Friday, June 30, 2017

Đã Đến Lúc Cách Mạng Dân Chủ Xảy Ra

Theo báo Công An Nhân Dân ngày Thứ Năm 29/6/2017, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) 10 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo quy định tại khoản 1 điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Điều 88(1) có mức án tù từ 3 đến 12 năm và họ tuyên án ở mức cận tối đa. Họ truy tố NQ cả ba tội trong khoản 1 này: 88(1)(a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; 88(1)(b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; 88(1)(c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (http://bit.ly/2urXruh)

Qua bài báo của CAND, Quỳnh bị kết án nặng nề vì những việc làm sau đây:

- "sử dụng facebook cá nhân để soạn thảo, đăng tải... chia sẻ nhiều bài viết"

- "trả lời phỏng vấn báo chí và truyền thông nước ngoài"

- "khai thác thông tin trên các báo điện tử về 31 trường hợp người chết xảy ra trong và sau khi nghi can làm việc với cơ quan công an"

- "kêu gọi mọi người tham gia hoạt động 'Dã ngoại nhân quyền'"

- "khởi xướng, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là 'Chiến dịch tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền 2015'"

Đây là những việc làm ôn hòa và hết sức bình thường trong một đất nước bình thường, nhưng ở Việt Nam thì lại là một tội phạm hình sự với án nặng nề hơn tội giết người hay tội tham nhũng của cán bộ.

Trong khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay trong thần học, luật “tác lực sẽ gây ra phản lực” (A-->R hay Actions Arrow Reactions) hay luật nhân quả (the Law of Karma) cho thấy cách mạng dân chủ ở Việt Nam đã gần kề. Lực sẽ gây ra phản lực và lực càng tàn bạo thì phản lực sẽ đánh ngã kẻ bạo tàn. (http://bit.ly/2urO9yq)

Ông Nguỵ Kinh Sinh, được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ TQ, nhận xét rằng: Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Ba điều kiện trên hiện nay Việt Nam đang có.

Việc kết án Quỳnh 10 năm tù làm cho ly nước cách mạng dân chủ đang nửa vơi đã biến thành đầy, chỉ cần một vài giọt nước nhỏ nữa để khai ngòi thì nó sẽ tràn ly cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Nó đã làm cho khả năng chịu đựng của nhân dân với cái trật tự khắc nghiệt của xã hội do Đảng CSVN tạo ra đã không thể chịu đựng hơn được nữa. Sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội đã hơn 70 năm ở Miền Bắc và hơn 40 năm ở Miền Nam, nơi mà trước đây chưa từng xảy ra một hệ thống độc tài khắc nghiệt như vậy, nơi mà nếp sống tự do dân chủ đã thành một nề nếp, một văn hoá chính trị. Thời gian đã đủ dài để sự tích luỹ các mâu thuẩn xã hội do chế độ gây ra cao lên chất ngất, để ý chí phản loạn muốn thay đổi trật tự của dân chúng vượt qua giới hạn của cái trật tự hiện hành mà nhân dân không thể kiên kham.

Đây là tiếng gọi non sông của trí thức tầm cao ở Việt Nam, những người mà giới trẻ và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo, để đóng góp vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, xăn tay áo huy động và hướng dẫn quần chúng cho một phong trào chính trị.

Đây là lúc nhân dân cần sự lãnh đạo của trí thức trong nước, cần sự lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu cho một cuộc cách mạng dân chủ. Đây là lúc để chuẩn bị cho sự đứng lên của nhân dân ba miền Bắc Trung Nam, cùng một lúc cùng một lòng để giành lại sự sinh tồn cho dân tộc trước hoạ diệt vong từ môi trường sống cho đến hiểm hoạ nội cướp, ngoại xâm.

Hiện nay các mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của giai cấp thượng tầng, của các nhóm lợi ích, của hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Các tranh chấp không còn giữ trong nội bộ như xưa nữa mà đã kéo quần chúng vào, dẫn đến việc lâu nay nổ bên trong hệ thống (implosions) đang trở thành nổ tung ra bên ngoài cho vỡ hệ thống (explosions).

