Tin Thế Giới
1.
Bầu cử Israel: Đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu thắng cử
Ông Benjamin Netanyahu sẽ giữ chức thủ tướng Israel cho một nhiệm kỳ thứ tư sau khi đảng Likud của ông giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội.
Thủ tướng Netanyahu hôm nay cho biết ông sẽ thành lập chính phủ liên hiệp trong vòng 2 hoặc 3 tuần nữa, sau khi đảng Likud lập trường bảo thủ của ông giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội.
Trong lúc hầu như toàn bộ phiếu bầu đã kiểm xong, đảng Likud chiếm 30 ghế, trong khi đối thủ chính của đảng này là Liên minh Đại Do thái giành được 24 ghế.
Một thông cáo của văn phòng của ông Netanyahu cho biết ông đã tiếp xúc với các đảng nhỏ hơn để thành lập một liên minh gồm 61 ghế mà ông cần có để nắm quyền. Một đảng chính trong liên minh sẽ là đảng Kulanu có chủ trương trung dung. Đảng này chiếm được 10 ghế trong cuộc đầu phiếu hôm thứ 3.
Thủ tướng Netanyahu nói “Người dân Israel trông đợi chúng tôi nhanh chóng thành lập một đội ngũ lãnh đạo để làm việc cho họ trong các lãnh vực an ninh, kinh tế và xã hội trong lúc chúng tôi có quyết tâm làm như vậy và chúng tôi sẽ làm như vậy.”
Lãnh tụ Đảng Liên minh Đại Do thái Isaac Herzog thừa nhận thất bại và cho biết ông đã gọi điện thoại cho ông Netanyahu để chúc mừng. Ông cũng cho báo chí biết rằng đảng của ông sẽ tiếp tục phục vụ nhân dân Israel trong tư cách là một thành viên của phe đối lập.
Trong khi đó, một viên chức cấp cao của Thẩm quyền Palestine Abdullah Abdullah bày tỏ thất vọng trước kết quả bầu cử ở Israel.
“Điều không may là đảng Likud sẽ thành lập chính phủ kế tiếp và điều đó có nghĩa là chính sách cũ sẽ tiếp tục,” ông Abdullah nói. Ông nói thêm rằng “Ông Netanyahu đã nói rất rõ trong những ngày chót của cuộc vận động bầu cử là ông ấy sẽ không cho phép thành lập một quốc gia của người Palestine, ông ấy sẽ không rút khỏi những phần đất của người Palestine một tấc nào, toàn bộ Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô của Israel và điều đó có nghĩa là mọi sự lựa chọn cho cuộc thương thuyết hòa bình đều bị loại bỏ.”
Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố ông sẽ không bao giờ ủng hộ việc thành lập một quốc gia của người Palestine, trái với chủ trương mà chính phủ ông đã theo đuổi trong lúc tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với phe Palestine. Cuộc đàm phán này rốt cuộc đã đổ vỡ hồi tháng tư năm ngoái. - VOA
|
|
2.
Mỹ kêu gọi ASEAN thành lập lực lượng tuần tra chung tại Biển Đông
Phát biểu tại Malaysia vào hôm qua, 17/03/2015, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ đã kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thành lập một lực lượng hải quân hỗn hợp để tuần tra tại vùng Biển Đông, nơi đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đang càng lúc càng căng thẳng.
Theo Phó Đô đốc Robert Thomas, các nước hoàn toàn có thể hợp tác với nhau để bảo đảm được vấn đề an ninh trên biển mà vẫn tôn trọng chủ quyền và vùng duyên hải của các quốc gia khác. Ví dụ rõ nhất về khả năng này là hợp tác quốc tế trong chiến dịch chống cướp biển ở Vịnh Aden.
Phát biểu với tư lệnh Hải quân các nước khác nhân cuộc Triển lãm Hàng hải và Hàng không Không gian Quốc tế Langkawi ở Malaysia, Tư lệnh Hạm đội 7 công nhận rằng vấn đề này "nói thì dễ, nhưng làm thì khó hơn", nhưng nếu các quốc gia ASEAN đi đầu trong việc này, thì: "Hãy tin tôi, Hạm đội 7 của Hoa Kỳ sẽ sẵn lòng hỗ trợ".
