y) và chính ông cũng tham nhũng, ông đã từng nhận hằng triệu đôla trong vụ Ciputra năm 2002, nhưng lại thẳng tay trấn áp đối thủ trong Đảng bằng chiêu bài chống tham nhũng. 


Trong Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (Quy định 102-QĐ/TƯ thông qua ngày 15/11/2017) do ông Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành, theo Điều 33(1)(c) đảng viên dâm ô, sách nhiễu tình dục thì chỉ bị khiển trách, còn đảng viên nào đòi thực hiện xã hội dân sự sẽ bị khai trừ khỏi Đảng, nó đi ngược với sự trong sạch hoá guồng máy Đảng, mà chỉ là sự càng tập trung thêm quyền lực và sự trả thù. - vietnamnet 7/12 (http://bit.ly/2BPAXqH)


Dạo sau này sức khoẻ ông Trọng có vẻ suy yếu thấy rõ, ông đang đối diện với quá nhiều kẻ thù trong Đảng, chỉ cần ông bệnh liệt giường là kền kền sẽ mổ thịt ông ngay.


Phá luật chơi, Dr. Moreau trước khi bị bầy thú-người xé xác ông còn cầm roi quất chúng. Dr. Trọng liệu còn quất được bao nhiêu roi trước khi bị các đồng chí của mình ăn tươi nuốt sống?


Lê Minh Nguyên

8/12/2017


http://bit.ly/2yQuGfD




Thursday, November 30, 2017

Y Án Mẹ Nấm CSVN vuốt ve tham nhũng bạo tàn với dân

Sáng ngày 29/11, Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội, khi trả lời về tệ nạn tham nhũng, ông nói “không phải kỷ luật nhiều là thành công, cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công", ông cũng cho biết “làm nhưng phải giữ ổn định" (vnexpress 28/11/17).


Nếu nói theo cách của người thường dân thì nó có nghĩa là: đánh tham nhũng sẽ gây bất ổn trong đảng, chế độ sẽ sụp, thay vì đánh thì ta nên vuốt, khuyên họ đừng mê tiền vì như vậy phạm luật, đã tham nhũng rồi thì cứ giữ, tôi không truy anh đâu, tôi mở đường cho anh lên cao nữa nhưng anh nên tham nhũng ít lại một chút.


Đó là lý do tại sao trong hội nghị trung ương 6 ngày 4-11/10/2017 ông Trọng không dám đụng đến Đinh La Thăng hay Nguyễn Văn Bình.


Ông Trọng từng nói chống tham nhũng “là ta đánh vào ta” (vietnamnet 17/10/16) thì làm gì có chuyện đánh cho đau hay bị thương, đánh cốt để làm trò xiệc mà thôi.


Ông lôi ông Hồ ra để che chắn cho việc ve vuốt tham nhũng của ông, nói rằng “Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định" (vietnamnet 6/10/2014). Giữ ổn định ở đây có nghĩa là Đảng CSVN giữ độc quyền lãnh đạo để hút máu nhân dân.


Nếu nói thẳng ra thì Đảng là tham nhũng, tham nhũng là Đảng, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đảng là ký sinh trùng đang giết dần cơ thể Việt Nam. Thanh gươm và lá chắn an ninh, quân đội để bảo vệ Đảng, tức để bảo vệ tham nhũng.


Dân không chấp nhận như vậy vì nó giết dần cơ thể Việt Nam (tức người dân). Khi tham nhũng và áp bức bạo tàn càng khốc liệt thì nó nén lên cơ thể Việt Nam và đến một lúc nào đó thì cơ thể không chịu đựng được nữa, cái trật tự xã hội trong ngột ngạt không thở được đó phải được nổ tung để phá vỡ xích xiềng, đó là lúc cách mạng dân chủ xảy ra.


Hôm Thứ Năm 30/11 trong phiên xử phúc thẩm của Tòa án Nhân dân cấp cao Đà Nẵng tại Nha Trang, CSVN đã giữ nguyên án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Các luật sư tham gia bào chữa cho Quỳnh nói rằng bản án “bất công”, “không khách quan”, “nặng hơn cả án giết người” vì theo luật sư Nguyễn Khả Thành “có những bản án giết người, tòa xử 8 năm hoặc thấp hơn”. (VOA 30/11/17)


Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, cho biết những nguời ủng hộ Quỳnh bên ngoài tòa đã bị an ninh mặc thường phục hành hung, cướp điện thoại, có người bị bắt đưa lên xe chở đi, trong số bị đánh bị bắt có blogger Trịnh Kim Tiến.


Trong khoa học xã hội, có một định luật gọi là “A Arrow R” hay A ——> R tức Action ——> Reaction, có nghĩa là lực gây ra phản lực. Càng áp bức thì sức bật dậy càng cao và đó là dấu hiệu u ám của chế độ vì phản lực của cách mạng dân chủ sẽ cận kề hơn.


Đảng Tân Đại Việt hết sức phẩn nộ trước sự bạo tàn với lương dân của chế độ và kêu gọi dân chúng quan tâm tham dự vào việc tranh đấu đòi quyền làm người, đòi quyền sống và sự tiến lên của dân tộc Việt Nam ta.


Cách mạng dân chủ xảy ra càng sớm thì những bản án cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các nhà tranh đấu đang bị giam cầm chỉ còn là rác rưới của một chế độ đã qua.


Lê Minh Nguyên

Chủ Tịch

Đảng Tân Đại Việt





Saturday, November 25, 2017

Zimbabwe Và Bàn Tay Trung Quốc



Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi của Zimbabwe đã trị vì 37 năm, chính thức bị Quốc Hội hạ bệ hôm 24/11/2017 và phó tổng thống Emmerson Mnangagwa 75 tuổi lên làm tổng thống.

Ông Mnangagwa cũng là một sản phẩm từ đầu của chế độ, cùng trong đảng cầm quyền Zanu với ông Mugabe, cùng trãi qua 37 năm trong chính quyền và dùng an ninh, quân đội thẳng tay đàn áp đối lập đến độ ông được đặt cho biệt danh là “Cá Sấu” và được cho là người rất tàn bạo. Ông là một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Zanu được đưa qua TQ để huấn luyện.

Lãnh tụ của đảng đối lập MDC (Phong Trào Thay Đổi Dân Chủ), ông Morgan Tsvangirai nghi ngờ ông Mnangagwa liệu có thể thay đổi được hai nét lớn là “văn hoá tham nhũng” và “văn hoá bạo lực” của chế độ.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Zimbabwe. TQ cũng đầu tư lớn ở Sudan, Zambia và gần như cả lục địa Phi Châu.

Ở Zimbabwe và nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đang dần dần thay đổi phương pháp tiếp cận từ không can thiệp, chỉ quan tâm đến kinh doanh sang hướng can thiệp, được các nhà quan sát coi là đứng sau trong vụ hạ bệ tổng thống Mugabe.

Ngày 7/11 ông Mugabe cất chức phó tổng thống ông Mnangagwa để muốn đưa bà vợ trẻ Grace Mugabe 52 tuổi lên thay, chuẩn bị cho việc kế vị ông ta. Ông Mnangagwa đào tẩu qua Nam Phi hai tuần.

Ba ngày sau (ngày 10/11) tư lệnh quân đội Zimbabwe, ông Constantino Chiwenga viếng TQ, gặp ủy viên Quân Ủy TƯ kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tướng Lý Tác Thành và Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn. Hai bên cam kết hai nước “sát cánh mưa nắng có nhau”. (http://cnn.it/2zlNNw5)

Bốn ngày sau chuyến viếng thăm TQ (tối 14/11) thì xe tăng của Lực Lượng Quốc Phòng Zimbabwe tiến vào thủ đô Harare.

