Thursday, October 27, 2016

Thử giải mã Thông Cáo chung của phái đoàn Tòa Thánh và CSVN

Theo history.com, Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới. Bao quanh bởi một đường viền 2 dặm với nuớc Ý, Vatican là một quốc gia độc lập bao gồm hơn 100 mẫu Anh, bằng 1/8 kích thước của Công viên Central Park ở New York. Vatican được cai trị như một chế độ quân chủ tuyệt đối với Đức Giáo Hoàng là lãnh đạo tối cao (http://bit.ly/2eKkYQ9).

Tuy là quốc gia nhỏ nhất thế giới về phuơng diện địa dư, nhưng Vatican là chính quyền có ảnh hưởng và trị vì lâu dài nhất thế giới.

Nếu tính từ mốc thời gian năm 1,377 cho đến nay thì Vatican đã hiện hữu 639 năm. GS Nguyễn Ngọc Huy khi còn sinh tiền đã từng nhận xét, đây là một nhà nước lâu đời nhất thế giới, cho nên cũng già dặn kinh nghiệm ngoại giao nhất thế giới. Sứ mạng rao giảng Phúc Âm được Vatican khéo léo trong chính sách đối ngoại để tối đa hoá sự lan toả, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hay trong các chế độ dân chủ hay độc tài nào. Sự khéo léo này được thể hiện ở Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 hay Việt Nam Cộng Sản như hiện nay.

Sự khéo léo ngoại giao này của Vatican được cả thế giới biết đến và công nhận chứ không riêng gì ở VN hay chỉ một vài người thấy được. Một nhà tranh đấu VN có tiếng ở San Diego hôm trước gọi cho người viết cũng nêu lên vấn đề này khi thấy phái đoàn CSVN đi Vatican họp khoá thứ 6. Vị này tỏ ra lo lắng vì trước đây khi Chủ tịch nước CSVN, ông Nguyễn Minh Triết gặp Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican ngày 11/12/2009 thì sau đó Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội được lệnh của Toà Thánh phải di chuyển, xảy ra sau biến cố đất đai ở Thái Hà và Tòa Khâm Sứ.

Do mối ưu tiên khác nhau giữa Toà Thánh (rao giảng Phúc Âm) và giáo dân (yêu nước) nên vị Giáo Sư này e ngại cuộc họp diễn ra từ ngày 24-26/10/2016 ở Vatican giữa phái đoàn CSVN do Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao, hướng dẫn và phái đoàn Tòa Thánh do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, làm trưởng đoàn, sẽ cho ra kết quả giống như trường hợp của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, nghĩa là các vị như Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Linh Mục Nguyễn Đình Thục, Linh Mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Trần Đình Lai... có thể được Toà Thánh di chuyển đi nơi khác để lo mục vụ.

Bây giờ ta thử xem qua Thông Cáo chung để giải mã những gì hai bên đã đồng ý (http://bit.ly/2eL4oCz). Trong Thông Cáo chung có các đoạn sau đây:

"Phía Việt Nam... cải tiến liên tục và cụ thể trên bình diện lập pháp và chính trị... liên tục tạo điều kiện dễ dàng cho sự dấn thân tích cực của Giáo Hội Công Giáo trong chính nghĩa quốc gia...". - Ở đây ta thấy CSVN hứa hẹn với GIÁO HỘI (không phải giáo dân) là làm luật và cư xử chính trị thích ứng để GIÁO HỘI phát triển, với điều kiện phải phù hợp với "chính nghĩa quốc gia" tức với các chính sách của CSVN.

"Tòa Thánh... đã bày tỏ sự hài lòng với chính phủ Việt Nam vì đã quan tâm đến các nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo, như việc khánh thành Học Viện Công Giáo mới đây và giúp tổ chức các buổi lễ...". - Ở đây, ta thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Toà Thánh và CSVN, các công tác liên quan đến rao giảng Phúc Âm được CSVN tạo dễ dàng.

"Hai bên thỏa thuận rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam sẽ tiếp tục lấy hứng từ giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến việc thực hành 'sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc'... Tòa Thánh cầu mong cộng đồng Công Giáo có thể tiếp tục cống hiến sự đóng giúp quí giá bằng cách cộng tác với các tác nhân khác trong xã hội Việt Nam, và phù hợp với luật pháp..." - Ở đây ta thấy Toà Thánh muốn GHCG Việt Nam lo việc đạo và sống hoà bình với CSVN (sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc). Toà Thánh muốn giáo dân VN cộng tác để giải quyết các mâu thuẩn (cộng tác với các tác nhân khác) và tuân thủ luật pháp CSVN (phù hợp với luật pháp).

Trên đây là các điểm chính trong Thông Cáo chung. Qua các điểm này, người viết e ngại rằng giáo dân ở bốn tỉnh miền Trung và các vị lãnh đạo tinh thần khả kính sẽ ở trong một tâm trạng rất là khó xử, giữa một bên là sứ mạng rao giảng Phúc Âm như Toà Thánh mong muốn và một bên là lòng yêu nước muốn bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc. Cả hai đều hết sức quan trọng, nhưng nếu đặt theo thứ tự ưu tiên thì phải đặt như thế nào đây !?
 
Lê Minh Nguyên
27/10/2016



Wednesday, October 26, 2016

Nguyễn Bá Thanh - Tập 2

Bài bản của CS khi tiêu diệt đồng chí: Đồng chí nạn nhân sẽ được báo chí công bố là bị một bệnh gì đó, thường là ung thư, nhưng không cho biết ung thư gì, sau đó đưa đi nước ngoài chửa trị, rồi manh xác về, về đến cố hương xác nói "Ta khoẻ lắm, có chi mô".

Một Uỷ Viên Bộ Chính Trị, lâu nay được quy hoạch để có thể trở thành một trong tứ trụ triều đình, nay đã thình lình ngã bệnh ung thư, uỷ viên này rồi cũng như Bá Thanh đi Singapore để kiểm tra và đi Mỹ để chữa trị.

Theo educated guesstimate (ngoại suy của extrapolation) của những người biết chuyện thì 90% là uỷ viên này bị đầu độc giống như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh vì phe ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng muốn tiêu diệt người của phe ông Nguyễn Tấn Dũng để dọn dẹp sạch sẽ tàn dư của 3D còn nằm trong bộ máy đầu não của quyền lực, trừ những người đã đầu hàng như Nguyễn Thị Kim Ngân (đầu hàng cả năm nay) hay Đinh La Thăng (vừa mới đầu hàng).

