Thursday, April 30, 2015

Phi Thuyền Messenger Đã Tự Sát

Sau 4 năm và bay 4,105 vòng quỹ đạo Mercury để hoàn thành nhiệm vụ khảo sát hành tinh nhỏ nhất và nóng vì gần mặt trời nhất này trong hệ thống thái dương hệ của chúng ta, phi thuyền Messenger đã đâm xuống mặt của hành tinh này để tự huỷ lúc 12:26PM trưa ngày Thứ Năm 30/4/2015, giờ California.

Messenger được phóng lên Tháng Tám 2004, là phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Mercury. Khi phóng, hơn 1/2 trọng lượng của nó là nhiên liệu và đến hôm nay nó đã tiêu thụ hết. Vì quá gần mặt trời, nó phải chống chỏi với bức xạ (radiation) và sức hút (gravitation) cực mạnh của mặt trời.

Messenger đâm vào Mercury với tốc độ 8,750 dặm/giờ và tạo ra một lỗ trũng khoảng 16 mét đường kính.

Phi thuyền này là một thành công tốt đẹp của NASA.

http://t.co/zfmCsnH7zR

LMN





Vỏ Dưa Vỏ Dừa và Chỉ Hoà Hợp Thôi Nhé!

Ngày 30/4/2015, trong Diễn văn "Phát Huy Tinh Thần Đại Thắng Mùa Xuân 1975" của ông TT CSVN Nguyễn Tấn Dũng có các điểm như:

"tưởng nhớ và đời đời biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại... Danh nhân văn hóa thế giới"

"Đế quốc Mỹ đã ngang nhiên áp đặt chế độ thực dân kiểu mới"

"đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975"

"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi."

"Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công, đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài... cùng nhau chân thành hòa hợp dân tộc, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân".

Nhận xét:
Hoà hợp là từ ngữ mà người CS dùng để nói đến việc phải chấp nhận chế độ và phục tùng chế độ để có đoàn kết. Những ai muốn đoàn kết dân tộc để đất nước có sức mạnh thì phải nằm dưới sự lãnh đạo của đảng CS, chấm hết. Muốn nói chuyện gì thì phải vào rọ của CS và nói chuyện (hoà giải) ở bên trong cái rọ, theo khuôn phép và tiêu chuẩn mà Đảng muốn.

Những ai mơ ước chuyện hoà giải, tức ngồi ngang tầm và nói chuyện phải trái, gỡ rối cho dân tộc để đi đến chuyện hoà hợp hay đoàn kết thì tự mình đang ám thị, vì phía CS không có lãnh đạo nào nghĩ như vậy cả.

Hiện nay thì việc tranh chấp nội bộ đảng CS trước thềm Đại Hội 12 của họ là chuyện vỏ dưa vỏ dừa, vỏ nào cũng đều làm cho người đạp bị té ngã.

Chính trị là sự tương quan của sức mạnh. Thay đổi phải là sức mạnh của phong trào quần chúng, phong trào quần chúng trong ngoài có đủ mạnh để đẩy họ vào thế thay đổi hoà bình hay không, trước khi phong trào vượt xa hơn để vẫn có thay đổi nhưng dưới những dạng thái không thể nào biết được nó sẽ ra sao.


LMN
30/4/2015


Tuesday, April 28, 2015

Nhận Diện Sức Mạnh Của Sợi Dây Xích ASEAN

Tục ngữ có câu "Sức mạnh của sợi dây xích nó nằm ở mắt yếu nhất". Thượng đỉnh ASEAN ở Kuala Lumpur kết thúc hôm Thứ Hai 27/4/2015 cho thấy một ASEAN yếu ớt, dù nước chủ năm nay là Mã Lai, một nước CÓ tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc và là một nước lớn trong ASEAN.

Điểm danh 10 nước ASEAN để xem các mắt xích trong sợi dây xích này ra sao:

1. Nam Dương: nước lớn nhất về dân số cũng như kinh tế (dân 254 triệu, GDP $856 tỷ), không có tranh chấp nhưng có bị đe doạ bởi đường lưỡi bò ở vùng quần đảo Natina. Nam Dương muốn đóng vai trung gian hoà giải.

2. Phi Luật Tân: nước lớn thứ hai về dân số (108 triệu), có tranh chấp, lớn tiếng chống TQ nhất và có phản ứng cụ thể nhất qua việc kiện TQ lên toà án quốc tế.

3. Việt Nam: nước lớn thứ ba về dân số nhưng kinh tế đứng sau nhiều nước khác (Nam Dương, Thái, Mã, Sing, Phi), có tranh chấp nhiều nhất nhưng phản ứng yếu đuối, chỉ phản đối suông, chưa có hành động gì cụ thể.

4. Thái Lan: Kinh tế đứng thứ nhì ($381 tỷ) sau Nam Dương, không có tranh chấp, quân đội nắm quyền và thân TQ, cộng tác với TQ trong nhiều dự án kinh tế hạ tầng như đường sắt, kinh đào Kra để đi tắt không qua eo biển Malacca...

5. Mã Lai: Nước lớn thứ ba về kinh tế ($339 tỷ) hưởng lợi thương mại nhiều từ TQ, có tranh chấp ở Trường Sa và bị đe doạ ở James Shoal. Do có nhiều quyền lợi và chưa bị mất đảo nên Mã Lai mềm mỏng, có vẻ đặt nặng quyền lợi Mã Lai hơn là toàn khối ASEAN.

6. Singapore: Quốc gia thành phố, chưa tới 700 cây số vuông và chỉ 5.5 triệu dân, nhưng có nền kinh tế $307 tỷ, đứng thứ tư trong khối. Singapore không có tranh chấp và là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng hưởng lợi lớn về tài chánh và kinh tế với TQ nên có chủ trương bắt cá hai tay.

7. Miến Điện: Quân đội nắm quyền lâu năm, bầu cử cuối năm 2010 chuyển đổi chính trị để dân chủ hóa và thoát Trung, nhưng cho đến nay vẫn nửa vời. Do không có tranh chấp Biển Đông nên dù thoát Trung nhưng không muốn làm mất lòng TQ.

8. Cam Bốt: Sườn tây của Việt Nam, dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, nên TQ rất dễ thao túng cả 3 mặt: an ninh, kinh tế, ngoại giao. Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh và thủ tướng Hun Sen đã ngã hẵn về TQ, điển hình là không ra được tuyên bố chung năm 2012 khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN và các lên tiếng gần đây của Hun Sen.