Trên Hoàn Cầu Thời Báo của TQ hôm 16/11 nói rằng họ đã lo lắng cho sự an toàn lâu dài của đầu tư TQ ở Zimbabwe và sự thay đổi chính quyền ở Zimbabwe sẽ có lợi cho mối quan hệ của hai nước. (http://bit.ly/2Bn6iBU)

TQ cũng đang can thiệp vào Bangladesh và Miến Điện về vụ khủng hoảng người Rohingya, đưa ra kế hoạch 3-giai đoạn để đẩy hai bên giải quyết, và hai nước đã ký thoả thuận để cho hàng ngàn người Rohingya được hồi hương (http://reut.rs/2BlC1D9).

Thông cáo của bộ Quốc Phòng TQ hôm 22/11 cho biết trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh giữa tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và tướng TQ Lý Tác Thành, TQ đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, TQ sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện (RFI 23/11/17).

TQ đã can thiệp mạnh mẽ vào Cam Bốt đến độ thủ tướng Hun Sen tự tin để thẳng thừng chỉ trích và xoay lưng với Hoa Kỳ. Hôm 19/11 ông Hun Sen đã lên tiếng thách thức và thúc giục HK hãy cắt mọi viện trợ cho nước ông, cùng bắt các nhà báo gởi bài cho đài RFA (VOA 19/11).

TQ bước từ giai đoạn ẩn mình chờ thời (thao quang dưỡng hối) của thời Đặng Tiểu Bình qua giai đoạn can thiệp chính trị vào nội bộ nước khác của thời Tập Cận Bình. Từ đó ta có thể rút ra hai nhận xét.

Ở Zimbabwe, dù ông Mnangagwa có hứa hẹn một cuộc bầu cử “tự do” vào năm 2018, nhưng với bàn tay lông lá của TQ đứng sau thò vào, với hồ sơ “Cá Sấu” tàn bạo của ông Mnangagwa, với đảng cầm quyền Zanu vẫn cai trị thì khó có thể tin rằng Zimbabwe có được một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, nó chỉ là chế độ Mugabe mà không có Mugabe. Cái ưu điểm của một cuộc chính biến không gây đổ máu này sẽ không có giá trị gì nếu vựa lúa mì không phục hồi và chính trị không có dân chủ, nó chỉ là một dạng thuộc địa mới cho TQ khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như khai thác thị trường tiêu thụ.

Nhận xét thứ hai là Việt Nam rồi cũng sẽ đi vào vết chân của Zimbabwe và Cam Bốt khi vẫn không chuyển qua dân chủ để huy động sức dân và ý chí độc lập của dân tộc. TQ rất dễ thao túng một nhóm nhỏ độc tài, nhưng không dễ thao túng cả một dân tộc. Khi hiệp ước biên giới 1999, hiệp ước vịnh Bắc Bộ năm 2000 đã ký sau gần hai thập niên vẫn còn giữ trong bí mật, không đưa ra được một bản đồ thì kẻ mạnh luôn luôn thắng vì kẻ yếu quá cô đơn, không có dân hậu thuẩn.

Chưa có chỉ dấu nào cho thấy chính quyền CSVN có thực tâm thay đổi đất nước qua dân chủ. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng thừa nhận lý tưởng Mác-Lê đã hết hấp dẫn qua câu “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, nhưng không vì thế mà ông muốn thay đổi qua dân chủ, mà sắp đi theo con đường Trung Quốc đã đi là “ái quốc” (Giấc Mơ TQ, Đại Hán, xây đảo, lấn chiếm...) để ông có thể mị dân.

Cách đây hơn 10 năm anh Nguỵ Kinh Sinh từng nhắc nhở là chúng ta nên tranh đấu bằng ngọn cờ dân chủ, còn ái quốc thì chúng ta đều có thừa nhưng CS giựt ngọn cờ này đi rất dễ và chúng ta sẽ không giữ nỗi vì bộ máy chính quyền với biết bao nhiêu phương tiện đang nằm trong tay họ.

Không khí đang có vẻ như sắp tới đây phong trào ái quốc sẽ ào ào thổi đến để cuốn hút giới tranh đấu và quần chúng bên ngoài (trong nước CS không dám và cũng không cho dân dám bày tỏ lòng ái quốc vì sợ TQ bóp mũi) và những người tranh đấu ở hải ngoại nếu không khéo sẽ tiêu thụ năng lực của mình ra ngoài hồng tâm của tranh đấu dân chủ.

Một nhà trí thức trong nước vừa viết trên Facebook dự báo rằng “ĐCS chuyển đổi thành một đảng dân tộc chủ nghĩa, bán phần hoặc toàn phần, là khả năng như là tất yếu. Song song đó, thể chế chính trị có thể biến đổi từ độc tài chuyên chế sang dân chủ giả hiệu...Đấy là khả năng xảy ra cao nhất...”

Thay vì xây dựng phong trào tranh đấu dân chủ, nếu không khéo, chúng ta sẽ đi vào mê cung chống Trung Cộng và lấy đó làm hồng tâm.

Dĩ nhiên, chúng ta dứt khoát chống TQ bá quyền lấn đất, lấn biển, lấn kinh tế thương mại VN, nhưng đó là ưu tiên thứ hai bên cạnh hồng tâm.

Cho nên, dấy lên một phong trào cách mạng dân chủ do quần chúng đứng lên là điều chúng ta cần nên nghĩ đến để vận động, để xúc tác cho nó trở thành hiện thực.

Lê Minh Nguyên
25/11/2017





Tuesday, July 25, 2017

Cảm Giác Chiến Tranh (A Gut Feeling)

Các sự kiện xảy ra dồn dập trong tuần qua ở thủ đô Washington DC tựa như là một tấn tuồng bi hài kịch xã hội (soap opera) trình chiếu ở tốc độ nhanh chóng mặt.

Những diễn viên trên sân khấu từ TT Trump đến Trump Jr., con rễ Kushner, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Manafort, bộ truởng tư pháp Sessions, thứ trưởng tư pháp Rosenstein, ngoại truởng Tillerson, bà counselor Conway, bà phụ tá văn phòng báo chí Sanders, ông tân giám đốc truyền thông Scaramucci, ông công tố viên đặc biệt Mueller... đang làm cho chính trường Hoa Kỳ ít nhất là trong 12 tháng sắp tới xáo trộn với những tình tiết ly kỳ.

TT Trump đang ngồi trên một cái ghế quá nóng (hot seat) mà ông phải chọn lựa giữa một trong hai thái độ, và chỉ có hai để chọn.

Một là chấp nhận các cuộc điều tra của ông Mueller, hai viện quốc hội, các cơ quan tình báo, tiểu bang New York... và các phơi bày càng ngày càng nhiều từ tin mật bị lộ và từ các kết quả điều tra. Ông phải chống chọi với ít nhất 4 loại điều tra (1) có thông đồng với Nga về bầu cử hay không? (2) có cản trở công lý hay không? (3) có thủ lợi từ chức vụ hay không? (4) có phạm tội tài chánh về rửa tiền cho tài phiệt Nga hay không? Qua cuộc phỏng vấn ông bởi New York Times hôm 19/7 cho thấy, ông rất lo ngại về vấn đề thứ tư và nhắn với ông Mueller là như thế sẽ vượt lằn ranh đỏ, hàm ý là ông có thể đuổi ông Mueller. (http://nyti.ms/2v5eary)

Hai là chiến đấu cho tới cùng, tức sẵn sàng đuổi việc ông Mueller, thay thế ông Sessions, ông Rosenstein, ngay cả bà Conway, chiến lược gia trưởng Bannon, bà bộ trưởng giáo dục Devos, bộ trưởng y tế Price (hôm Thứ Hai 24/7 ở sinh hoạt hướng đạo toàn quốc ông đã đe doạ - http://nyti.ms/2v5DfTr)... Ông đang xây dựng đội hình để điều tra ngược lại ông Mueller, cho rằng ông Mueller có động cơ chính trị và nằm về phía đảng Dân Chủ để hạ ông.