Tuyên bố của Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ được cho là một dấu hiệu trấn an gởi đến các đồng minh, theo đó Hoa Kỳ sẽ ủng hộ các nước này trong việc đối phó với ý đồ của Trung Quốc, muốn chiếm trọn 4 phần 5 Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh càng lúc càng gia tăng sức ép trên các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bằng cách tăng tốc độ và cường độ bồi đắp các bãi ngầm hay rạn san hô mà họ đã lấn chiếm, thậm chí đánh chiếm của Việt Nam và Philippines, biến các nơi này thành các hòn đảo nhân tạo, có thể được dùng làm bàn đạp quân sự giúp Bắc Kinh thao túng toàn vùng Biển Đông.
Chính Phó Đô đốc Thomas, vào tháng Giêng vừa qua, đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ khuyến khích Nhật Bản mở rộng phạm vi tuần tra của quân đội nước này từ vùng Biển Hoa Đông qua vùng Biển Đông, một đề xuất được Tokyo đáp ứng thuận lợi.
Còn trong một bài phỏng vấn được công bố hôm 16/03/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã tuyên bố hoan nghênh việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở Biển Đông.
Đề xuất thành lập một lực lượng tuần tra biển chung của khối ASEAN tuy nhiên đã bị một vài chuyên gia cho là không tưởng.
Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Richard Bitzinger, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định rằng việc thành lập một lực lượng tuần tra biển chung là "một ý tưởng tốt đẹp, nhưng nó sẽ không bao giờ trở thành một thực tế có ý nghĩa".
Theo chuyên gia này, ngoài các khó khăn kỹ thuật trong việc tạo dựng khả năng phối hợp tác chiến giữa các nước, trang bị các thiết bị thông tin liên lạc đồng nhất, chấp thuận chia sẻ thông tin tình báo, còn có một vấn đề nan giải khác. Đó là tất cả các nước phải có cùng nhận thức về mối đe dọa chung.
Trong trường hợp Biển Đông, rõ ràng là có nhiều nước ASEAN không xem Trung Quốc là mối đe dọa. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Đệ nhất phu nhân Mỹ thăm Châu Á
Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama tới Nhật Bản trong chuyến công du 3 ngày nhằm nêu bật sáng kiến của bà về giáo dục dành cho nữ giới toàn cầu.
Bà Obama đáp máy bay đến thủ đô Tokyo tối thứ tư (giờ địa phương). Ngày mai, bà sẽ có các cuộc gặp riêng với Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân Akie. Bà cũng dự định hội kiến Nhật hoàng và hoàng hậu trước khi tới điểm nóng du lịch Kyoto vào thứ sáu.
Năm ngoái, bà Obama không thể tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du Nhật Bản và chuyến thăm của bà lần này được xem là để bù đắp cho sự vắng mặt đó.
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc cho biết đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ loan báo đối tác Mỹ-Nhật trong sáng kiến mang tên ‘Hãy để các trẻ em gái được đi học’, đưa giáo dục tới 62 triệu trẻ em gái trên toàn cầu chưa được đi học.
Vào ngày thứ sáu, bà Obama sẽ lên đường sang Campuchea, một trong 11 quốc gia nằm trong sáng kiến này từ đầu. Đây là lần đầu tiên một đương kim đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tới thăm Campuchea.
Tại đây, bà Obama sẽ gặp đệ nhất phu nhân Campuchea, Bun Rany và những tình nguyện viên của chương trình Đoàn Hòa Bình Peace Corps của Mỹ vốn đóng vai trò then chốt trong việc giúp mở rộng tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái.
Trong bài thể hiện quan điểm đăng trên The Wall Street Journal tuần này, bà Obama nhấn mạnh 62 triệu trẻ em gái chưa được tới trường là một sự phí phạm tiềm năng nhân lực khủng khiếp.
Bà Obama nói ‘Đây cũng là một thử thách nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, làm trì trệ các nền kinh tế quốc gia và sự thịnh vượng của toàn thế giới, cũng như đe dọa an ninh các nước trên toàn cầu, kể cả đất nước của chính chúng ta.’ - VOA
|
|
Tin Việt Nam
4.
New Zealand ‘do thám’ quan chức Việt Nam?
“New Zealand do thám Việt Nam và một loạt các nước khác nhằm trám vào lỗ hổng trong hoạt động tình báo trên khắp thế giới do Cơ quan An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ (NSA)”.
Tờ The New Zealand Herald mới đưa tin như vậy sau khi phân tích nhiều trang tài liệu được Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của NSA, cung cấp.
Nhật báo có số lượng phát hành thuộc loại lớn ở quốc đảo nằm ven bờ Thái Bình Dương nhận định rằng việc đó cho thấy sự khác biệt giữa chính sách ngoại giao chính thức và bí mật của New Zealand.