Được biết 3D đã bị loại nhưng chưa đầu hàng và Trọng không đụng đến 3D vì các lý do:

- 3D không còn nằm trong bộ máy quyền lực đầu não.

- 3D từng nắm Bộ Công An nên hồ sơ tham nhũng của phe Trọng còn nằm trong tay phe 3D chưa khui. Đám cán bộ CS thì ai cũng tham nhũng cả, đánh tham nhũng chủ yếu là đánh phe đang ăn miếng ngon.

- 3D bị tiêu diệt có thể đi đến bể đảng vì luật chơi trong nội bộ Đảng bị phá vỡ, phe miền Nam và miền Trung trong Đảng có thể kết nhau lại chống phe miền Bắc, lấy cớ phe miền Bắc nô lệ Tàu (điều này ông Robert Keplan trong quyển Chảo Nước Sôi Châu Á cũng nhận xét như vậy, cho rằng nếu không có văn hoá Trung-Nam thì miền Bắc đã bị Tàu đồng hoá).

Vụ đánh nước mắm Masan là cơ hội bằng vàng cho phe Trọng đánh Thanh Phượng, con gái 3D. Thanh Nghị anh của Thanh Phượng phải lên tiếng để "damaged control" ngăn chận thiệt hại cho phe 3D (http://bit.ly/2eFzfjM).

Trong khi một uỷ viên BCT (Đinh Thế Huynh) đang đi qua Mỹ tập tuồng làm tổng bí thư, ngớ ơi là ngớ đến độ NT John Kerry phải nhắc tuồng vì Kerry thấy mình nói mà Huynh ta chẳng hiểu gì (http://bit.ly/2eHCBQx)

Trong khi một uỷ viên BCT giàu tiền lắm bạc (Đinh La Thăng) bị thiên lôi của Lú nện cho mấy cú thần sét nên xếp vó quy hàng.

Trong khi một uỷ viên BCT vừa chờ thời tranh tổng bí thư vừa lo làm giàu đổ vách (Trần Đại Quang) xoá cảng Saigon, di dời về Cát Lái, bán đất cho Phạm Nhật Vượng (http://bit.ly/2eGj2be) để bắt đầu năm 2017 là xây. Vượng xây gần cả trăm căn ở Tân Cảng, chưa xong đã bán hết cái vèo, giá lên cả 7 triệu đôla một căn. Sau lưng các thương vụ này là Quang. Quang còn có em trai Trần Quốc Tỏ làm bí thư Thái Nguyên để trục lợi nguồn thu Núi Pháo.

Trong khi một uỷ viên BCT đi lên bằng của sẵn có, như "Cành đón chim Nam, Bắc - Lá đưa gió lại qua" (Chi nghinh Nam Bắc điểu - Diệp tống vãng lai phong)
Khi 3D khi Lú hầu
Khi quay múa múa khi lầu trong trăng.

Thì một uỷ viên đang bất thình lình bị ung thư!

Lê Minh Nguyên
26/10/2016




Wednesday, October 19, 2016

Mị Dân

Chủ Tịch Quốc Hội là để lo lãnh đạo việc làm luật. Bà Kim Ngân từ khi lên làm Chủ Tịch QH đến nay không thông qua được luật nào cho ra hồn, mà còn tận tình xoa bóp TBT Nguyễn Phú Trọng cả năm nay, tuyên bố nhiều điều lếu láo như:

“Không phải cứ hô hào, kích động thật to,  là có được chủ quyền. Một số tổ chức cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ, nhưng chưa làm gì cho đất nước, chỉ nói và kích động làm rối tình hình", 

“Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn."

Một trong những nguyên nhân lớn gây ra lũ lục là  lỗi của chính quyền thì không thấy bà nói đến hay đề nghị những dự luật về việc quản trị và điều hành những đê điều hay đập thuỷ điện để bảo vệ dân.

Còn việc thăm viếng và uỷ lạo dân bị nạn thì trách nhiệm đầu tiên phải là Chủ Tịch Nước hay Thủ Tướng, những người có trách nhiệm hành pháp và đã để cho cấp dưới xả lũ Hố Hô vô trách nhiệm mà hệ quả là hành hạ dân.

Bà Kim Ngân, ông Trương Tấn Sang, ông Lê Hồng Anh..., những cán bộ CS miền Nam đã bán linh hồn cho quỷ dữ, tận tình massage Nguyễn Phú Trọng, bán rẽ đám cán bộ miền Nam cho đám CS miền Bắc thân Trung Quốc (cán bộ CS miền Nam chỉ có 4/19 ghế trong Bộ Chính Trị, đã vậy mà Kim Ngân còn chạy theo đấm bóp cho Trọng). 

Người viết đứng trên lập trường dân tộc, không chủ trương kỳ thị vùng miền, nhưng đại diện vùng miền trong Đảng CSVN như thế nào nó nói lên tính có công lý hay không, không công lý trong Đảng thì làm gì có công lý trong dân tộc, tất nhiên dân tộc không thể nào đoàn kết được.

Bà Kim Ngân nên stop mị dân, nên lo làm tốt vai trò làm luật của bà. Với quốc hội trong tay, bà có thể thay đổi thể chế độc tài độc đảng bằng việc dùng luật để xây dựng các định chế dân chủ thực sự. Cho đến bây giờ, người viết nhìn bà như thế này

Đèn Hà Thành ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Bến Tre ngọn tỏ ngọn lu
Ngân về học lại chữ ngu
Chín trăng dân cũng đợi, muời thu dân cũng chờ

LMN
19/10/2016




Tuesday, October 11, 2016

Biến cố ngày 13 tháng 9 cách nay 45 năm

- Ngụy Kinh Sinh
Lê Minh Nguyên dịch
11/10/2016
 
Bốn mươi lăm năm trước, vào ngày 13 tháng 9, một chiếc máy bay của Không Lực Trung Quốc bị rơi ở Undur Khan (Ondorhaan) bên Mông Cổ. Điều này làm dấy lên sự tò mò của thế giới, và cũng gây sốc về niềm tin của tất cả người dân Trung Quốc. Cho đến nay, người ta đã không biết tất cả sự thật về nó, do đó nó tiếp tục thu hút sự nghi ngờ của các học giả và các cơ quan truyền thông. Điều này đã trở thành một sự kiện bất thường lớn trong lịch sử hiện đại và vẫn còn là một chủ đề quan trọng để chúng ta bàn luận.
 
