David Brewster
2/12/2015
Ngày 26/11/2015 Trung Quốc xác nhận đã đàm phán với Djibouti để xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên. Đây là bước đi vừa có tính biểu tượng lớn vừa thực tế trong sự nổi lên của TQ như một cường quốc quân sự toàn cầu.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm kiếm giải pháp lâu dài cho nhu cầu hậu cần ở Ấn Độ Dương. Kể từ năm 2008, hải quân TQ đã triển khai gần như liên tục ở Vịnh Aden để hỗ trợ cho các hoạt động chống cướp biển. TQ đã điều động 21 lực lượng, tổng cộng 60 tàu hải quân, cho phép một tỷ lệ khá tốt Hải quân TQ làm quen với việc 'hoạt động ở vùng biển xa' nói chung và Ấn Độ Dương nói riêng.
Ngày nay cướp biển ngoài khơi Somalia đã giảm xuống gần như không còn nữa, làm cho sự hiện diện liên tục của hải quân TQ ở tây Ấn Độ Dương không còn ý nghĩa. Bắc Kinh năm ngoái (2014) nói họ triển khai tàu ngầm đến Ấn Độ Dương để đuổi cướp biển Somali, làm thành câu chuyện tiếu lâm.
Nhưng TQ cần khả năng để đối phó với các tình huống có thể phát sinh trong khu vực này của thế giới. Trong ngắn hạn, TQ tập trung khả năng vào "các hoạt động quân sự không có tính cách chiến tranh" ở Ấn Độ Dương. Trong những năm gần đây, ta thấy TQ có các cuộc di tản với quy mô lớn công dân họ ở Libya (2011) và Yemen (2015), cũng như các hoạt động khác. Nhu cầu cho các hoạt động sơ tán phi chiến đấu sẽ tăng lên khi số lượng ngày càng nhiều dân Trung Quốc sống và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở các nước có bất ổn chính trị. Căn cứ Djibouti sẽ rất cần thiết trong việc triển khai hải quân và không quân TQ hầu đáp ứng các nhu cầu này.
Căn cứ Djibouti cũng sẽ cung cấp cho TQ khả năng đáp ứng tình huống có ảnh hưởng đến tự do hàng hải ở trong và ở xung quanh Vịnh Ba Tư, và ở đó nó có thể trở thành trung tâm điểm của sự hiện diện hải quân TQ toả rộng ra chung quanh. TQ không muốn dựa mãi vào Mỹ để cung cấp an ninh ở Ấn Độ Dương, và nghi vấn là trong dài hạn cam kết hải quân của Mỹ cho vùng Vịnh sẽ yếu dần khi Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu nhập khẩu ở vùng này. Ta cũng thấy TQ bắt đầu phát triển, tuy còn giới hạn, khả năng không cho tiếp cận (limited sea denial capabilities) ở Ấn Độ Dương để TQ có thể xoay trở nếu xảy ra việc các tuyến đường thông thương hàng hải trên biển bị ngăn chận hay có các vấn nạn bất thường khác. Điều này bao gồm việc gia tăng triển khai tàu ngầm và áp dụng giới hạn khả năng chống tiếp cận/không cho vào vùng (A2AD) ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc đang vất vả để sửa chửa định kiến của dư luận lâu nay cho là TQ có quan hệ đối ngoại đặc thù, khác biệt với Mỹ và những nước khác, một phần cũng vì quan điểm cho rằng TQ không có thiết kế đế quốc xa hơn biên cuơng của họ. Trong những năm qua, các quan chức cao cấp của TQ đã nhiều lần phủ nhận việc TQ có ý định thành lập 'các căn cứ quân sự' ở khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc gọi các cơ sở mới ở Djibouti là 'cơ sở hỗ trợ'. Các nhà phân tích Trung Quốc gọi nó là nhà kho hay trạm tiếp liệu để diễn tả nhu cầu của TQ ở Ấn Độ Dương. Nói cách khác, quân đội TQ chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ hậu cần trong khi quân đội các nuớc khác thì quan tâm về việc phóng lực ra bên ngoài.
