Monday, May 4, 2015

Trung Quốc Theo Đuổi Lợi Ích Chiến Lược Và Xây Dựng Sự Hiện Diện Ở Nam Cực

Về địa chính trị, Trung Quốc là một quốc gia nằm ở vị trí bị thất thế. TQ không tiếp cận được cả Bắc Cực lẫn Nam Cực. TQ không có lợi ích kinh tế để phát triển về hướng bắc, thuộc Nga, vì rất ít dân và băng giá, hay hướng tây thuộc các nước có đuôi -stan vì ít dân, nghèo nàn với núi đồi và sa mạc, hay hướng đông mà Nhật đã chế ngự và biển khơi.

TQ muốn phát triển thì chỉ có hướng nam, nơi có 600 triệu dân nằm ven Biển Đông, sinh động kinh tế, và nếu kể thêm Ấn Độ thì gần 2 tỷ dân, nhưng hướng này về cả hai phương diện thuỷ bộ đều phải qua Việt Nam. Do đó, TQ nếu dưới các chế độ độc tài (quân chủ phong kiến hay cộng sản) thì muôn đời họ chỉ muốn cho VN yếu hay không tồn tại được. Hiệp Định Geneva 1954 chia đôi đất nước do TQ thúc đẩy, cảnh núi xuơng sông máu dưới mỹ từ "giải phóng Miền Nam" là do TQ cung cấp dồi dào súng đạn cho Miền Bắc để mặc thị đổi lấy biển đảo VN, đến năm 1975 khi Miền Bắc xâm chiếm được Miền Nam thì TQ chống lại việc thống nhất, chủ trương có 2 VN.

VN chỉ có thể tồn tại và phát triển mạnh khi TQ có chế độ dân chủ tự do, vì đặc tính của chế độ này là cộng tồn (co-existence) và giải quyết văn minh các tranh chấp dựa trên công pháp và án lệ quốc tế. Hoa Kỳ, Canada, và Mexico vì cùng có chế độ dân chủ tự do nên cùng hiện hữu trong hoà bình và phát triển.

Vùng Bắc Cực, TQ không là 8 nước có biên cương giáp với Bắc Cực (HK, Canada, Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan và Nga) nên không có chân trong Hội Đồng Bắc Cực (The Arctic Council) được thành lập năm 1996. Tuy nhiên, TQ muốn dòm ngó vùng này nên đã xin làm 1 trong 6 thành viên quan sát (observer status) của hội đồng (TQ, Ấn, Ý, Nhật, Nam Hàn và Singapore), đồng thời TQ o bế và đầu tư lớn vào Iceland là một quốc gia có tư cách thành viên chính thức trong hội đồng.

Ở Nam Cực, ông Tập Cận Bình ngày 18/11/2014 đã đi trên tàu phá băng nghiên cứu Nam Cực tên Băng Long (Xuelong hay Snow Dragon) của TQ ở bến Hobart, phía cực nam nước Úc, thủ phủ của đảo Tasmania, cách Nam Cực 2,000 dặm, sau khi ký với Thủ Tướng Úc Tony Abbott một thoả ước 5 năm để hợp tác phát triển Nam Cực (nyti.ms/1R3AK6l).

Thoả ước này cho phép tàu và máy bay TQ được tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm trước khi đi Nam Cực. Điều này sẽ giúp đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng hơn với khu vực được cho là có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản to lớn; với số lượng khổng lồ các hải sản có hàm lượng protein cao; và có thể trong tương lai cho nhu cầu cấp thiết về nuớc ngọt chứa trong các núi băng trôi.

Mãi cho đến năm 1985, khoảng 70 năm sau khi Ernest Shackleton và Roald Amundsen thám hiểm Nam Cực, đội thám hiểm Bắc Kinh mới treo được cờ TQ trên trạm nghiên cứu Nam Cực đầu tiên của TQ, Trạm Trường Thành (Great Wall Station) trên đảo King George Island.

Nhưng bây giờ TQ có vẻ quyết tâm muốn đuổi bắt cho kịp, khi mà Hoa Kỳ và Úc đang chựng lại vì vấn đề ngân sách.

TQ đã xây trạm thứ tư năm 2014, đã chọn chổ cho trạm thứ năm, đang 
đầu tư vào một tàu phá băng thứ hai và các máy bay có khả năng đáp trên băng tuyết cùng các trực thăng. TQ là nuớc phát triển nhanh nhất trong số 52 nước ký vào Hiệp Uớc Nam Cực năm 1959. Hiệp Ước này cấm các hoạt động quân sự ở Nam Cực, bảo vệ vùng hoang sơ cuối cùng của thế giới; cùng với một một hiệp ước liên quan khác cấm khai thác khoáng sản.

