Trong trận Bình Long, anh là Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Anh đã cùng các đồng đội tại Lộc Ninh chiến đấu anh dũng, đẩy lui nhiều đợt tấn công của đại binh CS Bắc Việt có chiến xa và đại pháo yểm trợ cho đến khi bị CS bắt vào đầu tháng Tư 1972.
Anh được CS trao trả vào tháng Ba 1973, cũng tại Bình Long. Trong 11 tháng bị giam cầm, anh bị CS ngược đãi đến độ phải ngồi xe lăn khi phía VNCH nhận anh về.
Anh Vĩnh bắt đầu cuộc đời binh nghiệp khi tham gia Khóa 5 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, anh đảm nhiệm các chức vụ Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 48 Sư Đoàn 18, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 9 Sư Đoàn 5, Quân Trấn Trưởng Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn và được trao tặng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
Anh Vĩnh sinh ngày 30/3/1928 tại Long An, tốt nghiệp truờng trung học Huỳnh Khương Ninh ở Đồng Nai năm 1948. Cũng trong năm này, anh gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng và trở thành đảng viên Tân Đại Việt năm 1964. Anh cũng là thành viên của Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn, một tổ chức ngoại vi của Xứ Bộ Miền Nam Đại Việt Quốc Dân Đảng.
Sau khi Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn bị Thủ tướng Trần Văn Hữu giải tán, năm 1951 anh Vĩnh và một số đồng chí Đại Việt gia nhập vào trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, Khoá 5 Hoàng Diệu. Anh ra trường năm 1952 với cấp bậc Thiếu Úy, phục vụ ở Tiểu đoàn 3 Sơn Cước, Ban Mê Thuột. Năm 1955 với cấp bậc Đại Úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Sơn Cước, anh được đi du học trường Bộ Binh Fort Benning ở tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Về nước, năm 1956 anh làm Huấn Luyện Viên Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Kể từ năm 1963, anh phục vụ các đơn vị tác chiến của Sư đoàn 1 Bộ Binh, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh với cấp bậc Đại tá.
Năm 1969 anh là Phụ tá Thanh tra Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Năm 1970 anh là Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 9 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Năm 1972 anh bị CS bắt ở Lộc Ninh. Năm 1973 anh được trao trả tù binh ở Lộc Ninh trong tình trạng sức khoẻ tồi tệ và sau đó điều dưỡng 3 tháng ở Tổng Y Viện Cộng Hoà. Năm 1973, anh làm Quân trấn trưởng Quân Vụ Thị Trấn Saigòn-Gia Định cho đến khi VNCH sụp đổ năm 1975.
Anh bị đi tù cải tạo 13 năm, từ 1975 cho đến 1988 qua các trại tù Long Giao, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Phong, Hà Nam Ninh.
Năm 1993 anh và gia đình đi định cư theo diện HO ở Oakland, Bắc California, Hoa Kỳ và sau này dọn về Costa Mesa, Nam California.
Anh Vĩnh phục vụ 24 năm trong Quân Lực VNCH, anh là một sĩ quan thanh liêm, đạo đức và khí phách, được quân nhân thuộc cấp kính mến. Trong lúc bị bắt làm tù binh, anh vẫn giữ đúng tư cách và danh dự của một sĩ quan QLVNCH.
Qua câu chuyện anh kể lại khi bị CS bắt làm tù binh năm 1972, tù binh bị nhốt ở Cam Bốt. Trong số khoảng 100 tù binh VNCH, CS chiêu dụ là nếu tù binh nào chịu phục tùng theo họ thì sẽ được tăng khẩu phần ăn. Có đến 72 người không khuất phục và chấp nhận chịu đói. CS phát mỗi ngày một người được một nắm cơm và muối, nhưng tiêu chuẩn muối là một muỗng cà phê chia đều cho 72 người. Nếu ai chấm vô trước thì muối sẽ mau hết vì vậy không được chấm mà phải gỏ “cộp, cộp” cho muối rớt từng chút ra khỏi muỗng. Từ đó mới có giai thoại ăn cơm với “thịt cọp”(nhái theo âm "cộp” gỏ muỗng).
Sau khi trao đổi tù nhân anh được thả về và viết hồi ký “Người Về Từ Cỏi Chết”, được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị chấm giải nhất với số tiền thưởng là $25.000 đồng.
Sau ngày 30/4/1975, anh bị đi tù CS lần thứ hai. Trong tù, cán bộ CS kết tội anh một cách gay gắt rằng: Vào năm 1973 lúc trao trả tù binh, anh có cam kết về nhà lo làm ăn không đánh phá cách mạng nữa, nhưng sao anh vẫn tiếp tục đánh phá cách mạng, chống lại nhân dân?
Anh khí khái trả lời: Đúng! Vì lúc trao trả tù binh chiếu theo hiệp định hòa bình là sẽ không còn chiến tranh, nên tôi mới hứa không chiến đấu nữa, nhưng sau đó các ông đã vi phạm hiệp định hòa bình và với tư cách một quân nhân tôi phải bảo vệ mảnh đất miền Nam.
