Saturday, April 30, 2016

Để Tiêu Diệt Một Dân Tộc

Khi sinh tiền bà GS Sheri Rosenberg có viết "Diệt chủng là một tiến trình, không phải một sự kiện" (Genocide Is a Process, Not an Event - bit.ly/1VY3UIk). Bà cho rằng đó là một sự giảm thiểu từ từ sức sống của dân tộc đó về cả hai mặt chất lượng và số lượng (genocide by attrition).

Trong lịch sử loài người, diệt chủng đã xảy ra rất nhiều cho các dân tộc, tuy hoàn cảnh và đặc tính có khác nhau, nhưng nó có các điểm giống nhau như: (1) diễn ra trong bối cảnh thế giới ít quan tâm vì do một sự kiện lớn khác chiếm hết các băng tầng của truyền thông các nước, (2) muốn xoá bỏ, làm bạc nhược, hay đuổi dân tộc đó ra khỏi một vùng lãnh thổ, (3) chủ thể gây ra là một chính quyền hay một quốc gia ở tại thực địa hay ở ngoài thực địa, (4) xem sự hiện hữu hay sự hùng mạnh của dân tộc đó là một mối đe doạ, (5) xảy ra khi dân tộc đó không có khả năng để tự bảo vệ, (6) chủ thể gây ra thường nhân danh một lý tưởng, một chủ nghĩa, một tín ngưỡng, hay một sự tự vệ, (7) chủ thể gây ra thấy không có ai ở bên ngoài thực sự có khả năng can thiệp vào, (8) sự diệt chủng xảy ra trong một thời gian dài, không phải giết hàng loạt trong một vài lần, (9) sự diệt chủng không chừa một ai, dù đàn bà hay trẻ em (bit.ly/1Tk8BGn).

Trong quá khứ ta thấy có khoảng 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã sát hại từ 1933-1945, khoảng 1 triệu người Tutsi bị sát hại trong năm 1994 ở Rwanda bởi chính quyền người Hutu, khoảng 1.5 triệu người Armedian bị sát hại duới tay người Thổ Nhĩ Kỳ từ 1915-1923, khoảng 1.5 triệu người Cam Bốt dưới tay Pol Pot từ 1975-1979, hơn 1 triệu người Ái Nhĩ Lan chết đói 1846-1852 mà nguời Anh gián tiếp để cho xảy ra, nhiều triệu thổ dân ở Mỹ Châu bị chết vì bệnh đậu mùa (smallpox) do nguời Âu Châu đem sang cùng sự tàn sát nguời Inca và người Aztecs, chính quyền Úc từ 1909 đến thập niên 1970s chủ truơng tiêu diệt thổ dân bằng cách bắt cóc trẻ sơ sinh của họ,... (bit.ly/1YWAIPX).

Việt Nam là nạn nhân của tiến trình này qua cả ngàn năm lịch sử, nó giảm tốc khi Việt Nam giành được độc lập, nhưng tăng tốc trở lại khi phong trào cộng sản thắng thế với quốc tế vô sản, và càng thảm não hơn khi Đông Âu và Liên Sô sụp đổ, CSVN lệ thuộc vào CS Trung Quốc nhiều hơn để tồn tại, mà Hội Nghị Thành Đô 1990 và hai thập niên sau đó là đỉnh điểm của sự thần phục.

Trung Quốc từ ngàn năm, do địa chính trị chéo ngoe thất thế, hoặc chỉ thu mình ở trung nguyên hay chỉ có thể tiến nam để bành truớng, nên xem VN là cái gai cần phải nhổ cho trống đường, cả bộ lẫn thuỷ. TQ xem sự hùng mạnh của VN là một mối đe doạ, cản bước TQ trong việc chế ngự Đông Nam Á với khoảng trên 600 triệu dân, với tài nguyên Biển Đông và đường vào Ấn Độ Dương để tiến đến Trung Đông và Phi Châu.

Nhưng tiêu diệt dân tộc VN thì rất khó mà ngàn năm lịch sử đã chứng minh. Vậy thì diệt chủng bằng một tiến trình từ từ và đa dạng là giải pháp mà họ có thể làm được, vừa hiệu quả vừa không gây ồn ào để dư luận thế giới quan tâm.

Ở Hội Nghị Geneva 1954, trong các cuộc đàm phán giữa các bên, TQ với thủ tuớng Chu Ân Lai luôn thúc ép phía Việt Nam chia đôi đất nước (bit.ly/1YWCJvt). Nhà sử học Nayan Chanda nhận xét: “Trung Quốc ủng hộ sự tồn tại của hai Việt Nam và nói chung mong muốn có một đa quốc gia tại biên giới của nó..." (bit.ly/1YWD41i).

Trong Chiến Tranh VN, TQ cung cấp súng đạn cho Miền Bắc xâm lăng Miền Nam, muốn cho huynh đệ tương tàn, TQ còn cho cả 170,000 quân TQ vào trấn giữ Miền Bắc để CSVN dốc toàn lực lượng xâm lăng Miền Nam (bit.ly/1VCpHVM). Một VN yếu và tan nát là một dạng của tiến trình tiêu diệt một dân tộc.

Khi Miền Bắc chiếm được Miền Nam năm 1975, những ngày trước khi MN sụp đổ, TQ không muốn có một VN thống nhất mà muốn tiếp tục duy trì hai thực thể, họ đã liên lạc với Toà Đại Sứ Pháp và với phía ông Dương Văn Minh trong ý định này, nhưng đã không thực hiện được vì biến cố xảy ra quá nhanh và ông DVM đi về hướng người em ruột của ông là Dương Thanh Nhựt (Mười Ty - bit.ly/1VF4Hhh) phía CSVN, đang ngã hẳn về Liên Sô. Sử gia Dương Trung Quốc đồng ý với đánh giá của truyền thông quốc tế lúc bấy giờ là TQ muốn "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng". Ông nêu bật là, bất chấp sự chọc gậy bánh xe của TQ, CSVN năm 1975 đã thống nhất đất nước. Phản ứng sau đó của TQ là xúi giục lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot mở cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và xua quân đánh vào vùng biên giới phía Bắc VN năm 1979 (http://rfi.my/1TkuFR9).

Để tiêu diệt một dân tộc, TQ sử dụng một tiến trình lâu dài và đa dạng: từ chia đôi đất nước, cung cấp súng đạn cho huynh đệ tương tàn, thừa cơ hội Hoa Kỳ rút quân để chiếm Hoàng Sa, thừa cơ hội CSVN chơi vơi trước sự suy tàn của Liên Sô và Đông Âu để chiếm Trường Sa, lợi dụng lúc CSVN sẽ té nếu không có họ chống lưng để tung ra đường lưỡi bò, xây đảo, chiếm thêm ngư trường, đưa thêm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN hay vùng chồng lấn ở vịnh Bắc Bộ, xâm nhập nóc nhà VN qua việc khai thác bauxite, nơi có vị trí chiến lược và xả rác bùn đỏ, chiếm các khu rừng đầu nguồn, khống chế nước sông Mekong gây nhiễm mặn cái nôi nông phẩm và huỷ diệt tôm cá, núp sau Đài Loan xây dựng nhà máy thép Formosa Vũng Áng, nơi có vị trí yết hầu dễ cắt VN cả bộ lẫn thuỷ với chỉ khoảng 40 cây số đến Lào và 320 cây số đến căn cứ hải quân Du Lâm của TQ, làm nhiễm độc biển đưa chất độc vào hệ thống dây chuyền thực phẩm tàn phá sức sống dân tộc nhiều thế hệ về sau, nhập vào VN các thực phẩm và hoá chất độc hại, xây các nhà máy không an toàn gây ô nhiễm không khí hay nguồn nước từ Bắc đến Nam như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận hồi tháng 4/2015 (bit.ly/1UnayGQ), xây các phố Tàu khắp các tỉnh thành.

TQ từng lấy cớ mượn đường vào đánh Chiêm Thành đời nhà Trần để xâm lăng VN. Ngày nay việc mượn đường được thể hiện dưới hình thức đầu tư kinh tế. Thâm hụt thương mại với TQ năm 2015 là khoảng 35 tỷ đôla, số tiền khổng lồ này mà TQ móc được từ VN mỗi năm giúp TQ mượn đường vào VN bằng chi phí của VN (bit.ly/1UnaoiI).

VN đất hẹp dân đông, mật độ dân số được coi là quá cao, khoảng 270 người cho một cây số vuông, gấp 7 lần so với tiêu chuẩn (bit.ly/1NHXXfW) thế giới. Cho nên để dọn con đường mòn tiến nam, họ vừa cho dân TQ vào sống xôi đậu chiếm các vị thế thượng phong, vừa huỷ hoại môi trường để bào mòn sức sống, đuổi người Việt đi nơi khác. Các khu phố Tàu nở ra từ sau Hội Nghị Thành Đô ở các tỉnh như Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương... (bit.ly/1NI09nM) càng ngày càng mọc lên nhiều hơn.

Đảng CSVN lại không quan tâm gì đến môi trường, trong khi TQ đang dùng nó để tiêu diệt một dân tộc. Các nước như Đức, Áo, Bỷ, Ý, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ và cả Phi Luật Tân đang chủ trường giảm thiểu và loại bỏ hẳn điện hạt nhân. Các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha đang cắt xuống dần các nhà máy (bit.ly/1UnaarX). Trong khi đó thì VN lại hồ hởi xây dựng ở Ninh Thuận. Nếu tai nạn xảy ra thì sức tàn phá môi trường sẽ vô cùng khủng khiếp. Rất nhiều các chuyên gia điện hạt nhân bên trong và bên ngoài VN hết sức lo lắng và lên tiếng báo động, nhưng CSVN bỏ ngoài tai vì xây dựng hàng tỷ đôla thì tiền bôi trơn tham nhũng sẽ khổng lồ cho họ (http://nyti.ms/1UnchMf). VN có bờ biển dài và vô cùng xinh đẹp, các nhà máy như Formosa hay điện hạt nhân sẽ lấy đi món quà thiên nhiên quý giá của dân tộc.