Trong những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc muốn tìm hiểu đã thực hiện nhiều cuộc điều tra sâu rộng về vụ việc này, cùng với một loạt các văn bản của bộ quốc phòng và những ký ức của các thành viên của những gia đình và những nhóm liên quan. Phong trào dân chủ Trung Quốc ở hải ngoại đã tổ chức một buổi hội thảo cách đây không lâu và đã thảo luận về nguyên nhân và hậu quả của biến cố Lâm Bưu cũng như các bài học kinh nghiệm được rút ra. Cuộc thảo luận này cho chúng ta thêm một ít kiến ​​thức và các trọng điểm cần quan sát, nó có giá trị để phổ biến ra cho tất cả mọi người.
 
Sau khi xem xét những ký ức gần đây và qua các cuộc điều tra, cũng như loại ra một loạt các báo cáo sai sự thật và những hiểu lầm do nhiều lý do, bao gồm như sự tự bảo vệ, một cái nhìn tương đối nhất quán về biến cố này là: Bắt đầu từ năm 1967, đó là năm thứ hai sau khi khởi đầu cuộc Cách mạng Văn hóa, Lâm Bưu và Trần Bá Đạt (Chen Boda) có những bất đồng với (lãnh đạo tối cao lúc đó) Mao Trạch Đông, mà sau đó nó phát triển thành một vụ tranh chấp về đường hướng chính trị nào cho Trung Quốc.
 
Trước đó, Lâm Bưu và Trần Bá Đạt giúp Mao Trạch Đông đánh "những người có quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản chọn con đường tư bản chủ nghĩa" bởi vì họ tin rằng xã hội chủ nghĩa theo kiểu Liên Xô là siêu việt. Tuy nhiên, sự hỗn loạn gây ra bởi cuộc Cách mạng Văn hóa rõ ràng là không có lợi cho sự ổn định xã hội và phát triển sản xuất ở Trung Quốc. Lý do chính mà sự hỗn loạn không thể dừng lại được là do sự liên tục đánh đấm nhau không có mục tiêu dưới khẩu hiệu "đào sâu cuộc đấu tranh giai cấp". Do đó, ông Lưu và ông Trần kêu gọi giảm thiểu cuộc đấu tranh giai cấp và tăng cường việc phát triển kinh tế. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn lớn với Mao Trạch Đông và những người khác, những người muốn tiếp tục theo hướng chính trị của họ là đánh giai cấp quan liêu qua "đấu tranh giai cấp" như là chìa khóa để tạo ra một mô hình kinh tế mới. Sự bất đồng này là nguyên nhân chính cho các chiến dịch sau này như Phê Bình Lâm, Phê Bình Khổng Tử, và cũng là nguồn gốc của "lý thuyết chỉ cho năng suất" và "chửa cháy cuộc đấu tranh giai cấp" (mà Mao Trạch Đông chỉ trích).

Hai năm sau, sau khi phe Mao Trạch Đông có lợi thế thời gian, bằng cách tận dụng các chiến thuật trì hoãn và chinh phục hầu hết các đối thủ chính trị của họ, họ bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại các ông Lâm/Trần. Tại Đại hội IX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), bằng cách sử dụng vị trí được phong thánh của ông, Mao Trạch Đông phát động cuộc tấn công vào phe các ông Lâm/Trần, theo cách mà hầu như không có tính chính đáng, là không thiết lập chủ tịch nước Trung Quốc. Mao đầu tiên tấn công Trần Bá Đạt (người đã viết những gì mà phe Mao ủng hộ), để đàn áp phe "lý thuyết chỉ cho năng suất" bằng cách dùng dư luận.

Khi các cộng tác viên của ông Lâm bị tấn công và những tay chân của ông bị suy yếu, Lâm Bưu đã không phản ứng theo cách mà ông cần phải có. Ông đã sai lầm giống y như Lưu Thiếu Kỳ đã làm, bằng cách nghĩ rằng nên bỏ việc nhỏ cho những thứ lớn, và để xem hiệu quả sau này ra sao. Ông nghĩ rằng Mao Trạch Đông không thể bỏ rơi ông, và dù gì thì sức mạnh quân sự cũng nằm trong tay ông. Những gì ông đã không nhận ra là Mao Trạch Đông rất thích các cuộc đấu đá, coi đó như là một trò giải trí, bao gồm cả việc tấn công những người bạn của ông ta. Sự thay đổi này là một biến thái tâm lý được sinh ra sau khi một người trở thành một nhà độc tài.
 
Hiện nay có một số người thân của các nạn nhân đứng ra nói rằng nhóm Lâm Bưu không có chuẩn bị một cuộc đảo chính. Chúng ta cần nên thận trọng về những lời nói của những người thân có liên quan này. Ví dụ, trước khi Mao Trạch Đông chết, các thành viên của nhóm Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, kể cả thân nhân của họ, đã không thừa nhận rằng họ đi theo "hướng chính trị tư bản" và lớn tiếng khẳng định rằng họ không chống "đường hướng chính trị cách mạng của Mao Chủ tịch". Tuy nhiên, các sự kiện sau này đã chứng minh rằng họ thực sự chống đường hướng xã hội chủ nghĩa mới của Mao Trạch Đông và thực sự chọn con đường tư bản chủ nghĩa.

Kế hoạch 571 ("571" phát âm tiếng Tàu tương tự như Vũ Khởi Nghĩa-Wu Qi Yi cho Vũ Trang Khởi Nghĩa-Wu Zhuang Qi Yi, hay "cuộc nổi dậy của quân đội") được nhiều người coi là khúc dạo đầu cho cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình. Trong thực tế, theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, tầm ảnh huởng sâu rộng của phong trào chống Mao Trạch Đông và với quy mô nhỏ hơn của phong trào dân chủ trong Ủy ban Phối hợp Hành động của Hồng vệ binh từ các truờng Trung học Thủ đô đã có ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc Cách mạng Văn hóa, cũng như có ảnh hưởng trong nội bộ của lãnh đạo Cộng sản và liên quan trực tiếp tới sự chia rẽ chính trị giữa phe Mao Trạch Đông/Chu Ân Lai và phe Lâm Bưu/Trần Bá Đạt. Thêm nữa, theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, Lâm Bưu đã thực sự có ý định chuẩn bị một cuộc đảo chính vào cuối năm 1969 bằng việc huy động quân đội. Đây cũng là lý do mà Mao Trạch Đông đã gom bắt các sĩ quan cao cấp của Lâm Bưu để quản thúc tại gia sau khi máy bay của Lâm Bưu bị rơi (ở Mông Cổ).