9. Lào: Sườn tây của Việt Nam, cũng như Cam Bốt dân ít, kinh tế yếu, không có tranh chấp Biển Đông, đã và đang bị TQ thao túng chính trị cũng như kinh tế trong nhiều năm qua. Lào sắp là chủ tịch ASEAN năm 2016.

10. Brunei: Diện tích chưa đến 6,000 cây số vuông và dân chưa đến nửa triệu người, Brunei có tranh chấp Biển Đông nhưng rất mờ nhạt. Do TQ cần dầu và đầu tư hạ tầng, Brunei lại nằm trên con đường tơ lụa của TQ nên Brunei cũng muốn bắt cá hai tay và cá TQ to hơn.

Thông Cáo Chung đưa ra tuy có nhắc tới Biển Đông nhưng kêu gọi tinh thần ôn hoà (Điều 59, 60, 61, 62), tránh đối đầu, trong khi nội bộ ASEAN chia rẽ, còn TQ thì vẫn cứ xây dựng và tiến tới. Trong hoàn cảnh này, ôn hoà có nghĩa là quỵ luỵ.

Nếu Hoa Kỳ muốn biến ASEAN thành một NATO ở Á Châu thì không thể thực hiện được, vì địa dư các nuớc rời rạc và được biển che chắn, cho nên sự nguy hiểm của một nước này khó mà lây lan sang nước khác, và họ không có cùng một mối hiểm nguy để sát cánh đoàn kết.

Hiện nay các nước trong ASEAN có một sự tham lam khá bất công cho HK: họ muốn Hoa Kỳ bảo vệ an ninh cho họ để họ có thể hưởng lợi trong sự làm ăn mua bán với TQ.

Trong khi TQ thì muốn đuổi HK ra khỏi Á Châu bằng cách chặt đứt những sợi dây quan hệ nào mà HK có được ở nơi này, dù song phương hay đa phương. Đồng thời TQ tạo những liên minh quyền lợi để dụ các nước này vào bẫy của họ, như ngân hàng phát triển hạ tầng AIIB, Con Đường Tơ Lụa...

Để chặt đứt các quan hệ song phương, TQ đã tìm cách gây chia rẽ giữa HK và đồng minh của HK như Thái Lan, Nam Hàn, hay ngay cả Nhật trong những năm trước đây khi Tập và Obama nói chuyện riêng năm 2013 ở Palm Springs, California.

Để chặt đứt quan hệ đa phương, TQ đang bẻ đứt những mắt xích yếu của sợi dây xích ASEAN và mắt đứt đầu tiên là Cam Bốt, mắt thứ hai là Lào, trong khi các mắt khác, trừ Phi Luật Tân, thì hình như không có mắt nào muốn trói TQ, kể cả Singapore hay Việt Nam.

ASEAN chả có sức mạnh nào cả. Có lẽ HK cũng hiểu điều này. Sức mạnh thực sự mà HK có được là các quan hệ song phương mà HK vung xới với những nước có chung mối lo an ninh và mối lợi kinh tế với HK, như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Phi, Việt Nam...

Với nguyên tắc đồng thuận, hiện giờ 10 nước ASEAN có mối lợi kinh tế chung, nhưng không có mối lo an ninh chung. Cho nên có lẽ giá trị thật của ASEAN nằm ở chổ nó thành lập được một khu vực kinh tế, nhất là nó sắp xây dựng cộng đồng kinh tế chung, giống như thị trường chung Âu Châu (trừ tiền tệ chung) dự trù hình thành năm 2015 và đi vào hoạt động năm 2016.

Lê Minh Nguyên
28/4/2015

rfi.my/1P2QjaJ
rfi.my/1HU9KDD
rfi.my/1P2SxXL


Sunday, April 26, 2015

Sấc Láo Chi Vậy Ông Triết?

Cựu CTN Nguyễn Minh Triết nói hoà hợp (quỳ gối xin nhập cục) với nguời của chế độ cũ, trích:

"Nếu nhìn vào những mất mát, hy sinh to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua được". 

"Chúng ta đã làm rất nhiều, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 36 đề ra. Nhưng trên hết tôi vẫn trăn trở, mong muốn có một cuộc gặp mặt rộng lớn nào đó với những tuyên bố mang tinh thần đại xá". 
- vietnamnet 27/4/15 bit.ly/1zcuROU

Nhận Xét:
Ông không muốn hoà giải (ngồi nói chuyện phải quấy và biết tôn trọng người khác, trước khi nói chuyện hoà hợp), ông chỉ muốn hoà hợp (chúng tôi phải quỳ gối xin/cho để được nhập cục với các ông) một cách sấc láo cà cuốn.

Sau 40 năm, chúng tôi là những người đang thắng trong hoà bình, và các ông là những người đang thua, dù các ông đã thắng trong chiến tranh.

Chiến tranh hay hoà bình là những môi trường mà trong đó luôn luôn có sự tranh đấu, chỉ khác nhau về phương tiện hay công cụ dùng để tranh đấu mà thôi.

Trong chiến tranh, phuơng tiện là vũ khí để sát hại nhau. Trong hoà bình là thông tin để thay đổi tư tưởng nhau.

Rõ ràng trong hoà bình các ông đang thua, vì chúng tôi có thể thay đổi lề lối suy nghĩ của bên phía các ông, nhưng các ông không có khả năng để thay đổi lề lối suy nghĩ dân chủ bên phía chúng tôi.

Hiện tượng "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "từ bên trong và từ bên trên" đang xảy ra bên phía các ông, chứ không phải bên phía chúng tôi. Nói một cách kiếm hiệp thì chúng tôi có năng lực hấp tinh đại pháp và các ông đang từ từ xẹp xuống thành bộ xương khô cách trí.

Đảng trưởng của các ông sắp đi Mỹ mà lại còn viết, có thể nói là vô liêm sĩ, rằng "toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước sẽ tiếp tục được phát huy trong tình hình mới".

Khi ông còn làm chủ tịch nước, không có tuyên bố nào ra hồn, chỉ là những câu làm trò cười hay chọc giận, từ VN và Cuba "thay phiên nhau canh giữ hoà bình thế giới" của Cu thức Cu ngủ, hay "nhìn thẳng vào mắt ông Obama mà nói rằng ông Obama ơi!.." để gây mâu thuẩn nội bộ Hoa Kỳ, hay "tôi nói không được là không được" để ngăn cản các cán bộ trẻ tiến lên thay thế các cán bộ già, đã quắc mà không chịu thiệp bài.