“Việt Nam không phải là mối đe dọa an ninh hay khủng bố đối với New Zealand, nhưng vẫn nằm trong danh sách bị do thám,” tờ báo viết.
The New Zealand Herald dẫn lời các tài liệu được Edward Snowden tiết lộ cho biết rằng cơ quan an ninh quốc gia New Zealand sử dụng hệ thống có tên gọi Warriorpride để “cài phần mềm độc hại vào các máy tính, cũng như theo dõi liên lạc của các máy điện thoại di động, trong đó có iPhone và loại sử dụng hệ điều hành Android”.
Theo nhận định của một số chuyên gia, thông tin này nhiều khả năng sẽ làm sứt mẻ quan hệ vốn nồng ấm giữa Việt Nam và New Zealand, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chuyến công du đầu tiên tới quốc đảo nằm ven bờ Thái Bình Dương này vào ngày mai, 19/3.
Ông Nicky Hager, phóng viên điều tra, tác giả bài báo trên tờ The New Zealand Herald, cho VOA Việt Ngữ biết ông và các đồng nghiệp của ông bất ngờ phát hiện vụ do thám này trong khi tìm kiếm thông tin thông tin liên quan tới New Zealand trong các tài liệu mà cựu chuyên viên phân tích tình báo Mỹ Edward Snowden công bố.
“Các tài liệu không đề cập tới lý do vì sao họ lại chọn do thám Việt Nam. Theo nhận định của tôi, trong khi New Zealand có mối quan hệ thân thiện với Việt Nam và thương mại giữa hai nước đang trên đà tăng trưởng, thì vụ do thám này chắn chắn cho thấy New Zealand muốn giúp đỡ Hoa Kỳ vì là đối tác của Washington trong nhóm “Năm cặp mắt”.
Tin chức cho hay, nhóm liên minh tình báo này bao gồm năm nước trong đó có Mỹ, New Zealand, Australia, Canada và Anh.
Chuyên gia về vấn đề do thám này cũng nói thêm rằng nhóm nghiên cứu của ông đã liên lạc với chính phủ New Zealand, nhưng theo lời ông, “họ không bình luận bất kỳ điều gì về vấn đề này”.
Nhưng theo ông Hager, “điều đó cũng vô nghĩa vì đó là các tài liệu nội bộ của họ nên không còn nghi ngờ gì về việc thông tin đó là đúng”. Nhà báo điều tra nói thêm:
“Những tài liệu đó cho thấy rằng New Zealand đang thực hiện một chính sách ngoại giao hai mặt. Một mặt nước này công khai tỏ ra thân thiện với các quốc gia ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tỏ ra không có kẻ thù với ai, nhưng mặt khác lại có chính sách liên kết với Mỹ, do thám các quốc gia mà New Zealand coi là bạn hữu”.
Việt Nam chưa lên tiếng bình luận về những cáo buộc do tờ The New Zealand Herald đưa ra.
Qua email, VOA Việt Ngữ cũng đã đặt câu hỏi phỏng vấn với Đại sứ New Zealand ở Việt Nam, ông Haike Manning về quan hệ Việt Nam-New Zealand cũng như các cáo buộc do thám nhưng đại diện của cơ quan ngoại giao này nói ông sẽ có buổi họp báo vào ngày 26/3 để “giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới New Zealand”.
Các cáo buộc về việc do thám xuất hiện trước chuyến thăm kéo dài 2 ngày được coi là nhằm củng cố quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa rõ là người đứng đầu chính phủ Việt Nam có bày tỏ quan ngại về vấn đề vốn từng gây sứt mẻ quan hệ giữa nhiều quốc gia trên thế giới hay không.
Hai quốc gia sẽ đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2015.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hợp tác kinh tế song phương “phát triển mạnh với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 300 triệu USD năm 2009 lên 794 triệu USD năm 2014”.
Hồi cuối năm 2013, báo chí Úc cũng đã dẫn tài liệu mật của NSA cho biết rằng các cơ quan đại diện ngoại diện của Canberra đã được dùng để nghe lén điện thoại và lọc dữ liệu tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, như một phần của hệ thống do thám của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Australia sau đó đã từ chối bình luận về các vụ do thám này.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới quan hệ Việt Nam-Australia, thủ tướng hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh sau các cuộc thảo luận tại Canberra nhân chuyến thăm Australia của ông Nguyễn Tấn Dũng, trong đó cả hai bày tỏ sự lo ngại về việc Trung Quốc “diễu võ giương oai” ở biển Đông. - VOA
|
|
5.