Nhưng chuyến viếng thăm của ông Tập là dấu hiệu cho thấy TQ chuẩn bị để tận dụng lợi thế tiềm năng riêng để khai thác tài nguyên của Nam Cực khi hiệp ước hết hạn vào năm 2048, hoặc trong trường hợp nó bị xé trước đó - theo nhận xét của các chuyên gia TQ và Úc. 

Ông Yang Huigen, Tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Cực Địa Cầu (the Polar Research Institute of China) của Trung Quốc, đã tháp tùng ông Tập trong chuyến viếng thăm Hobart và đứng cạnh ông trên tàu phá băng Xue Long, nói rằng "Cho đến nay, nghiên cứu của chúng tôi có nền tảng trên khoa học tự nhiên, nhưng chúng tôi quan tâm nhiều hơn về vấn đề an ninh tài nguyên".

Với ý nghĩ đó, gần đây Viện đã mở một chi nhánh mới chuyên nghiên cứu về tài nguyên, luật pháp, địa chính trị và việc quản trị ở Nam Cực và Bắc Cực, ông Yang nói.

Úc, một đồng minh chiến lược của HK và có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với TQ, đang nhìn TQ bành trướng xây dựng ở Nam Cực với sự vui buồn lẫn lộn, sự hiện diện của TQ giúp cho chương trình nghiên cứu Nam Cực của Úc được hoạt động dù đang thiếu tiền, nhưng kèm theo đó là sự lo ngại TQ.

Ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc (the Australian Strategic Policy Institute) và là một cựu viên chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng Úc, nói "Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa về một lộ trình sâu xa hơn của TQ - lộ trình không những được sự đồng ý của các nhà khoa học TQ mà còn được thúc đẩy bởi ông Tập, và nhiều khả năng, bởi những người kế nhiệm ông".

"Đây là một phần của bức tranh rộng lớn hơn về cách tiếp cận trọng thương toàn cầu của TQ," ông Jennings nói thêm. "Động lực chính yếu của chính sách TQ là để đảm bảo truờng kỳ các nguồn cung cấp năng lượng và thực phẩm".

Cách tiếp cận này thể hiện rõ ràng hồi tháng 4/2015, khi một công ty nông nghiệp lớn của TQ công bố mở rộng các hoạt động đánh cá của mình xung quanh Nam Cực để bắt thêm nhiều tép (krill) - giàu protein và có rất nhiều ở vùng biển Nam Cực.

Ông Liu Shenli, Chủ tịch của Tập đoàn Phát triển nông nghiệp quốc gia Trung Quốc (the China National Agricultural Development Group), nói với China Daily, tờ báo của nhà nước TQ "Nam Cực là một kho báu cho nhân loại, và TQ nên đến đó để chia sẻ". Ông cho biết, TQ có mục đích nâng việc bắt tép lên 2 triệu tấn một năm, gia tăng đáng kể so với mức TQ hiện đang thu hoạch.

Do bởi chủ quyền ở Nam Cực không rõ ràng, các quốc gia đã tìm cách để củng cố tuyên bố chủ quyền của họ đối với vùng đất phủ băng này, bằng cách xây dựng các trạm nghiên cứu và đặt tên bằng ngôn ngữ nuớc mình cho các điểm địa lý. Với việc xây trạm thứ 5th, TQ có gần ngang tầm với HK (6 trạm) và đi trước Úc (3 trạm).

Những nguời vẽ bản đồ TQ đã đặt tên tiếng TQ cho hơn 300 địa điểm, so với hàng ngàn địa điểm ở Nam Cực có tên tiếng Anh.

Trong cuộc cạnh tranh ngầm cho tương lai của Nam Cực, các thành tựu khoa học cũng có thể chuyển thành ảnh hưởng chủ quyền. Các nhà khoa học TQ đang nổ lực để trở thành nước đầu tiên khoan và đem lên được một lõi băng chứa bọt khí nhỏ ghi lại dấu vết của cuộc biến đổi khí hậu cách nay 1.5 triệu năm. Đây là nỗ lực khó khăn và tốn kém mà Liên minh châu Âu và Úc đều đã thất bại.

Trong bước đột phá cách đây một thập niên, các nhà khoa học châu Âu đã khoan rút ra một lõi băng dài gần hai dặm ghi lại lịch sử của khí hậu trong 800,000 năm qua. Nhưng tìm một lõi băng có lịch sử xa xưa hơn sẽ cho phép các nhà khoa học nhận diện được các chu kỳ khí hậu của địa cầu mà họ tin rằng đã xảy ra cách nay khoảng 900,000 đến 1.2 triệu năm.