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng tìm cách đuổi tận giết tuyệt phe ông Nguyễn Tấn Dũng và đè bẹp đám cán bộ Miền Nam đã làm tăng thêm căng thẳng vùng miền đến mức độ vô cùng ngột ngạt trong Đảng. Một đại bộ phận cán bộ Đảng đang bị hèn và bị nhục. Nó làm cho bất cứ một xử lý mềm mỏng nào của phe yếu thế sẽ đồng nghĩa với sự tự sát.

Những mũi nhọn mà ông Trọng tấn công ông Dũng như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Vũ Đình Duy-nhà máy sợi Đình Vũ, Đinh La Thăng, Mobilephone, xây dựng ven biển Phú Quốc... cũng như tình trạng các ông Nguyễn Văn Bình, Tô Lâm đang nằm trong tầm ngắm, nằm trong mục tiêu thu tóm và cũng cố quyền lực mà ông Trọng sẽ thực hiện trong Hội Nghị Trung Uơng 6 vào Tháng Muời năm nay, để ông ngồi suốt nhiệm kỳ 5 năm, nhất thể hoá (Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước) và đưa người của ông lên trong Đại Hội 13 năm 2021. Dĩ nhiên các phe bị ông đè bẹp không ngồi yên chịu trận, và khi cách mạng dân chủ xảy ra, lịch sử cho thấy, một số của họ sẽ chạy về phía quần chúng.

Trong khi đó người Mỹ gốc Việt có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn trong chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam, họ biết cách vận động hơn để HK dù dưới bất kỳ một tổng thống nào cũng không thể khước từ và nhanh chóng lên tiếng ủng hộ khi cách mạng dân chủ nổ ra.

Ông Nguỵ Kinh Sinh hồi đầu Tháng Sáu 2017 cho biết rằng nội tình Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nát bét, Đại Hội 19 dự trù vào mùa thu này không chắc sẽ tổ chức được đúng thời điểm. Tỷ phú địa ốc Quách Văn Quý đang bị CSTQ truy nã (đang ở New York) thường xuyên liên lạc ông với mong muốn TQ có cách mạng dân chủ.

Tập Cận Bình muốn làm Mao Trạch Đông 2 nhưng không đủ khả năng và tầm vóc. Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của Tập và đang cầm quyền sinh sát, nay là gánh nặng của Tập vì bỏ thì sập mà mang thì hoạ. Cánh Thượng Hải đang vùng dậy. Cánh Lý Khắc Cường và Đoàn Thanh Niên CS đang buông bỏ Tập. Tập vì cần người trung thành nên tìm cách thăng tiến cực nhanh tay chân mình như đưa Thái Kỳ vào Bộ Chính Trị và làm Bí Thư Bắc Kinh tuy chưa phải là trung ương uỷ viên, dù là dự khuyết, hay Vương Tiểu Hồng làm Thứ Trưởng Bộ Công Vụ, Phó Thị Trưởng kiêm Giám Đốc Công An Bắc Kinh. (http://bit.ly/2tur9l6).

Theo ông Nguỵ, Việt Nam nên tận dụng giai đoạn này để thay đổi thể chế chính trị mà TQ không thể nào can thiệp được dù có muốn. Theo ông, VN có cửa sổ cơ hội hai năm để làm cách mạng dân chủ vì đó là hai năm mà TQ loạn lạc chính trị và không phe nhóm nào dám có chủ trương can thiệp vào nội bộ VN để mang lấy rũi ro chính trị.

Thời điểm nhân dân muốn thay đổi vận mệnh đã đến, nội bộ thượng tầng Đảng CSVN đã chia rẽ đến mức phải vỡ ra chứ không thể hàn gắn được, người Việt hải ngoại đang một lòng hổ trợ trong nước đứng lên cho sự sinh tồn của dân tộc, các nước dân chủ nhất là Hoa Kỳ không thể làm ngơ khi cách mạng xảy ra. Dù ngày tháng chưa định nhưng năm thì đã gần kề. Khi các tinh tú thẳng hàng thì một vận hội mới cho dân tộc sẽ xảy ra.