Dù vì thì phe của Mao/Chu đã khéo hơn. Họ giải quyết được âm mưu của Lâm Bưu và dần dần dồn ông ta vào ngõ cụt. Tuy nhiên, cuối cùng rồi thì do vì Lâm Bưu đã chỉ huy quân đội trong nhiều năm, Mao Trạch Đông đã không chắc chắn lắm trong cuộc tỉ thí sau cùng với Lâm Bưu. Đó là lý do cho chuyến du hành miền nam nổi tiếng của Mao Trạch Đông trước khi kết thúc cuộc đấu, để Mao huy động và kiểm tra tình hình trước khi lâm trận. Ông ta chuẩn bị để hành động sau khi đánh giá sức mạnh của cả hai bên, chứ không phải, như sự mô tả của một số học giả ngoài cuộc, rằng để chọc giận Lâm Bưu. Khi một tay cờ chuyên nghiệp chơi cờ, ông ta sẽ nhận ra ý định của đối phương từ rất lâu trước đó, thay vì cần phải kích động sự giận dữ của đối phương.
 
Trong thực tế Lâm Bưu cũng không phải do dự. Ông đang thực hiện kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông do con trai ông thực hiện. Ông cũng có thể đã ước tính rằng con trai còn trẻ của ông sẽ hành xử nó trong cách thức của trẻ con và không thể thành công, vì vậy nhà chiến lược khôn ngoan Lâm Bưu thực sự có chuẩn bị cho một kế hoạch dự phòng. Sau (kế hoạch ám sát thất bại) khi Mao Trạch Đông trở vô lại vòng bảo vệ quân sự của ông, Lâm Bưu đã chuẩn bị để chạy về Quảng Châu ở miền Nam cho một cuộc đấu tranh quân sự. Nếu động thái này đã thành công, sự thay đổi của lịch sử ở Trung Quốc sẽ được sớm hơn một thập kỷ. Sự đau khổ của người dân Trung Quốc cũng sẽ ít hơn một thập kỷ. Đây là lý do mà rất nhiều người vẫn ca ngợi Lâm Bưu thậm chí cho đến ngày nay.

 

Như nhiều người khôn ngoan đã nói, sự kỹ luỡng những chi tiết quyết định kết quả. Phi công máy bay nằm trong sự kiểm soát của mật vụ Chu Ân Lai, phi công đã quay máy bay lặng lẽ bay về huớng bắc và vì thế kết thúc trước cuộc đấu tranh này mà lẽ ra đã đồng cân đồng lượng với nhau. Thảm họa cho người dân Trung Quốc được tiếp tục thêm mười năm nữa.

Từ quan điểm của nhiều người vào thời điểm đó, đa số người Trung Quốc hỗ trợ chương trình đảo chánh của Kế Hoạch 571, cho nên hy vọng thành công lớn hơn là khả năng thất bại. Từ xa xưa, những người chiếm được trái tim của nguời dân sẽ có được thế giới. Các lợi ích sống còn của người dân luôn luôn cao hơn so với tất cả những lý tưởng. Nếu không phải vì Chu Ân Lai và hệ thống mật vụ của ông, lịch sử Trung Quốc đã được viết lại. Nếu không phải vì sự cẩu thả trong các chi tiết, Napoleon và Lâm Bưu, cả hai là thiên tài quân sự, đã không thể bị đánh bại.

Mặc dù cuộc đảo chính quân sự của Lâm Bưu thất bại, ông đã thực hiện được một đòn chí tử vào sự điên rồ và ảo tưởng của Mao Trạch Đông. Nó dẫn đến ảnh hưởng quyết định lên tư duy và chính sách của Mao sau đó. Nó khiến ông ta từ bỏ chiến lược đấu tranh dành quyền bá chủ với Hoa Kỳ và Liên Xô, và làm giảm sự căng thẳng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ và Trung-Nga. Mao cũng sử dụng Đặng Tiểu Bình để thực hiện các biện pháp kinh tế của Lâm Bưu và Trần Bá Đạt v.v.., để ít nhất là giảm bớt những mâu thuẫn ở trong nuớc và ở bên ngoài, và ngăn chặn xu hướng của một sự sụp đổ nhanh chóng. Điều này đã đặt nền móng cho việc cải cách qua con đường tư bản chủ nghĩa của Trung Quốc trong những năm 1980s, và cùng lúc đã sinh ra phong trào của người dân Trung Quốc mong muốn có dân chủ, tự do, và chống chế độ chuyên chế tập trung.

Bây giờ Trung Quốc đã đi đến một ngã ba đường quan trọng khác, các điều kiện đã chín muồi để cho ra những nhân vật như Lâm Bưu. Chúng ta hãy đón xem sao về sự may mắn của người dân Trung Quốc trong lần này.





Monday, October 10, 2016

Ý niệm Tự do và Bình đẳng nhìn qua lăng kính Dân tộc Sinh tồn (DTST)

Tự do và Bình đẳng là những giá trị tuy đi theo tỷ lệ nghịch với nhau, nhưng công dân trong một quốc gia hay nhân loại trong thế giới đều mong muốn có được cả hai. Tự do giúp cá nhân hay nước mạnh được vượt trội, Bình đẳng giúp cá nhân hay nuớc yếu được bảo vệ.

Nó phản ảnh bản năng vị kỷ - vì mình, lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định - để phục vụ sự sinh tồn của cá nhân hay dân tộc. Bản năng vị kỷ, vì là bản năng, cho nên tự nó không xấu không tốt. Nó tương tác với môi trường sống để bảo vệ sự sinh tồn, cho nên qua sự tương tác này nó có thể trở thành xấu, thể hiện qua tính ích kỷ, hay trở thành tốt, thể hiện qua tính vị tha. 

Vì vậy hoàn cảnh môi trường mà một cá nhân (trong một quốc gia) hay một dân tộc (trong cộng đồng thế giới) tương tác sẽ làm nên hiện thực của dòng sống cá nhân hay dân tộc đó. 

Trong môi trường mà Cộng Sản bần cùng hoá Miền Nam của thập niên 1975-1985 thì sự tương tác của bản năng vị kỷ với môi trường để bảo vệ sự sinh tồn thường khuyến khích tính ích kỷ. Trong môi trường người tỵ nạn sống trong các quốc gia sung mãn về kinh tế chính trị như Hoa Kỳ thì bản năng vị kỷ hướng về tính vị tha, với trên 10 tỷ đôla mỗi năm gởi về giúp người thân và đồng bào ở Việt Nam.