Bây giờ đã về hưu rồi thì ông Triết nên ngậm miệng ăn tiền, "bận rộn với bầy chim yến" của ông, thay vì đi thăm Nguyễn Bá Thanh để làm trò hề hay học thói kẻ xâm lăng già nói điều nhân nghĩa sấc.

LMN
26/4/2015


Friday, April 24, 2015

Mái Hiên Tây (1/n)

Khi lục địa Ấn Độ từ nam bán cầu trôi lên mạng bắc đụng vào Á Châu, nó đùn lên rặng Hy Mã Lạp Sơn và lòi ra bán đảo Đông Dương mà Pháp đặt tên là Indochina, tức vừa Ấn Độ (India) vừa Trung Quốc (China). Ông Robert Kaplan cho rằng Pháp đặt cái tên này rất đúng và dân tộc Việt Nam nếu không tiếp cận với văn minh Ấn Độ và Hồi Giáo thì đã trở thành Tàu mất rồi do sức đồng hoá mãnh liệt của nền văn minh Trung Quốc.

Trên bình diện địa chính trị, thì Lào và Cam Bốt đáng lý ra là mái hiên tây và là đồng minh sát sườn của Việt Nam, nếu không nói một cách mơ ước hơn, là đứng cùng Việt Nam trong một liên bang, trong cung cách tất cả đều tự nguyện tham gia.

Lào có khoảng 7 triệu dân, Cam Bốt có khoảng 15 triệu dân và Việt Nam có khoảng 93 triệu dân. Việt Nam có bờ biển dài và Lào là quốc gia bị đất khoá. Khoảng hẹp nhất để Lào ra biển lớn là từ Vinh vào Huế của VN mà trung bình chỉ khoảng 40 cây số. Vậy tại sao không có hệ thống hạ tầng và hiệp định khu vực mậu dịch tự do như NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico? - Tại người VN dỡ.

Hôm 24/4/2015 VOA nói rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Lào. Điều này cũng đã được cô Phương Nguyễn của CSIS thông tin mấy tuần trước đó và đề nghị Hoa Kỳ nên nhảy vào để cân bằng. Còn Việt Nam tôi đâu? trong khi Lào là mái hiên tây của mình.

Năm 2014, TQ trở thành nhà đầu tư dẫn đầu ở Lào với tổng cộng trên 5 tỷ đôla. Lào và TQ đã đồng ý xây dựng một dự án đường sắt cao tốc 7 tỷ đôla, trong khuôn khổ sách lược ‘Một vòng đai, Một con đường’ của TQ, nối từ Côn Minh xuống đến Singapore.

Ông Carl Thayer nói rằng đây là "sự mở rộng liên tục của TQ – tuyến hỏa xa cao tốc sẽ khiến Lào mắc nợ nặng vì những khoản ưu tiên cho vay.”

Nhà chính trị học của Đại học Chulalongkorn ở Thái, ông Thitinan Pongsudirak, nói rằng “Trong số các nước có liên quan, Lào có nhiều rủi ro nhất bị đặt dưới sự thống trị của Trung Quốc... TQ không sợ hãi biến không gian nằm trong đất liền ở Đông Nam Á này thành sân sau của chính nhà mình. Họ đang làm như thế ngay lúc này. Đông Nam Á lục địa hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của TQ".

Ông Martin Stuart-Fox, giáo sư sử tại trường Đại học Queenland ở Úc, nói TQ đã khai triển một chính sách nhắm mục tiêu làm suy yếu các mối liên hệ giữa Lào và Việt Nam, ông nói "Đã có một quyết định ở Bắc Kinh rằng Lào sẽ không rơi vào tầm ảnh hưởng của Việt Nam".

Năm 2016, Lào sẽ tiếp nhận chức chủ tịch ASEAN. Liệu Lào có đi theo bước chân Cam Bốt năm 2012 để bênh vực TQ trước sự nghẹn ngào của VN vì mái hiên tây dột nóc?


LMN
24/4/2015




Thursday, April 23, 2015

Quà 30/4 Của Ông Nguyễn Phú Trọng Trước Khi Đi Mỹ

Nhân 40 năm ngày 30/4, ngài Tổng Bí Thư có một bài tràng giang đại hải để kể công đánh Mỹ cứu nước.

Trong đó đáng chú ý là:

"Các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" Quân đội."

"kiên định đường lối, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh"

"những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên"

"khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, "lợi ích nhóm", mất đoàn kết nội bộ v.v... Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa."

"Quân đội.... là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng"

"Quân đội... phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an... không để bị động, bất ngờ"

"phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức... kiên quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn 'phi chính trị hóa' Quân đội của các thế lực thù địch"

"xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân"

"Chúng ta tin tưởng rằng, bài học thành công về sự lãnh đạo của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân 1975, cũng như toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước sẽ tiếp tục được phát huy trong tình hình mới./."

Chủ yếu của bài viết là kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, nắm chặc quân đội, dùng quân đội và công an để chống dân (không phải chống Trung Quốc), đàn áp để duy trì ổn định trong rùng rợn.

Nó cũng cho thấy là sự chia rẽ nội bộ chỉ tăng không giảm, hiện tượng dòi từ trong xương dòi ra qua các sức ép của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "phi chính trị hóa" Quân đội.

Đặc biệt và quan trọng nhất là câu kết luận cuối cùng của bài mà trong đó "toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước sẽ tiếp tục được phát huy trong tình hình mới". Điều này có nghĩa là chỉ lợi dụng Mỹ thôi vì Đảng sẽ TIẾP TỤC PHÁT HUY sự nghiệp chống Mỹ trong tình hình mới.

Tù chính trị vẫn còn giam, người dân chủ ở ngoài nhà tù vẫn còn bị hành hung, các nhân quyền về dân sự và chính trị căn bản vẫn còn bị cấm, sự kỳ thị sau 40 năm vẫn còn nặng nề, thì con đường thay đổi cho tốt hơn chỉ còn có một: đường phố.