Lê Minh Nguyên
30/6/2017



Sunday, June 25, 2017

Những bài học lịch sử mà ta học được từ cuộc Thảm Sát 4 Tháng Sáu năm 1989

- Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng)
Lê Minh Nguyên dịch

Đã 28 năm qua từ cuộc Thảm Sát 4 Tháng Sáu. Máu Holocaust vẫn còn sống động với các nhân chứng. Độc tài ở Đông Âu và Liên Sô đã qua, nhưng tại sao chúng ta người dân Trung Quốc vẫn còn nằm dưới sự đàn áp của độc tài? Đối với nhiều người, đây là một điều vô lý. Nhưng nằm phía dưới bề mặt của sự vô lý này, phải có lý do sâu thẳm cho chúng ta thấu hiểu và suy nghĩ về nó.

Từ những cuộc tập hợp lớn (vào mùa Xuân năm 1989) để tuởng niệm ông Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang), các cuộc biểu tình bắt đầu nở rộ ra trên khắp Trung Quốc. Không chỉ sinh viên, mà cả người lao động và thường dân cũng đã dần dần nhập cuộc đi vào dòng chính phản đối, thậm chí còn bao gồm tất cả đảng viên các cấp của Đảng CS lãnh đạo trừ Ủy Ban Trung Ương Đảng CSTQ. Thật ra đó là thời điểm mà tất cả mọi người nghĩ là cần phải thay đổi và đã cố gắng cùng nhau làm việc đó để nó xảy ra. Dưới một áp lực vĩ đại từ công chúng như vậy, cho dù chính quyền của "Đội Quân Bắc Dương" (Đội Quân Triều Đình TQ hùng mạnh theo kiểu Tây Phương, ban đầu do Nhà Thanh thành lập vào cuối thế kỷ 19), được xây dựng lên bằng nòng súng, cũng không thể đứng vững và phải thỏa hiệp, lùi bước truớc nhân dân; tựa như sự sụp đổ của chế độ độc tài Tunisia và các Đảng CS ở Liên Sô và Đông Âu. Tại sao TQ lại không? Chúng ta cần xem xét lại khung cảnh khi đó.

Năm 1989 đã có chứng cớ về sự vắng mặt của một số trí thức tầm cao, những người mà sinh viên và quần chúng coi như là khối óc (mentors) và lãnh đạo. Đã vậy, còn có những trí thức không ra khỏi nhà và cho rằng: tôi chỉ chịu trách nhiệm huy động quần chúng; hoặc thậm chí còn nói rằng: trách nhiệm của tôi là cung cấp ý tưởng, chứ không phải để cho phong trào chính trị. Một số khác đơn giản là bỏ đi ra khỏi thành phố. Những hành động này có thể là tiền đề cho việc an ninh lâu nay đẩy những người bất đồng chính kiến đi du lịch và uống trà để hầu đạt được các mục đích của họ.

Cái mà tất cả chúng ta thấy là những sinh viên ở Thiên An Môn hết sức thiếu kinh nghiệm và xa rời thực tế. Sao họ lại đi giao nộp 3 người làm hư hại bức chân dung Mao Trạch Đông cho an ninh? Họ có phân biệt được bạn và thù hay không? Hành động này chứng tỏ rằng những nhà lãnh đạo phong trào thực ra là những em trẻ không có kinh nghiệm, cũng không có đầu óc. Nói một cách giản dị, lúc đó không có ai lãnh đạo hoặc không có một nhà lãnh đạo khả dĩ.