Trung Quốc đang đặt cược vào một vị trí mà họ cho là tốt nhất để khoan, ở khu vực có tên Dome A, hay Dome Argus, điểm cao nhất của tấm băng phía đông Nam Cực (East Antarctic Ice Sheet). Mặc dù được coi là một trong những nơi lạnh nhất của hành tinh, với nhiệt độ -130 độ Fahrenheit (-90 độ C), đoàn thám hiểm TQ đã khám phá khu vực này năm 2005 và lập trạm nghiên cứu năm 2009.

Ông Xiao Cunde, một thành viên của nhóm TQ đầu tiên đến nơi này và hiện nay là Phó giám đốc Viện Nghiên Cứu Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Môn Các Khoa học Khí tượng Trung Quốc (the Institute for Climate Change at the Chinese Academy of Meteorological Sciences) cho biết "Cộng đồng quốc tế đã khoan ở nhiều nơi, nhưng cho đến nay không gặp may mắn". "Chúng tôi nghĩ rằng tại Dome A, chúng tôi sẽ có một cú khoan thẳng vào lõi băng một triệu năm."

Ông Xiao cho biết Trung Quốc đã bắt đầu khoan và hy vọng các nhà khoa học sẽ tìm thấy được những gì họ muốn trong 4 đến 5 năm.

Ông Xia Limin, Phó giám đốc của cơ quan Hành Chánh Nam-Bắc Cực TQ (Chinese Arctic and Antarctic Administration) ở Bắc Kinh cho biết: Để hỗ trợ cho khát vọng Nam Cực, TQ đang xây một tàu phá băng tối tân $300 triệu đôla, dự kiến ​​sẽ hoàn thành trong vài năm tới, TQ cũng đã mua một máy bay cánh cố định tối tân do HK trang bị, để dò những âm thanh khoa học nhạy cảm từ đá băng.

TQ đã chọn trạm nghiên cứu thứ 5th của mình tại đảo Khôn Tả (Inexpressible Island), tên do bởi một nhóm các nhà thám hiểm người Anh bị mắc kẹt ở nơi hoang vắng này năm 1912 và sống sót qua mùa đông bằng cách đào hang nhỏ trong băng để trú.

Ông Xia cho biết vị trí khó sống do quá lạnh này thì lý tưởng cho TQ vì TQ chưa có sự hiện diện trước đây ở nơi này của Nam Cực, và vì nơi này là núi đá nên không có nhiều tuyết, tương đối rẻ để xây dựng.

Bà Anne-Marie Brady, giáo sư chính trị họ tại Đại học Canterbury ở New Zealand và là tác giả của cuốn sách sắp phát hành, "Trung Quốc như một quyền lực của cực địa cầu" (China as a Polar Great Power), cho biết các nhà khoa học TQ tin rằng họ có cơ hội tốt trong việc tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng ở gần trạm này.

"Trung Quốc đang chơi một trò chơi lâu dài ở Nam Cực, và họ muốn để cho các nước khác phỏng đoán những ý định và lợi ích thực sự của họ như là một phần của nghệ thuật đánh phé/poker", bà Brady nói. Tuy nhiên, bà nhận xét, lợi ích của TQ trong việc tìm kiếm khoáng sản đã được trình bày "to và rõ cho quần chúng trong nước" như là lý do chính để TQ đầu tư vào Nam Cực.

Bởi vì việc khoan để phục vụ thương mại bị cấm, cho nên các ước tính về nguồn tài nguyên của năng lượng và khoáng sản ở Nam Cực dựa trên các dữ liệu viễn thám và so sánh nó với các khung cảnh địa chất tương tự nằm ở những nơi khác, ông Millard F. Coffin, giám đốc điều hành của Viện Nghiên Cứu Hàng hải và Nam Cực (the Institute for Marine and Antarctic Studies) ở Hobart nói.

Nhưng sự khó khăn trong việc khai thác trong những điều kiện khắc nghiệt như vậy, và giá mua bán truớc (future) tài nguyên trên các sàn chứng khoán không ổn định làm cho TQ hay bất cứ nước nào không muốn phá hiệp uớc cấm khai thác tài nguyên trước khi hiệp uớc này mãn hạn.

Tuy nhiên du lịch đã phát triển mạnh. Khách du lịch Nam Cực từ TQ vẫn còn tương đối nhỏ so với hơn 13,000 người Mỹ đã đi vào năm 2013, TQ cũng chưa có các nhà khai thác tour du lịch được chính thức cấp giấy phép.

Nhưng nó sẽ nhanh chóng thay đổi, ông Anthony Bergin, Phó giám đốc của Viện Chính sách Chiến lược Úc nói "Theo tôi biết, không lâu nữa sẽ có những du khách TQ đi trên các tàu của TQ với tất cả thủy thủ đoàn là người TQ đến Nam Cực".


Lê Minh Nguyên tóm lược










No comments:

Post a Comment