Các nước theo chế độ cộng sản có một điểm chung là xem rẽ sự sống của nguời dân trong nước. Họ xem dân là con vật để thí nghiệm trong việc họ thay Thượng Đế để cơ cấu lại xã hội con người (social engineering). Coi dân như cái đinh con ốc trong bộ máy cơ khí, có thể ném bỏ một cách vô cảm (expendable), hoàn toàn không có nhân vị. Chủ nghĩa cộng sản với ý niệm "đạo đức cách mạng" mà Lê Nin cổ xuý, dạy cán bộ phải biết xem rẽ đạo đức mà các tôn giáo lớn của nhân loại xiển dương để làm bất cứ điều gì có lợi cho đảng. Sự bạo tàn từ đó mà ra! Não trạng này ngày nay cũng còn di truyền sang hậu CS của chế độ Putin (on.wsj.com/1REgSJs). CSVN là đàn em của cộng sản Liên Sô và Trung Quốc cho nên cũng không ngoại lệ. Sự kiện cá chết và môi trường sống bị tàn phá đã phơi bày rõ nét điều này.

Các nước theo chế độ cộng sản có một điểm chung thứ hai là "khôn nhà dại chợ", hà hiếp và giết hại dân mình nhưng sợ ngoại bang, nhất là những ngoại bang có sức mạnh quân sự hay kinh tế. Lợi dụng tâm lý "dại chợ" này của CSVN mà TQ đã và đang xây hàng rào khoá các cửa biển của VN, khoá từ các nhà máy dọc bờ cho đến những chuỗi đảo ngoài khơi, khoá từ dưới nước lên đến trên không trung, biến VN thành con đường mòn Mao Trạch Đông ven biển để họ tiến nam.

Hiện tượng cá chết xuất hiện từ ngày 4/4 nhưng tứ trụ đều lặng thinh vô trách nhiệm. Mãi đến 22/4 TBT Nguyễn Phú Trọng mới đến Hà Tĩnh, nhưng không phải để hỏi thăm dân việc cá chết hay lo lắng môi trường mà để kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp và tiến độ Dự án Formosa (bit.ly/1NIoMRc). CTN Trần Đại Quang thì chẳng thèm thăm dân của 4 tỉnh bị nạn, hôm 29/4 vào Đà Nẵng phát biểu "Tôi cũng rất ủng hộ có chính sách đặc thù cho thành phố, có chính sách đặc thù thì Đà Nẵng mới bứt phá đi lên được, nếu không có là rất khó." Sự vô trách nhiệm cùng câu nói này cho thấy chế độ đã quá hư hỏng, chỉ nơi nào có ngoại lệ, có chính sách đặc thù như Đà Nẵng thì mới phát triển được (bit.ly/1TANFxo).

Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh hôm 25/4 trên kênh truyền hình VTC14 nói rằng "Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại" (bit.ly/1NItNZV). Câu nói tuy nghe rất sốc, nhưng có vẻ không phải nói với dân mà là nhờ truyền thông chuyển qua cho Đảng, vì trong quá trình thành lập, Formosa không làm việc với dân mà làm việc với Đảng CSVN, dân hoàn toàn bị gạt ra bên lề. Tiền Formosa bôi trơn trám miệng thì lãnh đạo Đảng đã ăn và đã chọn nhà máy, vì vậy Đảng "khôn nhà dại chợ" nên biết phải làm gì để bảo vệ Formosa vì công ty có yếu tố nước ngoài.

Để tiêu diệt một dân tộc nó "là một tiến trình, không phải một sự kiện" như GS Sheri Rosenberg quan sát. Tiến trình này TQ lâu nay thực hiện cho dân tộc Việt Nam. Nó lâu dài và đa dạng, được tăng tốc bởi chế độ chính trị của nước nạn nhân. Chế độ khoá tay bịt miệng người dân, không cho đất nước có sức mạnh dân tộc, hai đảng cộng sản đàn anh và đàn em rù rì rủ rỉ với nhau trong bóng tối. Nó biến VN trước tiên là bãi rác, kế đến là con đường mòn nam tiến. Nó bào mòn sức sống của dân tộc và tàn phá một đất đước xinh đẹp mà thiên nhiên ban bố. Lối thoát là đâu? - Nó nằm trong sự thông minh và dũng cảm của dân tộc ta, cho dù đã một lần uống phải bùa mê thuốc lú của chủ nghĩa cộng sản nên còn dật dờ cảnh trí. Lịch sử ngàn năm đã chứng minh, sức sống của dân ta mãnh liệt, dân tộc này không để bị tiêu diệt mà sẽ tỉnh thức để vùng lên.

Lê Minh Nguyên
30/4/2016



Monday, April 25, 2016

Ngụy Kinh Sinh bình luận về các đòi hỏi vừa qua của Tập Cận Bình cho quan chức CSTQ - VOA Connect

- Voice of America
20/4/2016
Lê Minh Nguyên dịch

VOA: Trong hai ngày liên tục của tuần này, lãnh tụ TQ Tập Cận Bình đã công bố hai đòi hỏi mới cho các quan chức Đảng CSTQ. Hôm thứ Hai (18/4), ông nói rằng cần phải thiết lập các quy định nghiêm ngặt hơn cho con cái và người thân của những cán bộ nếu họ đang làm kinh doanh. Nó được hiểu như là một tuyên bố rõ rệt nhất sau vụ "Hồ sơ Panama". Không lâu sau đó, ngày hôm nay (19/4), ông ta nói rằng các quan chức cần phải thuờng xuyên lên Internet để "hiểu dư luận quần chúng và chấp nhận phê bình". Chúng ta nên giải mã những công bố của ông Tập Cận Bình như thế nào? Qua điện thoại, chúng tôi mời ông Ngụy Kinh Sinh, Chủ tịch Liên đoàn Dân chủ TQ Hải ngoại, chia sẻ quan điểm của ông.

Chào ông Nguỵ! Trước hết chúng ta nhìn vào những gì ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp về an ninh mạng ngày hôm nay. Ông ta nói rằng, khi người dân TQ sử dụng Internet thì dư luận của họ cũng được mang lên Internet, cho nên các quan chức cần phải học cách sử dụng Internet để gần gũi với dân và hiểu được dư luận của họ. Liệu ông Tập Cận Bình có thực sự quan tâm đến dư luận quần chúng không? Ông nghĩ sao?

Ngụy Kinh Sinh: Thực ra, chúng ta nên nhìn vào cái chủ đề chính của bài diễn văn ông ta, nó nằm ở phần sau - tăng cường giám sát Internet, hướng dẫn dư luận, và tấn công ngược lại "các phát biểu sai trái", vv - đây mới là chủ đề thực sự của bài phát biểu của ông ta. Phần đầu dùng để đánh lừa công chúng và cố thuyết phục công chúng rằng chính quyền TQ thực sự quan tâm đến họ, đây chỉ là trò lừa cũ có từ thời Mao Trạch Đông. Cho nên, ý chính của Tập Cận Bình vẫn là củng cố sự kiểm duyệt và hướng dẫn dư luận xã hội ở TQ. Phần này mới là phần thực.

VOA: Cách đây một ngày, hôm thứ Hai, khi chủ trì cuộc họp "đội lãnh đạo cải cách sâu rộng toàn diện" của chính quyền TQ, ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết của các quy luật áp dụng cho gia đình của những quan chức chính quyền có người đang làm kinh doanh; đây cũng là tuyên bố đầu tiên của ông ta sau khi "Hồ sơ Panama" bị phơi bày. Trong "Hồ sơ Panama" anh rễ của ông Tập Cận Bình được liệt kê trong danh sách với những người khác. Nếu ông Tập Cận Bình kêu gọi thiết lập các quy luật cho quan chức chính quyền, liệu chính ông ta sẽ tuân thủ những quy luật này hay không?

Ngụy Kinh Sinh: Tôi nghĩ rằng ông ta đã suy nghĩ về nó trong vài ngày. Sau khi "Hồ sơ Panama" được tiết lộ, họ đã tổ chức cuộc họp Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và suy nghĩ các giải pháp để đối phó với nó trong vài ngày. Phản ứng của họ đối với người dân TQ là bây giờ họ phải quản lý tình trạng này. Do truớc đây không có quy định, cho nên mọi thứ xấu đi. Đây là những thông tin mà chúng tôi có được trên Internet. Trên Internet ở TQ, có nhiều bài bình luận về "Hồ sơ Panama" viết rằng họ không thấy tất cả những hoạt động lợi nhuận này là bất hợp pháp. Nhưng họ tránh một vấn đề rất quan trọng: việc chuyển tiền đến các công ty này là một thứ trốn thuế và tự nó đã là tội phạm. Họ tránh né không nói đến vấn đề này. Bây giờ họ nói rằng truớc đây chúng tôi chưa thiết lập các quy luật cho nên nói mới có vấn đề, nhưng sẽ có những quy luật nghiêm nhặt về việc này trong tương lai. Tuyên bố này nhằm chỉ để tránh né tất cả các vấn đề quan trọng rồi nói rằng họ sẽ quản lý nó trong tương lai.

VOA: Nhưng ngoài các quy luật đề nghị, có ý kiến ​​cho rằng nếu ông Tập Cận Bình muốn nhắm đến các thành viên gia đình của cán bộ, ông có nhiều khả năng nhắm vào hai nguời con trai của ông Giang Trạch Dân. Ông Ngụy thấy thế nào? Nếu ông Tập Cận Bình bắt đầu với các thành viên gia đình của cán bộ thì nơi nào ông ta có thể sẽ làm trước?