Không có nguời lãnh đạo, hoặc không có nhà lãnh đạo sâu sắc, kinh nghiệm và có năng lực tối thiểu. Sự thiếu sót này là một trong những lý do chính tại sao phong trào quần chúng rộng lớn như vậy lại đi đến thất bại. Một phong trào chính trị nghiêm chỉnh giống như một con tàu đi trên biển cả, và phải có một thuyền trưởng. Nó chỉ tốt nhất khi có một thuyền truởng kinh nghiệm với ý chí dẫn dắt tất cả mọi người đi đến bến bờ đã định. Nếu không có thuyền trưởng, hoặc có hai hay nhiều thuyền trưởng, khả năng lật tàu sẽ được nhân cao lên. Như tục ngữ nhân gian có câu: căn nhà sẽ không được ngăn nắp xây ra nếu có quá nhiều thợ mộc chỉ huy.

Lịch sử đã chứng minh, bất kỳ cuộc cách mạng thành công nào trong việc lật đổ chế độ hay thay đổi triều đại, nó chỉ thành công khi có áp lực từ hai hoặc thậm chí ba phía. Đầu tiên là sự tích lũy các mâu thuẩn xã hội qua nhiều năm, khi ý chí phản loạn của dân chúng cứ tăng dần rồi vượt qua giới hạn của cái trật tự có thể chịu đựng được. Cái áp lực đó được người dân Trung Quốc cổ thời gọi là ý dân (the usable power of the people). Áp lực thứ hai là sự chia rẽ trong hàng ngũ giai cấp cầm quyền, khi những mâu thuẩn nội bộ đã hết sức trầm trọng không thể nào hàn gắn được. Đôi khi có thêm một áp lực thứ ba; tức áp lực bên ngoài tham gia vào, chẳng hạn như năm 1644 khi giới Quan lại (Mandarins) ở mạng đông-bắc TQ tiến về nam đưa đến việc kết thúc sự cai trị của nhà Minh.

Năm 1989, áp lực thứ nhất về mâu thuẩn xã hội, nó đã không tích lũy được đầy đủ sự mạnh mẽ cần thiết, và các mục tiêu để nhân dân vùng dậy đã không đủ rõ ràng. Đôi khi chúng ta thấy các khẩu hiệu đòi dân chủ, tự do, và chấm dứt chế độ độc tài. Tuy nhiên, đại đa số các khẩu hiệu đều có mục tiêu cải tổ, chẳng hạn như "hỗ trợ Đảng cộng sản chống các viên chức làm kinh doanh"; "chúng tôi muốn các viên chức trong sạch, không phải những nguời tham nhũng"; và tương tự. Tôi không biết ai đã cố ý đánh lừa những sinh viên chiếm Thiên An Môn để cho các sinh viên này nghĩ rằng nếu họ thành công trong việc chấm dứt vấn nạn "các viên chức chính quyền lãnh đạo doanh nghiệp" thì họ sẽ làm nên lịch sử và thậm chí trở thành các nhà lãnh đạo của TQ. Có những khẩu hiệu "xóa bỏ chế độ độc tài" nhưng đã bị gỡ bỏ nhanh chóng bởi nhóm lo về biểu ngữ, trong nỗ lực để duy trì cái gọi là "sự trong sáng của sinh viên". Những hành động này cho thấy rằng quần chúng vẫn còn tương đối yếu, và ý chí chống đối của họ chưa đủ cao. Vì thế, cho dù khi có một số người đã cố gắng động viên họ, nhưng cũng đã không đạt được mức độ như ở Liên Sô và Đông Âu. Cho nên sự thất bại ở TQ năm 1989 không phải tình cờ, mà là không thể tránh khỏi.

Áp lực thứ hai về mâu thuẫn trầm trọng trong nội bộ của các giai cấp thượng tầng thì nó đã đến mức tột cùng cho sự thay đổi. Như ông Bào Đồng (Bao Tong) chỉ ra cho Thủ Tuớng Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) lúc đó: Đây là cuộc tranh đấu sinh tử, vì thế không nên xử lý mềm mỏng được. Nhưng những người được gọi là các nhà cải cách dẫn đầu bởi ông Triệu đã trốn tránh trách nhiệm, không sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm cho một cuộc cách mạng để lật đổ sự lãnh đạo của Đảng CS. Họ không sẵn sàng để lật đổ chế độ độc tài độc đảng như đã xảy ra ở Liên Sô và Đông Âu, thay vào đó họ đã để cho những sinh viên vô tội và dân chúng bị đổ máu, bị hy sinh tính mạng. Đây không phả là một lý do tình cờ, mà đây là lý do chính yếu.