Việt Nam-Australia siết chặt quan hệ an ninh
Việt Nam và Australia đồng ý tăng cường thêm nữa các mối quan hệ an ninh trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến viếng thăm chính thức tới Australia. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại trung tâm tin tức Đông Nam Á ở Bangkok, việc này diễn ra trong lúc ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đang gia tăng và vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục gây ra nhiều mối căng thẳng.
Loan báo về việc tăng cường các mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia được đưa ra trong lúc Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị kết thúc chuyến viếng thăm chính thức kéo dài hai ngày. Trước đó, người đứng đầu chính phủ ở Hà Nội nói rằng các nước trong khu vực nên tự chế để tránh làm cho căng thẳng leo thang.
Tại cuộc họp báo ở Canberra, ông Dũng cho biết Việt Nam và Australia đồng ý với nhau về tầm quan trọng của an ninh biển và tự do hàng hải ở Biển Đông và sự cần thiết của việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Trung Quốc hồi gần đây đã gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, một khu vực có những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau của nhiều nước, kể cả Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan.
Việt Nam và Philippines cho biết họ sẽ ủng hộ cho nhau, sau khi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài ở La Haye về yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo thỏa thuận mới đạt được ở Canberra, 120 nhân viên quân đội Việt Nam sẽ được huấn luyện ở Australia và Việt Nam sẽ tham gia các cuộc thao dượt quân sự hỗn hợp. Hai nước đã thiết lập quan hệ quốc phòng vào năm 1999. Từ đó tới nay, hơn 1.200 binh sĩ Việt Nam đã tham gia các chương trình hợp tác về giáo dục, đào tạo quân sự.
Ông Christopher Roberts, giáo sư chính trị học của Đại học New South Wales, cho biết những thỏa thuận này nêu bật mối quan tâm của Việt Nam và Australia về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
"Nó cho thấy, ở một mức độ, một sự bày tỏ quan tâm không những của Việt Nam mà của cả Australia về những hành động hồi gần đây, nhất là trong vòng 6 hoặc 7 năm qua – một số những hành động đã gia tăng trong khoảng một năm vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông. Và dĩ nhiên, theo cái nhìn của Australia, vấn đề quan trọng nhất là lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông và một cách rộng lớn hơn là nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc."
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tự chế để tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, kể cả việc sử dụng sức mạnh quân sự và đơn phương thay đổi hiện trạng.
Ông Carl Thayer, một nhà phân tích chính trị Á châu, cho biết một yếu tố chính đối với Việt Nam là Australia có một mối quan hệ rất chặt chẽ với Hoa Kỳ.
"Australia là đồng minh của Mỹ. Đó là điểm then chốt – xích gần hơn tới Australia thì Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới chỗ có được một hiệp định đối tác chiến lược với Philippines. Và sau đó quí vị sẽ có được một số lợi thế trong mối quan hệ. Quí vị được xem là một nước có trách nhiệm, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế."
Giáo sư Thayer nói rằng sự hội tụ của những quyền lợi giữa Australia và Việt Nam mỗi lúc một tăng vì sự căng thẳng trong môi trường an ninh và sự thay đổi cán cân quyền lực giữa các cường quốc thế giới.
Thông cáo chung Việt Nam-Australia cũng đề cập tới sự gia tăng hợp tác tại các định chế đa phương, như Liên hiệp quốc, APEC và ASEAN.
Quan hệ kinh tế giữa Australia và Việt Nam cũng đang trên đà gia tăng. Kim ngạch mậu dịch hai chiều đã lên tới mức 6 tỉ đô la năm 2014, và trong số các nước ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước có tỉ lệ tăng trưởng mậu dịch cao nhất với Australia.
Theo lịch trình đã được ấn định, Bộ trưởng Thương mại Australia sẽ đi thăm Việt Nam trong năm nay với một phái đoàn cấp cao để bàn về những kế hoạch thương mại và đầu tư.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm New Zealand, là nước mà quan hệ thương mại với Việt Nam cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ trong vòng 5 năm, thương mại hai chiều đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 794 triệu đô la vào năm 2014. - VOA
|
|
6.
Dư Luận Viên lên báo chí nhà nước
Công an Hà Nội cho biết chính phủ không liên quan gì đến nhóm dư luận viên ngăn cản người dân đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết Tử ở thủ đô sáng 14 tháng Ba vừa qua.