Ngụy Kinh Sinh: Tôi nghĩ có một ý nghĩa rất quan trọng của "Hồ sơ Panama" là nó cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Đảng CSTQ nhằm chỉ chống một cách có chọn lựa.

Ứng xử hiện nay của ông Tập Cận Bình là tránh các vấn đề cốt lõi. Một vấn đề rất quan trọng mà ông ta cố tránh né là việc chống tham nhũng này thực sự chỉ là lựa chọn (phe đối thủ). Ông ta có thể đang làm một bước xa hơn trong cuộc chiến chống các đối thủ của ông trong đảng. Nhưng tôi nghĩ Giang Trạch Dân không phải là mục tiêu chính của ông, vì Giang Trạch Dân đã nghỉ hưu lâu lắm rồi và không có quyền lực thực sự cũng như không xía vào chuyện của ông ta. Tập sẽ chọn những người hiện đang ở trong chính trị và đang là mối đe dọa cho ông và phe nhóm của ông.

VOA: Những nguời này có thể là ai?

Ngụy Kinh Sinh: Tôi nghĩ đó là những tiếng nói nghịch với ông trong Bộ Chính trị hiện nay. Gia đình và cấp dưới của họ có thể trở thành mục tiêu của ông Tập.

VOA: Chúng ta chờ xem. Cảm ơn ông rất nhiều vì đã dành thời gian và chấp nhận cuộc phỏng vấn của đài VOA ngày hôm nay, thưa ông Ngụy Kinh Sinh.



Sunday, April 24, 2016

Cuộc phỏng vấn của David Satter với đài Radio Liberty về những điểm mạnh và yếu của Nga

Phỏng vấn ngày 23/4/2016
Lê Minh Nguyên dịch

Radio Liberty: David, tại sao những tiếp xúc giữa Nga và phương Tây cùng NATO thất bại?

Satter: Tôi nghĩ những tiếp xúc này thất bại vì Nga trong tình trạng hiện nay của nó hoàn toàn không có khả năng tham gia vào công việc đảm bảo sự ổn định quốc tế, mà đó là mục tiêu của các nhà lãnh đạo của những quốc gia dân chủ.

Các nhà lãnh đạo của Nga hiểu rất rõ rằng mô hình ổn định và dân chủ mà phương Tây mang đến sẽ gây tử vong cho chế độ Nga mặc dù nó có lợi cho đất nước Nga. Rõ ràng phương án thay thế hợp lý cho Nga là hỗ trợ cho những nguyên tắc an dân của phương Tây và cộng tác để củng cố nó. 

Điều này sẽ bảo đảm không chỉ an ninh của các nước phương Tây, mà cũng là sự ổn định của Nga và của thế giới. Nhưng điều này trước tiên phải tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, không chỉ liên quan đến các nước khác, nhưng còn bên trong chính nước Nga. Và trong những điều kiện này, những người cai trị nước Nga không thể bảo vệ quyền lực của họ.

Radio Liberty: David Satter, tại sao trong thực tế Nga lại không thể tiến hành một chính sách lành mạnh tương ứng với khả năng của Nga mà lại theo đuổi những tham vọng quyền lực tột cùng mà trong quá khứ nó đã dẫn đến các thất vọng và các thảm họa lớn?

Satter: Hiện giờ đó là cách để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân. Cuộc chiến tranh Chechnya đầu tiên là một chiến thắng nhỏ được tính toán để tăng cường sự ủng hộ Yeltsin sau khi ông ta mất uy tín do chính sách vô định hướng về tư hữu hoá, và nói chung, là sự bần cùng hoá người dân Nga. Cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai là một thủ đoạn nhằm cứu những kẻ đã ăn cướp tài sản đất nước. Cuộc chiến ở Ukraine cũng được thực hiện để đánh lạc huớng, tránh những bài học thực tế của Maidan (công viên nơi xảy ra biểu tình đưa đến thay đổi dân chủ) và khả năng người dân Nga sẽ làm tương tự, tức bộc phát một cách tự nhiên và tự do tổ chức biểu tình chống lại chế độ đạo tặc (kleptocratic). Cuộc chiến ở Syria được thực hiện nhằm đánh lạc hướng sự chú ý việc khiếm khuyết ở Ukraine. 

Chúng ta thấy ở đây cái họ nhắm tới không hẳn là câu hỏi về những tham vọng quyền lực tột cùng, nhưng là mong muốn của một nhóm nhỏ để duy trì quyền lực và sử dụng các vụ giết người hàng loạt (mass killings) trong các vận hành quân sự để đánh lạc hướng không cho chú ý đến những ý định thực sự của họ.

Radio Liberty: David Satter, có thể nói là quan điểm của ông về sự cứu rỗi nước Nga lúc gần đây đã được nhắc đến bởi ông Zbigniew Brzezinski, ông ấy lập luận rằng Nga cần phải thay đổi từ đế chế (empire) qua quốc gia (national state) cho lợi ích tương lai của chính nó thì sẽ hạnh phúc để có vị trí của nó ở Châu Âu thay vì nuôi dưỡng những tham vọng địa chính trị truyền thống.

Satter: Tôi không hoàn toàn đồng ý với điều này. Tôi cho rằng tương lai của Nga tùy thuộc vào sự phát triển thái độ của cá nhân và mức độ mà cá nhân được (chính quyền) công nhận có giá trị nội tại đương nhiên. 

Bạn có thể có cùng một thái độ về giá trị của cuộc sống con người trong chính quyền quốc gia hay phi quốc gia. 

Nga đang tự hủy hoại bản thân bởi vì không chỉ do từ các nhà lãnh đạo của nó mà còn do từ nguời dân không hiểu mức độ rất quan trọng của việc cần phải tôn trọng cá nhân. Thảm kịch của Nga là người dân rất bị xuống cấp trong quan hệ với chính quyền và do đó bị coi là có thể thay thế được (như đồ vật) bởi các nhà lãnh đạo Nga, rằng họ không có khả năng cho dân chủ. 

Nhưng nếu có những điều kiện này (các giá trị cá nhân), thì tình hình ở Nga cũng sẽ thay đổi theo. 

Đồng thời, tôi cho rằng trong các cuộc thảo luận về tham vọng của Nga mà câu hỏi về những khả năng của Nga, đã không nói đến vấn đề sức mạnh và sự nguy hiểm của Nga mà nó đại diện, sức mạnh này không tuỳ thuộc vào các nguồn tài nguyên, nhưng là tâm lý, tâm lý đó đóng khung người Nga một cách hoàn hảo cùng với tính hung hăng tập thể. 

Trong quân sự, tâm lý này là một tài sản khổng lồ cho dù nó tàn phá các gốc rễ của văn hóa và tất cả các khả năng của sự phát triển bình thường. Vì thế cái cần ở Nga là một sự tái cấu trúc (perestroika) tâm lý. Và tôi tin rằng điều này là có thể.

Radio Liberty: David, trong tình huống này thì việc gì còn lại mà Hoa Kỳ và phương Tây có thể làm được?

Satter: Trước tiên, cần nên nhớ rằng số phận của một người chết đuối thì ở trong hai cánh tay của chính nguời đó. Nguời Nga cần phải tự cứu mình. Mỹ không thể tái tạo nước Nga được. Điều hay nhất mà chúng ta có thể làm là có một ảnh hưởng tích cực, mặc dù do hậu quả của sự thiếu hiểu biết và  sự bất lực mà chúng ta thường không thể vận dụng được điều này. Tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ nên có một chính sách cho Nga. Chúng ta cần phải căn cứ chính sách của chúng ta trên sự thật, sự thật về những người cai trị hiện tại của Nga, về giai đoạn Yeltsin, nó rất khó cho chúng ta bởi vì chúng ta ủng hộ Yeltsin. Vai trò của chúng ta, đầu tiên hết, là đạo đức và trí tuệ. Thật không may, chúng ta rất xa vời trong việc thực hiện một chương trình như vậy. Đây là một thách thức cho tương lai.

Radio Liberty: Có thể cộng tác với Nga được không mặc dù đang có sự can thiệp của Nga vào những vấn đề của các nước láng giềng?

Satter: Trong những tình huống mà chúng ta có thể hợp tác với Nga được thì chúng ta nên làm như vậy. Nhưng mà chúng ta cần nên luôn nhớ bản chất của chế độ Putin và những gì đã xảy ra sau sự sụp đổ của Liên Xô và chúng ta tự hành xử cho phù hợp.
(Nguồn: FB David Satter)




Chống Lại Sự Thu Tóm Quyền Lực Của Tập Cận Bình

Willy Lam (Lâm Hoà Lập)
21/4/2016
Lê Minh Nguyên dịch

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu "Mỗi bụi mỗi cây là một kẻ thù" để mô tả sự lo sợ của Tấn An Đế thuộc triều đại Đông Tấn (317-420 sau công nguyên) cho nỗi lo sợ lặng người của ông trước sức mạnh vượt trội của quân thù đến độ ông tưởng nhầm những hàng cây con được trồng ngay ngắn chung quanh là binh sĩ của đối phương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là Tấn An Đế - ông dường như kiểm soát trong tay các lực lượng quân sự của TQ, cảnh sát dã chiến, cảnh sát, và tình báo - chưa kể mê cung chằng chịt của bộ máy đảng-nhà nước. Tuy nhiên, phản ứng của chính quyền Tập về một lá thư nặc danh kêu gọi ông từ chức cho thấy rằng ông Tập, cũng là Tổng Bí thư đảng CSTQ và tổng tư lệnh quân đội, chưa vững trong việc nắm giữ quyền lực của ông.

