Sunday, February 12, 2017

Sự thoái hóa hệ thống pháp luật ở Trung Quốc

- Nguỵ Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

Gần đây chúng ta nghe nói về một điều vô lý nhất ở Trung Quốc, đó là Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn thực hiện việc hợp nhất Đảng Cộng Sản (ĐCS) và nhà nước lại với nhau. Họ chọn cách tiếp cận gần như giống hệt Hồi Giáo chính thống (Islamic fundamentalism): bắt đầu bằng việc sáp nhập ngành tư pháp vào tôn giáo. Khi họ hợp nhất hai lãnh vực này với nhau, bước hợp lý kế tiếp sẽ là sự thống nhất lãnh đạo của ĐCS, giống như những gì đã xảy ra trong thời Cách Mạng Văn Hoá. Đây là những gì mà bạn bè chúng ta trong cũng như ngoài Trung Quốc đang nói về, nó là sự thoái hóa và trở về thời Cách Mạng Văn Hóa ở TQ.

Những gì đã bị hầu hết mọi nguời chỉ trích về việc thống nhất nhà nước và tôn giáo ở châu Âu thời Trung cổ là các tòa án tôn giáo. Đó là việc coi giáo lý của tôn giáo như là luật, để quyết định sự sống chết của người dân. Tập Cận Bình dĩ nhiên là không đủ thông minh để sáng tạo ra một lý thuyết tôn giáo, nên thay vào đó, ông quyết định sử dụng lý thuyết của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao như là giáo lý của ông ta, bằng cách kết hợp Uỷ Ban Kiểm Tra Kỹ Luật của ĐCS với cơ quan tư pháp chính thức của đất nước. Với hai nhãn hiệu này gom vào chung một cơ quan, ông đã thực hiện sự thống nhất nhà nước và tôn giáo.

Tham nhũng đã xuất hiện sớm hơn cả cái hệ thống triều đình quan liêu mà TQ sáng tạo ra. Nó đã là vấn đề xã hội đau đầu từ khi có chính quyền trong lịch sử TQ: như triều đại Nhà Hạ (Xia Dynasty) thành lập bởi con trai của Đại Vũ (Yu the Great) nổi tiếng về thuật trị thuỷ. Tham nhũng đã dẫn đến sự đau khổ của người dân, là lý do quan trọng làm phân rã xã hội.

Kể từ thời cổ đại, tất cả các xã hội đã tìm cách chống tham nhũng. Đặc biệt là sau khi thành lập những cơ quan hành chánh chống tham nhũng thì càng ngày càng phát triển những luật lệ phức tạp hơn, và ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Mặc dù không có cơ quan nào trong số đó đã rất thành công, nhưng đã có một số pháp luật cơ bản và các nguyên tắc để noi theo. Một trong những điều quan trọng nhất là chính những nhân vật và cơ quan giám sát tham nhũng cũng phải được giám sát. Vì thế, các cơ quan chống tham nhũng chồng chéo lẫn nhau, hầu tránh xảy ra là có các nơi không bị sự giám sát.

Tại sao nỗ lực chống tham nhũng trong thời cổ đại đã kinh qua rất nhiều thăng trầm, mà lại có hiệu quả rất kém? Lý do cơ bản là mặc dù cơ chế giám sát tuy khá hoàn hảo, thậm chí còn tốt hơn so với các cơ chế hiện đại, nhưng bộ máy chính quyền lại bị thu về một mối, bất kể là vào tay ai. Vì họ trộn lẫn nhau trong cùng một quan trường và gặp gỡ nhau thường xuyên, nên không thể tránh khỏi là các quan chức bảo vệ cho nhau và lợi dụng lẫn nhau.

Nên chỉ khi có nền dân chủ hiện đại thì mới có thể cung cấp khả năng chống tham nhũng hiệu quả. Nó phân chia những trung tâm quyền lực chính thức ra thành các đảng khác nhau, cho phép họ cạnh tranh với nhau, và việc chống tham nhũng trở thành một yếu tố quan trọng của sự cạnh tranh. Các chính trị gia đều là những đồng nghiệp và họ biết nhau rất rõ. Họ rất dễ dàng để đánh lừa người dân bình thường bên ngoài, nhưng hầu như không thể đánh lừa những thành viên của đảng đối lập, vì cũng là những nguời chuyên nghiệp.