Tình hình cho thấy là ông chọn giải pháp hai. Với giải pháp này thì nghe đâu đây có mùi thuốc súng.

Quy luật thông thường của các lãnh tụ khi bên trong bị khủng hoảng thì tìm cách tống nó ra bên ngoài, hướng dư luận về một chiều khác có lợi cho vị thế chính trị của mình. TT George Herbert Walker Bush (Bush cha) vào cuối năm 1990 được dư luận ủng hộ khoảng 50%, sau khi đánh Iraq để giải phóng Kuwait thì vọt lên 89% vào tháng Hai, tháng Ba năm 1991. Hiện tượng gây chiến bên ngoài để giải quyết các khó khăn bên trong mà tiếng lóng thường gọi là "cái đuôi vẫy con chó" (wagging the dog) dường như đang được team Trump chuẩn bị.

TT Trump chỉ có hai vùng trên thế giới để động binh, đó là vùng Trung Đông và vùng Đông Bắc Á.

Nhưng ở vùng Trung Đông, những nước mà TT Trump muốn đánh là Syria, Iran thì lại là đồng minh của Nga. Xét tình thế rất tế nhị trong khủng hoảng nội bộ của Hoa Kỳ hiện nay có liên quan trực tiếp đến Nga và việc Nga trả đũa có thể tạo thêm sóng gió cho TT Trump với những nút nhấn mà Nga đang nắm nhưng chưa sử dụng thì TT Trump không dại gì mà đi gây hấn với Nga. Nhìn đạo luật trừng phạt Nga mà hai viện Quốc Hội HK vừa thoả thuận hôm Thứ Bảy 22/7 thì thấy rằng QH không tin tưởng là TT Trump sẽ trừng phạt Nga nên QH ra tay trước và trong đó có điều khoản cấm tổng thống tự ý bãi bỏ trừng phạt mà không thông qua QH. Cho đến khi viết bài này thì bên phía Toà Bạch Ốc không cho biết là TT Trump có chịu ký ban hành hay không. Cái khó cho ông Trump là trong luật này không phải một mình Nga mà còn có Iran và Bắc Hàn, nếu không ký thì hai nước sau cũng sẽ thoát luật này. (http://cnn.it/2v5hCCD)

Cho nên còn lại là vùng Đông Bắc Á mà hiển nhiên nhất là Bắc Hàn. Theo Fox News 25/7/17 thì BH sắp sửa bắn thử hoả tiển liên lục địa và chủ tịch liên quân HK nói rằng chỉ còn vài tháng là hết hạn giải pháp ngoại giao (http://fxn.ws/2v59j9O). Cũng hôm 25/7 báo Time loan tin bà nghị sĩ Cộng Hoà Susan Collins (R-Maine) nói mà quên tắt micro với NS Dân Chủ Jack Reed của Rhode Island sự "lo lắng" của bà về TT Trump (http://bit.ly/2v5tFzF).

Tình trạng chính trị hiện nay của HK là tác dụng phụ (side effects) của liều thuốc dân chủ. HK vẫn vững như bàn thạch do đã xây dựng được những định chế vững chắc và TT Trump dù có làm gì thì cũng không thể mặc áo qua khỏi đầu (Hiến Pháp). Chính quyền TT Trump chỉ kéo dài 4 hay 8 năm tối đa, nên chỉ là hiện tượng nhất thời trong lịch sử HK. Các yếu tố thiên nhiên, địa chính trị, sức mạnh nội tại của đại khối quần chúng, nền dân chủ pháp trị vững chắc, nền giáo dục đại chúng rộng sâu... cho phép HK vẫn là siêu cường số một trong ít nhất là thế kỷ 21 này.

Nhưng trước mặt thì dường như có tanh tanh mùi thuốc súng.

Lê Minh Nguyên
25/7/2017





























Tuesday, July 18, 2017

Chuyện Trung Tướng Võ Văn Liêm cho thấy VN cần cách mạng dân chủ

Chế độ dân chủ pháp trị (rule OF law) có nền tảng luân lý và xây dựng bằng cấu trúc thượng tôn pháp luật, dù tổng thống, thủ tướng, thẩm phán tối cao hay cả một định chế chính quyền như hành pháp... đều phải đứng dưới luật pháp. Bà tổng thống Phát Cận Huệ ở Nam Hàn phải từ chức và lãnh án tù vì phạm luật, ở Mỹ một nhóm 21 đứa trẻ miệng còn hôi sửa (tuổi từ 9 đến 20) kiện chính quyền liên bang và thắng (http://bit.ly/2vyuq0p), đương kiêm tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị công tố viên độc lập Robert Mueller điều tra về nghi vấn thông đồng với Nga, cản trở công lý, thủ lợi từ chức vụ (Emoluments Clause) mà điều I(9)(8) của Hiến Pháp ngăn cấm, cho thấy trong dân chủ pháp trị không ai có thể đứng trên luật pháp.

Chế độ nhà nước pháp quyền (rule BY law) mà CSVN thường hay khoe khoang cho phép Đảng CSVN đứng TRÊN pháp luật và DÙNG pháp luật như một CÔNG CỤ để phục vụ việc nắm quyền của Đảng. Cho nên nó được áp dụng một cách TUỲ TIỆN, một cách kỳ thị, một cách để bảo vệ giai cấp thống trị, tức đảng viên Đảng CSVN. Nó không có công lý và không phải để thực thi công lý, nó ngụy công lý, được dùng để ru ngủ quần chúng là Đảng CSVN cai trị bằng công lý của luật pháp.

Hôm 14/7/2017 anh trung uý cảnh sát giao thông quận Bình Thuỷ Nguyễn Văn Thành chận xe auto của trung tướng Võ Văn Liêm do tài xế lái đang chạy từ hướng sân bay Cần Thơ về quận Ninh Kiều vì quá tốc độ giới hạn 70km/h (tốc độ 81km). Tướng Liêm chửi mắng, hăm he, dùng quyền lực để đe doạ Thành và cả vị chỉ huy của Thành. Video thu lại hoạt cảnh cho thấy nhà nước pháp quyền của CSVN là như vậy đó! (http://bit.ly/2vyD8vA)

Ngày 18/7/2017, theo báo Pháp Luật và các báo lề phải khác, Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị xử lý kỹ luật trung uý Thành "ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, đơn vị Trung tướng Võ Văn Liêm từng công tác trước khi nghỉ hưu đã có công văn đề nghị Công an TP Cần Thơ xử lý kỷ luật đối với trung úy Nguyễn Văn Thành". Đây rõ ràng là luật pháp được áp dụng tuỳ tiện, và đảng viên đứng trên luật giao thông, luật chỉ áp dụng cho dân ngu khu đen, một đám khổng lồ quần chúng bị trị. (http://bit.ly/2uz9UQ4)

Ông Donald Rumsfeld, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ thời tổng thống Bush Jr. hồi giữa tháng Bảy năm 2011 khi đi qua phi trường O'Hare của thành phố Chicago bị nhân viên an ninh phi trường TSA mò khám khắp người và ông vẫn tươi cười chấp hành, dù cơ quan TSA này có bàn tay của ông lập ra. Đó là một đặc tính nhỏ của dân chủ pháp trị. (http://dailym.ai/2vyUTey)

Kami trên RFA cho rằng cách mạng dân chủ sẽ xảy ra ở VN là một "nhận định... hoàn toàn thiếu cơ sở nếu không nói là hoang tưởng" vì không có lãnh đạo như bà Aung San Suu Kyi và tổ chức đối lập quy mô như Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà ở Miến Điện. Nhận xét của Kami có phần đúng nhưng không thể phổ quát áp dụng, mỗi nước có những đặc thù, và ngay cả để qua một bên những đặc thù thì nó cũng không thể là công thức, vì nhìn Liên Sô và Đông Âu, tại sao các nước này đổ như dominos dù nhiều nước không có các yếu tố như Kami chỉ ra? (http://bit.ly/2vyAupD)

Các chế độ độc tài, nhất là độc tài toàn diện, nó như một cành cây khô, tuy cứng nhưng dòn. Khi chưa gãy thì tưởng chừng nó rất rắn chắc, nhưng khi gãy thì nó gãy rất nhanh. Khi khối CS Liên Sô chưa sụp đổ thì ai cũng thấy nó là thành đồng vách sắt, có ngày nó sẽ nhuộm đỏ cả quả địa cầu, nhưng khi sụp đổ thì nó sụp rất nhanh và hàng loạt.