Trước ngày họp Quốc hội (NPC) hôm 5/3/2016, Ngũ Kiệt Tân Văn (Wujie News), một trang web chính thức của chính quyền có trụ sở tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (XUAR), đăng "Thư ngỏ Yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ chức trong đảng cũng như trong Nhà nước". Lá thư được ký bởi "một nhóm các đảng viên trung thành" đã bị lấy xuống trong vòng một giờ. Trang web thông tin này tương đối nhỏ, dưới sự kiểm soát của Cục Tuyên truyền XUAR, sau đó nói họ là nạn nhân của tin tặc do bởi ai đó gây ra và chưa xác định được. Tuy nhiên, sự kiện lá thư chống Tập lần đầu tiên xuất hiện trên mạng Caiyu. org, của nhóm truyền thông dân chủ ở New York, dường như cho thấy nó là sản phẩm của các nhà bất đồng nước ngoài, họ chỉ trích Đảng CSTQ và đặc biệt là Tập (VOA tiếng Trung 28/3, United Daily News [Đài Bắc] 6/3, Canyu. org 4/3). [1]

Tác dụng ngược

Nếu Tập và các cố vấn của ông giữ sự điều tra ở tầm vóc nhỏ, vấn đề có thể đã không nổi bậc trên các mạng truyền thông xã hội trong lúc có các khoá họp thuờng niên Quốc Hội và Hội nghị Chính Hiệp nhân dân TQ (CPPCC) - cũng như dư âm dai dẵng của nó sau đó. Theo lệnh của các cán bộ an ninh, kể cả ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Ủy ban Chính Pháp Trung uơng Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), công an bắt giữ chủ tịch Âu Duơng Hồng Luơng (Ouyang Hongliang) và tổng giám đốc Lý Vạn Huy (Li Wanhui) của Ngũ Kiệt Tân Văn và khoảng 15 nhân viên khác. Có khả năng là trang web này, bắt đầu hoạt động chỉ một năm trước đây, sẽ bị đóng cửa (Ming Pao [Hồng Kông] 24/3, RFI tiếng Trung 24/3). Tuy nhiên, nó kịch tính hơn với sự bắt giữ nhà bỉnh bút nổi tiếng Giả Giả (Jia Jia) ngày 15/3. Ông Giả chỉ dính dự vì là một trong những nguời đọc đầu tiên bài báo này trên Ngũ Kiệt Tân Văn, ông gọi cho người bạn thân của ông là Âu Duơng để cảnh báo ông về những hậu quả của nó. Ông Giả được thả sau 10 ngày bị giam giữ, và vẫn đang còn bị an ninh theo dõi (RFI tiếng Trung 26/3, BBC tiếng Trung 25/3, Apple Daily [Hồng Kông] 21/3).

Tuy nhiên, càng đáng sợ hơn, là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm khó và đe dọa thân nhân của những người chỉ trích Tập đang ở nước ngoài. Thí dụ, blogger nổi tiếng Ôn Vân Siêu (Wen Yunchao), đã sống ở Hoa Kỳ từ năm 2012. Ông Ôn, có 220,000 người theo trên Twitter, là một nhà bình luận thường xuyên về các chính sách cực kỳ bảo thủ của Tập, cũng như phản đối sự cai trị của Tập tuơng tự như trong nội dung của lá thư trên Ngũ Kiệt Tân Văn. Vào ngày 22/3, cha mẹ và anh trai của ông Ôn, họ đang sống ở tỉnh Quảng Đông, bị cảnh sát bắt đi. Vài ngày trước đó, cả 3 nguời này bị buộc phải gọi điện thoại cho ông Ôn yêu cầu ông tiết lộ ai là tác giả của lá thư ngỏ chống Tập này. Ông Ôn yêu cầu cảnh sát Quảng Đông phải thả thân nhân của ông ra ngay lập tức, nói rằng ông không có dính gì vào sự cố này (Tổ chức Ân xá Quốc tế 25/3, RFA 25/3). Truờng hợp tuơng tự như vậy xảy ra với ông Truơng Bình (Chang Ping), một nhà báo và là nhà phê bình chế độ nổi tiếng, đã qua Đức năm 2012. Sau khi ông đăng một bài viết chỉ trích việc bắt giữ ông Giả Giả, hai người anh em của ông đã bị bắt vào cuối tháng Ba ở tỉnh nhà của ông ở Tứ Xuyên. Thân nhân của ông Truơng bị chính quyền đe doạ là họ sẽ gặp rắc rối nếu ông Truơng tiếp tục nói xấu ông Tập trên phiên bản tiếng Trung của tờ Deutsche Welle và trên các phương tiện truyền thông nước ngoài khác (South China Morning Post [Hồng Kông] 28/3, HK01. com [Hồng Kông] 28/3).

Do bởi ông Tập và những người tung hô ông đang sốt vó lo xây dựng việc tôn thờ lãnh tụ kiểu Mao cho lãnh tụ tối cao, nên rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao sự kiện Ngũ Kiệt Tân Văn lại được quan trọng hoá như vậy. Tuy nhiên, cũng không kém quan trọng, là có một thực tế rằng phản ứng dữ dội đó có thể mang tác dụng ngược do thiếu tự tin. Cảm giác bất an này bắt nguồn từ những dấu hiệu mạnh mẽ chống lại việc thu tóm quyền lực của Tập, do các khối quyền lực trong Đảng CSTQ bị gạt ra bên lề hoặc không hài lòng về việc hồi phục lại những khuôn mẫu đã lỗi thời của Mao với quy mô lớn của lãnh tụ Thế Hệ Thứ Năm.

Một dấu hiệu không thể nhầm lẫn là Chủ Tịch Tập không còn được đánh giá theo cách ông ta muốn nữa về vị thế "lãnh đạo nồng cốt" của ông, nó đang bị thách thức. Hồi tháng 12/2015, các phương tiện truyền thông chính thức bắt đầu gọi Tập là "lãnh đạo nồng cốt". Và các nhà lãnh đạo của ít nhất 20 tỉnh, thành phố do trung uơng quản lý trực tiếp đã bày tỏ lòng trung thành với "sự lãnh đạo của Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là nòng cốt" (China Brief 7/3). Tuy nhiên, trong các bài phát biểu hồi tháng Ba do Chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang, Chủ tịch Chính Hiệp Du Chính Thanh và Thủ tướng Lý Khắc Cường, tất cả đều là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC) - từ ngữ "nồng cốt" đã không xuất hiện. Trong báo cáo công tác Chính phủ hôm 5/3, ông Lý có nhắc đến ông Tập 5 lần. Thí dụ, ông ca ngợi sự hướng dẫn của "lãnh đạo Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là Tổng Bí thư." Từ ngữ này tương tự như nghi thức đã dùng trước đây cho cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông Hồ chưa bao giờ đạt được vị thế "lãnh đạo nồng cốt". [So với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân được gọi là "nồng cốt của lãnh đạo Thế Hệ Thứ Ba]. Điều này cho thấy vẫn có sự kháng cự đáng kể trong đảng trong việc nâng Tập lên tới tình trạng cao hơn của "lãnh đạo nồng cốt" (Hong Kong Economic Journal 10/3, Wen Wei Po [Hồng Kông] 6/3).

Căng thẳng ở trên đỉnh

Đồng thời, cuộc xung đột giữa Tập và Thủ tướng Lý - khuôn mặt tiêu biểu của cánh Đoàn Thanh niên Cộng Sản đối thủ (CYL) mà người cầm đầu là cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào - dường như đã gần như công khai. Khi ông Lý đọc xong Báo cáo công tác Chính phủ vào sáng ngày 5/3, tất cả các đại biểu có mặt theo thông lệ nhiệt tình cho ông một tràng pháo tay. Trong quá khứ, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ bắt tay với cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tuy nhiên lần này, ông Tập không màng vỗ tay. Không có chuyện trò trao đổi nào giữa ông Tập và ông Lý, trong khi hai ông đang ngồi cạnh nhau (Chinadigitaltimes. net 29/3, Ming Pao 15/3). Nó không còn là bí mật ở Bắc Kinh, ông Lý theo truyền thống cố hữu lâu nay Thủ tướng là trọng tài cuối cùng của chính sách kinh tế, ông chống lại việc bây giờ ông phải nằm dưới sự hướng dẫn của ông Tập Cận Bình. Những bất đồng giữa ông Tập và ông Lý về việc hoạch định chính sách kinh tế được cho là một lý do đằng sau của những hành động lỗi lầm đã làm trầm trọng thêm khủng hoảng liên quan đến thị trường chứng khoán bị rơi và sự mất giá của đồng nhân dân tệ (South China Morning Post ấn bản tiếng Trung 17/2, VOA tiếng Trung 21/9/2015).

Được thấy tương tự là việc Thủ tướng Lý vắng mặt trong một cuộc họp thường lệ của Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Cải cách sâu rộng toàn diện (CLGCDR), cơ quan quyết định cao cấp do Tập lập ra vào tháng 12/2013. Nó được chủ trì bởi Tập, và ba Phó Chủ tịch là ông Lý, ông Lưu Vân Sơn ủy viên PBSC phụ trách công tác tuyên truyền (và do đó nắm hầu hết các phương tiện truyền thông nhà nước TQ) và Phó Thủ tướng-uỷ viên PBSC Trương Cao Lệ. Ông Lý đã không xuất hiện trong cuộc họp thứ 21 của CLGCDR tổ chức vào ngày 22/3. Truớc đây, Thủ tướng chỉ vắng mặt một lần hội nghị CLGCDR là ngày 1/7/2015 khi ông có chuyến công du châu Âu. Điều này dường như để xác nhận cho sự suy đoán rằng, do sự va chạm giữa ông Tập và ông Lý, có lẽ ông Lý sẽ chỉ phục vụ một nhiệm kỳ làm thủ tướng. Khả năng là ông Lý sẽ di chuyển qua lãnh đạo Quốc Hội sau Đại Hội 19 của đảng vào cuối năm 2017 (Ming Pao [Hồng Kông] 23/3, Tân Hoa xã 22/3).