Trong một cuộc họp báo, Thiếu Tướng Nguyễn Đức Chung, Giám Đốc Công An Hà Nội cho rằng nhóm thanh niên mặc áo đỏ có in logo giống như logo của công an và dòng chữ viết tắt là DLV chỉ là một nhóm tự phát, hoạt động của họ không do công an thủ đô hay ban tuyên giáo điều khiển.
Trong hai ngày 17 và 18 tháng ba, các tờ báo lớn của Việt nam đã đồng loạt đưa tin này có trích lời tướng Nguyễn Đức Chung. Sau đây là ghi nhận ý kiến một số người có tham dự vào sự việc ngày 124/3 cũng như một số nhà báo Việt nam.
Một sự thay đổi về nhận thức?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, từng làm việc cho báo Thanh niên tại TP HCM cho biết:
“Lần đầu tiên công an Hà nội lên án những người đó, cho đó là những kẻ quậy phá và phải đi điều tra xác minh. Rồi nói những người đi tưởng niệm là những người yêu nước. Chứ hồi xưa tới giờ…. Mới cách đây mấy ngày có bài trên báo quân đội cho đó là những người phá nước. Đây là một bất ngờ lớn đối với công luận ở Việt nam.”
Kỹ sư Nguyễn Tiến Trung từ TP HCM cũng cho biết anh cũng thấy việc cơ quan công an và báo chí nhà nước lên tiếng về việc cản phá buổi lễ tưởng niệm là một sự lạ:
“Những lần đi dâng hương trước đây lần nào cũng bị quấy phá nhưng chưa bao giờ cơ quan công an hay báo chí lên tiếng, nhưng lần này thì lại có sự lên tiếng chính thức thì đó là một sự lạ. Việc này có thể là sự chuyển biến trong nhận thức của cơ quan chức năng, của chính quyền. Vì nếu cứ để cái tình trạng những người tự xưng là dư luận viên ngăn cản những người yêu nước đi tưởng niệm những liệt sĩ Hoàng sa, Trường sa, thì không thể chấp nhận được, vì nó chẳng khác nào ủng hộ Trung quốc cả.”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nói rằng việc truyền thông Việt nam đồng loạt đưa tin về những diễn biến của buổi tưởng niệm ngày 14/3 ở Hà nội rằng báo chí Việt nam đã vượt qua được một nỗi sợ mơ hồ khi đụng tới những cuộc biểu tình không do nhà nước tổ chức.
Ông Nguyễn Hữu Vinh một nhà báo tự do nói rằng phát biểu của tướng Chung là do ông có mặt tại nơi diễn ra buổi tưởng niệm:
“Ông Nguyễn Đức Chung đã thấy được những người đi tưởng niệm. Họ là ai? Làm những cái gì? Có phù hợp luật pháp không? Tinh thần đó ra sao? Và chính ông Nguyễn Đức Chung đã phát biểu rằng đấy là những người yêu nước.”
Những người có mặt nói gì?
Ông Nguyễn Hữu Vinh có mặt tại buổi lễ tưởng niệm ngày 14 tháng 3 ở Hà nội cho biết là lần này nhóm của ông bị cản phá mạnh hơn những lần trước:
“Lần này có khác hơn là có cả cờ đỏ búa liềm, rồi hô rồi hét là như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng, rồi là đảng cộng sản Việt nam quang vinh muôn năm. Điều đó tạo nên một sự phản cảm vô cùng lớn trên các trang mạng xã hội, cũng như là đối với du khách nước ngoài và người dân có mặt ở bờ hồ sáng hôm đó.”
Chúng tôi liên lạc được với anh Nguyễn Quang Bách, thuộc nhóm được gọi là Dư luận viên sáng ngày 14/3. Anh Bách nói rằng anh thuộc một nhóm tên là Viet Vision và báo chí đã không đưa đúng sự thật.
“Hai ngày vừa qua báo chí đưa tin không có lợi cho nhóm Viet Vision. Tôi nghĩ là hôm 14 tháng ba vừa rồi cả hai tổ chức No-U và Viet-Vision đều phải công bằng vì cả hai bên đều đi tưởng niệm. Theo tôi thì các bài báo không đúng sự thật, nó không được công bằng vì nhà báo không xác minh được ai là kẻ gây rối, ai là kẻ ngăn cản. Trong các video clip được ghi lại thì nhóm No-U cũng gây rối, ngăn cản nhóm Viet Vision tưởng niệm hôm 14/3.”