Phong trào cách mạng mùa Xuân 2011 đưa đến sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài, và điểm nổi bật là nó không có các yếu tố như Kami chỉ ra là lãnh tụ tầm cỡ và đối lực tương xứng. Cái mà Kami muốn hướng tới là những thứ mà phía dân chủ VN không có hay chưa có, để Kami dẹp tan ý định cách mạng dân chủ, bảo vệ chế độ hiện hành.

Lãnh tụ là do tranh đấu mà ra, và có tranh đấu là có lãnh tụ, lãnh tụ thì cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định cho cách mạng dân chủ xảy ra.

Đối lực tương xứng cũng vậy, nếu có chính nghĩa, có tranh đấu thì đối lực tương xứng qua đêm có thể vươn vai Phù Đổng. Đảng Tiến Bước của Tổng Thống Macron chỉ lập ra hơn một năm nhưng hiện nay đang thống trị nước Pháp.

Hơn nữa, trong tranh đấu không phải mạnh về sức thì đương nhiên thắng, như chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn có đề cập về vấn đề này, ngoài sức mạnh nó còn có quan năng biến cải, và sự hợp quần. Dân gian có câu "mạnh dùng sức, yếu dùng mưu" và trong truyện "David vs Goliath" thì thần khổng lồ Goliath cũng bị người trẻ David bắn hạ. Trong chiến tranh, nước yếu không dại gì đối đầu trực diện mà phải dùng chiến tranh bất cân xứng.

Kami chỉ ra những điều mà phía dân chủ không thể nào làm được trong một chế độ độc tài toàn diện và sính bạo lực như CSVN, trong khi cái yếu tố thực sự để xảy ra cách mạng dân chủ thì Kami lại né đi - đó là sự tức nước vỡ bờ của lòng dân. Khi mà sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi mà ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được, khi mà ý dân đã ngùn ngụt lên cao để trở thành ý trời, đó là lúc cách mạng dân chủ xảy ra.

Vấn đề còn lại là D-Day cho cách mạng, khi mà các tinh tú đã di chuyển thẳng hàng, đi vào đội hình và nhịp nhàng trong một vũ điệu. Nó không phải là bó 100 mũi tên lại với nhau thành một tổ chức, vì sẽ không thực tế và không bắn được ai, nó là một vũ khúc mừng xuân mà trong đó 100 mũi tên từ những vị trí riêng để cùng hướng về một điểm - sự đứng lên của quần chúng để thay đổi chế độ qua dân chủ pháp trị.

Vai trò của trí thức sẽ rất là quan trọng trong tiến trình này để dẫn dắt quần chúng đi đến bến bờ quang vinh. Sự dấn thân nhận lãnh trách nhiệm lịch sử của trí thức để thay đổi vận mạng dân tộc đòi hỏi nơi họ sự can đảm, không trùm chăn để đưa dân tộc ra khỏi sự lạc lối trong khu rừng già. Có lẽ vì vậy mà trong những tuần qua CSVN tìm cách mạt sát thậm tệ GS Ngô Bảo Châu, dù GS Châu chỉ phát biểu những lời lẽ nhẹ nhàng để bênh vực Mẹ Mấm hay cho rằng “Có quý mến ai thì mong họ thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Chúng ta hãy giữ vững niềm tin và hy vọng cho một ngày mai tươi sáng, đất nước qua cơn mê cộng sản, dân tộc vượt qua bất hạnh để sánh vai cùng những dân tộc mạnh khác tranh đua trên trường thế giới.

Lê Minh Nguyên
18/7/2017






























Friday, July 14, 2017

Tự do là một trách nhiệm

Trương Duy Nghênh

Ngày 1/7, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh đã tham dự lễ tốt nghiệp của Viện nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh. Trong buổi lễ, ông có bài phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, ông nói đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung Quốc quan tâm đến vận mệnh của đất nước.

Bài phát biểu này được đăng trên Wechat của viện, tuy nhiên nó đã bị xóa trong chưa đầy 12 giờ sau khi đăng tải. Toàn văn bài phát biểu sau khi được đăng trên trang sohu.com, cũng đã bị gỡ xuống trong 24 giờ.

Những lời nói xúc động của ông Trương Duy Nghênh đã trở thành bài viết được sinh viên trường Đại học Bắc Kinh cũng như cư dân mạng muốn đọc nhất, bên cạnh đó cũng có nhiều tranh luận của cư dân mạng xoay quanh bài phát biểu này.

Viện nghiên cứu phát triển Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh là một một viện học thuật có tính chỉ định, ngoài cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng thế giới Lâm Nghị Phu được nhậm chức Viện trưởng danh dự ra, thành viên hội đồng của viện bao gồm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Vương Kỳ Sơn, Giám đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, và giáo sư, Nhà kinh tế học nổi tiếng Chu Kỳ Nhân, Trương Duy Nghênh, v.v…

Dưới đây là nội dung bài phát biểu của ông Trương Duy Nghênh được lưu truyền trên internet:

Chào các em sinh viên! Đầu tiên xin chúc mừng các em đã tốt nghiệp!

“Người Bắc Đại” là một vầng sáng, kèm theo đó là trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm đối với dân tộc chịu bao khổ nạn chịu bao chà đạp của chúng ta.

Văn minh Trung Hoa là một trong những nền văn minh cổ xưa trên thế giới, đồng thời cũng là nền văn minh cổ xưa duy nhất được duy trì cho đến ngày nay. Trung Quốc thời cổ đại có sự phát minh sáng tạo đầy huy hoàng, có đóng góp quan trọng cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng 500 năm qua, về phương diện phát minh sáng tạo thì Trung Quốc không có gì nổi trội để khen. Chúng ta hãy dùng con số để nói rõ hơn. Theo thống kê của học giả Jack Challoner thuộc Bảo tàng Khoa học Anh, trong khoảng thời gian từ thời kỳ đồ đá (2,5 triệu năm trước) đến năm 2008, đã có 1001 phát minh lớn làm thay đổi cả thế giới, trong đó, Trung Quốc có 30 phát minh, chiếm 3%.

30 phát minh này đều là xuất hiện từ trước năm 1500, chiếm 18,4% trong 163 phát minh lớn trên toàn thế giới trước năm 1500. Trong đó, phát minh cuối cùng là bàn chải đánh răng được phát minh năm 1498, đây cũng là phát minh to lớn duy nhất trong triều đại nhà Minh. Từ sau năm 1500, hơn 500 năm toàn thế giới có 838 phát minh, trong số đó không có phát minh nào đến từ Trung Quốc.