Cánh chống Tập nổi lên

Hơn nữa, sự đối đầu giữa các uỷ viên PBSC Lưu Vân Sơn và Vương Kỳ Sơn cũng đã diễn ra công khai. Ông Lưu, một người thuộc phe của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, phụ trách bộ máy tuyên truyền. Ông Vuơng, một thái tử đảng (cách nói để chỉ con của các cựu thần) và là phe của Tập, đứng đầu Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), một siêu cơ quan chống tham nhũng đáng sợ. Ngay truớc khi Quốc Hội họp, truyền thông do Lưu kiểm soát bắt đầu tấn công ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một trùm bất động sản thuờng hay bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ông Nhậm, là một đảng viên, bị chỉ trích không tuân kỷ luật, "đưa ra những chỉ trích vô căn cứ về lãnh đạo đảng." Tuy nhiên, trang web của CCDI vội đưa ra công bố nói hỗ trợ các đảng viên chân thành và đủ thẳng thắn đưa ra các quan điểm mang tính xây dựng đảng. Ai cũng biết ông Nhậm là bạn thân của ông Vuơng - và bộ máy tuyên truyền của ông Lưu duờng như nhắm vào ông Nhậm là để làm xấu hổ ông Vuơng (Theinitium. com [Hồng Kông] 2/3, RFA 2/3, CCDI. gov. cn 1/3).

Ngoài thất bại trong việc nuôi dưỡng sự đồng thuận và tình thân hữu trong PBSC, ông Tập nắm phe Thái Tử Đảng - được coi là cơ sở quyền lực chủ chốt của ông - nhưng bây giờ có vẻ ít vững chắc hơn trước. Các thái tử nặng ký đã có những lời chỉ trích trực tiếp và gián tiếp vào chính sách của ông Tập. Theo ông La Vũ (Luo Yu), con trai của tướng La Thuỵ Khanh (Luo Ruiqing, 1906-1978), ông La Vũ là cựu Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham mưu và là phó thủ tướng, thuộc phe "chống Tập", ông đã nổi lên trong đám cán bộ, nói rằng nhà lãnh đạo tối cao "đã không hoàn toàn tôn trọng Hiến pháp và không có tiến bộ nào trong việc cải cách "(VOA tiếng Trung 22/3). Ông Trung Thạch (Zhong Shi), nguời viết chuyên mục cho báo Ming Pao ở Hồng Kông, nói rằng trong khi một số thái tử đảng cảm thấy bị đe dọa bởi những hành động chống tham nhũng của ông Tập, thì những thái tử khác là giới kinh doanh đổ lỗi rằng các thiệt hại của họ trong thị trường tài chính là do những chính sách kinh tế được coi là thất bại của ông Tập. "Những thái tử đảng hiện vẫn công khai ủng hộ ông Tập là những người có ít ảnh hưởng và sức mạnh tài chính thì nhỏ bé," ông Trung viết (Ming Pao 22/3).

Phần kết luận

Ông Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một sử gia độc lập và cũng là con trai của một bộ trưởng, cho biết những kẻ thù của ông Tập Cận Bình đã phát triển với số lượng lớn và với sự dữ dằn hơn vì "ông đã lấy đi phô mai của mọi nguời". Ông Tập muốn phục hồi lại các khuôn mẫu của chủ nghĩa Mao, nó bao gồm sự tái xuất hiện của tôn sùng cá nhân, nhà sử học này cho biết, nó "đã làm dấy lên những mối lo ngại trong nhân dân rằng bóng ma ác nghiệt của Mao đã chưa tan biến và có thể xuất hiện trở lại" (Canyu. org 22/3, VOA tiếng Trung 21/3). Tuy nhiên ông Chuơng, một nhà bình luận nổi tiếng, không nghĩ rằng ông Tập đang lâm vào thế nguy hiểm bị mất quyền. "Ông ta vẫn là thuyền trưởng của con tàu", ông Chuơng nói. "Trong khi có những nhóm lợi ích bất mãn trên tàu, người ta vẫn chưa sẵn sàng để đuổi thuyền trưởng vì sợ rằng những thay đổi đột ngột có thể dẫn đến sự đắm tàu." Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, người ta sợ ông hơn là thương ông. Và nếu việc xây dựng đế chế mà ông đang tiếp tục thực hiện gây thiệt hại phúc lợi của các thành phần khác nhau trong chế độ, các kẻ thù của ông có thể sẽ cấu kết lại với nhau và làm cho sự vĩ cuồng của ông trở nên hiện thực.

(Tiến sĩ Willy Lam là thành viên thâm niên của The Jamestown Foundation. Ông là giáo sư phụ giảng tại Trung tâm Nghiên cứu TQ, Cục Lịch sử, và Chương trình Thạc sĩ trong kinh tế chính trị toàn cầu tại Đại học TQ ở Hồng Kông. Ông là tác giả của 5 quyển sách về TQ, bao gồm cuốn "Chính trị Trung Quốc trong thời kỳ Tập Cận Bình: Phục hưng, cải cách, hay thụt lùi ?," đang có sẵn để mua ngay bây giờ.)

Chú thích:

1. Một lá thư "Bỏ Tập" khác, nói rằng có chữ ký của "171 Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc", xuất hiện trong phần blogger của trang web Mingjingnews. com có trụ sở ở New-York hôm 29/3. Ông He Pin, chủ của Mingjingnews. com, nói rằng ông không thể xác định được danh tính của những người viết thư, họ kêu gọi ông Tập phải từ chức tất cả các địa vị của ông ta. Tuy nhiên, vì lá thư này không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào ở TQ, nên Bắc Kinh vẫn chưa có bất kỳ phản ứng nào về thỉnh nguyện thư chống Tập thứ hai này (Apple Daily 30/3, RFA 29/3).

bit.ly/1YNGinD




Wednesday, April 20, 2016

Hội nghị Thượng đỉnh của nhát chiến và hiếu chiến ở Austin

Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Chiến Tranh VN (The Vietnam War Summit) được thư viện Lyndon B. Johnson của trường đại học The University of Texas at Austin tổ chức trong ba ngày 26-28/4/2016 nhằm "mục đích soi rọi rõ ràng về cuộc chiến, những bài học và di sản của nó" (Our goal is to shed a definitive light on the war, and its lessons and legacy - bit.ly/1NkJwOB).

Đa số những khuôn mặt được mời thuyết trình nằm trong hai thành phần: hiếu chiến (CSVN) và nhát chiến (Hoa Kỳ). Người viết không dùng từ phản chiến bởi vì người dân và các chính quyền VNCH không ai muốn có chiến tranh, phản đối sự xâm lăng của gần 20 sư đoàn CS Miền Bắc, các thơ nhạc phản đối chiến tranh đều do Miền Nam sáng tạo, Miền Bắc chỉ có đánh chém giết, ngay cả trong bản quốc ca của họ. Dùng từ phản chiến cho các nhân vật HK có thể gián tiếp bị hiểu nhằm là VNCH hiếu chiến, một luận điệu mà CS đã thành công trong việc tuyên truyền cho thế giới, trong khi trắng trợn xâm lược và thùi thụi đấm đá Miền Nam.

Trong cuộc chiến này cả hai phe hiếu chiến và nhát chiến đều giống nhau ở chổ là đều làm cho VNCH mất chính nghĩa trong con mắt của nhân dân và thế giới. Phe hiếu chiến dùng tuyên truyền, che đậy bản chất cộng sản quốc tế sẵn sàng đi chết thay để bành trướng, nhưng núp dưới chiêu bài ái quốc giải phóng dân tộc như nhà văn Hà Sĩ Phu đã chỉ ra. Phe nhát chiến thì sợ run như cầy sấy là chiến tranh nguyên tử sẽ xảy ra giữa HK với khối CS mà Liên Sô-Trung Quốc (LS-TQ) đang là đồng minh với 2 kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của họ, sự sơ sẩy ở VN sẽ làm cho Chiến Tranh Lạnh thành chiến tranh nóng của thế giới với vũ khí hạt nhân, cho nên HK can thiệp vào Miền Nam một cách vụng về và cao ngạo, run với LS-TQ nên chủ trương Chiến Tranh Hạn Chế (Limited War) nhưng lại đánh giá thấp VNCH và đưa quân vào làm cho VNCH mất chính nghĩa.