LMN
23/4/15

bit.ly/1Go8W9N

Đế Quốc Hoa Kỳ - Phải Chịu Thôi

14/4/2015

George Friedman

Lê Minh Nguyên dịch

"Đế Quốc" là một từ bẩn thỉu. Nhìn qua thái độ của nhiều đế quốc, thì nó không phải là vô lý. Nhưng từ ngữ đế quốc có khi chỉ đơn giản là dùng để mô tả một trạng thái, mà đa phần không hoạch định và hiếm khi có chủ ý. Đó là điều kiện phát sinh từ một sự mất cân đối lớn của quyền lực. Thật vậy, các đế quốc nào tạo ra có chủ ý, như Napoleon ở Pháp và Đức Quốc Xã, hiếm khi tồn tại. Hầu hết các đế quốc không có kế hoạch trở thành như vậy. Nó trở thành đế quốc và sau đó nhận chân ra là như vậy. Đôi khi nó không nhận ra trong một thời gian dài, và sự thất bại để không nhận ra được cái thực tế mình là đế quốc này có thể gây ra những hậu quả to lớn.

Thế Chiến II Và Sự Ra Đời Của Một Đế Quốc

Hoa Kỳ đã trở thành một đế quốc năm 1945. Đúng là trong chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ, HK đã cố tình nắm quyền kiểm soát Phi Luật Tân và Cuba. Nó cũng đúng là HK đã bắt đầu tự nghĩ rằng mình là một đế quốc, nhưng thực sự thì không. Cuba và Phi Luật Tân là ảo tưởng của đế quốc, và ảo tưởng này tan biến trong Thế Chiến I, theo sau là giai đoạn của chủ nghĩa cô lập và thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression).

Đế quốc HK chính hiệu xuất hiện sau đó là một sản phẩm phụ của những biến cố khác. Không có đại âm mưu. Trong một số cách nào đó, những hoàn cảnh để tạo ra nó đã làm cho nó mạnh hơn. Động tính của Thế Chiến II đã dẫn đến sự sụp đổ của bán đảo Châu Âu và sự chiếm đóng của Liên Xô và HK. Cũng cái động tính này đã dẫn tới sự chiếm đóng Nhật Bản và sự cai trị trực tiếp của Hoa Kỳ như là một thuộc địa thực tế, với Tướng Douglas MacArthur là phó vương.

Hoa Kỳ tự thấy mình là một đế quốc bất đắc dĩ, và có ý định từ bỏ nó. Đây là một mong muốn chân thật chứ không phải chỉ tuyên truyền. Thứ nhất, chính Hoa Kỳ là sự hình thành của dự án (project) chống đế quốc đầu tiên trong thời đại mới. Nguyên tắc của nó là chống đế quốc. Quan trọng hơn nữa, đế quốc làm chảy máu các nguồn tài nguyên của HK chứ không phải là nguồn gốc của sự thịnh vuợng. Thế chiến II đã làm tan nát Nhật Bản và Tây Âu. Hoa Kỳ không được lợi thế kinh tế gì để chiếm giữ các nước này. Cuối cùng, Hoa Kỳ chấm dứt Thế Chiến II mà không bị thiệt hại gì nhiều do bởi chiến tranh và có lẽ là một trong số ít các quốc gia hưởng lợi từ nó. Tiền của được ăn nên làm ra ở tại Hoa Kỳ, không phải do từ đế quốc. Các binh sĩ và các tướng tá muốn trở về nhà.

Nhưng không giống như sau Thế Chiến I, HK không thể buông ra sau Thế Chiến II được. Thế Chiến I tàn phá gần như tất cả những nuớc tham gia. Không ai có đủ năng lực để xây dựng bá quyền. Hoa Kỳ hài lòng với việc cứ để Châu Âu đi theo các động tính riêng của nó. Thế Chiến II có kết thúc khác như vậy. Liên Xô bị tàn phá nhưng vẫn mạnh. Liên Xô bá chủ phía đông, và nếu vắng Hoa Kỳ, nó có khả năng thống trị cả Châu Âu. Điều này là một vấn nạn cho Washington, bởi vì một Châu Âu thống nhất thực sự - cho dù là một liên bang tự nguyện và hiệu quả hay do một quốc gia duy nhất thống trị - đều có đủ tài nguyên để thách thức quyền lực HK.

Hoa Kỳ không thể bỏ đi. HK cũng không nghĩ mình đang giám sát một đế quốc, và dĩ nhiên HK để cho tự trị chính trị nội bộ hơn so với Liên Xô trong khu vực của họ. Do đó, ngoài việc duy trì sự hiện diện quân sự, Hoa Kỳ tổ chức nền kinh tế Châu Âu, tạo ra và tham dự vào hệ thống phòng thủ Châu Âu. Nếu bản chất của chủ quyền là khả năng quyết định nên hay không nên đi đến chiến tranh, thì sức mạnh đó không phải nằm ở London, Paris hay Warsaw. Nó nằm ở Moscow và Washington.

Nguyên tắc tổ chức của chiến lược HK là ý tưởng ngăn chặn (containment). Không thể xâm chiếm Liên Xô, chiến lược mặc định của Washington là canh chừng nó. Ảnh hưởng của HK lan rộng khắp Châu Âu đến Iran. Chiến lược của Liên Xô là bám sát sườn hệ thống ngăn chặn này bằng cách hỗ trợ cho quân nổi dậy và các phong trào thân Liên Xô càng sâu vào sân sau của HK càng tốt. Các đế quốc Châu Âu đã sụp đổ và chia thành nhiều mãnh vụn. Liên Xô tìm cách để tạo ra một cấu trúc liên minh từ những mãnh vụn này, và HK tìm cách để đương đầu lại.

Các Vấn Đề Kinh Tế Của Đế Quốc

Một trong những lợi thế của liên minh với Liên Xô, đặc biệt đối với các nhóm nổi dậy, là một nguồn cung cấp vũ khí rất hào phóng. Lợi thế của việc liên kết với Hoa Kỳ là được nằm trong vùng thương mại năng động cùng tiếp cận được với nguồn vốn đầu tư và công nghệ. Một số quốc gia, như Nam Hàn chẳng hạn, được hưởng lợi lớn lao từ sự tiếp cận này. Những nuớc khác thì không. Các nhà lãnh đạo ở những nước như Nicaragua, cảm thấy họ có lợi hơn để nhận sự hỗ trợ chính trị và quân sự của Liên Xô thay vì thương mại với Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cho đến hôm nay là cường quốc kinh tế lớn nhất, với sự kiểm soát hoàn toàn các mặt biển, có căn cứ trên toàn thế giới, có hệ thống đầu tư và thương mại năng động, mang lợi cho những nước có vị trí chiến lược quan trọng đối với Hoa Kỳ hay ít nhất có thể tận dụng được lợi thế này để mang về lợi ích . Chính vì cái điểm này, mà thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ bắt đầu hành xử như một đế quốc, cho dù không có ý thức như vậy.