Kinh tế tăng trưởng nhờ những sản phẩm mới, công nghệ mới, ngành nghề mới không ngừng xuất hiện. Trong xã hội truyền thống chỉ có vài ngành nghề như nông nghiệp, luyện kim, làm đồ gốm, thủ công mỹ nghệ. Trong đó nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo. Hiện giờ chúng ta có bao nhiêu ngành nghề ? Theo sự tiêu chuẩn phân loại đa tầng quốc tế, chỉ riêng sản phẩm xuất khẩu, số ngành có mã 2 chữ có 97 ngành, 4 chữ là 1222 ngành, 6 chữ là 5053 ngành, và vẫn không ngừng tăng thêm. Những ngành mới này đều những ngành ra đời từ cách đây 300 năm, mỗi một sản phẩm mới đều có thể tra được nguồn gốc phát triển của nó.

Từ sau năm 1500 tất cả những phát minh lớn đều không đến từ Trung Quốc

Trong số các ngành mới, lấy ngành sản xuất ô tô làm ví dụ. Ngành ô tô được những người Đức như Karl Benz, Daimler và Maybach sáng lập vào khoảng giữa những năm 1880, sau đó trải qua hàng loạt cải tiến về công nghệ, chỉ từ năm 1900 đến 1981, đã có hơn 600 mẫu đổi mới quan trọng (theo Albernathy,Clark and kantrow, 1984).

Trung Quốc hiện nay là nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, nếu như bạn viết một bộ lịch sử về sự tiến bộ của ngành ô tô, trên danh sách sẽ có hàng vạn nhà phát minh có tên tuổi, trong đó có người Đức, người Pháp, người Anh, người Italy, người Mỹ, người Bỉ, người Thụy Điển, người Nhật, nhưng sẽ không có người Trung Quốc.

Dù là những ngành nghề truyền thống mà Trung Quốc từng dẫn đầu từ trước thế kỷ 17 như luyện kim, làm gốm, dệt may, những phát minh lớn cách đây 300 năm, không có phát minh nào là của người Trung Quốc.

Tôi muốn nhấn mạnh sự khác nhau trước và sau năm 1500. Trước năm 1500, thế giới phân chia thành những khu vực khác nhau, mỗi khu vực về cơ bản đều trong trạng thái đóng cửa, một kỹ thuật mới xuất hiện ở một nơi, thì sức ảnh hưởng của nó tới nơi khác là rất nhỏ, và cống hiến của nó đối với nhân loại cũng rất hạn chế.

Ví dụ như, năm 105, ông Thái Luân thời Đông Hán đã phát minh ra kỹ thuật sản xuất giấy, nhưng đến năm sau 751, kỹ thuật sản xuất giấy mới được truyền tới nước Hồi giáo, trải qua 300 – 400 năm mới truyền tới tây Âu.

Nhưng sau năm 1500, toàn cầu đã bắt đầu nhất thể hóa, không những tốc độ phát minh kỹ thuật mới được tăng nhanh, mà sự phổ biến của kỹ thuật cũng gia tăng, một công nghệ mới xuất hiện ở nơi này, nó sẽ nhanh chóng được mang tới nơi khác, và sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nhân loại.

Ví dụ, năm 1886, người Đức phát minh ra ô tô, 15 năm sau, nước Pháp trở thành nước đứng đầu sản xuất ô tô, qua 15 năm nữa, nước Mỹ thay thế Pháp trở thành cường quốc về sản xuất ô tô. Đến năm 1930, tỷ lệ phổ biến của ô tô Mỹ lên đến 60%.

Do đó, sau năm 1500, sáng tạo mới đã thực sự có tính so sánh giữa các nước, chất lượng ai tốt ai không tốt chỉ nhìn là biết ! Trong 500 năm trở lại đây, Trung Quốc không có một phát minh mới nào đáng ghi trong sử sách, điều đó có nghĩa là chúng ta chưa làm được gì để cống hiến cho sự tiến bộ của nhân loại! So với tổ tiên thì chúng ta kém xa !

Tôi còn muốn nhấn mạnh vấn đề về dân số, dân số có nước nhiều nước ít, so sánh đơn giản giữa các nước về phát minh sáng tạo của ai nhiều sẽ không chính xác.

Sự sáng tạo mới phải tỷ lệ thuận với dân số, tại sao Trung Quốc không thế?

Về lý luận mà nói, trong một điều kiện khác, một nước có dân số đông, thì sự sáng tạo sẽ nhiều, tiến bộ về kỹ thuật sẽ nhanh. Hơn nữa, tỷ lệ sáng tạo và tỷ lệ dân số là mối quan hệ chỉ số, không phải đơn giản là mối quan hệ tỷ lệ tương ứng. Có 2 nguyên nhân: thứ nhất, tri thức ở phương diện sản xuất có tính kinh tế và hiệu ứng lan tỏa quan trọng; thứ 2, tri thức ở phương diện sử dụng sản phẩm không có tính ngăn cản người khác sử dụng nó.

Những phát minh cống hiến cho nhân loại của người Trung Quốc không tương xứng với tỷ lệ dân số của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc gấp 4 lần dân số Mỹ, gấp 10 lần Nhật, gấp 20 lần Anh, gấp 165 lần Thụy Sĩ.

Nhưng thực tế, trong 500 năm, về phương diện phát minh sáng tạo, sự cống hiến của Trung Quốc gần như con số 0, chưa cần so sánh với nước Mỹ, nước Anh, ngay cả con số lẻ của Thụy Sĩ cũng chưa đạt đến. Người Thụy Sĩ phát minh ra kìm phẫu thuật, máy trợ thính điện tử, dây an toàn, công nghệ chỉnh hình, màn hình LCD, v.v.

Công nghệ mực chống giả được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dùng để in tiền là công nghệ của Thụy Sĩ, bột mỳ Trung Quốc sản xuất có 60%-70% máy móc gia công của công ty Bühler của Thụy Sĩ.

Nguyên nhân do đâu? Lẽ nào là do gen của người Trung Quốc? Hiển nhiên là không phải! Nếu không, chúng ta không có cách nào giải thích được sự huy hoàng của Trung Quốc cổ đại.

Hiển nhiên là do thể chế và chế độ của chúng ta. Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, nó đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung Quốc có sức sáng tạo nhất đó là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung Quốc tự do nhất.

Trước năm 1500, phương Tây không sáng sủa, phương Đông thì mờ mịt, sau năm 1500, một số nước phương Tây trải qua cải cách tôn giáo và vận động phổ cập kiến thức mới, họ đã dần dần hướng tới tự do và pháp trị, còn chúng ta lại đi ngược đường với họ.

Thể chế Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, cũng hạn chế luôn cả sức sáng tạo

Tôi cần phải nhấn mạnh, tự do là một chỉnh thể không thể tách rời, khi tâm hồn không tự do, thì hành động cũng không được tự do; khi không có tự do ngôn luận, thì tư tưởng không thể tự do được. Chỉ có tự do, thì mới có sự sáng tạo.

Lấy một ví dụ để nói rõ về điểm này. Ngày nay, rửa tay trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh đã trở thành thói quen. Nhưng năm 1847, khi bác sĩ nội khoa người Hungari Ignaz Semmelweis đề xuất bác sĩ và y tá phải rửa tay trước khi tiếp xúc với sản phụ, ông đã xúc phạm đến đồng nghiệp, vì thế mà bị mất việc, và chết trong một bệnh viện tâm thần lúc 47 tuổi.

Quan điểm của Ignaz Semmelweis dựa trên sự theo dõi về sốt hậu sản, khi đó tại bệnh viện của ông có 2 phòng sinh, một phòng để phục vụ người giàu, do các bác sĩ và y tá giỏi chăm sóc, những bác sĩ này luôn đổi công việc giữa đỡ đẻ và giải phẫu; một phòng khác là để phục vụ người nghèo, do bà mụ đỡ đẻ. Ông phát hiện, tỷ lệ người giàu bị sốt hậu sản nhiều gấp 3 lần người nghèo. Ông cho rằng nguyên nhân là do bác sĩ không rửa tay. Nhưng cách nhìn nhận vấn đề của ông lại mâu thuẫn với lý luận khoa học thời đó, ông cũng không thể đưa ra những luận chứng khoa học để thuyết minh cho phát hiện của mình.