Cần làm rõ nội hàm của hai ý niệm Tự do và Bình đẳng. Trong tiếng Việt chỉ có một từ "tự do" nhưng trong tiếng Anh nó phản ảnh bằng hai từ "freedom" và "liberty". Vậy Tự do mà ta đang nói tới là tự do nào?

Chữ "freedom" có gốc từ nước Đức nhằm đơn giản để chỉ khả năng của cá nhân để quyết định hay hành động mà không có sự can thiệp nào từ bên ngoài. Nó khá lý tưởng vì trong thực tế, sống là sống với, và bản năng xã hội (trong DTST) khiến sinh vật có tính bầy đoàn. Trừ khi cá nhân sống ở Nam Cực hay trong rừng già Amazon để có "freedom" đúng nghĩa, bằng như "sống với" thì "freedom" luôn có giới hạn (http://bit.ly/2d6B1FP).

Trái lại, chữ "liberty" có gốc từ nước Pháp nhằm nói đến tự do được ban phát hay công nhận bởi một cái gì bên ngoài cá nhân đó, như xã hội hay chính quyền. Cho nên cuối cùng thì "freedom" là một nhân quyền mà khi sinh ra chúng ta đã có, còn "liberty" là nhân quyền mà chúng ta phải tranh đấu để có. Những nhà lập quốc của HK tin rằng "freedom" là tự do mà Thượng Đế ban phát cho con người, và "liberty" là mức độ tự do mà chính quyền ban phát cho công dân được hưởng.

Trong sinh hoạt hằng ngày, "freedom" dùng để nói lên sự không bị ràng buộc trong giao tế (thụ động) và "liberty" để nói lên quyền được làm một điều gì (chủ động) vì không bị các định chế bên ngoài giới hạn (http://bit.ly/2dZuwe8).

Trở lại từ Tự do trong tiếng Việt, nhìn qua lăng kính DTST với bản năng xã hội (tính bầy đàn) là một trong ba bản năng cấu thành bản năng sinh tồn (tình dục, vị kỷ, xã hội) thì từ Tự do mà bài viết này muốn nói đến là Tự do mà chúng ta cần tranh đấu để có, tức Tự do "liberty".

Tự do càng nhiều có nghĩa là chính quyền hay xã hội càng ít can thiệp. Đây là giá trị mà đảng Cộng Hoà ở Mỹ tin tuởng vào và tranh đấu cho. Muốn thế thì chính quyền phải nhỏ, luật pháp càng ít càng tốt để người dân không bị trói tay, hay thuế càng nhẹ càng tốt để nguời dân không bị gánh trách nhiệm xã hội quá nặng. Tự do càng nhiều thì người tài, người mạnh càng thăng tiến vì tài năng của họ được thi thố tối đa để phát triển bản năng vị kỷ của họ. Nên hiểu là bản năng vị kỷ tự nó không tốt không xấu, nhưng khi tương tác với môi trường thì nó có thể trở thành ích kỷ (xấu) hay vị tha (tốt). Bản năng vị kỷ lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định. Các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates, Mark Zuckerberg... đã làm thị nguyện cho tiền tỷ là để phát triển bản năng vị kỷ của họ (lên vị tha).

Nhưng Tự do càng nhiều thì làm cho xã hội càng dễ bị bất bình đẳng, những người thành công tựa như những siêu sao trong phim cinema, còn đại đa số chỉ làm bình phong phía sau cho siêu sao được chói lọi. Vì vậy Tự do phải đi đôi với Bình đẳng, dù là hai giá trị này trái chiều nhau. Bởi vì vạn vật được tạo ra theo nguyên tắc cân bằng, không cân bằng không làm nên hệ thống hay sẽ cho ra hệ thống khuyết tật (như Cộng Sản Việt Nam hiện nay). 

Tự do giúp cho cá nhân được phát triển tối đa năng lực của mình, giúp cho tinh hoa được phát tiết, nó là chân phải của cơ thể dân tộc. Trong khi đó Bình đẳng giúp cho thành phần yếu kém của dân tộc, thường là đa số, không bị bỏ rơi, nó là chân trái của dân tộc. Dân tộc muốn tiến lên cần cả hai chân để đi để chạy, còn như bỏ đi một trong hai giá trị song phương này, thì chỉ có thể nhảy một chân, không lâu bền và không nhảy qua hầm hố được. Đảng Dân Chủ ở Mỹ đặt nền tảng trên giá trị Bình đẳng này, với sự bênh vực cho người lao động, phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật... Để có được sự bình đẳng, chính quyền cần can thiệp nhiều hơn vào đời sống của nguời dân, đặt ra nhiều luật hơn, lập ra nhiều cơ quan an sinh xã hội hơn, hệ quả là chính quyền to, thuế cao, tự do bị thu hẹp lại.

Cũng như ý niệm Tự do, ý niệm Bình đẳng cũng cần được hiểu cho rõ. Thế nào là bình đẳng? Khi Thượng đế tạo ra con người, bởi vì anh là người, tôi là người nên có sự bình đẳng về sinh vật hay bình đẳng nhân phẩm. Nhưng nếu anh là người có thể chất hoàn toàn khoẻ mạnh hay sinh ra trong gia đình giàu sang, còn tôi sinh ra bị tàn tật hay trong gia đình nghèo đói thì cái khởi đầu này có bình đẳng hay không? Bình đẳng là bình đẳng cơ hội (equality of opportunity) hay bình đẳng hưởng thụ (equality of outcome) hay bình đẳng quyền hạn (equality of autonomy)?

Có câu chuyện vui về bình đẳng hưởng thụ như sau: Một vị trưởng giả ở Pháp có mướn một người giúp việc. Anh chàng rất chăm chỉ làm việc nhưng có thói quen là mỗi cuối tuần đi tham dự hội họp cộng sản. Vị trưởng giả biết nhưng không cấm vì thấy anh chàng làm việc đàng hoàng. Bẵng đi một thời gian anh chàng không đi dự sinh hoạt cộng sản nữa. Ông chủ lấy làm lạ nên hỏi "Tại sao?" Anh chàng nói "Lần sinh hoạt cuối cùng họ nói nếu đảng ta thu tóm hết tài sản nước Pháp và đem chia đều theo đầu người thì mỗi người có được 3 ngàn đồng franc". Ông chủ hỏi "Thế thì sao?" Anh chàng trả lời "Nhưng tôi đang có 5 ngàn đồng franc".