Áp lực thứ ba mặc dù không cần thiết, nhưng cũng rất quan trọng. Trong lịch sử, không phải cuộc cách mạng nào cũng cần có ngoại lực tham gia, nhưng đôi khi sự can thiệp của ngoại lực là yếu tố then chốt để giành chiến thắng. Thí dụ như trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ, nếu không có sự giúp đỡ của quân đội Pháp thì đã không thể chiến thắng được, với một đám dân quân thiếu huấn luyện để có thể đè bẹp được đội quân chính quy được huấn luyện và trang bị chuyên nghiệp của Anh.

Nhưng năm 1989 ở Bắc Kinh, mặc dù chúng ta cảm nhận được sự hỗ trợ của nhân dân khắp thế giới, nhưng chúng ta không cảm nhận được cái áp lực và sự gắn kết từ các phía dân chủ. Điều này rất khác so với tình hình của Liên Sô và Đông Âu. Ngay cả Tổng thống HK George H. Bush cũng đã vội vàng thay vị đại sứ thân phong trào dân chủ, và tuyên bố rằng ông sẽ không can thiệp vào "công việc nội bộ" của TQ. Những tín hiệu sai lầm này đã trở thành yếu tố then chốt và quyết định trong việc phe nhóm Đặng Tiểu Bình cương quyết thảm sát nhân dân.

Một số các nhà bình luận cực đoan hơn cho rằng việc sẵn sàng để giúp các cuộc cách mạng ở Liên Sô và Đông Âu nhưng không giúp cho cách mạng ở TQ là do chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của nguời da trắng. Tôi nghĩ rằng cáo buộc này không công bằng và không chỉ ra được cái nguyên nhân chính của vấn đề. Vì cho dù sau đó, từ những năm 1980's (đến nay), Hoa Kỳ đã không quan tâm đến phong trào dân chủ TQ. Đó là vì quyền lợi quá lớn của các công ty Mỹ ở TQ.

Chế độ CSTQ đã tuyên truyền rằng nếu Đảng CS sụp đổ sẽ gây ra chiến tranh hỗn loạn giữa các lãnh chúa ở TQ, và trật tự sẽ không được vãn hồi trong nhiều năm. Những sự hỗn loạn này là điều mà giới kinh doanh trong nước lẫn hải ngoại không muốn thấy. Làm cho có thêm lợi nhuận dưới sự bảo vệ của một chế độ độc tài sẽ làm cho các doanh nhân vui mừng và quên đi lương tâm của họ. Cái băng đảng gồm những người da đen, da trắng, da vàng này không quan tâm đến lý tưởng của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, mà chỉ muốn kiếm được nhiều đồng tiền bẩn và vì vậy từ bỏ lương tâm của họ. Kết quả này cũng là một nhu cầu lịch sử chứ không phải là một điều gì kỳ lạ. Thật không may, năm 1989, không có nhà lãnh đạo để nói với các sinh viên và dân chúng nên làm thế nào để tránh hoặc đi vòng qua cái điều hiển nhiên này.

Giờ đây, sau 28 năm tích lũy, có thể nói rằng thời gian đã khác, và với tất cả các điều kiện ngày càng trở nên đầy đủ hơn so với trước đây. Sự khác biệt lớn nhất là sau vụ thảm sát đẫm máu do chế độ CS gây ra, nhân dân TQ đã nhanh chóng sáng mắt và thấy được bản chất của Đảng CS. Dân chúng sẽ cuơng quyết hơn để tiến tới, với mục đích rõ ràng cho một hệ thống chính trị dân chủ. Có thể nói rằng các điều kiện của một cuộc cách mạng ở TQ đã trưởng thành hơn so với năm 1989.

http://bit.ly/2sbu6me