Địa dư của đế quốc HK được xây dựng một phần dựa vào các mối quan hệ quân sự nhưng nó lệ thuộc rất lớn hơn vào các mối quan hệ kinh tế. Lúc đầu, các quan hệ kinh tế là khá tầm thường đối với các kinh doanh Mỹ. Nhưng khi hệ thống đã trưởng thành, giá trị của các khoản đầu tư tăng vọt cùng với tầm quan trọng của nhập khẩu, xuất khẩu và thị trường lao động. Như trong bất kỳ đế quốc thành công thực sự nào, nó không bắt đầu với một thiết kế vĩ mô hay ngay cả một giấc mơ như vậy. Sự cần thiết chiến luợc tạo ra một thực tế kinh tế từ nước này sang nước khác cho đến khi một số ngành công nghiệp lớn trở nên lệ thuộc vào ít nhất một số các quốc gia. Các ví dụ rõ ràng nhất là Saudi Arabia hay Venezuela, mà dầu của họ thúc đẩy các công ty dầu khí Mỹ, và do đó - hoàn toàn nằm ngoài tầm quan trọng của chiến lược mà thông thường được hiểu - đã trở thành quan trọng về mặt kinh tế. Điều này ngẫu nhiên làm cho họ quan trọng về mặt chiến lược.

Khi một đế quốc truởng thành thì giá trị kinh tế của nó gia tăng, đặc biệt là khi nó không cuỡng ép những người khác. Cưỡng ép vừa hao tốn và vừa xoi mòn giá trị của một đế quốc. Một thuộc địa lý tưởng là một thuộc địa mà nó không có tính cách thuộc địa gì cả, mà là một quốc gia được hưởng lợi từ các mối quan hệ kinh tế với đế quốc và tất cả những phần còn lại của đế quốc. Quan hệ quân sự chính yếu phải là sự tuơng thuộc lẫn nhau, hay chỉ trừ khi nào, sự phụ thuộc cần có của một quốc gia đang bị đe doạ để nhờ vào sức mạnh của đế quốc.

Đó là tại sao Hoa Kỳ rơi vào đế quốc. Đầu tiên, nó giàu có một cách áp đảo và vô cùng hùng mạnh. Thứ hai, nó phải đối mặt với một đối thủ tiềm năng có khả năng thách thức nó trên toàn cầu, ở một số lớn các quốc gia. Thứ ba, nó sử dụng lợi thế kinh tế của nó để cung ứng cho ít nhất một số các quốc gia này các mối quan hệ kinh tế, và qua đó là các mối quan hệ chính trị và quân sự. Thứ tư, các quốc gia này trở nên quan trọng đáng kể cho các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế HK.

Các Giới Hạn Của Đế Quốc Hoa Kỳ

Cái vấn nạn của đế quốc HK là dư âm của Chiến Tranh Lạnh. Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ tính toán tham gia chiến tranh với một liên minh xung quanh, nhưng HK mang gánh nặng chính của chiến tranh. Khi Chiến Dịch Bão Sa Mạc (Operation Desert Storm) nổ ra vào năm 1991, nguyên tắc cơ bản này của Chiến Tranh Lạnh đã thắng thế. Có một liên minh mà Hoa Kỳ ở vị trí trung tâm. Sau vụ al-Qaida đánh sập tháp đôi 11/9, HK quyết định chiến đấu ở A Phú Hãn và Iraq với mô hình cốt lõi này được giữ y. Có một liên minh, nhưng lực lượng quân sự trung tâm là HK, và nó được giả định rằng các lợi ích kinh tế trong quan hệ với Hoa Kỳ sẽ hiển nhiên. Trong nhiều khía cạnh, các cuộc chiến hậu 11/9 đi theo khuôn khổ cơ bản của Thế Chiến II. Các nhà lập kế hoạch cho chiến tranh Iraq minh thị thảo luận về kinh nghiệm chiếm đóng Đức và Nhật Bản.

Không đế quốc nào có thể kéo dài sự trực tiếp cai trị. Có lẽ Đức Quốc Xã là ví dụ tốt nhất cho điều này. Họ cố cai trị Ba Lan trực tiếp, thu tóm lãnh thổ Liên Xô, đẩy Vichy sang một bên để cai trị không phải một nửa, mà là tất cả nước Pháp, và cứ như thế. Người Anh, thì trái lại, cai trị Ấn Độ với một lớp mỏng các cán bộ và viên chức, nhưng với một đội ngũ hùng hậu các doanh nhân cố gắng tạo sự giàu có cho họ. Rõ ràng nguời Anh đã làm hay hơn. Người Đức đã tự làm cho mình bị kiệt lực, không chỉ vì dàn trãi quá sức, mà còn là gởi binh sĩ và các viên chức hành chánh ra ngoài để trực tiếp giám sát một số nước. Người Anh đã có thể xoay chuyển đế quốc của mình thành một cái gì đó cực kỳ quan trọng cho hệ thống toàn cầu. Người Đức đã tự đập vỡ thân mình không chỉ vào các kẻ thù của họ, mà còn vào các cuộc chinh phục của họ nữa.

Sau năm 1992, Hoa Kỳ nổi lên như quyền lực cân bằng tòan cầu duy nhất. Đó là, nó là quốc gia duy nhất có thể triển khai sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự trên căn bản toàn cầu. Hoa Kỳ đã và đang vô cùng hùng mạnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là toàn năng. Khi nghe các chính trị gia tranh luận về Nga, Iran hay Yemen, ta có cảm giác rằng họ coi sức mạnh của HK là không giới hạn. Những giới hạn thì luôn luôn có, và các đế quốc tồn tại bằng cách hiểu biết những giới hạn này và tôn trọng nó.

Giới hạn chính của đế quốc HK cũng giống như của các đế quốc Anh và La Mã: nhân số học. Ở Âu Á - Châu Á và Châu Âu chung nhau - người Mỹ bị trở thành thiểu số ngay từ thời điểm họ đặt chân lên vùng đất này. Quân đội Hoa Kỳ được xây dựng xung quanh quân ít vũ khí tối tân (force multipliers), các vũ khí có thể tiêu diệt kẻ thù trước khi kẻ thù phá hủy lực lượng tương đối nhỏ được triển khai của HK. Đôi khi chiến lược này hữu hiệu. Qua thời gian dài, nó không thể. Kẻ thù có thể chịu nỗi sự tiêu hao lớn hơn nhiều so với lực nhỏ của HK. Bài học này đã được học ở Việt Nam và được cũng cố thêm ở Iraq và A Phú Hãn. Iraq là một quốc gia của 25 triệu người. HK gửi vào 130,000 quân. Hiển nhiên, tỷ lệ tiêu hao nằm về phía quân đội HK. Các huyền thoại cho rằng người Mỹ không có gan chịu đựng chiến tranh đã quên rằng Hoa Kỳ chiến đấu ở Việt Nam bảy năm và ở Iraq cũng trong khoảng chiều dài thời gian như vậy. Quần chúng cũng khá kiên nhẫn. Các bài toán của chiến tranh mới là vấn đề. Tại một thời điểm nhất định, thì đơn giản là mức độ tiêu hao không đáng để đạt các mục tiêu chính trị.