Bình đẳng cơ hội chủ yếu là bình đẳng lúc bắt đầu cuộc đua như đi xin việc làm chẳng hạn, không được kỳ thị lý lịch như CSVN đã và đang làm, hay kỳ thị giới tính, giàu nghèo, chủng tộc, tôn giáo... Còn Bình đẳng hưởng thụ thì có huê dạng của Robin Hood lấy tài sản của người giàu đi phân chia cho người nghèo. Một ý niệm mới về bình đẳng là Bình đẳng quyền hạn hay bình đẳng trong việc tăng quyền (empowered) để làm các quyết định, làm cho ai cũng có khả năng phát triển tối đa năng lực của mình trong suốt chiều dài của cuộc đời. Nó dung hoà giữa Bình đẳng cơ hội và Bình đẳng hưởng thụ (http://bit.ly/2d8qFFA).

Trong thực tế hai ý niệm về bình đẳng phổ biến nhất là bình đẳng cơ hội và bình đẳng hưởng thụ. Ý niệm bình đẳng cơ hội phổ thông trong các quốc gia theo dân chủ tự do. Ý niệm bình đẳng hưởng thụ phổ thông trong các quốc gia theo xã hội chủ nghĩa. DTST nói rằng muốn sinh tồn phải chiến đấu, để thắng trong chiến đấu phải có sức mạnh, có khả năng biến cải và có khả năng hợp quần. Để chiến thắng trong chiến đấu, DTST cần sự Bình đẳng cơ hội trong môi trường, mới có thể tận dụng được sức mạnh của mình, cứng cũng như mềm, trên nền tảng công lý của cuộc tranh đua.

Tự do và Bình đẳng tuy là hai đầu đối nghịch nhau, nhưng nó tựa như thanh côn nhị khúc của Lý Tiểu Long, nó không thể rời nhau, nó có thể chặp song song nhau, nó tuy hai mà một và nó là đôi giá trị nền tảng để phục vụ cho sự chiến đấu sinh tồn của dân tộc.

Tóm lại, giá trị Tự do "liberty" và Bình đẳng cơ hội (equality of opportunity), qua lăng kính DTST, sẽ giúp cho dân tộc và con người trong dân tộc phát triển được tối đa năng lực - cá nhân cũng như dân tộc - để xây dựng lên các định chế dân chủ pháp trị, hội nhập được dân tộc Việt khắp năm châu, phát huy được sức mạnh dân tộc trên trường thế giới, để dân tộc Việt trở thành một dân tộc mạnh, sánh vai cùng các dân tộc khác trên bước đường hướng về tương lai của nhân loại.

Lê Minh Nguyên AT (http://bit.ly/2e1C4gf)
10/10/2016




Wednesday, October 5, 2016

Lời nói làm thành hiện thực (Words become reality)

Mười năm trước khi mất (10/1/1998), nhà văn Mai Thảo cho xuất bản tập thơ duy nhất "Ta thấy hình ta những miếu đền", trong đó ông có các câu thơ về bệnh của ông:


Mỗi lần cơ thể gây thành chuyện 

Ta lại cùng cơ thể chuyện trò 

Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn 

Nó nghĩ sao rồi nó lại cho 


Bệnh ở trong người thành bệnh bạn 

Bệnh ở lâu dài thành bệnh thân 

Gối tay lên bệnh nằm thanh thản 

Thành một đôi ta rất đá vàng


Nhớ thời đi học ở truờng đại học Pepperdine về Tổ chức và Thay đổi Tổ chức, bà giáo sư trưởng khoa thường nhắc nhở "words become reality" (lời nói làm thành hiện thực) để nhắc nhở các sinh viên chúng tôi khi ứng xử với môi trường mà mình đang ở trong đó, dù nó là lớp học, là công ty hay ngoài đời...


Lời nói có sức mạnh (power) tự tại của nó, ta buớc vào cuộc đời và lèo lái xuyên suốt cuộc đời của ta bằng lời nói (qua cửa miệng hay qua ngòi bút) và nó sẽ trở thành hiện thực để làm thành căn cước của ta. Và ta là ai không phải do từ ta phán ra mà là do thế giới chung quanh nhận xét về ta từ cái căn cước này. Ca dao Việt Nam có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" phản ảnh sức mạnh hiện thực của lời nói. Thường thì không khó để nói lời tử tế với nhau trong cuộc sống, thay vì để đến lúc ngã ngựa mới nói "làm người tử tế" như ông cựu thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.


Trong cuộc đời, người ta biết về người khác qua cảm nhận (perception) chứ không phải qua những gì mà người khác tự nghĩ về chính họ hay được họ trình bày ra bên ngoài. Ngay trong đối thoại giữa hai người (tiêu biểu bằng M và N cho dễ) thì trong thực tế có đến sáu con người ở trong đó: con người thực trong lòng của M, con người mà M trình bày ra bên ngoài và con người mà N cảm nhận về M. Phía N cũng có ba con người như vậy. Và con người để hai bên biết nhau và đưa đến phản ứng hay hành động như thế nào với nhau là con người được đối tác cảm nhận (perceived). Vấn đề là làm sao cho con người thực trong lòng và con người được đối tác cảm nhận thật gần nhau như hai vòng tròn, tuy không hoàn toàn chập vào nhau nhưng có phần chung nhau rất lớn. Điều này có thể trở thành hiện thực nhờ vào ngôn từ.


Trong cuộc đời, có những người bi quan luôn nói lời ta thán, vô hình chung tự tiên đoán vận mạng xấu sẽ đến cho mình (self-fulfilling prophecy), họ trực tiếp hay gián tiếp tiên đoán là mình sẽ bị này bị nọ và sau đó trở thành sự thật vì "lời nói làm thành hiện thực". Nhà văn Mai Thảo không bi quan dù đang bệnh hoạn "Dỗ nó chớ gây thành chuyện lớn. Nó nghĩ sao rồi nó lại cho" cho nên cơn đau của ông cũng nhờ thế mà cũng giãm đi "Gối tay lên bệnh nằm thanh thản".


Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cả đời đi tranh đấu cho dân chủ pháp trị cho Việt Nam, ông phải sử dụng cái lưỡi rất nhiều cho việc giáo dục và việc thuyết trình khi đi đây đi đó. Tôi còn nhớ khi tranh đấu bên cạnh ông những năm cuối thập niên 1970s, tôi tổ chức mời gọi sinh viên đến nhà (Long Beach, California) để ông nói chuyện, các sinh viên sáng đến một nhóm, trưa một nhóm, chiều một nhóm, và ông không quản ngại vất vả thuyết trình trọn vẹn cho cả ba nhóm. Đầu thập niên 1980s bác sĩ cho biết ông bị ung thư lưỡi và nghĩ rằng ông chỉ có thể sống tối đa là 3 năm nữa thôi. Nhưng không, ông đã sống đến ngày 28/7/1990 và bác sĩ cho đây là một sự kỳ diệu (miracle). Ông luôn nhìn về phía trước với những lời lẽ tích cực và "lời nói làm thành hiện thực" để kéo dài sự sống của ông.


Bên cạnh GS Huy, tôi còn nhớ có lần ông nói rằng nếu một điều gì chưa xảy ra mà được nói đi nói lại nhiều lần thì nó sẽ xảy ra vì người ta tin là thật. Nguời cộng sản dùng nguyên tắc này để làm ban tuyên giáo, nói láo có tổ chức, đánh bùa tuyên truyền dối gạt dân chúng, tạo hiện thực bằng sự lừa bịp, và khi thông tin bị bưng bít một chiều thì nó sẽ tạo ta một hiện thực theo ý muốn của Đảng CS.


Theo GS, trường hợp dễ thấy nhất của hiện tượng tâm lý này là những nghệ sĩ trên sân khấu. Ban đầu vì do vai phải đóng trong vở tuồng cho nên họ phải nói yêu thương nhau mặc dù trong lòng không phải vậy, nhưng khi tiếp tục đóng mãi và nói mãi như vậy thì "lời nói làm thành hiện thực" và họ yêu nhau ngoài tuồng. Trước năm 1975 nghệ sĩ Thanh Nga và Thành Được đã ở trong trường hợp như vậy. Các nghệ sĩ khi đóng vai chỉ xuất sắc khi thực sự nhập vai, mà nhập vai có nghĩa là thật như người trong cuộc. Với tình cảm, khi đã thật trên sân khấu thì nó cũng sẽ thật ở bên ngoài sân khấu.


Cái gì ta nghĩ và nói ra nó sẽ trở thành hiện thực. Những ý nghĩ của ta là sức mạnh (power) cho nên ta cần hết sức để ý đến tư tưởng và lời nói. Những điều ta thường nói hoặc thường nghe sẽ xây mạch trong ta và sẽ trở thành hiện thực. Khoa học đã chứng minh như vậy, và trong thực tế đó là cách mà bộ óc của ta vận hành. Khoa học đã chứng minh rằng bộ óc của ta luôn thay đổi mạch nối để kiến tạo hiện thực. Óc của ta là một bộ máy siêu vi tính (supercomputer) xử lý những dữ kiện (ý nghĩ và lời nói) mà ta thường xuyên cung cấp, vì thế nếu ta muốn cuộc đời ta thế nào thì ta cần cung cấp data cho thích hợp như thế đó (http://bit.ly/2dt8d0j).


Lời nói giống như những hạt của cỏ cây, khi ta nói ra tức là ta đã ươn nó xuống đất để cho nó mọc lên cuộc sống. Nếu ta tiếp tục nói về nó, dù tiêu cực hay tích cực, thì nó sẽ trở thành hiện thực. Dù ta có chủ ý hay không, thì ta cũng vô hình chung tự kiến tạo tương lai ta. Nếu ta muốn cây táo thì ta gieo hạt táo, nếu ta muốn cây cam thì ta không thể gieo hạt xương rồng hay hạt cải. Khi ta luôn nói những điều bi quan thì ta không thể mong đợi sống đời lạc quan. Khi ta luôn than thở rằng mình thất bại thì không thể mong đợi sự chiến thắng hay thành đạt trong cuộc đời (bit.ly/2ca8DDL) (bit.ly/2ca9cO5).


Để bớt khô khan hay có tính cách giáo khoa thư, trong phần kết luận người viết xin kể lại một câu chuyện vui có chút liên quan đến "lời nói làm thành hiện thực": 


Một cô giáo hết sức là mô phạm và phải lòng một anh chàng dạy thể dục trong một trường trung học. Hai người hẹn hò vào một đêm trăng nơi thanh vắng và thơ mộng. Tình yêu và khung cảnh khiến cho chàng và nàng cùng hát bản "24 Giờ Phép"


Ðưa ta đi về nguyên thủy loài người

Lời yêu khi muốn ngỏ vụng về

Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay

.....

Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi

Ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời

Ðêm lạc loài giấc ngủ mồ côi

(http://bit.ly/2dtjCxr)


Sau bản nhạc cô giáo ngồi khóc thút thít, chàng ngạc nhiên và lo lắng hỏi "Tại sao em lại khóc?". Nàng vừa khóc vừa trả lời "Em thật xấu hổ với học trò của em, khi chúng nó biết rằng em phạm tội tới hai lần!" Chàng càng ngạc nhiên hơn và hỏi tiếp "Em nói sao? Tại sao phạm tội tới hai lần? Không lẽ trước anh em đã có ai?" Nàng quẹt nước mắt trả lời "Không! Anh là người đầu tiên. Không lẽ trước khi ra về anh không cho em một lần thứ hai hay sao!?"


Thế là "words become reality" lời nói làm thành hiện thực!


Lê Minh Nguyên AT 

5/10/2016




Tuesday, October 4, 2016

Bài học cho ngày nay về cuộc nổi loạn của Lâm Bưu

Các ông Ngụy Kinh Sinh, Yu Luowen và Ye Ning nói về cảm hứng cho quân đội Trung Quốc ngày nay từ cuộc đảo chánh của Lâm Bưu (phần đầu của loạt bài "Lối Ra cho Trung Quốc" trong Hội thảo do Ngụy Kinh Sinh Foundation tổ chức.
 - Boxun News, ngày 26/9/2016


Ngày 24/9/2016, một buổi hội thảo do Nguỵ Kinh Sinh Foundation tổ chức tại Washington DC lần đầu tiên với chủ đề  "Lối Ra cho Trung Quốc". Mục đích chính của loạt hội thảo này là để phân tích và đánh giá tình hình hiện nay ở Trung Quốc, để từ đó phát triển một đối sách chính xác cùng thúc đẩy một cuộc cách mạng dân chủ ở Trung Quốc. 