HK là siêu cường và chỉ duy nhất có HK là đã sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh, cho nên hơn ai hết, HK (cũng như Nhật) thấm như tờ giấy chậm về sự tàn phá của loại vũ khí giết người hàng loạt này (Weapons of Mass Destruction hay WMD). Trong khi đó thì HK và LS leo thang trong chiến tranh lạnh, cả hai bên đều sợ nó biến thành nóng với bom nguyên tử. Hai bên đồng ý chỉ chế đầu đạn tấn công chứ không được chế vũ khí phòng thủ, hai bên leo thang và có lúc mỗi bên lên tới trên 30,000 đầu đạn nguyên tử, với sự hiểu biết là không ai dám tấn công trước, vì nếu xảy ra thì cả hai cùng chết, nó còn được gọi là sự thăng bằng trong rùn rợn (Mutual Assured Destruction hay MAD). Dĩ nhiên HK nhát hơn LS vì chén kiểu đụng với miểng dùa thì HK làm sao dám. (bit.ly/1U65iqU)

Sự lo sợ này vẫn còn đang kéo dài đến ngày hôm nay và càng ngày HK càng lo lắng hơn vì ông thần ve chai WMD đã chun ra khỏi vỏ, không thể nhét vào lại được, khi cả những phần tử không phải quốc gia (non-state actors) cũng có thể thủ đắc, ai cũng có thể có supercomputers để design và kỹ thuật ly tâm để tinh chế uranium. Các loại bom nguyên tử xách tay mà trong thập niên 1990s một vị tướng của Nga cho biết có mấy chục quả bị thất lạc. Nhìn HK chiếu cố Iran (bằng hiệp ước) và Bắc Hàn (bằng tập trận và gắn THADD ở Nam Hàn, cũng như xin xỏ TQ kềm chế BH - reut.rs/1Sb9k07) thì thấy được mức độ lo sợ của HK. Ông Mathieu Gaulène vừa ra quyển sách nói rằng Châu Á là thiên đường của hạt nhân và điều làm ông lo lắng nhất chính là "thị trường chợ đen nguyên tử rộng lớn" nằm chủ yếu tại bốn cường quốc có trang bị vũ khí hạt nhân: TQ, Ấn Độ, Pakistan và Bắc Hàn (http://rfi.my/240PgBt). Đó là chưa kể Nga lúc nào cũng muốn đem vũ khí hạt nhân ra doạ như trong vụ sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Đại hoạ WMD chỉ còn là vấn đề ở đâu và khi nào.

Trong tâm lý lo sợ này, HK xem chiến tranh VN chỉ là trận đánh (battle) trong cuộc chiến lớn hơn, đó là Chiến Tranh Lạnh (Cold War). HK can thiệp vào VN với thiện ý là bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do, mục tiêu thì đáng hoan nghênh, nhưng chiến lược và sự vận hành (strategy and execution) thì sai lầm và hại bạn. Vì xem là trận đánh nên việc thắng/thua của nó không quan trọng bằng làm sao phải chiến thắng Cold War. Cho nên khi Nixon-Kissinger tách được TQ ra khỏi Liên Sô thì Miền Nam không còn quan trọng cho HK nữa.

Nhát WMD nhưng cao ngạo vì cho mình là siêu cường nên biết hết, HK vừa hại các thanh niên trong quân đội HK vừa hại đồng minh VNCH. Với chủ trương Limited War, HK gởi quân vào VN đã trói họ một tay ra sau lưng và chỉ cho đánh một tay còn lại, đánh nhưng không được thắng, không được tiêu diệt đối phương, ngăn chận và be bờ (containment), chỉ đuổi họ chạy thôi. Trong khi đó CS dốc toàn lực để tiêu diệt, họ sử dụng cả ba thứ chiến tranh cùng một lúc: khủng bố, du kích, trận địa chiến.

Sự đưa quân vào Miền Nam và sự cao ngạo đã làm cho VNCH mất chính nghĩa, mặc dù người dân không ưa CS, như năm 1954 cả triệu người miền Bắc chạy về Nam lánh nạn, trong chiến tranh khi các trận đánh xảy ra dân đều chạy về vùng VNCH, những ngày trước và sau 30/4/1975 nhiều triệu người dân bỏ nước ra đi. Dưới thời Đệ Nhất VNCH, TT Ngô Đình Diệm đã không cho HK đổ quân vào để bảo vệ chính nghĩa. Nhưng sau 1963 họ vào cùng với thái độ cao ngạo đã làm nên môi trường tốt cho CS tuyên truyền. Cái sai lầm của Đệ Nhất Cộng Hoà là cấm các chính đảng hoạt động, trong khi chính đảng mới giữ được dân và bảo vệ được an ninh nông thôn, nhất là ở những vùng xôi đậu. Đệ Nhị Cộng Hoà khá hơn nhưng đã trễ, khi GS Nguyễn Văn Bông, lãnh tụ của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT) sắp nắm quyền thủ tướng thì CS ra tay ám sát tháng 11/1971. 

GS Nguyễn Ngọc Huy có lần kể cho nguời viết và nhiều anh em khác nghe câu chuyện rằng sau khi GS Bông bị ám sát, trong một buổi GS Huy thuyết trình ở hội nghị Á Châu chống cộng trên Bến Bạch Đằng, một cán bộ hồi chánh của CS chận lại sau khi ông thuyết trình xong và hỏi ông có phải là lãnh tụ của PTQGCT, GS xác nhận, anh hồi chánh viên cho biết nhóm anh được lệnh xâm nhập vào Nam, trước khi đi Lê Duẩn có gặp và dặn rằng: ở trong Nam xưa nay các thành phần trung lưu, trí thức và tiểu tư sản không đoàn kết, nhưng hiện nay PTQGCT đã làm được việc này, cho nên bằng mọi giá các anh vào Nam phải triệt hạ họ.

HK vào VN bằng sở đoản thay vì bằng sở trường. Sở trường của HK là tài chánh và vũ khí, sở đoản của HK là mạng sống của quân nhân. Những gia đình ở HK chỉ có một hay hai con, gởi họ ra chiến trường là một sự hy sinh ghê gớm, cho nên HK chỉ có thể như Trình Giảo Kim trong truyện Tàu, chém ba búa thật kinh hoàng rồi chạy chứ không thể chịu đựng nỗi chiến tranh trường kỳ (protracted war) hay để bị sa lầy. Truyền thông HK mang chiến tranh VN vào tận phòng khách của từng gia đình qua truyền hình với những gói xác (body bag) được gởi từ chiến trường VN về, làm sao mà họ có thể ngồi yên không phản đối một cuộc chiến xa xôi ở nửa vòng thế giới? Đáng lý ra HK nên giúp VNCH các sở trường của họ vì không ai biết CSVN bằng người VN.

HK không dám chiến tranh nóng với kẻ ngang tầm là LS-TQ thì lại đi đánh trực tiếp với đàn em của họ và HK không dám mạnh tay vì đánh chó phải kiên chủ nhà, cho nên bị CSVN đánh bầm mày bầm mặt rồi đâm ra phục họ, khen họ và chê VNCH. HK bị ám ảnh bởi một tâm lý hèn đáng bị chê trách. Tuy nhiên có những chính khách từng ra chiến trường và bị cầm tù như John McCain thì không vậy, tiếc rằng chỉ là thiểu số. NS McCain đã từng tuyên bố nhân dịp 30/4/2000 ngay tại Saigon là "wrong guys"-những kẻ xấu đã thắng cuộc chiến (http://lat.ms/1QnIL1T). Các binh sĩ HK đi viễn chinh ở VN trở về trong thập niên 1970s bị ruồng bỏ, đón tiếp trong lãnh đạm, 58,000 quân nhân bị hy sinh không có nghĩa lý, linh hồn của họ cũng như gia đình thân nhân không biết họ chết cho cái gì. Chỉ cho đến khi nào VN có tự do thì may ra mặc cảm bị con nít đánh bầm mặt của HK mới được giải toả và vong hồn tử sĩ mới tìm ra ý nghĩa của sự hy sinh.

CSVN là đàn em của CSLS-TQ mà hai nước này cũng như chủ nghĩa CS mà Lê Nin dạy về "đạo đức cách mạng" là phải biết xem rẽ mạng người để phục vụ đảng. Não trạng này ngày nay cũng còn di truyền sang hậu CS của chế độ Putin (on.wsj.com/1REgSJs). Cho nên CSVN rất coi thường sinh mạng người dân. Năm 1972 khi HK đã thoả thuận được với TQ để dội bom Miền Bắc buộc Lê Duẩn-Lê Đức Thọ trở lại bàn hội nghị, lãnh đạo cao cấp TQ lúc đó nói "Người không động đến ta thì ta không động đến người” thì dư luận khi đó lên án CSVN lâu nay đã nướng dân mình để phục vụ TQ, nói rằng "TQ quyết tâm đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” (bit.ly/20Yc9nf).

CSVN mời TQ đưa vào 170,000 quân để đóng (bit.ly/1VCpHVM) giữ dùm Miền Bắc, giúp CSVN rãnh tay mang quân chủ lực xâm lăng Miền Nam. Theo cựu NS Jim Webb thì CSVN đã nướng 1.4 triệu quân, so với 245,000 cho VNCH và 58,000 cho HK. Có những lúc họ mang 15 trong tổng số 16 sư đoàn chiến đấu của họ vào Nam (bit.ly/1VCmllr). Trong cuộc chiến này, sự xâm lăng, sự bạo tàn, coi mạng người như cỏ rác được CSVN ca ngợi và HK nể trọng do mặc cảm siêu cường bị thua chú bé hung hăng. CSVN hãnh diện là mình quá hay cho dù đất nước đã tan thành xác pháo, chết cho ngoại bang LS-TQ vì một chủ nghĩa quốc tế ngoại lai không tưởng. Tội cho dân cứ nghĩ mình vì yêu nước nên sẵn sàng chết để phục vụ tổ quốc.

Ông Kissinger được giới thức giả HK xem là ngoại trưởng hiệu quả nhất trong 50 năm qua, theo thăm dò của Foreign Policy’s 2014 Ivory Tower với 1,615 học giả về bang giao quốc tế và 1,375 trường đại học (atfp.co/1WcYYy0). Tại sao? - Bởi vì HK sợ bom nguyên tử nhưng lại thắng được Chiến Tranh Lạnh nhờ ông Kissinger đã đi đêm với TQ, tách họ ra khỏi LS để đi với HK, làm cho khối CS yếu và cuối cùng sụp đổ trên tự thân của nó. Dưới thời TT Reagan, các cố vấn của ông thấy mối liên hệ (correlation) giữa giá dầu và xuất cảng cách mạng cộng sản từ LS. Vì thế, chính quyền Reagan vừa tìm cách kềm hãm giá dầu thật thấp vừa bày ra chiến tranh không gian giả SDI (Strategic Defense Initiative) cho LS bị tốn kém chạy đua. Cuối cùng LS không có tiền để xuất cảng cách mạng hay để nuôi thân. Đứng trên quyền lợi HK thì ông Kissinger đã có một đóng góp ngoạn mục, nhưng không phải cho sự tự do của đồng minh mà là sự o bế TQ để thắng Cold War và dùng TQ làm nhà sản xuất hưởng khói độc để phục vụ tư bản HK.

