Wednesday, January 20, 2016

Trung Quốc: Năm Mới Tình Hình Mới (phần 1)

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch

(Viết và ghi âm ngày 29/12/2015, phát sóng trên đài RFA)

Bằng cách quan sát những gì đã xảy ra trong năm qua, chúng ta gần như có thể dự báo tình hình cho năm mới. Nhiều cơ quan truyền thông đã có những dự đoán khác nhau cho Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị v.v.. Vì vậy, tôi sẽ không lặp lại công việc của người khác. Bây giờ tôi muốn đưa ra sự bổ sung, để xem xét từ một góc nhìn mới.

Trong hai ngày tới, cô Ursula Gauthier, một nhà báo Pháp sẽ bị chính quyền TQ trục xuất, phải rời khỏi nuớc TQ mà cô yêu mến. Khi tôi qua Pháp, tôi đã có dịp nói chuyện với cô ở nhà một người bạn. Cô ấy thực sự đam mê TQ, đặc biệt là về người TQ và văn hóa TQ. Hơn nữa, không giống như một số phóng viên giả vờ trung lập, cô thực sự là một phóng viên có lập trường mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền.

Hơn nữa, cô quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở TQ hơn cả các nuớc khác, có thể là do cô thông thạo tiếng TQ. Cô hiểu sâu văn hóa TQ, do đó cô cũng yêu thuơng người dân TQ. Khi tôi nghe tin cô bị buộc phải rời TQ, phản ứng đầu tiên của tôi là: ah, làm sao mà chế độ cộng sản đã chịu đựng được cô trong 6 năm qua ở TQ?

Có lẽ bức ảnh Tập Cận Bình làm nền cho hình của cô nói lên vấn đề này. Với sự hiểu biết tốt về văn hóa TQ, cô đã học được một kỹ xảo nhỏ để bảo vệ bản thân cô - cô học được cách tự bảo vệ mình qua ngụy trang giống như những người TQ đã làm, thay vì nói ra những suy nghĩ thật sự mà không phải lo ngại như những người trong xã hội tự do ở phương Tây. Vì như vậy sẽ không cho phép một người nào đó ở lại TQ trong 6 năm. Hoặc nếu không, cô sẽ chỉ như những phóng viên nước ngoài khác đã trở thành cái loa tuyên truyền dối trá cho chế độ Cộng sản - cả hai nhằm lừa dối người nước ngoài, nhưng cũng lừa dối người TQ khi tuờng thuật của họ được du nhập trở lại vào TQ.

Là phóng viên nước ngoài, người phóng viên không nên lừa dối độc giả của mình. Đây là tiêu chuẩn luân lý tối thiểu cho một nguời phóng viên. Nói chung, trong thời đại của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, các phóng viên ngoại quốc được chấp nhận cho đứng trên đường ranh luân lý này. Về những bài viết của các phóng viên nước ngoài được in ấn trên phương tiện truyền thông của họ, chính quyền TQ đã không đào bới sâu vào nội dung. Cùng lắm, thỉnh thoảng họ đưa ra một số cảnh báo, để chứng minh rằng không phải là chính phủ TQ không biết, nhưng chỉ là không muốn theo đuổi. Trong khi đó, nó cũng có nghĩa là chính phủ TQ vẫn chấp nhận tự do ngôn luận của các phóng viên nước ngoài tại các quốc gia gốc của họ.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã bắt bớ nhiều phóng viên nước ngoài cũng như cơ quan truyền thông của họ. Đó là bởi vì các cơ quan truyền thông này phơi bày chiến dịch chống tham nhũng giả tạo của Tập Cận Bình, thậm chí còn phơi bày sự tham nhũng của chính Tập Cận Bình và Vuơng Kỳ Sơn. Có lẽ các tài liệu này được cung cấp bởi các kẻ thù của họ (Tập và Vương) trong chế độ CS, dẫn đến sự nghi ngờ là các phóng viên có tham gia vào cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng CS, vì vậy nó dẫn đến phản ứng thậm chí nặng tay hơn.

Nhưng từ vài trường hợp này, chế độ CS đã phát hiện ra một thế giới mới. Đó là để làm ăn với TQ, các chính quyền phương Tây không thực sự quan tâm về tự do ngôn luận mà các phóng viên của họ được huởng (như ở phương Tây), hoặc không quan tâm nếu các phóng viên của họ có lừa gạt người dân phương Tây hay không - có lẽ các chính quyền phương Tây cũng nghĩ rằng dân mình có bị gạt cũng không sao.

Giống như họ (giới chức phương Tây) mất kiên nhẫn trong các vấn đề nhân quyền của TQ khi thương thuyết kín, họ có thể đã nói với những phóng viên phương Tây có lương tâm: Không nên sử dụng chút tự do đang có (khi làm việc ở TQ) để gây khó khăn cho các nhà đại tư bản của chúng ta. Chúng ta cần sự hỗ trợ (tài chánh) từ cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta để thắng cử. Nếu không có sự chấp thuận của chế độ cộng sản, đâu có công ty nào (đang làm ăn ở TQ) dám hỗ trợ chiến dịch tranh cử của tôi? Nếu tôi mất sự hỗ trợ của nhiều công ty, tôi có thể cũng mất luôn cơ hội thắng cử khi tái tranh. Đây là vấn nạn lớn của chúng ta.

Hiện nay, nhiều người phục vụ Tập Cận Bình đã từng học ở Mỹ và có sự hiểu biết khá rõ về các thiếu sót của chính trị phương Tây. Họ nhận ra rằng họ có thể khai thác các lỗ hổng này để chi phối chính trị và truyền thông phương Tây. Dưới thời đại của Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, họ đã rất thành công trong việc áp dụng phương pháp này để chi phối và gây ảnh hưởng lên chính trị phương Tây. Gần đây, Tập Cận Bình đã bỏ ra rất nhiều tiền cho các nước phương Tây, cho cùng một mục đích là tăng cường sự chi phối trên lãnh vực này.