Việc triển khai một lực lượng chính vào Âu Á là điều không nên, trừ những trường hợp đặc biệt khi một lực lượng áp đảo có thể được mang vào để chống đỡ cho một nơi nào mà điều quan trọng là để giành chiến thắng. Những truờng hợp như vậy thường ít xảy ra và có khoảng cách thời gian ở giữa khá xa. Vì vậy, chiến lược duy nhất là chiến tranh gián tiếp: chuyển gánh nặng của chiến tranh sang cho những người muốn gánh chịu nó hay không thể tránh được nó. Trong những năm đầu của Thế chiến II, chiến tranh gián tiếp đã được sử dụng để hỗ trợ cho Anh và Liên Xô chống Đức.

Có hai loại chiến tranh gián tiếp. Loại thứ nhất là hỗ trợ các lực luợng bản địa có lợi ích song song với HK. Điều này đã được thực hiện trong những giai đoạn đầu của chiến tranh A Phú Hãn. Loại thứ hai là duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia. Chúng ta đang nhìn thấy hình thức này ở Trung Đông khi Hoa Kỳ di chuyển giữa bốn cường quốc lớn trong khu vực - Iran, Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hỗ trợ một bên này, sau đó một bên khác trong hành động cân bằng triền miên. Tại Iraq, máy bay chiến đấu của HK thực hiện các cuộc không kích song song với các lực lượng trên mặt đất của Iran. Tại Yemen, Hoa Kỳ ủng hộ các cuộc không kích chống lại phe Houthis, những người nhận sự huấn luyện của Iran.

Đó là bản chất của đế quốc. Ngạn ngữ Anh nói rằng không có bạn muôn đời cũng không có kẻ thù truyền kiếp, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn. Câu cổ ngữ này, giống như hầu hết những câu cổ ngữ khác, là đúng. Hoa Kỳ đang trong quá trình học bài học đó. Trong nhiều khía cạnh, Hoa Kỳ quyến rũ hơn khi nó phân định rõ ràng giữa bạn và thù. Nhưng đó là một sự xa xỉ mà các đế quốc không thể tiêu tốn được.

Xây Dựng Hệ Thống Cân Bằng

Bây giờ chúng ta đang nhìn thấy Hoa Kỳ tái cân bằng chiến lược của mình bằng cách học cân bằng. Một quyền lực toàn cầu không thể có đủ khả năng để trực tiếp tham gia vào quá nhiều các cuộc xung đột mà nó gặp phải trên toàn thế giới. Nó sẽ bị kiệt quệ nhanh chóng. Sử dụng những phuơng tiện khác nhau, nó phải tạo ra những cân bằng khu vực và cân bằng toàn cầu, mà không để xâm phạm vào chủ quyền nội bộ. Bí quyết là tạo ra những tình huống để các nước khác muốn làm điều gì mà qua đó cũng là lợi ích của Hoa Kỳ.

Nỗ lực này rất khó khăn. Bước đầu tiên là sử dụng những phấn khích kinh tế để định hình cách ứng xử của các nước khác. Nó không phải là do Bộ Thương Mại HK mà là do các doanh nghiệp làm điều này. Thứ hai là cung cấp viện trợ kinh tế cho các nước đang bị lao đao. Thứ ba là cung cấp viện trợ quân sự. Thứ tư là gửi các cố vấn. Thứ năm là gửi một lực lượng áp đảo. Để nhảy từ mức thứ tư qua mức thứ năm là một điều khó khăn nhất để am tuờng. Lực lượng áp đảo hầu như không bao giờ nên dùng. Nhưng khi các cố vấn và sự viện trợ không giải quyết được vấn nạn mà nó cần phải được gấp rút giải quyết, thì chỉ có một loại lực lượng được sử dụng, đó là lực lượng áp đảo. Các quân đoàn La Mã ít khi được sử dụng, nhưng khi chúng được sử dụng, chúng mang theo một sức mạnh áp đảo để đương đầu.

Những Trách Nhiệm Của Đế Quốc

Tôi đã cố tình nói Hoa Kỳ là đế quốc, dù biết rằng thuật ngữ này nghe chói tai. Những người gọi Hoa Kỳ là đế quốc thường hàm ý rằng trong một khía cạnh nào đó nó xấu xa. Những người khác gọi nó bất cứ thứ gì mà họ muốn. Nhưng nó hữu ích để đối mặt với cái thực tế mà Hoa Kỳ đang thủ vai. Sự thành thật luôn luôn là điều hữu ích, đặc biệt là với chính mình. Nhưng quan trọng hơn, nếu Hoa Kỳ tự nghĩ rằng mình là một đế quốc, thì nó nên bắt đầu học những bài học của đế quốc. Không có gì nguy hại hơn việc một đế quốc sử dụng quyền lực của mình một cách bất cẩn.

Đúng là Hoa Kỳ đã không thực sự có ý định trở thành một đế quốc. Nó cũng đúng là các ý định của HK nếu có thì cách này hay cách khác cũng không phải là vấn đề. Hoàn cảnh, lịch sử và địa chính trị đã tạo ra một thực thể, nếu nó không phải là một đế quốc, thì rõ ràng là trông nó giống như một đế quốc. Các đế quốc không hẳn là áp bức. Người Ba Tư khá tự do trong quan điểm của họ. Ý thức hệ HK và thực tế HK không hẳn là không tương thích. Nhưng có hai điều phải đối mặt: Thứ nhất, Hoa Kỳ không thể để mất đi những quyền lực mà nó có. Đó là một điều không thực tiển. Thứ hai, với một quyền lực bao trùm như vậy, nó sẽ bị dính vào các cuộc xung đột cho dù nó có muốn hay không. Nguời ta thuờng e sợ, đôi khi kính trọng các đế quốc, nhưng phần còn lại của thế giới không bao giờ yêu mến nó. Và nếu giả vờ nói rằng anh không phải là đế quốc thì cũng không lừa được ai.