Trong 69 năm gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng và sau này là Đảng Tân Đại Việt, anh Vĩnh có bí danh là Vân, luôn là một đảng viên liêm chính và tận tụy với đoàn thể. Anh lúc nào cũng làm gương tốt cho các đảng viên trẻ và tiên phong trong mọi công tác mà Đảng giao phó. Anh là Đệ II Phó Chủ Tịch của Biệt Bộ Bùi Hữu Phiệt, một biệt bộ nhà binh của Đảng Tân Đại Việt trong thời VNCH. Anh lo phát triển cơ sở, kết nạp đảng viên cho biệt bộ. Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, tuy lớn tuổi và sức khỏe suy giảm nhưng anh vẫn sinh hoạt đều đặn với anh em Tân Đại Việt.
Trong trận Bình Long, chiều ngày 6/4/1972, CS tấn công phá hủy sân bay Quản Lợi, đồng thời cắt đứt tuyến tiếp viện của An Lộc. Sư đoàn 9 của CS điều các trung đoàn 1 và 2 của họ cắt đứt đường 13 ở đoạn Lộc Hưng và Thanh Khương, chiếm cầu Cần Lê, cô lập hoàn toàn cụm cứ điểm Lộc Ninh với An Lộc (Bình Long). Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, chỉ huy Trung đoàn 9, điều 2 tiểu đoàn bộ binh và thiết đoàn 1 thiết giáp đang phòng ngự căn cứ Hoa Lư (tiền đồn ở Bắc Lộc Ninh) về ứng cứu, và bị rơi vào trận địa phục kích của Sư đoàn 5 CS.
Chiều ngày 7/4/1972, CS tổng lực tấn công vào chi khu Lộc Ninh, chiếm chi khu Lộc Ninh. Đại tá Vĩnh, Trung tá Nguyễn Văn Thông Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh, Trung Tá Nguyễn Đức Dương chỉ huy thiết đoàn 1, và Thiếu tá Đặng Văn Sơn đều bị bắt làm tù binh. Lúc đó phía VNCH được báo cáo là các anh bị mất tích, khi chiến xa của VC tràn ngập bộ chỉ huy tại Lộc Ninh.
Thói thuờng, khi CS bắt được các sĩ quan VNCH cấp chỉ huy, thường hay bắt họ lên tiếng trên Đài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để làm lung lạc tinh thần chiến đấu của Quân Đội VNCH, nên hôm sau CS đã làm như vậy, qua đó phía VNCH biết các anh vẫn còn sống và đã bị bắt làm tù binh.
Sau khi Hiệp Định Paris ký kết xong, việc trao trả tù binh cũng rất khó khăn. CS không muốn trao trả các sĩ quan cao cấp, họ để tới gần hết thời hạn mà cũng không chịu giao Đại Tá Vĩnh, Trung tá Dương, Thiếu tá Sơn và Trung Tá Thông, CS cứ hứa nhưng không trao. Vào lúc nầy tình trạng sức khỏe các anh đều rất yếu.
Trong cuộc trao đổi tù binh năm 1973, có thể nói là anh được anh em "cướp xác" mà trong đó có một đồng chí Tân Đại Việt của anh là Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa đã lập kế để cướp anh về vì CS đã nhiều lần ghi tên anh trong danh sách trao trả nhưng không lần nào chịu giao.
Vì thế, phía VNCH phải tìm cách cướp tù binh, nên chọn một số quân nhân thật khỏe mạnh đứng sẵn chờ đợi gần lằn ranh trao trả. Phía VNCH yêu cầu bên CS phải cho thấy tận mắt những sĩ quan kể trên còn sống thì mới tin và yêu cầu CS phải mang họ ra gần nơi trao trả mới tin được. Khi CS mang các sĩ quan kể trên ra trình diện thì bên phía VNCH nhảy qua cướp tù, nhờ vậy mới giải thoát được những sĩ quan kể trên. Lúc bấy giờ Đại Tá Vĩnh và các anh khác rất yếu, đi không nổi phải khiêng bằng băng ca.
Sau một thời gian dưỡng bệnh và làm rõ ràng thủ tục an ninh, Đại tá Vĩnh về làm Quân Vụ Trưởng Quân Vụ Thị Trấn tại Sài Gòn.
CS sau 7 lần tấn công nhưng không chiếm được An Lộc, chuyển sang bao vây lỏng. Quân Lực VNCH dần dần chuyển từ thế thủ sang thế công, giải toả được vòng vây.
Anh Nguyễn Công Vĩnh đã vĩnh biệt cõi đời chiều ngày Thứ Năm 23/2/2017 tại Bịnh viện HOAG ở Newport Beach, Nam California, hưởng thọ 90 tuổi.
Pháp danh của anh là Nhật Chí Dũng. Tang lễ sẽ cử hành vào ngày Thứ Bảy 11/3/2017 tại Pacific View Memorial Park and Mortuary, 3500 Pacific View Dr, Corona Del Mar, CA 92625, phone (949) 644-2700.
Xin cầu nguyện cho linh hồn anh sớm tiêu diêu nơi Cõi Niết Bàn và xin chia buồn cùng gia đình anh.
Chúng tôi, những đồng chí của các thế hệ đi sau, cam kết tiếp nối công trình mà những bậc đàn anh đã dấn thân nhưng còn dang dỡ, đó là quyết tâm xây dựng Dân Chủ Pháp Trị cho Việt Nam.
Xin anh hãy Nghìn Thu Yên Giấc!
Lê Minh Nguyên và các đồng chí của anh
2/3/2017