HK vào VN với thiện ý bảo vệ tự do, trừ mục đích đáng hoan nghênh này ra thì tất cả đều là sai lầm. Từ chiến lược cho đến cách vận hành cuộc chiến. HK đã cướp lấy chính đáng tính của VNCH và đem tặng nó cho CSVN. Chính sách HK trong thời Cold War là ủng hộ quân phiệt (strongmen) ở khắp nơi trên thế giới (VN, Phi, Nam Duơng, Nam Hàn, Chile...) để đương đầu với LS bằng chiến tranh nóng ở các địa phương, mà LS và HK coi là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay các trận đánh bằng vũ khí qui ước của Cold War. Do đó, HK đã thiếu sự kính trọng VNCH và đi khen tay sai của đối phương đang điên cuồng sống mái đánh cho mình phải chạy.

Phía CS tuy họ dùng bạo lực nhưng để phục vụ mục đích chính trị là xâm lăng bành trướng thế giới CS, nên họ có hệ thống chính uỷ trong quân đội để nhịp nhàng đội hình quân sự-ngoại giao-chính trị. Phía tự do lại cấm đảng phái hoạt động và chuộng lãnh tụ quân sự nên thiếu tầm nhìn chính trị và dễ bị CS tuyên truyền, CS từ Bắc vào Nam đè đầu đánh cho nhừ tử mà còn bị họ tuyên truyền với thế giới là VNCH hiếu chiến.

Tuy nhiên, công tâm mà nói thì VNCH là một chế độ dân chủ, tuy chưa hoàn hảo nhưng nó được design là như vậy với hiến pháp và các định chế tam quyền phân lập hẵn hòi, các sinh hoạt chính trị tự do và vui nhộn trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà dù phải chịu đựng chiến tranh. Các sáng tạo văn chương, thi ca, nghệ thuật được nở rộ với những tác phẩm bất hủ. Dù đã là quá khứ nhưng VNCH đã có một chổ đứng thanh tao trong lịch sử. CSVN hay HK muốn vùi dập nó thì chỉ làm cho những người đã sống trong nó, hay biết về nó khinh thường, khinh thường sự giả dối của CSVN và khinh thường tâm lý hội chứng (syndrome) hèn của một số chính khách HK. 

Các chiến sĩ VNCH đã hiên ngang chiến đấu cho đất nước Việt Nam, đã anh dũng nằm xuống để bảo vệ biển đảo, đã chiến đấu để mang lại tự do dân chủ cho dân tộc mình. Từng sống trong chế độ VNCH, nguời viết nhìn họ với sự cảm phục vì họ không hèn, không sợ, họ can đảm, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, vì danh dự và vì trách nhiệm. Đó mới chỉ là một thành phần của VNCH, và nhìn tổng thể VNCH như một quốc gia yêu tự do dân chủ, nó trong sáng rực rỡ hơn là những giá trị ngoại bang của CS, hay não trạng thực dụng yếu đuối của một số chính khách HK.

Lê Minh Nguyên
20/4/2016




Saturday, April 16, 2016

LS Nguyễn Văn Đài và tiền lệ Martinez-Thương Cúc Foshee

Năm 2006 chị Thương Cúc Foshee bị CSVN giam không xét xử với lý do âm mưu lập đài phát thanh. Chị bị bắt tháng 9/2005.

Chị sống ở tiểu bang Florida mà nghị sĩ Cộng Hòa gốc Cuba của Hoa Kỳ, ông Mel Martinez, đại diện.

Năm 2006 Việt Nam muốn vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) nhưng vì là quốc gia cộng sản nên bị Luật Jackson-Vanik amendment ngăn cấm. Luật này có từ năm 1974 để tu chính cho Luật Thương Mãi (the Trade Act) của HK, nhằm mục đích trừng phạt các quốc gia không có nền kinh tế thị trường (cộng sản, nhắm vào Liên Sô lúc đó) mà lại còn áp dụng chính sách không cho dân được bỏ nước ra đi để di trú ở một nước khác (giúp dân gốc Do Thái đang ở Liên Sô) và các vi phạm nhân quyền khác.

Việt Nam là quốc gia theo cộng sản nên không thể vào WTO được nếu không được Thượng Viện Mỹ thông qua một quyết định cho miễn áp dụng luật Jackson-Vanik này mà sự chống đối của một nghị sĩ với lý do nhân quyền chính đáng có khả năng ngăn chận, vì Jackson-Vanik chính yếu là để bênh vực nhân quyền.

Chị Thuơng Cúc đã bị giam 14 tháng không xét xử, NS Martinez chính thức lên tiếng cho biết nếu CSVN không thả chị ra thì đừng hòng mà vào WTO được vì ông ngăn chận không cho.

Thế là CSVN vội vã mang chị Thuơng Cúc ra xử ngày 10/11/2006 với bản án 15 tháng tù, nhưng vừa xử xong là thả chị ra ngay, sớm hơn án một tháng và tuyên truyền rằng họ thả chị ra vì lý do nhân đạo do chị bị bệnh tim và cao máu.

Trưa hôm nay 16/4/2016, trong buổi gặp gỡ của chị Vũ Minh Khánh, hiền thê của LS Nguyễn Văn Đài, với cộng đồng người Việt ở hội trường Việt Báo, Nam California, tôi có nêu lên vấn đề này trực tiếp với dân biểu Alan Lowenthal đang có mặt, vì tôi là cử tri trong đơn vị của ông. Tôi yêu cầu ông nhìn vào cái tiền lệ này và chủ động làm việc với vài nghị sĩ then chốt ở Thượng Viện (về TPP cũng như về bán vũ khí sát thương) để có những hành động tương tự. Thượng Viện có nhiệm vụ phê chuẩn các hiệp ước quốc tế mà TPP là một. Nếu cẩn thận nghiên cứu các cơ chế vận hành thì sẽ khám phá ra được những đòn bẫy tốt để áp lực mạnh lên hành pháp Obama cũng như lên chính quyền CSVN. DB Lowenthal có hứa sẽ vận động mạnh mẽ, nhất là TT Obama sắp viếng VN tháng Năm năm nay. Sau đó DB Lowenthal gặp riêng chị Minh Khánh để hiểu sâu thêm vấn đề.

CSVN giao thiệp với HK không thể theo kiểu quá giang miễn phí mãi được (free ride) và cần tôn trọng cộng đồng người Mỹ gốc Việt hơn. Chính quyền HK cũng như người Mỹ gốc Việt đang còn trong giai đoạn rượu mời chứ không khờ khạo.

Coi họ khờ khạo thì chính CSVN mới là người khờ khạo.

Lê Minh Nguyên
16/4/2016


Friday, April 15, 2016

"Quả Đấm Thép" để đấm người dân Việt Nam

Tội phạm cũng là con người và cũng là người Việt Nam. Một trong những nguyên nhân của tội phạm là "bần cùng sinh đạo tặc", tội của họ không bằng tội của những đảng viên tham nhũng tiền triệu đôla, trong đó có ông Trần Đại Quang đang là đương kim chủ tịch nước mà ông Dương Chí Dũng đã khai trước toà, những đảng viên đạo tặc tài sản quốc gia khổng lồ này lại được Đảng bảo vệ, điển hình là Chỉ Thị 15 của Bộ Chính Trị mà Thiếu tướng công an Phan Anh Minh vào ngày 8/3/2016 trong lễ tổng kết phòng chống tham nhũng do thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cho biết Công an không được trinh sát đảng viên vì vướng Chỉ thị 15 mặc dù biết chắc rằng đảng viên đó tham nhũng cũng đứng ngoài không thể tiến hành điều tra tìm kiếm tội phạm. 

Em ruột ông Quang đang thao túng tài sản quốc gia ở Núi Pháo, so với trộm cướp vì bần cùng thì sao?

Nguời viết chống trộm cướp và tội phạm, nhưng một xã hội không công lý, nhân danh xã hội chủ nghĩa nhưng bóc lột và bỏ rơi người nghèo, thì không thể giải quyết được những nguyên nhân gây ra trộm cướp.

Đó là chưa nói Bộ Luật Hình Sự dùng để bảo vệ sự trường trị của Đảng cho nên đem vào đó rất nhiều điều luật mơ hồ (79, 88, 258...) để hình sự hoá các sinh hoạt rất bình thường và rất ôn hoà của người dân, như Nguyễn Văn Đài, Basam Nguyễn Hữu Vinh, bạn trẻ Nguyễn Viết Dũng tức Dũng Phi Hổ... biến họ thành những tội phạm hình sự.

Chỉ những xứ độc tài công an trị mới gọi Lực lượng Cảnh sát Hình sự là "quả đấm thép" để phơi bày bộ mặt sính bạo lực với chính người dân của mình, có bao giờ họ gọi quân đội là quả đấm thép chống bành trướng Trung Quốc hay chưa?