Hành động cân bằng hiện nay ở Trung Đông tiêu biểu cho một sự tái cân bằng nồng cốt của chiến lược HK. Nó vẫn còn vụng về và tư duy còn nghèo nàn, nhưng nó đang xảy ra. Và đối với phần còn lại của thế giới, cái ý tưởng rằng HK đang tiến đến sẽ càng ngày càng trở nên hiếm hoi hơn. Hoa Kỳ sẽ không can thiệp. Nó sẽ quản lý tình hình, đôi khi vì lợi ích của một quốc gia này và đôi khi vì lợi ích của một quốc gia khác.



Monday, April 6, 2015

Ma Vuơng hay Vuơng Kỳ Sơn

Quyền lực số 2 với sự trọng và sợ

The Economist
28/3/2015

Lê Minh Nguyên dịch

Ông Vương Kỳ Sơn đứng hàng thứ 6 trong Thường Trực Bộ Chính Trị của Đảng CSTQ, nhưng về quyền lực thực sự thì chỉ sau Tập Cận Bình.

SỢ là vũ khí mà ông Vương ưa thích. Ông lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng liên tục nhất và trên bình diện rộng nhất trong lịch sử của Đảng Cộng sản TQ, ông thường thúc giục các nhà điều tra của ông là phải tạo sự "sợ hãi". 

Có câu chuyện kể rằng trong một cuộc họp của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Uơng Đảng (UBKT), sau khi ông Vương nắm UB này tháng 11 năm 2012, những thành viên cao cấp (mà cũng là những viên chức đáng sợ nhất trong đảng) được trao cho một hồ sơ về tội lỗi của chính họ. Mục đích của ông Vuơng duờng như là để khủng bố tinh thần chính những nguời thi hành việc chống tham nhũng. Ông cảnh báo họ, nếu không phát hiện ra tham nhũng cấp cao tức là "xao lãng nhiệm vụ".

Lúc đó, một vài người phàn nàn - bởi vì liên tục điều tra những nguời quyền lực nhận tiền bất chính, không phải là đặc tính phổ thông của cuộc sống bình yên mà họ muốn. 

Trước khi nhận công việc này, vấn nạn tham nhũng không phải là điều ông Vương quan tâm. Ông vốn là một nhân viên ngân hàng, rồi làm thị trưởng Bắc Kinh, ông được biết đến như là người giải quyết cuộc khủng hoảng bệnh dịch SARS chết người năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09. 

Đối với các viên chức nước ngoài, ông thậm chí được coi như là một người niềm nở: khuôn mặt chuyên nghiệp của một nhà lãnh đạo bí mật. Bây giờ thì ít ai dám phàn nàn. Ở tuổi 66, ông Vuơng là thành viên cấp thứ sáu của Bộ Chính trị nhưng rõ ràng là ông chỉ đứng sau Chủ tịch nuớc Tập Cận Bình về sức mạnh cầm quyền. Có lẽ ông là một nguời đáng sợ nhất.

Như cánh tay phải của ông Tập, ông Vuơng đã tiến hành một cuộc tấn công vào bộ máy khổng lồ của đảng một cách chưa từng có về sự quy mô, về sự phức tạp và về tham vọng.  Đối tượng của chiến dịch bao gồm các quan chức cao cấp đối thủ của ông Tập, nhưng nó đi xa hơn là một sự thuần túy trả thù. Nỗi sợ hãi đã lan ra khắp các cơ quan công quyền và những viên chức lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. 

Đội quân của ông Vương có hàng trăm ngàn các nhà điều tra của đảng, những người được phép giam giữ và thẩm vấn các nghi phạm mà không bị hạn chế về mặt pháp lý, đã hạ gục các quan chức cao cấp trong bộ máy an ninh và quân đội, các doanh nghiệp nhà nước đầy thế lực và các thanh tra nhà nước.

Hơn 1/3 các tỉnh đã bị mất ít nhất một thành viên lãnh đạo cấp cao của họ vì điều tra tham nhũng. Sơn Tây, tỉnh có nhiều mỏ than đang khai thác đã mất phần lớn các lãnh đạo trong dàn 13 thành viên lãnh đạo của tỉnh. Năm ngoái, ông Vuơng ra lệnh trừng phạt gần 200 nhà điều tra của chính cơ quan ông ở tỉnh này.

Công ty dầu khí lớn nhất, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia TQ (CNPC), đã bị mất rất nhiều viên chức lãnh đạo cao cấp đến độ phải chỉ định số người thay thế dự bị sẵn cho truờng hợp những nguời đang tại chức bị biến mất vào nanh vuốt của ông Vuơng. Điều này dễ có thể xảy ra: vì những người bị bắt, duới áp lực - và nhiều khi bị tra tấn - để thú tội và khai ra những người khác trong các cuộc tra khảo bí mật ngoài pháp luật được gọi là “shuanggui” hay song quy.

Có hàng tá các tướng lĩnh và nhiều trợ lý của các truởng lão của đảng, những người này chưa từng phải chịu những hình thức đối xử như vậy trước đây, nay đã bị sa lưới. Hệ thống song quy mà các quan chức từ lâu kinh sợ, bây giờ được coi là bạo tàn hơn
. Nhiều viên chức đã nói rằng, họ thà gặp ác quỷ còn hơn là gặp ông Vương.

Bộ máy công quyền bình thường lâu nay bây giờ phần lớn bị tắt nghẽn. Đảng đã công nhận rằng nhiều viên 
chức lo sợ đến nỗi tránh làm những quyết định quan trọng để không bị chú ý - đâu có ai biết được những bí mật nào mà đối thủ của họ đã xì ra cho các nhà điều tra? Những tỉnh và bộ mà các quan chức đã bị các đội UBKT móc ruột thì ở trong tình cảnh thiếu nhân sự nghiêm trọng. Hôm 6/3/2015, Bí thư Sơn Tây nói tỉnh ông cần lấp khoảng gần 300 chỗ trống mà các cuộc điều tra tham nhũng đã gây ra, bao gồm những vị trí cao cấp ở 3 thành phố của tỉnh. Nhiều viên chức không muốn nộp đơn, vì Sơn Tây quá mang tai tiếng tham nhũng.

Dường như ông Vương và ông Tập xem sự tắt nghẽn này là một rủi ro có thể chấp nhận được. Ngay từ ngày đầu cầm quyền, ông Tập đã tuyên bố rằng đảng đã bị đầy rẫy tệ nạn tham nhũng, có thể đưa đến sự sụp đổ. Những người tiền nhiệm của ông cũng dùng những ngôn từ như vậy, nhưng ông Tập có vẻ đương đầu với vấn nạn một cách mạnh bạo hơn.

