Cho nên, nếu ý niệm này không được làm cho sáng tỏ và có được một sự hiểu biết giống nhau thì sự lập thuyết hay các hành động dưới sự dẫn dắt của ý niệm này sẽ đưa tới những hậu quả khác nhau, chẳng hạn như chỉ nhấn mạnh trên khía cạnh chủng tộc, dẫn tới sự khuếch trương chủ nghĩa dân tộc cực đoan như Đức Quốc Xã trước đây hay Trung Quốc và Nga hiện nay đang làm, hay chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh tôn giáo như Iran hay Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) đang làm ở Syria và Iraq.
Theo định nghĩa của tự điển Văn Tân (1991, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội) thì dân tộc là "khối người ổn định thành lập trong một quá trình lịch sử, cùng chung một tiếng nói, một lãnh thổ, cùng liên quan với nhau về sinh hoạt, kinh tế và cùng có những điểm giống nhau về tâm lý". Định nghĩa này còn khá mơ hồ vì như thế nào mới được gọi là "khối người ổn định"? người Pakistan có được coi là dân tộc hay không vì nó thiếu vắng yếu tố ổn định dù không có ngoại xâm.
Theo Wikipedia thì "dân tộc là cộng đồng người có chung nền văn hóa, nhóm sắc tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc, lịch sử; đôi khi bao gồm nhiều nhóm sắc tộc". Theo định nghĩa này thì nó thiếu yếu tố tôn giáo cũng như cái cam kết để hướng về một vận mệnh tương lai chung.
Chúng ta khó tìm ra được một từ tiếng Anh để diễn tả, theo đó có sự chứa đựng trọn vẹn cái nội hàm của ý niệm dân tộc mà chúng ta hiểu và cảm nhận được. Các chữ "people", "citizen", "population"... không có được nội hàm như chúng ta muốn nói về dân tộc. Theo tôi, để phản ảnh phần lớn ý niệm dân tộc, chúng ta phải dùng từ ghép, đó là "nation-state people", nhưng từ này gần với ý niệm "quốc dân" hơn là ý niệm "dân tộc", quốc dân để nói đến dân trong một quốc gia được tạo nên bởi nhiều sắc dân, nhưng không có một sắc dân nồng cốt chủ đạo, như dân Thuỵ Sĩ chẳng hạn.
Quốc gia (nation-state), theo từ điển Merriam-Webster, có nghĩa là một mô hình tổ chức chính trị mà trong đó một khối người tương đối đồng nhất (homogeneous) cư ngụ trên một vùng đất có chủ quyền tối thượng.
Theo nhà cách mạng Tôn Văn của Trung Quốc quan niệm về dân tộc trong chủ nghĩa Tam Dân: Dân tộc là một khối tự nhiên thành lập và đứng vững được nhờ ý muốn sống chung của những phần tử hợp nhau lại thành khối ấy. Nó khác với quốc gia vì quốc gia là một khối do võ lực tạo nên và chỉ đứng vững được nhờ nơi võ lực (Hùng Nguyên, DTST, 1964, Q1, t324). Ưu điểm của quan niệm này là "ý muốn sống chung".
Theo GS Hùng Nguyên Nguyễn Ngọc Huy thì dân tộc là một khối tự nhiên thành lập, mà trong đó có năm yếu tố căn bản là: huyết thống, sinh hoạt, ngôn ngữ, tôn giáo, và phong tục tập quán (DTST, sđd). Người trong dân tộc có sự tương đồng chủng loại, tương đồng tâm tánh, tương đồng tư tưởng, tương đồng hoàn cảnh (Hùng Nguyên, DTST, 1964, Q2, t231), và tương đồng vận mệnh.
Dân tộc bao giờ cũng gồm nhiều yếu tố họp lại cấu tạo nên, những yếu tố này rất phức tạp và tuỳ theo mỗi dân tộc mà các yếu tố này mạnh yếu không đều nhau, nhưng bao giờ người ta cũng nhận thấy nó (DTST, Q2, t276-283).