Thói quen vệ sinh của nhân loại thay đổi thế nào? Việc này có liên quan tới phát minh máy in

Những năm 1440, Johannes Gutenberg đã phát minh ra phương pháp in dấu. Loại máy in sử dụng phương pháp in này đã khiến cho sách vở bắt đầu phổ biến, nhiều người bỗng phát hiện, thì ra họ bị “viễn thị”, thế là nhu cầu về kính lại tăng cao. 100 năm sau khi máy in được phát minh, châu Âu xuất hiện hàng ngàn nhà sản xuất kính mắt, đồng thời cũng làm dấy lên cuộc cách mạng về công nghệ quang học.

Năm 1590, công ty sản xuất kính mắt Janssen Hà Lan đã lắp vài chiếc kính trong một cái ống tròn, và họ phát hiện những sinh vật quan sát qua những chiếc kính này được phóng to lên, từ đó họ phát minh ra kính hiển vi. Nha khoa học người Anh Robert Hook đã sử dụng kính hiển vi để phát hiện ra tế bào, từ đó tạo nên cuộc cách mạng khoa học và y học.

Nhưng kính hiển vi thời đầu không cho hiệu suất cao, cho đến những năm 1870, công ty Carl Zeiss của Đức đã sản xuất ra loại kính hiển vi mới, nó được chế tạo dựa trên công thức toán học chính xác. Nhờ vào loại kính hiển vi này, bác sĩ người Đức Robert Koch đã phát hiện ra vi khuẩn mà mắt người không nhìn thấy, và cũng chứng minh cho quan điểm của bác sĩ người Hungari Ignaz Semmelweis, từ đó lý luận về vi sinh vật và vi khuẩn học ra đời. Nhờ sự ra đời về vi khuẩn học này mà con người đã dần dần thay đổi thói quen, và tuổi thọ của con người cũng được kéo dài.

Chúng ta thử nghĩ: nếu lúc đầu máy in bị cấm sử dụng, hoặc là chỉ cho phép in ấn những gì đã được kiểm duyệt, vậy sách báo sẽ không được phổ cập, nhu cầu về kính mắt cũng sẽ không lớn, kính hiển vi và kính viễn vọng cũng sẽ không được phát minh nữa, ngành vi sinh vật học cũng không được ra đời, tuổi thọ dự tính của con người cũng sẽ không tăng từ 30 lên 70, càng không thể nào mơ tới thám hiểm không gian vũ trụ.

Không bảo vệ tự do thì không xứng với danh hiệu “người Bắc Đại”

Newton mất 30 năm để phát hiện ra lực vạn vật hấp dẫn, tôi mất 3 tháng để làm rõ định luật vạn vật hấp dẫn này, nếu tôi nói mình dùng thời gian 3 tháng để đi hết con đường của Newton, mọi người có thể cảm thấy buồn cười. Ngược lại, nếu tôi quay sang cười Newton, vậy thì chỉ có thể nói tôi quá vô tri!

Chúng ta thường nói, Trung Quốc dùng 7% diện tích đất có thể trồng trọt để nuôi sống 20% người dân thế giới, nhưng chúng ta cần hỏi lại: Trung Quốc liệu có thể làm được việc đó không? Nói đơn giản, chính là sử dụng lượng lớn phân hóa học. Nếu không sử dụng phân hóa học, e là một nửa người Trung Quốc sẽ chết đói.

Công nghệ sản xuất phân đạm đến từ đâu? Hơn 100 năm trước, nhà khoa học người Đức Fritz Habe và kỹ sư Carl Bosch của công ty BASF đã phát minh ra, chứ không phải Trung Quốc phát minh ra. Năm 1972, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon, Trung Quốc và Mỹ đã có thương vụ làm hợp tác đầu tiên, chính là mua 13 giàn thiết bị sản xuất Ure quy mô lớn nhất, hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, trong đó có 8 giàn máy là của công ty Kellogg.

Trải qua 50 năm, 100 năm nữa khi viết lại lịch sử phát minh trên thế giới, liệu Trung Quốc có thể có tên trong đó. Chỉ có tự do, thì mới làm tinh thần và sức sáng tạo của doanh nghiệp của người Trung Quốc mới phát huy hết khả năng, biến Trung Quốc trở thành điển hình về sáng tạo cái mới.

Do đó, đẩy mạnh và bảo vệ tự do là trách nhiệm của mỗi người Trung Quốc quan tâm tới vận mệnh của đất nước, và là sứ mệnh của người của trường Đại học Bắc Kinh! Không bảo vệ tự do, thì không xứng với xưng hiệu “người Bắc Đại”!

Trí Đạt (biên dịch)

Nguồn: trithucvn.net 8/7/2017
http://bit.ly/2tc3RkS





Friday, July 7, 2017

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

CSVN
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vui con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

Ngày 31/5/2017 trong Bản tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ làm việc tích cực với phía Hoa Kỳ để sớm đưa trở lại những người Việt Nam đang sống ở HK nhưng giấy tờ chưa hợp lệ.

Hôm 5/7/2017 hai bên đã có buổi họp đầu tiên ở Hà Nội để cụ thể hoá điều này. Buổi họp do Bộ Công an CSVN tổ chức với sự tham gia của Bộ ngoại giao và văn phòng chính phủ. Đại diện Hoa Kỳ có Bộ An ninh Nội địa và Bộ ngoại giao. (http://bit.ly/2tRPcuK)

Dưới thời TT Obama CSVN bắt những nhà tranh đấu ôn hoà cho dân quyền và nhân quyền để làm con tin đổi chác.

Với CS, dân là món hàng vô tri vô giác để họ buôn bán, coi dân như một loại hạt để ép lấy dầu.

Chủ nghĩa CS xem con người là vật chất không có tâm linh, và đạo đức cách mạng là vất bỏ đạo đức của các tôn giáo, là làm bất cứ điều gì có lợi cho đảng CS kể cả giết người hàng loạt (theo sư tổ Lenin của họ), cho nên mạng người là một món đồ tiêu thụ (expendable).

Muốn thay đổi nó đòi hỏi toàn dân phải đứng lên.

lmn
7/7/17





Friday, June 30, 2017

Đã Đến Lúc Cách Mạng Dân Chủ Xảy Ra

Theo báo Công An Nhân Dân ngày Thứ Năm 29/6/2017, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Điều 88(1) có mức án tù từ 3 đến 12 năm và họ tuyên án ở mức cận tối đa. Họ truy tố NQ cả ba tội trong khoản 1 này: 88(1)(a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; 88(1)(b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; 88(1)(c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (http://bit.ly/2urXruh)

Qua bài báo của CAND, Quỳnh bị kết án nặng nề vì những việc làm sau đây:

- "sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải... chia sẻ nhiều bài viết"

- "trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông nước ngoài"

- "khai thác thông tin trên các báo điện tử về 31 trường hợp người chết xảy ra trong và sau khi nghi can làm việc với cơ quan công an"

- "kêu gọi mọi người tham gia hoạt động 'Dã ngoại nhân quyền'"

- "khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là 'Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015'"

Đây là những việc làm ôn hòa và hết sức bình thường trong một đất nước bình thường, nhưng ở Việt Nam thì lại là một tội phạm hình sự với án nặng nề hơn tội giết người hay tội tham nhũng của cán bộ.

Trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay trong thần học, luật “tác lực sẽ gây ra phản lực” (A-->R hay Actions Arrow Reactions) hay luật nhân quả (the Law of Karma) cho thấy cách mạng dân chủ ở Việt Nam đã gần kề. Lực sẽ gây ra phản lực và lực càng tàn bạo thì phản lực sẽ đánh ngã kẻ bạo tàn. (http://bit.ly/2urO9yq)

Ông Nguỵ Kinh Sinh, được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ TQ, nhận xét rằng: Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Ba điều kiện trên hiện nay Việt Nam đang có.

Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hoá chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích luỹ các mâu thuẩn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham.

Đây là tiếng gọi non sông của trí thức tầm cao ở Việt Nam, những người mà giới trẻ và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo, để đóng góp vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xăn tay áo huy động và hướng dẫn quần chúng cho một phong trào chính trị.

Đây là lúc nhân dân cần sự lãnh đạo của trí thức trong nước, cần sự lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu cho một cuộc cách mạng dân chủ. Đây là lúc để chuẩn bị cho sự đứng lên của nhân dân ba miền Bắc Trung Nam, cùng một lúc cùng một lòng để giành lại sự sinh tồn cho dân tộc trước hoạ diệt vong từ môi trường sống cho đến hiểm hoạ nội cướp, ngoại xâm.

Hiện nay các mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của giai cấp thượng tầng, của các nhóm lợi ích, của hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Các tranh chấp không còn giữ trong nội bộ như xưa nữa mà đã kéo quần chúng vào, dẫn đến việc lâu nay nổ bên trong hệ thống (implosions) đang trở thành nổ tung ra bên ngoài cho vỡ hệ thống (explosions).

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng tìm cách đuổi tận giết tuyệt phe ông Nguyễn Tấn Dũng và đè bẹp đám cán bộ Miền Nam đã làm tăng thêm căng thẳng vùng miền đến mức độ vô cùng ngột ngạt trong Đảng. Một đại bộ phận cán bộ Đảng đang bị hèn và bị nhục. Nó làm cho bất cứ một xử lý mềm mỏng nào của phe yếu thế sẽ đồng nghĩa với sự tự sát.

Những mũi nhọn mà ông Trọng tấn công ông Dũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy-nhà máy sợi Đình Vũ, Đinh La Thăng, Mobilephone, xây dựng ven biển Phú Quốc... cũng như tình trạng các ông Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm đang nằm trong tầm ngắm, nằm trong mục tiêu thu tóm và cũng cố quyền lực mà ông Trọng sẽ thực hiện trong Hội Nghị Trung Uơng 6 vào Tháng Muời năm nay, để ông ngồi suốt nhiệm kỳ 5 năm, nhất thể hoá (Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước) và đưa người của ông lên trong Đại Hội 13 năm 2021. Dĩ nhiên các phe bị ông đè bẹp không ngồi yên chịu trận, và khi cách mạng dân chủ xảy ra, lịch sử cho thấy, một số của họ sẽ chạy về phía quần chúng.

Trong khi đó người Mỹ gốc Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, họ biết cách vận động hơn để HK dù dưới bất kỳ một tổng thống nào cũng không thể khước từ và nhanh chóng lên tiếng ủng hộ khi cách mạng dân chủ nổ ra.

Ông Nguỵ Kinh Sinh hồi đầu Tháng Sáu 2017 cho biết rằng nội tình Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nát bét, Đại Hội 19 dự trù vào mùa thu này không chắc sẽ tổ chức được đúng thời điểm. Tỷ phú địa ốc Quách Văn Quý đang bị CSTQ truy nã (đang ở New York) thường xuyên liên lạc ông với mong muốn TQ có cách mạng dân chủ.

Tập Cận Bình muốn làm Mao Trạch Đông 2 nhưng không đủ khả năng và tầm vóc. Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập và đang cầm quyền sinh sát, nay là gánh nặng của Tập vì bỏ thì sập mà mang thì hoạ. Cánh Thượng Hải đang vùng dậy. Cánh Lý Khắc Cường và Đoàn Thanh Niên CS đang buông bỏ Tập. Tập vì cần người trung thành nên tìm cách thăng tiến cực nhanh tay chân mình như đưa Thái Kỳ vào Bộ Chính Trị và làm Bí Thư Bắc Kinh tuy chưa phải là trung ương uỷ viên, dù là dự khuyết, hay Vương Tiểu Hồng làm Thứ Trưởng Bộ Công Vụ, Phó Thị Trưởng kiêm Giám Đốc Công An Bắc Kinh. (http://bit.ly/2tur9l6).

Theo ông Nguỵ, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn này để thay đổi thể chế chính trị mà TQ không thể nào can thiệp được dù có muốn. Theo ông, VN có cửa sổ cơ hội hai năm để làm cách mạng dân chủ vì đó là hai năm mà TQ loạn lạc chính trị và không phe nhóm nào dám có chủ trương can thiệp vào nội bộ VN để mang lấy rũi ro chính trị.

Thời điểm nhân dân muốn thay đổi vận mệnh đã đến, nội bộ thượng tầng Đảng CSVN đã chia rẽ đến mức phải vỡ ra chứ không thể hàn gắn được, người Việt hải ngoại đang một lòng hổ trợ trong nước đứng lên cho sự sinh tồn của dân tộc, các nước dân chủ nhất là Hoa Kỳ không thể làm ngơ khi cách mạng xảy ra. Dù ngày tháng chưa định nhưng năm thì đã gần kề. Khi các tinh tú thẳng hàng thì một vận hội mới cho dân tộc sẽ xảy ra.

Lê Minh Nguyên
30/6/2017



Sunday, June 25, 2017

Những bài học lịch sử mà ta học được từ cuộc Thảm Sát 4 Tháng Sáu năm 1989

- Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng)
Lê Minh Nguyên dịch

Đã 28 năm qua từ cuộc Thảm Sát 4 Tháng Sáu. Máu Holocaust vẫn còn sống động với các nhân chứng. Độc tài ở Đông Âu và Liên Sô đã qua, nhưng tại sao chúng ta người dân Trung Quốc vẫn còn nằm dưới sự đàn áp của độc tài? Đối với nhiều người, đây là một điều vô lý. Nhưng nằm phía dưới bề mặt của sự vô lý này, phải có lý do sâu thẳm cho chúng ta thấu hiểu và suy nghĩ về nó.

Từ những cuộc tập hợp lớn (vào mùa Xuân năm 1989) để tuởng niệm ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), các cuộc biểu tình bắt đầu nở rộ ra trên khắp Trung Quốc. Không chỉ sinh viên, mà cả người lao động và thường dân cũng đã dần dần nhập cuộc đi vào dòng chính phản đối, thậm chí còn bao gồm tất cả đảng viên các cấp của Đảng CS lãnh đạo trừ Ủy Ban Trung Ương Đảng CSTQ. Thật ra đó là thời điểm mà tất cả mọi người nghĩ là cần phải thay đổi và đã cố gắng cùng nhau làm việc đó để nó xảy ra. Dưới một áp lực vĩ đại từ công chúng như vậy, cho dù chính quyền của "Đội Quân Bắc Dương" (Đội Quân Triều Đình TQ hùng mạnh theo kiểu Tây Phương, ban đầu do Nhà Thanh thành lập vào cuối thế kỷ 19), được xây dựng lên bằng nòng súng, cũng không thể đứng vững và phải thỏa hiệp, lùi bước truớc nhân dân; tựa như sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia và các Đảng CS ở Liên Sô và Đông Âu. Tại sao TQ lại không? Chúng ta cần xem xét lại khung cảnh khi đó.

Năm 1989 đã có chứng cớ về sự vắng mặt của một số trí thức tầm cao, những người mà sinh viên và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo. Đã vậy, còn có những trí thức không ra khỏi nhà và cho rằng: tôi chỉ chịu trách nhiệm huy động quần chúng; hoặc thậm chí còn nói rằng: trách nhiệm của tôi là cung cấp ý tưởng, chứ không phải để cho phong trào chính trị. Một số khác đơn giản là bỏ đi ra khỏi thành phố. Những hành động này có thể là tiền đề cho việc an ninh lâu nay đẩy những người bất đồng chính kiến đi du lịch và uống trà để hầu đạt được các mục đích của họ.