Thoạt nghe qua có vẻ như là nó được thiết kế để các đảng phái đánh nhau v.v.., nên không được đạo đức lắm. Nhưng nó có thể làm cho xã hội được hưởng lợi từ việc này và tránh được quyền lực của tham nhũng, nên nó rất đạo đức. Vì thế, mặc dù các hệ thống dân chủ không đặc biệt phức tạp trong việc hình thành những cơ quan chống tham nhũng, nhưng nó vẫn có thể ngăn chặn hiện tuợng tham nhũng xuống đến mức tối thiểu, và gần như là loại bỏ nó. Điều này không thể làm được với tham nhũng sâu rộng trong chế độ độc tài.

Vì vậy, mặc dù hệ thống dân chủ nhìn qua có vẻ hỗn loạn, với những gấu ó lan toả vào không gian trong khi bầu cử, giống như ngạn ngữ Trung Quốc có câu "nghêu cò tranh nhau ngư ông đắc lợi", xã hội và người dân hưởng lợi từ các cuộc tranh đua này. Tại sao không? Có gì là sai trong việc ngăn chặn sự nhức đầu vì tham nhũng? Trong thực tế, thuật trị quốc của cái gọi là những nhà cai trị khôn ngoan TQ cổ đại là phân chia các quan chức thành nhiều phe phái -- cái gọi là "chia để trị". Vì thế, ngay cả các triều đình hoàng đế cũng đã bài bản dựng lên hơn hai thừa tướng, nhằm nỗ lực tạo ra cạnh tranh chính trị để tránh sự độc quyền với hậu quả là tham nhũng trầm trọng.

Khi chúng ta kiểm tra lại lịch sử, thì tỷ lệ tham nhũng ở Trung Quốc cổ thời luôn luôn bắt đầu từ sự mất cân bằng quyền lực của các vị thừa tướng này, do đó tham nhũng lây lan từ trên xuống dưới và gia tăng hàng ngày cho đến khi cuối cùng bị mất hoàn toàn sự kiểm soát.

Tình trạng Trung Quốc ngày nay chính xác là sự tham nhũng toàn diện này, nó không còn kiểm soát được. Hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay chính xác là theo Caesar chủ nghĩa (như Cesar hay Giáo Hoàng) tóm thu thế quyền và giáo quyền vào trong tay, với một hệ thống pháp luật không được kiểm soát. Vậy thì trong tình huống này, chúng ta thấy việc bãi bỏ các cơ chế giám sát chéo, việc bãi bỏ cơ quan bài trừ tham nhũng, thì nó là chống tham nhũng hay tham nhũng? Nếu chúng ta có trí thông minh IQ bình thường, chúng ta có thể cho ra ngay một nhận xét đúng.

Từ sự thật đơn giản như thế đó, thì tại sao Tập Cận Bình, đã từng khoe với thế giới là đọc rất nhiều sách, và Vương Kỳ Sơn lại không hiểu nó? Nó có lý do đằng sau. Lý do dành cho Tập Cận Bình thì rất là đơn giản. Giống như tất cả chúng ta đã chỉ trích, ông ta muốn đi vào độc tài cá nhân. Cho nên ông cố tập trung vào trong tay tất cả các khía cạnh của quyền lực. Là tư lệnh tối cao của Đảng Cộng Sản, Tập không quen với việc nhìn thấy bất kỳ quyền lực nào khác, kể cả quyền tư pháp, ở thế nằm ngoài quyền lực của ông từ Đảng Cộng Sản.