Theo GS Huy, yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố để tạo nên tính cách dân tộc là yếu tố huyết thống, qua đó trong dân tộc có một sự tương đồng lớn lao về tính cách thể chất, điều này làm cho họ thấy gần nhau hơn và dễ đoàn kết nhau lại. Tuy rằng thế giới không có một dân tộc nào có sự thống nhất chủng tộc mà thường là do nhiều bộ lạc hợp lại lập nên và các bộ lạc này có nhiều nguồn gốc khác nhau, đưa đến dân tộc có một giòng máu hỗn hợp do nhiều nguồn máu hoà nhập theo sự ngẫu nhiên của lịch sử, nhưng điều này không phải làm cho vấn đề chủng tộc bớt quan trọng. Có thể nói yếu tố huyết thống là xương sống trong bộ xương của cơ thể dân tộc. Qua lăng kính này, GS Huy cho rằng Thuỵ Sĩ có quốc dân thay vì có dân tộc, vì Thuỵ Sĩ có quốc gia mà không có dòng máu chủ đạo, trong khi Hoa Kỳ có dân tộc cho dù là hiệp chủng, vì HK có dòng máu Anglo-Saxon làm chủ đạo.
Như vậy, để định hình dân tộc Việt Nam, qua các yếu tố cấu tạo thành dân tộc như trên thì dân tộc Việt Nam có những nét nổi bật nào và những nét này nếu được phát triển, ở trong một môi trường thuận lợi, thì dân tộc Việt Nam có đủ sức bật để trở thành một dân tộc mạnh của nhân loại hay không?
Như đã quan sát, dân tộc được cấu tạo bởi sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố (huyết thống, sinh hoạt, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán, cam kết tương lai...) và tuỳ mỗi dân tộc mà yếu tố nào nổi trội. Thông thường, trong một dân tộc dù đa chủng, luôn có một chủng chủ đạo như Anglo-Saxon ở Anh-Mỹ, nguời Hán ở Trung Quốc, nguời Kinh ở Việt Nam. Cũng vậy, trong dân tộc có nhiều tôn giáo, nhưng thường có một tôn giáo chủ đạo như Tin Lành ở Hoa Kỳ, Phật Giáo ở Thái Lan, hay Công Giáo ở Phi Luật Tân. Điều này cũng áp dụng cho ngôn ngữ, một dân tộc dù có nhiều ngôn ngữ nhưng thuờng có một ngôn chủ đạo hay sử dụng cho công việc của chính quyền.
Có thể nói một dân tộc muốn mạnh cần phải có một cam kết tương lai mạnh, cùng nhau gắn bó trong các hoàn cảnh thăng trầm để có một vận mệnh tương lai chung. Dân tộc Nga bị yếu về điểm này mặc dù họ có một lãnh thổ to lớn, giàu tài nguyên và có chủ trương cực đoan chủng tộc. Khi chưa giàu thì họ ở Nga, nhưng khi trở thành đại gia thì họ thường hay di trú qua một quốc gia khác để sinh sống. Trong khi Hoa Kỳ, Canada, Úc là những dân tộc hợp chủng, nét thời gian dân tộc chưa quá lâu, nhưng sự cam kết cho một vận mệnh tương lai chung đều rất tốt. Do Thái có ba yếu tố nổi trội là chủng tộc, tôn giáo và cam kết mãnh liệt cho một vận mệnh tương lai chung.
Một dân tộc mạnh thường có hệ thống giá trị mạnh, hệ thống giá trị này được chuyên chở qua nền văn hoá của dân tộc đó, thí dụ như tinh thần võ sĩ đạo của dân tộc Nhật, tinh thần đùm bọc bang hội của dân tộc Trung Hoa, hay tinh thần khoa học-thương mại của dân tộc Anh-Mỹ.
Một dân tộc mạnh thường có một căn cứ địa, tức lãnh thổ, làm bàn đạp để dân tộc vươn vai Phù Đổng thi đua cùng thế giới, để họ 'tiến có thiên hạ, lùi có Giang Đông' như Nhật Bản, Do Thái, Anh, Đức. Nếu lãnh thổ không là hậu phương vững mạnh như Ấn Độ trong quá khứ, hay Việt Nam hiện nay, thì ta thấy có hiện tượng so le giữa các thành phần của dân tộc. Thành phần dân tộc ở trong nước, như Ấn Độ, bị kiềm hãm bởi hai gọng kềm giai cấp và chủ nghĩa xã hội, trong khi thành phần dân tộc hải ngoại thì rất hùng mạnh, thành công vẽ vang về điện tử (Silicon Valley), y khoa, khách sạn v.v..