Cái mà tất cả chúng ta thấy là những sinh viên ở Thiên An Môn hết sức thiếu kinh nghiệm và xa rời thực tế. Sao họ lại đi giao nộp 3 người làm hư hại bức chân dung Mao Trạch Đông cho an ninh? Họ có phân biệt được bạn và thù hay không? Hành động này chứng tỏ rằng những nhà lãnh đạo phong trào thực ra là những em trẻ không có kinh nghiệm, cũng không có đầu óc. Nói một cách giản dị, lúc đó không có ai lãnh đạo hoặc không có một nhà lãnh đạo khả dĩ.

Không có nguời lãnh đạo, hoặc không có nhà lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu. Sự thiếu sót này là một trong những lý do chính tại sao phong trào quần chúng rộng lớn như vậy lại đi đến thất bại. Một phong trào chính trị nghiêm chỉnh giống như một con tàu đi trên biển cả, và phải có một thuyền trưởng. Nó chỉ tốt nhất khi có một thuyền truởng kinh nghiệm với ý chí dẫn dắt tất cả mọi người đi đến bến bờ đã định. Nếu không có thuyền trưởng, hoặc có hai hay nhiều thuyền trưởng, khả năng lật tàu sẽ được nhân cao lên. Như tục ngữ nhân gian có câu: căn nhà sẽ không được ngăn nắp xây ra nếu có quá nhiều thợ mộc chỉ huy.

Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Năm 1989, áp lực thứ nhất về mâu thuẩn xã hội, nó đã không tích lũy được đầy đủ sự mạnh mẽ cần thiết, và các mục tiêu để nhân dân vùng dậy đã không đủ rõ ràng. Đôi khi chúng ta thấy các khẩu hiệu đòi dân chủ, tự do, và chấm dứt chế độ độc tài. Tuy nhiên, đại đa số các khẩu hiệu đều có mục tiêu cải tổ, chẳng hạn như "hỗ trợ Đảng cộng sản chống các viên chức làm kinh doanh"; "chúng tôi muốn các viên chức trong sạch, không phải những nguời tham nhũng"; và tương tự. Tôi không biết ai đã cố ý đánh lừa những sinh viên chiếm Thiên An Môn để cho các sinh viên này nghĩ rằng nếu họ thành công trong việc chấm dứt vấn nạn "các viên chức chính quyền lãnh đạo doanh nghiệp" thì họ sẽ làm nên lịch sử và thậm chí trở thành các nhà lãnh đạo của TQ. Có những khẩu hiệu "xóa bỏ chế độ độc tài" nhưng đã bị gỡ bỏ nhanh chóng bởi nhóm lo về biểu ngữ, trong nỗ lực để duy trì cái gọi là "sự trong sáng của sinh viên". Những hành động này cho thấy rằng quần chúng vẫn còn tương đối yếu, và ý chí chống đối của họ chưa đủ cao. Vì thế, cho dù khi có một số người đã cố gắng động viên họ, nhưng cũng đã không đạt được mức độ như ở Liên Sô và Đông Âu. Cho nên sự thất bại ở TQ năm 1989 không phải tình cờ, mà là không thể tránh khỏi.

Áp lực thứ hai về mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của các giai cấp thượng tầng thì nó đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Như ông Bào Đồng (Bao Tong) chỉ ra cho Thủ Tuớng Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) lúc đó: Đây là cuộc tranh đấu sinh tử, vì thế không nên xử lý mềm mỏng được. Nhưng những người được gọi là các nhà cải cách dẫn đầu bởi ông Triệu đã trốn tránh trách nhiệm, không sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho một cuộc cách mạng để lật đổ sự lãnh đạo của Đảng CS. Họ không sẵn sàng để lật đổ chế độ độc tài độc đảng như đã xảy ra ở Liên Sô và Đông Âu, thay vào đó họ đã để cho những sinh viên vô tội và dân chúng bị đổ máu, bị hy sinh tính mạng. Đây không phả là một lý do tình cờ, mà đây là lý do chính yếu.

Áp lực thứ ba mặc dù không cần thiết, nhưng cũng rất quan trọng. Trong lịch sử, không phải cuộc cách mạng nào cũng cần có ngoại lực tham gia, nhưng đôi khi sự can thiệp của ngoại lực là yếu tố then chốt để giành chiến thắng. Thí dụ như trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ, nếu không có sự giúp đỡ của quân đội Pháp thì đã không thể chiến thắng được, với một đám dân quân thiếu huấn luyện để có thể đè bẹp được đội quân chính quy được huấn luyện và trang bị chuyên nghiệp của Anh.

Nhưng năm 1989 ở Bắc Kinh, mặc dù chúng ta cảm nhận được sự hỗ trợ của nhân dân khắp thế giới, nhưng chúng ta không cảm nhận được cái áp lực và sự gắn kết từ các phía dân chủ. Điều này rất khác so với tình hình của Liên Sô và Đông Âu. Ngay cả Tổng thống HK George H. Bush cũng đã vội vàng thay vị đại sứ thân phong trào dân chủ, và tuyên bố rằng ông sẽ không can thiệp vào "công việc nội bộ" của TQ. Những tín hiệu sai lầm này đã trở thành yếu tố then chốt và quyết định trong việc phe nhóm Đặng Tiểu Bình cương quyết thảm sát nhân dân.

Một số các nhà bình luận cực đoan hơn cho rằng việc sẵn sàng để giúp các cuộc cách mạng ở Liên Sô và Đông Âu nhưng không giúp cho cách mạng ở TQ là do chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của nguời da trắng. Tôi nghĩ rằng cáo buộc này không công bằng và không chỉ ra được cái nguyên nhân chính của vấn đề. Vì cho dù sau đó, từ những năm 1980's (đến nay), Hoa Kỳ đã không quan tâm đến phong trào dân chủ TQ. Đó là vì quyền lợi quá lớn của các công ty Mỹ ở TQ.

Chế độ CSTQ đã tuyên truyền rằng nếu Đảng CS sụp đổ sẽ gây ra chiến tranh hỗn loạn giữa các lãnh chúa ở TQ, và trật tự sẽ không được vãn hồi trong nhiều năm. Những sự hỗn loạn này là điều mà giới kinh doanh trong nước lẫn hải ngoại không muốn thấy. Làm cho có thêm lợi nhuận dưới sự bảo vệ của một chế độ độc tài sẽ làm cho các doanh nhân vui mừng và quên đi lương tâm của họ. Cái băng đảng gồm những người da đen, da trắng, da vàng này không quan tâm đến lý tưởng của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, mà chỉ muốn kiếm được nhiều đồng tiền bẩn và vì vậy từ bỏ lương tâm của họ. Kết quả này cũng là một nhu cầu lịch sử chứ không phải là một điều gì kỳ lạ. Thật không may, năm 1989, không có nhà lãnh đạo để nói với các sinh viên và dân chúng nên làm thế nào để tránh hoặc đi vòng qua cái điều hiển nhiên này.

Giờ đây, sau 28 năm tích lũy, có thể nói rằng thời gian đã khác, và với tất cả các điều kiện ngày càng trở nên đầy đủ hơn so với trước đây. Sự khác biệt lớn nhất là sau vụ thảm sát đẫm máu do chế độ CS gây ra, nhân dân TQ đã nhanh chóng sáng mắt và thấy được bản chất của Đảng CS. Dân chúng sẽ cuơng quyết hơn để tiến tới, với mục đích rõ ràng cho một hệ thống chính trị dân chủ. Có thể nói rằng các điều kiện của một cuộc cách mạng ở TQ đã trưởng thành hơn so với năm 1989.

http://bit.ly/2sbu6me