Hậu quả là, Vương Kỳ Sơn để cho Tập Cận Bình có được những gì ông ta muốn và giúp Tập để tập trung cái quyền tư pháp quan trọng nhất - quyền giám sát và theo dõi các quan chức. Dĩ nhiên họ lấy lý do là vì chiến dịch chống tham nhũng đã không đạt được kết quả như ý muốn, tại vì quyền lực không được tập trung, vì quan chức ngăn chặn lẫn nhau nên phát sinh sự can thiệp và các lý cớ khác. Kết luận là cần phải có sự tập trung quyền lực giám sát các quan chức, vì vậy nên họ đàn áp một cách hiệu quả những quan chức bất tuân không nằm trong phe Tập-Vương. Tập Cận Bình thích thú điều này.

Có một cái nhìn khác cho rằng Vương Kỳ Sơn đã đạt được đầy đủ uy tín khiến cho ông ta được kính trọng hơn so với sếp Tập Cận Bình của ông, điều này làm cho ông Tập Cận Bình ghen tị và thực hiện ý định loại trừ Vuơng. Đây là lý do tại sao chúng ta đã nghe những tin đồn từ vài năm trước đây về việc Vuơng Kỳ Sơn nghỉ hưu năm nay, theo quy định. Trong hai năm qua, Tập Cận Bình nhấn mạnh việc "tuân thủ các quy tắc", trong khi Vuơng Kỳ Sơn cũng công khai nói đùa là sẽ về hưu. Nhưng tất cả chúng ta có thể nói rằng nếu không có Vuơng Kỳ Sơn, Tập Cận Bình có thể sẽ không kết thúc nhiệm kỳ của ông một cách êm thắm.

Cũng không loại trừ trường hợp Vương Kỳ Sơn đã kín đáo làm áp lực để cuối cùng đẩy Tập Cận Bình vào thế phải có những nhượng bộ trước Đại Hội 19 của Đảng CS. Những nhượng bộ này không phải chỉ bằng lời nói, Vuơng sẽ không chấp nhận lời hứa đầu môi. Cho nên đơn giản là họ đã có một sự đồng thuận: anh có độc tài của anh trong khi tôi có độc tài của tôi, anh tóm thu tất cả quyền lực chính trị của Đảng CS và chính quyền TQ, trong khi tôi tóm thu tất cả quyền lực pháp lý. Do đó hai bên đạt được sự cân bằng quyền lực.

Nhưng sự cân bằng này thì tạm thời và cũng rất mong manh. Vì Tập Cận Bình muốn theo chân nhà độc tài Mao Trạch Đông, người không chỉ nắm giữ sự lãnh đạo mà còn tung ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa trong thập niên 1960's, không chỉ Tập giữ vị trí chủ tịch Đảng CS, nhưng ông cũng phải cần có người như Lâm Bưu để nắm quân đội, cùng với bộ trưởng Tạ Phú Trị (Xie Fuzhi) của Công An để có thẩm quyền pháp luật.

Bây giờ Tập Cận Bình đã mất thẩm quyền pháp luật, điều này sẽ làm cho ông ta không thể đạt được lý tưởng của ông là trở thành một Mao Trạch Đông mới. Để đạt được lý tưởng này, Tập sẽ tranh để nắm thẩm quyền pháp luật, và sẽ phải có một cuộc thư hùng với Vuơng Kỳ Sơn. Hai nguời này sẽ diễn cảnh thật ngoài đời trên sân khấu TQ (Chinese reality show) vở tuồng "Xây Nhà Bằng Lá Bài" (House of Cards) cho đến khi một bên khai tử chính trị. Với việc Vương Kỳ Sơn lâu nay đã xây dựng uy tín cho ông ta bằng quyền lực chính trị và pháp luật, và ông sẽ tiếp tục lấn sân thêm ra cũng như tăng cường sức mạnh của mình, cho nên người chiến thắng cuối cùng vẫn chưa thể xác định được.

Khi tình hình quốc tế không có lợi cho chế độ Cộng Sản TQ như hiện nay, thì cuộc chiến này sẽ đến sớm hơn. Tất cả chúng ta có thể chờ đợi và đón xem vở tuồng ngoạn mục này.

http://bit.ly/2l4zAfy











No comments:

Post a Comment