Khảo sát năm dân tộc mạnh của thế giới là dân tộc Do Thái, dân tộc Anh-Mỹ, dân tộc Nhật, dân tộc Trung Hoa và dân tộc Ấn Độ, nhà dân tộc học nổi tiếng Joel Kotkin trong quyển sách "Tribes", hay các bộ lạc hoàn cầu, nhận định rằng họ có những điểm chung và những nét riêng.
Những điểm chung lớn là các dân tộc này yêu chuộng khoa học kỹ thuật, yêu chuộng thương mãi, thích sống trong các đô thị đa sắc màu, thích phiêu lưu thử thách và giúp đỡ nhau để thăng tiến.
Những điểm đặc thù của từng dân tộc là tinh thần võ sĩ đạo của nguời Nhật, tinh thần bang hội và bay nhảy của người Trung Hoa, tinh thần nguyên tắc/bureaucrat thiên về tổ chức và kế toán của người Anh-Mỹ...
Trong những yếu tố để cấu tạo thành dân tộc của Việt Nam, chế độ cộng sản đã tàn phá đi nhiều nét mạnh, như đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất với con tố cha, vợ tố chồng, láng giềng tố lẫn nhau... đã phá nát nền tảng gia đình và luân lý VN, phá vỡ nền văn hoá lũy tre xanh của gia đình làng xã. Du nhập chủ nghĩa ngoại lai Mác-Lê với nghĩa vụ quốc tế của "bốn phương vô sản" xem việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa 1956 là giữ dùm, nó cũng phá nát cam kết cho một vận mệnh tương lai chung.
Trong nước, do chế độ cộng sản còn trị vì nên các yếu tố chính cấu thành dân tộc đều bị suy yếu (huyết thống, sinh hoạt, ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán, cam kết tương lai).
Tuy nhiên, chúng ta không bi quan vì nhiều lẽ. Dân tộc Việt Nam đã trãi qua hơn ngàn năm với nhiều thăng trầm và thử thách, có những lúc điêu linh tưởng chừng như biến mất do sự đồng hoá, nhưng chúng ta đã vượt qua. Sự cam kết cho một vận mệnh tương lai chung luôn là một chất keo gắn bó mãnh liệt, và đặc biệt là, như dân tộc Ấn Độ, dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực của mình khi ở ngoài lãnh thổ.
Dân tộc Việt Nam đã có mặt khắp thế giới trong các đô thị đa sắc màu, họ yêu chuộng khoa học kỹ thuật, họ đã phiêu lưu vào thương mại, kỹ nghệ, chính trị, họ có giá trị gia đình vững mạnh, xem gia đình là nền tảng của xã hội, họ đã và đang thành công.
Quan trọng hơn hết, dân tộc Việt Nam ở trong nước càng ngày càng xây dựng lại một hệ thống giá trị mới từ đống tro tàn do cộng sản tạo ra, đó là hệ thống giá trị dựa trên sự thật, không còn nghe theo sự nói láo có tổ chức của tuyên truyền; dựa trên công lý, từ chối bất công và bạo lực; dựa trên dân chủ pháp trị, từ chối áp đặt và độc tài. Họ đang xây dựng lại một 'Giang Đông' để dân tộc tiến lên 'có thiên hạ'.
Sự nắm tay nhau của dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước sẽ xây dựng lại những nét mạnh và đặc thù của dân tộc Việt Nam, xây dựng lại một nền văn hoá nhân bản, một xã hội dân chủ pháp trị, một đất nước văn minh tiến về phía trước của dòng văn minh nhân loại.
Do Hoa Kỳ vẫn là siêu cường lãnh đạo thế giới trong Thế Kỷ 21 và dân tộc Việt Nam ở HK theo thời gian đã năng động hơn trong chính trị, khoa học, kinh tế... cho nên sự vươn lên của dân tộc ta cần như dân Do Thái, ảnh hưởng được Hoa Kỳ và xây dựng được thế để không bị bỏ rơi - HK đã từng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà trong quá khứ. Vì thế, tiến trình để trở thành một dân tộc mạnh không thể thiếu dân tộc ta đang ở bên ngoài, và nhất là người dân Mỹ-Việt.
Đó là hướng Sinh Tồn hùng mạnh của Dân Tộc Việt Nam.
Lê Minh Nguyên
8/10/2014
No comments:
Post a Comment