Điều này phần nào liên quan đến mức độ quy mô của vấn nạn: những năm gần đây do mức tăng trưởng trên 10% trong một môi trường mà pháp lý mỏng manh, nên đã kích thích các quan chức thu vào những món tiền béo bở qua tham nhũng. Nó cũng liên quan đến một mối quan tâm chính trị rộng lớn hơn, đó là mạng nhện tham nhũng đã trở thành một trở ngại cho các cuộc cải cách kinh tế cần thiết để duy trì tăng trưởng trong những năm tới. Đảng mô tả các nhà điều tra chống tham nhũng như những nguời đi phá vỡ các "phe" muốn lật đổ chính quyền trung ương bằng cách ngăn chặn những cải cách của chính quyền. Vì vậy, những doanh nghiệp nhà nước kiểm soát các khu vực quan trọng của nền kinh tế, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, là một trong những mục tiêu chính.

Đến bây giờ, ông Tập và ông Vuơng dường như có sự hỗ trợ của những người xung quanh họ. Năm thành viên khác trong cơ quan quyền lực cao nhất của đảng, Ban Thường vụ Bộ Chính trị, đồng ý việc bắt giữ ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo an ninh quốc nội, ông Chu đã phục vụ trong cơ quan này cho đến khi ông nghỉ hưu năm 2012 (ông là người đầu tiên ở cấp này bị buộc tội tham nhũng trong lịch sử của đảng). 

Điều này cũng đúng cho ông Từ Tài Hậu, phó chủ tịch đã về hưu của cơ quan chỉ huy quân sự cao cấp, ông chính thức bị bắt giữ năm ngoái (ông qua đời vì bệnh ung thư ngày 15/3/2015), và nó cũng đúng cho một đồng nghiệp đã nghỉ hưu của ông là Phó Chủ tịch Quách Bá Hùng, mà chuyện bắt giữ có thể sẽ xảy ra. Việc nhắm vào những khuôn mặt này (ông Từ và ông Quách là hai sĩ quan cao cấp nhất của lực lượng vũ trang) ông Tập đã nắm chặc hơn lực lượng an ninh. Những nhà điều tra đang truy tố ông Chu, và có thể viện lý do ông thông đồng với cựu ủy viên Bộ Chính trị, ông Bạc Hy Lai (hiện đang thụ án tù chung thân), cũng như với các tướng lãnh, mà nhiều nguời trong nhóm bị nghi ngờ là chống lại việc ông Tập lên nắm quyền.

Ông Tập, ông Vuơng và những người khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã đến thăm những thành viên của cái gọi là "quý tộc đỏ", tức những con cháu của các cựu lãnh đạo mà họ thường được gọi, để đảm bảo sự hợp tác của họ. (ông Tập và ông Vuơng cũng là Thái tử Đảng). Các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc của đảng cho đến nay thoát được sự tồi tệ nhất mà chiến dịch chống tham nhũng mang lại (tức bị điều tra và giam giữ), nhưng họ được cho biết là phải trả lại các tài sản bất hợp pháp cho nhà nước và hạn chế lại các chi tiêu xa xỉ. Những nguời bị buộc trả lại có cả những người thân của ông Tập Cận Bình, những người mà theo báo cáo của Bloomberg năm 2012, đã tích lũy được hàng trăm triệu đô la (mặc dù Bloomberg không tìm thấy dấu hiệu họ hoặc ông Tập có hành vi sai trái). Nó cũng bao gồm các cộng sự viên của ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nuớc và tổng bí thư đảng.

Điều chắc chắn là một số nguời trong tầng lớp ưu đãi/elite đang bực bội, dù các mối đe dọa mà họ có thể gây ra cho ông Tập khó mà biết được. Các cuộc tranh luận bên trong của lãnh đạo Trung Quốc được che giấu hết sức bí mật. Mùa thu vừa qua có tin thân cận với giới lãnh đạo đảng cho rằng họ dự kiến ​​chiến dịch chống tham nhũng sẽ chấm dứt sớm bởi vì nó tạo một tâm lý tệ hại trong bộ máy công quyền. Nhưng đó có thể là một điều mơ tưởng: nếu phải nói điều gì, thì đó là chiến dịch được tăng cường. Trong 7 tháng đến 20/3/2015, có thêm 24 quan chức cấp Bộ đã bị bắt vì tham nhũng, nâng tổng số lên 69 trong vòng 28 tháng, cao hơn gấp đôi so với số lượng của 5 năm khi trước, dưới thời của người tiền nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào. Con số các quan chức cao cấp bị những công tố viên điều tra tham nhũng trong năm 2014 cao gấp 2 lần so với năm 2013 (xem biểu đồ).

Ông Vương sẽ về hưu năm 2017, nhưng ông đang cố gắng tăng sức mạnh UBKT để cho phép nó tiếp tục đánh bắt "các con hổ", tức các đối tượng cao cấp như được gọi lâu nay. Ông đã thuê thám tử từ các cơ quan khác và các kế toán điều tra từ các công ty nhà nước. Ông cũng tạo ra một đơn vị mới, lo việc nội bộ với quyền lực cực mạnh, để giám sát các quan chức chống tham nhũng.

Nhưng những nhà hoạt động/activists độc lập nào dám lên tiếng về sự tham nhũng của đảng, cũng bị đàn áp một cách tàn nhẫn tuơng tự như những nguời tham nhũng. Ông Tập đã chủ trì các cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến ​​nặng tay nhất trong nhiều năm qua, với việc bỏ tù các luật sư dám ăn dám nói và thắt chặt kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và internet.

Ông Vuơng nói rằng ông đối phó với tham nhũng bằng phuơng pháp ba giai đoạn. (1) Đầu tiên liên quan đến việc reo rắc nỗi sợ hãi, (2) Thứ hai đòi hỏi sự tăng cường pháp trị, làm cho khó khăn nhiều hơn ngay từ khi ban đầu nếu ai đó muốn tham nhũng. (3) Giai đoạn cuối cùng là sự thay đổi văn hóa chính trị của Trung Quốc để các quan chức thậm chí sẽ không nghĩ đến việc tham nhũng.

Tuy nhiên, trong hiện tại, không có gì khác, ngoài sự sợ hãi.

http://t.co/HbDbf3RyDY