Đối với một số người, loan báo của TQ về căn cứ ở Djibouti đã xác nhận những nghi ngờ lâu nay, cho dù Bắc Kinh nói ngược lại, là TQ hoạch định xây một 'xâu chuỗi' các căn cứ hải quân để bảo vệ các tuyến lưu thông hàng hải của TQ ở phía bắc Ấn Độ Duơng và cuối cùng chiếm ưu thế hải quân trong khu vực.
Nó có thể như vậy, nhưng nếu Bắc Kinh có một chiến lược như thế, thì chắc chắn họ sẽ làm từ từ và thận trọng. Cho đến nay, TQ rõ ràng đã khôn khéo không phát triển bất kỳ sự hiện diện hải quân hoặc quân sự nào tại các cảng mới xây dựng như Gwadar ở Pakistan, hay Hambantota ở Sri Lanka mà các bình luận gia thường cho là những nơi có thể trở thành các căn cứ hải quân của TQ. TQ dường như di chuyển từng bước một.
Một số các nhà phân tích về hải quân có uy tín của Mỹ hoài nghi về quan điểm 'xâu chuỗi' các căn cứ hải quân TQ. Họ cho rằng TQ có nhiều khả năng đi theo chiến lược 'cần chổ không cần ổ' (places not bases) ở Ấn Độ Dương, thay vì xây dựng căn cứ quân sự chuyên dụng nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động chiến đấu lớn. Chiến lược 'cần chổ không cần ổ' gồm có việc cần đạt thỏa thuận với các nước chủ nhà để tạm thời sử dụng cảng và các cơ sở khác trong trường hợp một tình huống nào đó trong các dự phòng đã xảy ra. Trên lý thuyết, điều này rẻ hơn và ít gây tranh cãi chính trị hơn là xây dựng các căn cứ hải quân, nhưng nó cần các chế độ thân thiện để Bắc Kinh có thể dựa vào.
Mặc dù có nhiều dư luận về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, nhưng danh sách các bạn bè chiến lược tin cậy của TQ trong khu vực thì quá ngắn. TQ có thể dựa vào Pakistan, nhưng kinh nghiệm gần đây của Bắc Kinh ở Sri Lanka và Myanmar cho thấy các chính phủ khác đang thận trọng về việc quá gần TQ.
Nhìn chung, quyết định thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti có lẽ là một chọn lựa tốt của Bắc Kinh. Đối với những người quan tâm về ý đồ của TQ, việc chọn Djibouti ít đáng lo hơn là các địa điểm khác. Djibouti lâu nay đã cho các căn cứ hải quân và quân sự nước ngoài, trong đó có Pháp, Mỹ và Nhật đặt ở đó, vì thế khó có thể nói rằng TQ có thể bỏ túi Djibouti. Các loan báo trước đây cho thấy TQ có kế hoạch xây dựng hải cảng và không cảng mới gần thị trấn Obock, hơi xa các cơ sở quân sự nước ngoài khác. Dù sao, sự hiện diện của các căn cứ nuớc khác ở Djibouti có thể được coi như là làm giảm thiểu khả năng TQ sẽ sử dụng cơ sở mới của mình để chống lại các lợi ích của phương Tây trong khu vực.
Khoảng cách của căn cứ mới ở Djibouti cách TQ hơn 10.000 km đường biển, là chỉ dấu cho thấy tham vọng của TQ để bảo vệ lợi ích xa bờ. TQ có thể đang tìm kiếm thêm các căn cứ hải quân từ những nơi khác ở châu Phi. Djibouti chỉ là căn cứ khai vị để mở đầu cho các căn cứ quan trọng hơn trong tương lai.
bit.ly/1Tt279e
Lê Minh Nguyên tóm lược
5/12/2015
No comments:
Post a Comment