Tội phạm, nếu được ánh sáng công lý soi rọi, được toà án độc lập và vô tư kết tội, và bất đắc dĩ phải giam cầm vì sự tự do của họ làm thiệt hại sự an sinh của người khác, thì họ vẫn là con người, vẫn một thành phần trong cơ thể quốc gia, không thể đối xử với họ như một con thú hay một đồ vật vô tri và dùng "quả đấm thép" để nghiền nát họ. Đó là luân lý tối thiểu của một chính quyền.

lmn
15/4/16

- baomoi 14/4/16 (bit.ly/20IQpLW)


Tuesday, April 12, 2016

"Cái gì kìm hãm phải bỏ ngay" - Nguyễn Xuân Phúc

Thì cái đảng Cộng Sản Việt Nam chứ còn cái gì nữa ông Phúc?


Ông nói "Không để tham nhũng, tiêu cực nhũng nhiễu tràn lan", vậy ông có bảo đảng CSVN huỷ bỏ Chỉ Thị 15 được không?

Cái Chỉ Thị của Bộ Chính Trị mà hôm 8/3/2016 Thiếu tướng công an Phan Anh Minh trong lễ tổng kết phòng chống tham nhũng do thành ủy TP HCM tổ chức, cho biết Công an không được trinh sát đảng viên vì vướng Chỉ thị 15 mặc dù biết chắc rằng đảng viên đó tham nhũng nhưng không thể tiến hành điều tra tìm kiếm tội phạm.

Ông nói "chống bệnh hình thức, nói mà không đi đôi với làm", nếu ông không làm được việc đè cái đảng đang đứng trên Hiến Pháp xuống thành một đảng chính trị bình thường, hay tối thiểu cũng huỷ bỏ được Chỉ Thị 15 thì ông cũng sạo theo "bệnh hình thức" thôi!

Đất nước cần bỏ là chế độ chính trị đầy lỗi hệ thống như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã chỉ ra trước đây (bây giờ được Đảng trám vào miệng ông một vị trí thơm trong CP cho con ông nên ông im luôn).

Cái gì kìm hãm thì ai cũng thấy, đừng nói thủ tướng không thấy nhé!

- tienphong 12/4/16 (bit.ly/23szF0R)


Sunday, April 10, 2016

Ông Ngụy Kinh Sinh nói về chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình và chính sách hạt nhân của Trung Quốc - VOA's "Các Vấn Đề và Quan Điểm"

- Bao Shen, VOA
Lê Minh Nguyên dịch

31/3/2016

Hội nghị Thuợng đỉnh hạt nhân 2016 được tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 31/3 và 1/4. Lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, tham dự hội nghị. Liên Đoàn Dân Chủ Trung Quốc Hải Ngoại cùng những nhà tranh đấu TQ khác và các nhà hoạt động nhân quyền Tây Tạng tập hợp trong hai ngày này để phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ CSTQ ở TQ và Tây Tạng, đòi hỏi chính quyền TQ đảm bảo an toàn hạt nhân và ngăn chặn sự gia tăng của vũ khí hạt nhân. Hôm nay, chuơng trình "Các Vấn Đề và Quan Điểm" mời ông Ngụy Kinh Sinh, Chủ tịch Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc Hải Ngoại, để nói về quan điểm của ông đối với chuyến thăm của ông Tập Cận Bình và chính sách hạt nhân của TQ.

Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng phản ứng của Bắc Kinh trong hai năm qua đối với chế độ Kim Chính Ân ở Bắc Triều Tiên có thể được tóm gọn trong một câu - "choáng ngợp mà không biết phải làm gì". Chính quyền TQ đã nuôi dưỡng Bắc Triều Tiên thành một nước vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, không giống như cha ông ta, TQ không thể kiểm soát được ông Kim Chính Ân, và thậm chí ông Kim Chính Ân đã nhắm Bắc Kinh làm mục tiêu (cho phi đạn).

Nơi thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên gần TQ nhất thì chỉ cách TQ hơn chục cây số. Nếu việc thử nghiệm hạt nhân được thực hiện, phóng xạ khuếch tán sẽ bay vào TQ. Ông Ngụy Kinh Sinh nói rằng chính quyền của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phản ứng rất mạnh mẽ nếu điều đó xảy ra. Chế độ hiện tại của Kim Chính Ân có thể nói là đã bước vào "tình trạng mát dây". Cách tiếp cận có trách nhiệm của chính quyền TQ là phải có những biện pháp nghiêm ngặt đối với Kim Chính Ân.

Cái gọi là "suy giảm ảnh hưởng" của chính quyền TQ đối với Bắc Triều Tiên là do có nhiều quan chức ủng hộ Bắc Triều Tiên trong Đảng Cộng sản TQ. Họ có ảnh hưởng lớn. Những quan chức này đa số là đã già. Họ tạo thành một phe nhóm mạnh mẽ ủng hộ Bắc Triều Tiên trong chính quyền TQ khi các vấn đề Bắc Triều Tiên được đem ra thảo luận. Do đó, cái gọi là "suy giảm ảnh hưởng" là do sự bất định của chính quyền TQ. Nếu họ thực sự có quyết tâm, TQ có rất nhiều cách để đối phó với Bắc Triều Tiên.

Một số chuyên gia quốc tế về TQ nói rằng chính quyền TQ lo ngại rằng một khi chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ, sẽ đưa đến tình trạng bất ổn ở bán đảo Triều Tiên. Ông Ngụy Kinh Sinh nghĩ rằng đây chỉ là một cái cớ của "phe thân Bắc Triều Tiên" nói trên. Cái mà chính quyền TQ lo ngại là một khi họ mất Bắc Triều Tiên như một thằng em nhỏ của họ, họ sẽ gặp khó khăn trong các mưu mẹo nguy hiểm của họ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ngay cả khi với sự sụp đổ của chế độ Kim, Bắc Triều Tiên vẫn còn rất xa để tiến đến một xã hội dân chủ; do đó, những mối lo sợ này dường như không cần thiết.

Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng chỉ có một cách để Bắc Triều Tiên trở thành "phi hạt nhân": TQ hay Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh quân sự để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên một cách trực tiếp. Khả năng Bắc Triều Tiên tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân là không thể xảy ra. Ông cho rằng chính quyền HK đang bắt đầu hiểu rằng họ phải áp lực chính quyền TQ cần có các biện pháp cứng rắn (với Bắc Triều Tiên).

Về việc ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn, ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng khả năng của ông Tập Cận Bình và ông Obama để đạt được một sự đồng thuận là rất nhỏ. Đó là bởi vì ông Tập Cận Bình chưa xác định được các biện pháp nhất định; do đó những gì ông thực sự có thể nói với TT Obama thì khá hạn chế. Hiện tại thì phe ủng hộ Bắc Triều Tiên trong Đảng CSTQ là một lực lượng khá mạnh nên có thể hạn chế ông Tập Cận Bình.

*****
VOA's  "Issues and Opinions" Program: Wei Jingsheng Talks About Xi Jinping's USA Visit and the Nuclear Policy of China
 -- by Bao Shen, Voice of America

March 31, 2016

Washington DC -- The 2016 Nuclear Security Summit will be held in the US Capital City, Washington, DC on March 31 and April 1.  Leaders of many countries, including Chinese President Xi Jinping, will attend the conference.  The Overseas Chinese Democracy Coalition and other Chinese dissidents and Tibetan human rights activists will gather in these two days to protest against the Chinese Communist regime's human rights violations in China and Tibet, and to demand the Chinese government to ensure nuclear safety and stop the proliferation of nuclear weapons over the years. Today, the "Issues and Opinion" program invited Wei Jingsheng, the Chairman of the Overseas Chinese Democracy Coalition, to talk about his views of Xi Jinping's visit and China's nuclear policy.

Wei Jingsheng thinks that the last two years' response of Beijing to the Kim Jong-un regime in North Korea could be summarized in one sentence -- "overwhelmed without knowing what to do".  The Chinese government has nurtured North Korea into a nuclear weapons state.  However, unlike his father, Kim Jong-un is uncontrollable by China, and even has targeted Beijing.

The nearest North Korean nuclear test site is only a dozen kilometers away from China.  If the nuclear test is carried out, diffusion radioactivity will be floating into China.  Wei Jingsheng expressed that the government of any country would have a very strong reaction if that happened.  The current regime of Kim Jong-un may be said to have entered a "crazy state."  A responsible approach for the Chinese government is to take stringent measures against Kim Jong-un.

The so-called "declining influence" of the Chinese government over the North Korean regime is due to the many pro-North Korean officials within the Chinese Communist Party.  They have great influence.  These officials are mostly older.  They form a strong pro-North Korean clique within the Chinese government when the North Korean issue is discussed.  Therefore, the so-called "declining influence" is due to the indeterminacy of the Chinese government.  If they really made up their mind, China has a lot of ways to deal with North Korea.

Some international experts on China have said that the Chinese government is worried that once the North Korean government collapses, there will be unrest in the Korean Peninsula.  Wei Jingsheng thinks that this is an excuse made by the above-mentioned "pro-North Korean clique".  What the Chinese government fears is that once it loses North Korea as its little brother, it is going to have a hard time to play dangerous tricks in international affairs.  However, even with the collapse of the Kim regime, North Korea is still very far away from a democratic society; so these fears seem superfluous.

Wei Jingsheng thinks that there is only one way for North Korea to become "denuclearized": by China or the United States using military power to remove North Korea's nuclear weapons directly.  The possibility of North Korea giving up nuclear weapons voluntarily is unlikely.  He thinks that the US government is currently beginning to understand that the Chinese government should be forced to take tough measures.

Regarding Xi Jinping's attendance at the Nuclear Security Summit held in Washington DC, Wei Jingsheng thinks that the possibility of Xi Jinping and Obama reaching a consensus is very small.  That is because Xi Jinping is not yet determined to take certain measures; thus what he could really talk with President Obama about is going to be rather limited.  Currently, the pro-North Korea's clique within the Chinese Communist Party is a quite strong force that can limit Xi Jinping.