Khi được hỏi là nghĩ thế nào khi trong ngày đau buồn kỷ niệm mất đảo Garma mà lại hát như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng anh Bách nói là nhóm của anh không có hát như thế:
“Nhóm Viet Vision không có liên quan gì đến các sinh viên. Sau đó nhóm Viet Vision có phỏng vấn những sinh viên đang nhảy múa ở đấy, thì các bạn trả lời là đây là một sự kiện do đoàn trường tổ chức bao gồm bốn đại học, là đại học ngân hàng, đại học y dược, đại học giao thông vận tải, và đại học văn hóa các bạn giao lưu với nhau. Các bạn sinh viên tình nguyện giao lưu với nhau. Ở trong nước thì việc quan tâm đến các vấn đề lịch sử của một số bạn trẻ không còn nhiều. Và người ta cũng không biết ngày 14 tháng ba là ngày gì. Nên chuyện các sinh viên tình nguyện giao lưu với nhau là chuyện bình thường.”
Hoạt động của Báo chí và sự cần thiết của luật biểu tình
Trở lại chuyện báo chí Việt nam đưa tin ngày tưởng niệm Garma 14/3, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết:
“Đây là lần đầu tiên cũng diễn ra một sự kiện liên quan tới Trung quốc nhưng có một sự cộng hưởng nhất định giữa báo chí hai lề. Trước đây chúng ta gọi là lề trái lề phải bây giờ gọi gần gũi hơn là mạng xã hội và báo chí nhà nước. Chúng ta có thể đọc được trên báo Giáo dục Việt nam, bài Một hành động không thể chấp nhận được, họ lên án một cách quyết liệt nhóm người được gọi là dư luận viên. Như vậy là tinh thần báo chí, tôi muốn nói là báo chí nhà nước đã tự nguyện nâng cao hơn, vượt ra ngoài khuôn lề của cơ quan tuyên giáo, đặc biệt là những siêu Tổng biên tập như cơ quan tuyên giáo trung ương. Tôi cho đây là một động thái đặc biệt, và họ thấy rằng họ không thể im lặng được nữa. Một khi ngay cả công an, là Thiếu tướng Chung Giám đốc công an Hà nội lần đầu tiên đứng ra thanh minh rằng nhóm dư luận viên đó không phải là của công an, cũng không phải là của tuyên giáo. Và một cách gián tiếp phủ nhận vai trò kiêu binh, hồng vệ binh của nhóm dư luận viên ấy, thì có thể nói rằng không còn gì thuận lợi hơn để cho báo chí nhà nước mở miệng.”
Nhưng cũng có những ý kiến thận trọng hơn, như nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang cho biết:
“Hồi biểu tình năm 2011 ở Hà nội thì ông Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh nói là biểu tình chống Trung quốc là yêu nước, và Hà nội không chủ trương đàn áp biểu tình. Báo Thanh niên, tờ báo có số phát hành thứ hai trong cả nước đăng chuyện đó lên trang nhất. Sau đó báo Thanh niên bị phê bình về chuyện đó. Chuyện biểu tình vẫn bị đàn áp. Những người biểu tình không chỉ bị đàn áp lúc đó, mà sau này còn bị khủng bố, quậy đủ thứ, thậm chí bị triệt đường mưu sinh.
Thì đây có sự thay đổi, có khả năng là lập trường chống Trung quốc rõ hơn trong Bộ chính trị. Trong lãnh đạo cấp cao của Việt nam.
Nhưng có khả năng thứ hai là người ta vẫn nói một đàng làm một nẻo, tức là nó không đồng bộ. Người này nói thế này, nhưng có khi người khác sau đó lại làm thế khác. Ông Chung giám đốc công an Hà nội thì cũng chỉ là công an Hà nội thôi. Còn sự chỉ đạo kia là từ cả bộ công an.”
Sự việc tưởng niệm Garma lại xảy ra đồng thời với việc chính phủ Việt nam đề nghi Quốc hội hoãn việc phê chuẩn luật biểu tình sang năm 2016. Anh Nguyễn Anh Tuấn, thành viên tổ chức dân sự Voice nhận xét rằng luật biểu tình đang là một nhu cầu cấp thiết cho dân chúng Việt nam. Và những hoạt động đường phố của những nhóm đối lập nhau như trong ngày 14 tháng ba vừa qua hẳn sẽ không xảy ra xung đột nếu như có luật biểu tình. - RFA
No comments:
Post a Comment