Nhưng tại sao Cộng sản TQ đã chi tiêu rất nhiều tiền cho phương Tây trong nhiều thập kỷ qua; mà họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được các chính trị gia phương Tây? Vì còn có một vấn nạn - vấn nạn là các cơ quan truyền thông. Khi mà các cơ quan truyền thông không hoàn toàn kiểm soát được, thì các cử tri phương Tây không hoàn toàn bị lừa dối. Vì vậy, các chính trị gia gặp nhiều khó khăn khi hợp tác với Đảng CSTQ, vì khi các chính trị gia quan tâm về nhân quyền thì có được lợi thế lớn để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho họ.

Trong chiến dịch tranh cử gần đây ở Mỹ, các ứng cử viên có lợi thế nhất là những người đưa vấn đề TQ (nhân quyền, tin tặc, an ninh...) như chén nuớc thánh để tấn công các đối thủ của họ, và buộc đối thủ của họ phải thay đổi lập truờng, tấn công chống chế độ CS mạnh hơn. Sự thay đổi này cho thấy tính cách hiệu quả của chính sách cũ đã giảm; tức phương pháp tiếp cận bằng cách mua các nhà tư bản phương Tây qua cách cho họ có lợi ở thị trường TQ, và nhờ vậy có thể gián tiếp bỏ túi các chính trị gia, là không còn hữu hiệu nữa. "Cải cách chính trị" phải chọn một tư duy mới cho vấn đề này.

Tư duy mới này là nhắm vào giới truyền thông, đặc biệt là các phóng viên phuơng Tây ở TQ, và nhất là các phóng viên thông thạo tiếng TQ. Ý tưởng là giữ cho các phóng viên phương Tây mất thời giờ trong công việc của họ, do không giỏi tiếng TQ và phải sử dụng các bản tin một chiều từ ​​Tân Hoa Xã. Kết hợp với cả ưu đãi và trừng phạt, với cách tiếp cận vừa mềm mại và vừa cứng rắn, chính quyền TQ có thể kiểm soát các cơ quan truyền thông nước ngoài với mức độ của những năm 1970s.

Khi đó, chỉ có hai phóng viên Anh và Pháp là dám gặp tôi ở Bắc Kinh, ngay cả những phóng viên Mỹ cũng không dám. Các ông chủ của họ và các chính quyền phương Tây đã thậm thò muốn làm ăn ở TQ. Tôi đoán rằng trong chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình đến Hoa Kỳ (tháng 2/1979), ông đã bày tỏ chủ trương này đến Tổng thống Mỹ Carter lúc đó để đổi lấy sự ủng hộ của HK cho cuộc xâm lược của TQ vào Việt Nam. Sau đó, với sự mở cửa kinh tế, trong khi duy trì chính sách độc tài của Đặng Tiểu Bình, đã nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, có lẽ cũng đã được đàm phán bí mật trong thời điểm đó.

Bây giờ tình hình là Tập Cận Bình muốn đưa các chính sách đối nội trở về thời kỳ Mao Trạch Đông. Tất nhiên, ông cũng muốn trở lại thời kỳ ảo ảnh của phe tả khuynh phương Tây đã ảnh hưởng lên cử tri của họ. Dưới đây là phần quan trọng của nỗ lực này: làm cho truyền thông phương Tây không biết sự thật về TQ. Xu huớng thì giống như những năm xưa, khi các phóng viên phuơng Tây không hiểu tiếng TQ cho nên chỉ có thể đọc và sử dụng các thông tin báo chí một chiều của Tân Hoa Xã và của các cuộc họp báo.

Một khía cạnh khác rất quan trọng là người dân TQ, thậm chí các quan chức TQ, không tin các cơ quan truyền thông TQ, mà chỉ tin các cơ quan truyền thông nước ngoài. Vì vậy, để nhập khẩu lại các "tin tức" muốn có từ nước ngoài, là cách duy nhất để tiếp tục lừa dối nhân dân TQ. Vì vậy, việc kiểm soát các cơ quan truyền thông phương Tây thì không chỉ đơn thuần là vấn đề ngoại giao, nhưng là vấn đề toàn diện cho chế độ độc tài để có thể tiếp tục ở TQ. Đây là công việc chính yếu trong sự cai trị của Tập Cận Bình.

Ông ta chọn phóng viên Pháp để tấn công bởi vì Pháp là một nước nhỏ và đã trở nên ngày càng yếu trong những năm qua. Ngay cả Nhà Nuớc Hồi Giáo cũng chọn Pháp để tấn công đầu tiên. Vì thế, Tập Cận Bình hái trái hồng mềm đầu tiên và đã chọn Pháp. Có vẻ như Tập đã rất thành công và sẽ sớm áp dụng mạnh mẽ tư duy mới này để kiểm soát các cơ quan truyền thông nước ngoài.

Lời khuyên mà tôi muốn gởi đến cho những người bạn TQ của tôi, là không chỉ chúng ta không nên nghe những lời nói dối do các cơ quan truyền thông cộng sản đưa ra, mà chúng ta cũng còn nên phân tích những gì chúng ta nghe từ các cơ quan truyền thông phương Tây trong tương lai. Trong khi chúng ta cố gắng để ngăn chặn cho bản thân mình khỏi bị lừa bởi chế độ cộng sản, chúng ta cũng phải ngăn chặn sự lừa dối của các cơ quan truyền thông nước ngoài đang bị chính quyền TQ mua chuộc.

bit.ly/1OMQvOR


No comments:

Post a Comment