Chủ trì hội thảo này là cô Hoàng Sĩ Bình (Huang Ciping), Giám đốc điều hành của Nguỵ Kinh Sinh Foundation. Những người tham dự hội thảo bao gồm ông Yu LuoWen, em trai của một nhà tiên tri là nạn nhân trong cuộc Cách mạng Văn hóa; luật sư Trung Quốc nổi tiếng Ye Ning; bình luận gia chính trị Qin Weiping, nhà báo kỳ cựu Tie Xun, tiến sĩ luật Wang Xiangguo, phóng viên Yin Gang v.v..

Ông Ngụy Kinh Sinh nói: Một số học giả Trung Quốc tin rằng Lâm Bưu không có ý định làm đảo chính chống lại Mao Trạch Đông. Bà Lâm Đậu Đậu (Lin Doudou, con gái của Lâm Bưu) mong rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPP) xét lại việc cho rằng ông Lâm Bưu nổi loạn. Nhưng CCP vẫn tiếp tục giọng điệu về Lâm Bưu do Đặng Tiểu Bình đưa ra. Vậy thì liệu Lâm Bưu đã thực sự có một kế hoạch đảo chánh? Tôi nghĩ rằng có những bằng chứng cho thấy như vậy. 

Khi tôi phục vụ trong sư đoàn 47 của Trung Quốc, chúng tôi được lệnh đi Bắc Kinh để thay thế cho sư đoàn 38 theo mệnh lệnh của Lâm Bưu. Đó là một phần của kế hoạch chuẩn bị cho cuộc đảo chính của Lâm Bưu. Mặc dù sư đoàn 38 cũng là một sư đoàn ưu tú do Lâm Bưu đã từng chỉ huy, nhưng sau chiến tranh Triều Tiên thì có quá nhiều con cái của các cán bộ cho nên ông gặp khó khăn để ra lệnh. 

Sau Đại hội Đảng lần thứ 9 của CPP, có những bất đồng nghiêm trọng giữa Lâm Bưu và Mao Trạch Đông. Khi Mao Trạch Đông bắt Trần Bá Đạt (Chen Boda, bạn thân của Lâm Bưu), thì đó là một dấu hiệu cho thấy rằng ông ta sẽ ra tay với Lâm Bưu. Sau đó, Chu Ân Lai thấy được ý định quân sự này của Lâm Bưu và báo cáo cho Mao. Vì thế, Mao Trạch Đông nói với Lâm Bưu rằng sư đoàn 47 nên đi về phía tây của Trung Quốc để chống lại "chủ nghĩa xét lại của Liên Xô". Do vậy mà động thái của Lâm Bưu đã bị thất bại. 

Về Kế hoạch 571 ("571" phát âm tiếng Tàu tương tự như Vũ Khởi Nghĩa-Wu Qi Yi cho Vũ Trang Khởi Nghĩa-Wu Zhuang Qi Yi, hay "cuộc nổi dậy của quân đội") của Lâm Lập Quả (Lin Liguo, con trai của Lâm Bưu), ông Nguỵ nghĩ rằng đó cũng là thất bại của Lâm Bưu. 

Có hai sai lầm của Lâm Bưu đã dẫn đến sự thất bại toàn diện. Sai lầm đầu tiên là dùng không đúng người - ông dùng con trai ông là Lâm Lập Quả chỉ trong độ tuổi 20. Sai lầm thứ hai là khi thực sự cần có hành động nhanh chóng, ông đã hành động quá chậm chạp trong cung cách của "một người đàn bà tốt bụng". Vì thế, ông cho phép Mao Trạch Đông cơ hội để đánh bại ông. 

Ngày nay đây, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của CCP đang điều tra hàng trăm quan chức và tướng lĩnh trong quân đội, những người vươn lên các cấp bậc nhờ Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng (cả hai đã bị bắt giữ), tại sao họ chần chờ để bị bắt giữ thay vì làm một cuộc đảo chánh để vùng lên? Đặc biệt quan trọng là tuớng Phạm Truờng Long (Fan Changlong) người nắm giữ quyền lực thực sự và hiện đang đứng ngay ở bờ rìa vách đá, mục đích của sự chờ đợi là gì? Có phải họ chờ đợi cho việc thả Quách Bá Hùng và Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua)? Hay là họ chờ đợi cho đến khi CCP trở nên dân chủ ở Đại hội thứ 19, để bỏ phiếu cho Tập Cận Bình ra khỏi chức vụ?

Yu LuoWen nghĩ rằng các biên bản của Kế hoạch 571 đã làm thức tỉnh toàn bộ thế hệ thanh niên ở Trung Quốc lúc đó. Qua đó, những nguời trẻ bị gửi đến các vùng nông thôn nhận ra rằng họ bị Mao Trạch Đông bắt làm nô lệ, Mao được coi là một Tần Thủy Hoàng hiện đại (hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần), người đã gửi những thanh niên đi cải tạo lao động. Biên bản Kế hoạch 571 đã đặt nền móng cho sự giải phóng tư tưởng của cả dân tộc sau khi Mao chết. Có thể nói rằng Lâm Bưu có tội, nhưng Kế hoạch 571 của con trai ông có giá trị trong thời điểm đó vì nó sẽ mang lợi cho Trung Quốc trong tương lai.
  
Luật sư nổi tiếng Ye Ning nghĩ rằng các biên bản Kế hoạch 571 của Lâm Lập Quả không những chỉ đóng vai trò của sự giác ngộ cho người Trung Quốc khi đó nhận ra Mao Trạch Đông như một bạo chúa phong kiến ​​phát xít, mà cũng còn đặt nền tảng tư tưởng cho sự cải cách và mở cửa Trung Quốc trong tương lai. 

Cái lỗi của Đặng Tiểu Bình là ông ta đã không hoàn toàn phủ nhận Mao Trạch Đông như một người điên tàn bạo như Lâm Bưu và Lâm Lập Quả đã làm. Do đó nó dẫn đến một khuyết tật rất lớn cho cải cách của Trung Quốc ngày nay - cho nên sự trỗi dậy với quy mô lớn chủ nghĩa cực tả của Mao là tội lỗi của Đặng Tiểu Bình. 

Tuy nhiên, tinh thần của cuộc nổi loạn toàn diện với đảo chính quân sự của Lâm Bưu và Lâm Lập Quả sẽ không chết, và sẽ là một chủ đề cần thiết và không thể tránh khỏi để mọi người tìm hiểu; đặc biệt là những nguời nổi loạn này nằm trong hệ thống Cộng Sản, muốn lật đổ chế độ độc tài cộng sản hiện nay. (Boxun news)